TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, June 23, 2012

Ai bảo kê cho phòng khám Trung Quốc?


> Tiếp tục kiểm tra phòng khám Trung Quốc

TP - Năm lần bảy lượt bị xử phạt nhưng những sai phạm tại các phòng khám Trung Quốc ở TPHCM vẫn ngang nhiên… tái phạm. Sự lộng hành của những phòng khám này trước bất lực của ngành y tế được cho là có người "chống lưng".

Bác sĩ
Bác sĩ "chui" người Trung Quốc ở TPHCM .

"Bác sĩ chui" tự tung, tự tác

Mới chỉ đi vào hoạt động được 2 năm nay với cái tên Phòng khám đa khoa Trung Nam nằm trên đường 3/2 quận 11, nhưng nơi này đã bị ngành chức năng 3 lần xử phạt. Cách đây một năm, phòng khám này vô tư thuê bác sĩ Trung Quốc khám bệnh, nhưng thực tế người này chỉ là một xe ôm ở khu chợ Lớn.

Sai phạm này buộc phòng khám Trung Nam bị xử lý hơn 15 triệu đồng. Chưa hết, cuối tháng 11- 2011, phòng khám quảng cáo tâng bốc thành là bệnh viện đa khoa và dùng những thiết bị y tế không đăng ký lưu hành.

Hàng loạt thuốc được phát hiện ở đây đều ghi nhãn mác Trung Quốc và không chứng minh được nguồn gốc buộc cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.

Nhưng hơn 10 triệu đồng của lần xử lý vi phạm của Phòng khám này dường như vẫn không đủ "đô" khiến mới đây, phòng khám Trung Nam tiếp tục tái phạm.

Chiều 22-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục thanh tra đột xuất Phòng khám đa khoa Trung Nam ở đường 3-2, phường 16, quận 11.

Tuy nhiên, phòng khám này đã dán thông báo tạm ngưng hoạt động. Tại phòng khám không có bác sĩ người Trung Quốc thăm khám, chỉ còn lại bảo vệ và các điều dưỡng lẫn tiếp tân.

Cơ sở này do ông Nguyễn Vĩnh Thanh làm chủ cơ sở nhưng tại thời điểm kiểm tra ông này không có mặt. Toàn bộ thiết bị mang nhãn mác Trung Quốc ở phòng khám đều mới được dán giấy A4 "máy chờ thẩm định".

Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ bệnh án, cho thấy trong ngày 21-6, cơ sở này vừa khám chữa bệnh, cắt trĩ cho bệnh nhân bằng các thiết bị máy móc này.

Thậm chí chiếc quạt hơi nước đặt trong phòng khám bệnh cũng được dán giấy với dòng chữ "máy đang chờ thẩm định".

Một thanh niên được cho giúp việc ở phòng khám cho biết đã gửi Bộ Y tế từ cuối năm 2011 và đang chờ thẩm định...?chiếc quạt!?. Thanh tra còn phát hiện phòng khám truyền dịch, kháng sinh cho bệnh nhân nhưng không có chỉ định của bác sĩ.

Không chỉ sử dụng thầy thuốc người Trung Quốc không có chuyên môn, tại Phòng khám đông y Hiện Đại trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cũng in ấn phẩm "nổ" về cách chữa bệnh của mình.

Khi chúng tôi đến phòng khám đông y Trường An, ở đường Hồng Bàng, quận 11 để khám bệnh, nhân viên nơi đây quảng cáo với chúng tôi sẽ điều trị sỏi thận không cần mổ, không cần nội soi và nằm viện.

Tại Phòng khám đa khoa Trung Nam nhiều người được giới thiệu là bác sĩ Trung Quốc nhưng thực chất những người này đều không có chứng chỉ hành nghề.

Bác sĩ Q. bị vu khống?

