TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, March 26, 2011

Vốn chỉ có 2 tỷ đồng, "Đại gia" Việt Nam cho vay hơn 433 ngàn tỷ đồng


Thứ Bảy, 26.3.2011 | 11:30 (GMT + 7)

Một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh có các hợp đồng cho đối tác vay hơn 433.000 tỷ đồng. Điều đáng nói là, vốn điều lệ của công ty chỉ có 2 tỷ đồng.

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có Công văn số 1156/UBND-NC gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, TP; giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn về việc cảnh giác với hoạt động lừa đảo của Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện.

Công văn của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Công văn của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong thời gian qua, Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện đã ký hợp đồng cho vay vốn với 165 đơn vị doanh nghiệp trong cả nước, với tổng số tiền 433.054.403.582.658 đồng.

Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 5 cơ quan, doanh nghiệp ký hợp đồng vay vốn của Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện 2.962 tỷ đồng, gồm: Cty TNHH Bệnh viện Đa khoa Nhân An vay 450 tỷ đồng; Trường Mẫu giáo Hoa Phượng vay 110 tỷ đồng; dự án trồng rừng kinh tế bằng cây cao su của Cty TNHH Hữu Bích vay 352 tỷ đồng; Cty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản 722 vay 1.500 tỷ đồng; Cty Cổ phần Đầu tư Cao Nguyên vay 550 tỷ đồng.

Qua xác minh của cơ quan công an, Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện được thành lập ngày 21/12/2010; địa chỉ tại 666/68 đường3/2, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh; mã số doanh nghiệp 0310531392 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp; ngành nghề kinh doanh là xây dựng công trình công nghiệp và dân dụng, phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính. Giám đốc là bà Ngô Thị Thúy Hằng và 3 thành viên khác.

Điều đáng nói là, vốn điều lệ của Cty chỉ có 2 tỷ đồng nên số tiền đơn vị này cho vay tới trên 433 nghìn tỷ là hoàn toàn không thể.

Để ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo của Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, TP; giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn, khi quan hệ giao dịch, làm ăn với các đối tác cần tỉnh táo, cảnh giác; đặc biệt đối với Cty Cổ phần Tân Thiên Bảo Ước Nguyện, nếu không sẽ lâm vào tình cảnh của các cơ quan, đơn vị nói trên, dẫn đến mất hết tài sản khi ký hợp đồng vay vốn có thế chấp.

Theo Báo Thanh Tra

Giáo Dân Kỳ Lợi Bắt 5 Công An, Cán Bộ Tỉnh Tới Năn Nỉ Cha Xứ, Hà Tĩnh Đã Nộp Đất Cho Hãng Đài Loan, Phá Nhà Thờ, Đuổi Dân


Thứ Sáu, Ngày 25 tháng 3-2011
Tin Hà Tĩnh - Người dân Kỳ Anh bắt giữ 5 công an, phản đối công ty Đài Loan hủy hoại môi trường. Sự kiện xảy ra vào sáng hôm thứ hai vừa qua. Tin chi tiết cho biết bà con giáo dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bắt 5 tên Công an huyện Kỳ Anh, trong đó có một Phó Công an huyện và tạm giữ một xe hơi của công an huyện sau khi xịt lốp và bẻ bảng số. 5 người này đã bị bà con khống chế áp giải về nhà văn hóa xã và giam lại.

Trong lúc lộn xộn, Phó Công an huyện giả vờ điện thoại, tìm cách lẻn ra và trốn thoát được nhờ đi bộ vòng ra bờ biển sau đó hướng về phía cảng Vũng Áng và sau đó điện thoại cho công an huyện đem xe đón về. Tin các công an bị bắt giữ đã được công an huyện báo về công an tỉnh. Ngay lập tức công an tỉnh phái một phái đoàn vào làm việc với giáo dân xã Kỳ Lợi đồng thời gặp Cha xứ cùng các chức sắc giáo hội địa hạt thuyết phục bà con giáo dân trả tự do cho các tên công an bị bắt giữ.

Mãi đến 8 giờ tối ngày thứ ba bà con giáo dân mới thả cho chúng về. Sự việc bà con bất mãn là do cảng Vũng Áng đang cho tàu hút bùn cát lòng biển khu vực cảng nhằm đạt độ sâu. Đây là kế hoạch của tập đoàn công nghiệp nặng Formosa của Đài Loan cho dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại khu kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương. Việc cho tàu lớn hút bùn nạo vét cảng đã phá hủy môi trường sống, ảnh hưởng tới công việc đánh bắt cá của người dân.