Thông dịch viên cho bác sĩ Trung Quốc là chị H.T.P, từng làm ở Phòng khám đa khoa Trung Nam cho biết, có sự lộng hành của các phòng khám Trung Quốc trong thời gian qua là do bác sĩ Q. làm ở Thanh tra Sở Y tế TPHCM "chống lưng".

Trong đơn tố cáo gửi báo chí, chị P. cho biết, phòng khám này đã liên kết với bác sĩ Q. nên cứ mỗi đợt thanh tra thì phòng khám này được thông báo trước, vì vậy, khi đoàn kiểm tra Sở Y tế tới nơi, mọi thuốc men đều được tẩu tán, bác sĩ "chui" cũng núp kín.

Ngày 21-6, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM đến kiểm tra Phòng khám Y học Trung Quốc ở đường Thành Thái, quận 10 thì nơi đây đã cửa đóng then cài. Một tấm giấy ghi "tạm ngưng hoạt động" vừa được dán lên khiến không ít người hoài nghi đã có "tay trong" ở Sở Y tế loan báo.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là trước đó, ngày 20-6, đoàn thanh tra cũng bất ngờ vào phòng khám đa khoa Đầm Sen trên đường Hòa Bình, quận 11 thì nơi đây cũng đã dán thông báo "tạm ngưng hoạt động".

Tuy nhiên, trong cơ sở này vẫn có hai bệnh nhân đang truyền dịch. Chiều 21-6, một đoàn thanh tra của Sở Y tế cũng ập đến Phòng khám y học cổ truyền Đông Phương trên đường Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình.

"Chúng tôi chia ra để kiểm tra bất ngờ, nhằm bắt tận tay những sai phạm tại phòng khám này nhưng lạ thay, những người ở đây đã biết trước được và đối phó rất tinh vi"- một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết.

Phòng khám này dán bản "ngưng hoạt động để sửa chữa" nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân vừa mới khám và điều trị ở đây.

Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 22-6 trước thông tin, bác sĩ Q. ngoài bảo kê cho phòng khám Trung Nam và Đầm Sen còn "chống lưng" cho nhiều phòng khám khác, vị bác sĩ này khẳng định: "Những đơn tố cáo tôi bảo kê cho phòng khám Trung Quốc là vu khống nhằm hạ thấp uy tín của tôi".

Bác sĩ Q. cho biết đã làm tường trình gửi lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và đã làm việc với cơ quan công an nhằm làm rõ những tố cáo này. "Để bảo vệ uy tín cho mình tôi sẽ nhờ các cơ quan chức năng làm rõ ai đứng đằng sau các phòng khám Trung Quốc để vu khống tôi" - bác sĩ này nói.

Tước giấy phép với phòng khám có bác sĩ "chui"

Chiều qua 22-6, Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phòng khám Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận với mức xử phạt 45,5 triệu đồng. Ngoài ra, sở này cũng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của phòng khám Trung Quốc từ 6 đến 12 tháng, đồng thời giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Trung Quốc Long Bái Vân để xem xét. Trước đó ngày 18-6, khi kiểm tra phòng khám này nhiều "bác sĩ" Trung Quốc hoạt động chui nđã bỏ chạy để lại hàng trăm loại thuốc, dịch truyền không nguồn gốc rõ ràng.

Lê Nguyễ

Đấu giá 510 tấn phế liệu sắt đóng tàu thuộc Vinashin

Số sắt này được Công ty công nghiệp nông thủy sản Phú Yên đưa ra đấu giá thanh lý vào sáng 22/6 với mức khởi điểm 8.850 đồng mỗi kg. Một doanh nghiệp tại TP HCM đã thắng khi trả hơn 4,5 tỷ đồng cho cả lô hàng.

Công ty công nghiệp nông thủy sản Phú Yên thuộc Tập đoàn Vinashin, có cơ sở đóng tàu tại cảng Đông Tác, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên). Công ty tự tổ chức đấu giá thanh lý khoảng 510 tấn sắt đóng tàu và phế liệu, chứ không qua Trung tâm bán đấu giá Nhà nước.

Nhà xưởng đóng tàu mục nát, sắt để đống hoen gỉ của Công ty công nông thủy sản Phú Yên. Ảnh: Thiên Lý.
Nhà xưởng đóng tàu sắt để đống hoen gỉ của Công ty công nông thủy sản Phú Yên. Ảnh: Thiên Lý.

Giá khởi điểm mà Công ty công nghiệp nông thủy sản Phú Yên đưa ra là 8.850 đồng mỗi kg. Trong phiên đấu giá ngày 22/6 có 15 công ty tham gia, trong đó một công ty ở TP HCM giành được quyền mua khi trả sát với giá khởi điểm.

Số sắt này được công ty Công ty công nghiệp nông thủy sản Phú Yên nhập về năm 2009 để đóng hai con tàu 4.100 tấn, giá thời điểm đó 17.000 đồng một kg. Lô hàng hiện nay đã bị hoen gỉ một phần do dầm mưa nắng gần suốt 3 năm nay.

Ngoài ra, Công ty công nghiệp nông thủy sản Phú Yên còn thực hiện hợp đồng đóng một tàu hàng tải trọng 4.000 DTW theo đơn đặt hàng của Công ty cổ phần Vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định (cũng thuộc Vinashin) với giá trị 70 tỷ đồng, hiện cũng dở dang. Từ đó đến nay, con tàu vẫn cứ nằm không ngoài trời. Nhà xưởng đóng tàu trị giá hơn 20 tỷ đồng đã xuống cấp, nhiều giá đỡ thiết bị hoen gỉ.

Thiên Lý

Người Trung Quốc nuôi cá trái phép ở Hải Phòng


Cập nhật lúc :6:05 AM, 23/06/2012
Dù giấy phép đã hết thời hạn từ đầu năm 2011 đến nay, một người đàn ông Trung Quốc vẫn tiếp tục sinh sống, nuôi trồng và thu mua thủy sản tại Cát Bà, Hải Phòng mà chưa đến cơ quan chức năng khai báo.

Tiếp sau sự việc lao động Trung Quốc tràn ngập tại công trình Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, người dân Hải Phòng còn phát hiện thêm một trường hợp lao động Trung Quốc không phép tại Cát Bà, huyện đảo Cát Hải. Đáng chú ý, người này còn có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ địa phương, là con gái của nguyên Phó bí thư huyện ủy Cát Hải.

A Hùng trên bè nuôi cá ở vịnh Lan Hạ - Cát Bà Ảnh: Giang Linh

Giấy phép hết hạn hơn một năm rưỡi

Theo điều tra của phóng viên, người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc nói trên có tên là Tư Trí Hùng (Xu Zhi Xiong), sinh ngày 10.8.1957. Người dân huyện đảo vẫn quen gọi người này là A Hùng. A Hùng làm nghề nuôi cá lồng bè và kinh doanh giống thủy sản trên vùng biển Cát Bà, huyện đảo Cát Hải từ nhiều năm nay. Bè nuôi của A Hùng cũng như các bè nuôi khác trên biển Cát Bà đều không có giấy phép, nuôi tự phát.

Tiếp xúc với chúng tôi, A Hùng tỏ ra khá cởi mở và cho biết, đã có vợ và được một người con, năm nay con anh đã 30 tuổi, hiện đang  làm việc tại Trung Quốc. Năm 1999, A Hùng sang Việt Nam  làm việc cho Công ty liên doanh Hồng Thái nhưng được vài năm công ty này "chết yểu". Đến năm 2003, A Hùng quay sang ký kết, làm ăn với Công ty CP kinh doanh XNK thủy sản Hải Phòng, đầu tư nuôi cá bè tại trên vịnh Lan Hạ - Cát Bà. A Hùng bỏ ra vài trăm triệu đồng đầu tư trang thiết bị, sửa chữa và mở rộng bè lên 22 ô lồng, nhà tạm phục vụ trông coi, nuôi thả. Công việc chính không phải nuôi cá mà A Hùng chủ yếu kinh doanh giống thủy sản. Vào mùa, A Hùng cho tàu chạy về nước (Trung Quốc) lấy các loại giống cá như cá giò, cá sủ, cá song, cá hùng… cung cấp cho bà con nuôi, đồng thời thu mua cá thành phẩm của các hộ nuôi chở về Trung Quốc bán cho các đầu mối. Ban ngày A Hùng xuống bè, chiều tối lên bờ ngủ với vợ. A Hùng còn khoe, sắp được làm bố thêm lần nữa. Vợ mới của A Hùng là người thị trấn Cát Bà, đang công tác tại một trường tiểu học, hiện đang có bầu…