Dân chúng tại đây đã làm đơn kiến nghị nhưng chính quyền vẫn làm ngơ và tiếp tục thi công phá hủy môi trường. Thế là bà con huy động nhiều người đa số là phụ nữ và trẻ em với số lượng đông, cùng với tàu thuyền đánh bắt cá ra phản đối đơn vị thi công. công an huyện được tin bèn phái phó công an huyện cùng 5 công an khác đến ngăn cản. Thay vì trình bày sự việc và lắng nghe nguyện vọng của người dân, các công an này đã hù dọa, khủng bố tinh thần người dân làm bà con bất mãn và huy động khoảng gần 200 người ra bao vây lực lượng công an. tiến hành bắt giữ cả người lẫn phương tiện.

(HÌNH 6-8)

Trước đó giáo dân Đông Yên cũng đã gửi đơn kiến nghị giải quyết thiệt hại ngư trường và ngư cụ của dân làng Đông Yên do việc xây dựng cảng biển Sơn Dương gây ra. Tuy nhiên đề nghị này cũng không được quan tâm, đáp ứng. Đặc biệt nguồn tin cho biết một vùng đất khoanh vùng đã nộp cho Đài Loan ngay tại Hà Tĩnh, có một vùng đất thuộc Kỳ Anh đã trở thành khu tô giới của Tàu Đài Loan gọi là Cảng Vũng Áng.

Ở đó, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa của Đài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại khu kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương, với 100% vốn nước ngoài. Dự án này Đài Loan đầu tư và nắm toàn bộ những lĩnh vực cốt tử của nền công nghiệp tại đây bao gồm cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy sx thép và nhà máy điệnà Chủ trương này do Phó Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Hoàng Trung Hải ký từ tháng 3 năm 2008 và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Hiện nay khu vực Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã hình thành một khu tô giới của Đài Loan giữa miền Trung Việt Nam. Khu vực đó không có dân sinh sống, ngăn cách với bên ngoài bằng hào sâu, thành lũy kiên cố, người Việt Nam không được bén mảng vào trong khu vực độc lập này. Để thực hiện dự án bán đất trọn gói này cho nước ngoài, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Hà Tĩnh đã không ngần ngại đuổi dân ra khỏi khu vực để giao đất cho Tàu mà cả nhà thờ, thánh thất đều được dỡ bỏ. Một ngôi nhà thờ họ đã bị dỡ bỏ để đền bù mấy trăm triệu đồng là nỗi đau của giáo dân Giáo phận Vinh mới đây.

Chống khai thác titan, dân Quảng Trị bắt trói công an

Nam Phương/Người Việt

QUẢNG TRỊ (NV) - Hàng trăm người dân ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã trói phó công an xã, đòi lại một thùng thư dân nguyện quyên góp việc chung ở địa phương.

Hoạt động khai thác titan đã tàn phá tan hoang bờ biển Vĩnh Thái. (Hình: SGGP)

"Thùng thư chung của làng quyên góp từ năm này sang năm khác bị công an xã đến lấy đi. Người ta cố ý lấy số tiền đó" mà một trong những mục đích là sử dụng cho các phí tổn liên quan tới việc khiếu nại việc khai thác cát titan ở vùng biển nói trên.

Trong cuộc tiếp xúc với nhật báo Người Việt hôm Thứ Sáu, một người địa phương kể cho biết sự việc đã xảy ra vào ngày Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011 vừa qua.

"Phó công an xã đã bị người dân giữ cho tới khi đại diện công an từ tỉnh về giải hòa thì dân mới thả." Người dân thôn Thâm Khê yêu cầu ẩn anh nói với báo Người Việt.

"Dân làng chúng tôi chống lại khai thác cát titan vì qua kinh nghiệm của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, sau khi khai thác, nguồn nước bị cạn kiệt. Nước còn lại bị hóa chất đỏ lòm không dùng được." Người đó nói. "Không những vậy, chỗ họ muốn lấy titan là nơi có nghĩa trang dân làng có các ngôi mộ tổ tiên cả trăm năm, bây chừ họ muốn phá bỏ hết."

Một người dân khác nói rằng: "Nước không uống được nữa, dân sẽ chết."

Theo các người dân Thâm Khê nói với báo Người Việt, ngày Thứ Năm, "có một phái đoàn gồm phó chủ tịch tỉnh, phó công an tỉnh Quảng Trị nói, nếu dân không đồng tình thì không làm." Nhưng một trong số các người dân này tỏ vẻ hoài nghi sự thành thật của các ông quan nói trên khi nói "rồi không biết sao vì có vẻ như các sự sửa soạn để khai thác titan ở Thâm Khê vẫn âm thầm tiến hành."

Theo lời một người dân nói với báo Người Việt: "Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tới 7 lần cho các cấp từ huyện tới tỉnh, cả chính phủ, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An, Quốc Hội, nhưng đều không được trả lời."

"Nếu họ vẫn cứ làm thì sao?" Một trong hai người dân Thâm Khê nói: "Chúng tôi sẽ biểu tình, kiên quyết chống."

Ngày 24 tháng 10, 2010, báo Công An Nhân Dân (CAND) đã có bản tin nói: "Người dân thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vừa gửi đơn cầu cứu tới đơn vị chức năng ở tỉnh này về việc cán bộ xã Thâm Khê và cán bộ huyện Hải Lăng đã triệu tập người dân đến nhà ông Nguyễn Minh Trí ở đội 2, thôn Thâm Khê để vận động bà con đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân khai thác titan trên địa bàn."

Bản tin CAND nói: "Trong cuộc họp, bà con đã không đồng ý và sau đó đã phản ánh nội dung của cuộc vận động trên bằng văn bản, gửi đến UBND xã Hải Khê và UBND huyện Hải Lăng nhờ can thiệp không cấp phép cho doanh nghiệp khai thác titan ở đây. Tuy nhiên, mong muốn của bà con đã không được chính quyền các cấp hồi âm."

Trước đó, đầu năm 2010, "cán bộ xã Hải Khê và cán bộ huyện Hải Lăng đã vận động bà con đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân khai thác titan trên địa bàn. Người dân Thâm Khê kịch liệt phản đối."

Theo một người dân Thâm Khê, công an đã đánh dân bằng gậy khi bị phản đối lúc cướp thùng thư quyên góp của dân. Nổi giận vì hành vi ngang ngược của công an "hàng trăm người dân, hầu hết là phụ nữ" đã "bắt trói phó công an xã Hải Khê giam ở đình làng."

Sau khi khai thác titan, nhiều công ty đã không hoàn trả mặt bằng mà để lại những hố sâu hoắm bẫy người dân. (Hình: Pháp Luật TP)

"Nếu họ vẫn tiến hành khai thác cát titan, có thể có đổ máu," nguồn tin nói với báo Người Việt. "Người dân chúng tôi rất cương quyết bảo vệ nguồn sống."

Cát titan là một dạng thiên nhiên của một thứ kim loại gọi là titanium. Nó nhẹ chỉ bằng nửa thép nhưng có độ bền không kém. Titanium được khai thác để sử dụng trong các kỹ nghệ hàng không, điện toán, xe hơi, y khoa và rất nhiều ngành kỹ nghệ khác nhau khi sản xuất thành những hợp kim.

Việt Nam không có kỹ nghệ nặng để sử dụng cát titan nên từ hơn 20 năm qua, những công ty lớn nhỏ ăn chịu với đám quan chức các cấp tận lực đào xới để xuất cảng cát titan thô. Hệ quả, những vùng biển dài chạy từ Quảng Bình đến tận Bình Thuận, xưa nay được trồng phi lao giữ cát, chống bão đều bị phá hủy hoàn toàn, để lại những vũng lầy ô nhiễm.

Rất nhiều bài báo của các tờ Tuổi Trẻ, Lao Ðộng, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp Luật TP Sài Gòn, Thanh Niên, đưa ra các loạt bài nói về tình trạng khai thác cát titan bừa bãi dọc theo biển các tỉnh miền Trung. Các công ty này hứa hẹn "hoàn thổ" trả lại môi trường cho địa phương sau khi lấy cát titan, nhưng thực tế, tất cả đều làm ngược lại.

Chỉ riêng ở tỉnh Quảng Trị, ngày 29 tháng 6, 2009, báo SGGP đã mô tả tình trạng "tan hoang bờ biển Vĩnh Thái" thuộc huyện Vĩnh Linh "Những cánh rừng phi lao ven biển Vĩnh Thái đã bị chặt phá, đào bới từ gần 20 năm nay để phục vụ việc khai thác titan. Trơ lại giữa cát là gió bụi cùng hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ những cỗ máy hút cát ầm ào chạy suốt ngày đêm."

Ngô Thế Thanh, phó bí thư đảng ủy của xã Vĩnh Thái kêu trong bản tin của tờ SGGP: "Việc các công ty khai thác titan trên địa bàn xã Vĩnh Thái không thực hiện nghiêm túc các cam kết ban đầu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và an sinh xã hội. Ðơn cử, việc tôn tạo các án cát không kịp thời, không đảm bảo, dẫn đến nước biển tràn vào ruộng đồng và đe dọa khu dân cư. Ðó là chưa kể có những án cát sau khi bị phá hủy sẽ không tôn tạo lại được do đặc điểm địa hình, quy trình bồi lấp của biển."

Ngày 30 tháng 5, 2010, tờ Thiennhien.net kêu rằng: "Gần 20 năm nay, những cánh rừng phi lao ven biển Vĩnh Thái và một số địa phương khác ở Gio Linh (Quảng Trị) đã bị chặt hạ, bờ biển bị đào bới phục vụ cho việc khai thác titan. Và ngày nay, hậu quả là quá trình sa mạc hóa và cạn kiệt nguồn nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân."

Tất cả các vụ khai thác titan đều bị dân chúng kịch liệt chống đối, các báo lên tiếng nhưng tất cả đều rơi vào quãng không.

Bây giờ, công ty Hiếu Giang đang chuẩn bị cày xới các đồi cát trồng phi lao phòng hộ ở thôn Thâm Khê mà người dân nơi đây quyết liệt chống đối.

“Hộp đen” sẽ giám sát tài xế cho Công an ???

"Hộp đen" sẽ giám sát tài xế

SGTT.VN - Thông tư "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô" vừa được bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành, có hiệu lực từ 23.4.2011. Thông tư quy định từ 1.7.2011 xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container bắt buộc phải gắn "hộp đen".

Cơ quan chức năng kỳ vọng, từ 1.7.2011 tai nạn giao thông sẽ giảm nhờ có hộp đen giám sát tài xế. Ảnh: Thanh Thanh

Liên tục ghi, liên tục phát

Thiết bị giám sát hành trình hay còn gọi là "hộp đen" được gắn trên xe khách, xe container phải có bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, đồng hồ đo thời gian thực, bộ phận nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS, bộ phận thu nhận thông tin lái xe, cổng kết nối, bộ phận thông báo trạng thái hoạt động thiết bị… và phần mềm phân tích dữ liệu.

Thiết bị hộp đen phải có tính năng liên tục ghi, lưu giữ và truyền phát qua mạng internet về máy tính của doanh nghiệp vận tải để lưu trữ theo quy định các thông tin tối thiểu về quá trình khai thác, vận hành của xe gồm: thông tin về xe và lái xe; hành trình của xe; tốc độ vận hành của xe; số lần và thời gian dừng, đỗ xe; số lần và thời gian đóng, mở cửa xe; thời gian làm việc của lái xe...

Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, do ngày càng nhiều doanh nghiệp chào hàng các thiết bị này, nên chính hiệp hội đã kiến nghị cho bộ phải ban hành quy chuẩn "hộp đen" để tránh lãng phí, tiêu cực.

Theo nghị định 91 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, đến ngày 1.7.2011, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container phải gắn thiết bị giám sát hành trình; đến ngày 1.1.2012, xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn thiết bị giám sát hành trình.

Theo ông Hùng, đối với các doanh nghiệp vận tải lớn, trình độ quản lý cao thì dễ dàng xây dựng trung tâm quản lý thông tin tại chính doanh nghiệp, nhưng với các nhà xe nhỏ lẻ tại các địa phương thì rất khó có được hệ thống quản lý này. Do vậy, ông Hùng gợi ý, các sở giao thông tại các địa phương nhỏ phải xây dựng một trung tâm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu của các nhà xe nhỏ lẻ, bởi thực tế số các nhà xe này tham gia chạy đường dài chiếm tỷ lệ không nhỏ và thường là đối tượng chạy ẩu nhất.

Tài xế sẽ bớt chạy ẩu?

Bộ GTVT cho hay đã giao cục Đăng kiểm gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp, chủ phương tiện; đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trước khi áp dụng chính thức.

Đại diện vụ Vận tải (bộ GTVT) cũng thừa nhận, với các nhà xe chỉ một – hai xe thì "đúng là sẽ khó khăn". Bộ GTVT sẽ giao các sở địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát để triển khai có hiệu quả. Cùng với đó sẽ phối hợp các lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm nếu xe nào vi phạm từ sau ngày 1.7.2011.

Ông Cao Xuân Hồng, phó tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát về trật tự xã hội (bộ Công an) cho rằng, việc lắp hộp đen sẽ tạo