Theo tìm hiểu, A Hùng làm nghề nuôi cá lồng bè, kinh doanh giống thủy sản dưới danh nghĩa ký kết hợp đồng lao động với Công ty CP kinh doanh XNK thủy sản Hải Phòng. Mọi thủ tục giấy tờ đều do phía Công ty này đứng ra ký kết, lo liệu. Giấy phép mà Sở LĐ-TB-XH Hải Phòng cấp cho Tư Trí Hùng, có thời hạn đến ngày 19.1.2011. Đến nay, thời hạn đã hết nhưng A Hùng vẫn tiếp tục sinh sống, nuôi trồng, thu mua thủy sản mà chưa hề đến cơ quan chức năng khai báo, xin gia hạn hay xin về nước.

Địa phương "chưa biết"

Đáng chú ý, tại hợp đồng mà Công ty XNK thủy sản Hải Phòng lập ngày 31.12.2011, công việc của Trí Hùng được ghi: Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng bè cho công nhân lao động nuôi trồng thủy sản của Tổ nuôi cá lồng bè; hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá sấu sinh sản, sinh trưởng và rùa nuôi sinh trưởng cho công nhân lao động tại Trại giống Tôm càng xanh Tiên Lãng; Mức lương chính (hoặc tiền công): 3,8 triệu đồng/ tháng do Tổ nuôi cá lồng bè chi trả... Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, A Hùng cho biết, không được nhận lương mà còn bỏ tiền túi ra trả lương cho 3 lao động là người Việt Nam do A Hùng thuê giúp việc… Người dân huyện đảo cũng xác nhận, A Hùng không phải là chuyên gia kỹ thuật, hướng dẫn gì hết, mà công việc chính của anh ta chỉ là nuôi cá lồng, bán cá giống và thu mua hải sản, về bán lại tại Trung Quốc.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư huyện ủy Cát Hải về việc Tư Trí Hùng sinh sống và nuôi cá lồng bè, buôn bán cá giống và thu mua thủy sản trên địa bàn, ông Tùng tỏ ra rất bất ngờ, cho rằng chưa thấy cấp dưới báo cáo, nên "không hay biết". "Tôi sẽ hỏi lại phòng tổ chức và sẽ trả lời sau",  ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Đình Khượng, Giám đốc BQL các vịnh Cát Bà cho biết, việc quản lý nuôi trồng thủy sản trên biển Cát Bà là do Phòng NN-PTNT huyện quản lý. Việc có người nước ngoài tên A Hùng (tức Tư Trí Hùng) nuôi cá lồng bè, buôn bán giống thủy sản và thu mua hải sản tại Cát Bà, ông Khượng có được biết nhưng "không rõ lắm".

Khi sang Việt Nam, A Hùng thuê phòng tại nhà nghỉ K., tại thị trấn Cát Bà của ông L. - nguyên Phó bí thư huyện ủy Cát Hải làm nơi trú ngụ. Trong quá trình sinh sống tại đây, A Hùng lân la làm quen con gái của ông L. là bà P., (năm nay 46 tuổi, đã ly dị chồng và có một con). Đến nay, A Hùng không còn phải thuê nhà nữa mà dọn luôn về nhà bố vợ, ban ngày xuống bè cá, chiều tối lại lên bờ.

Giang Linh

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty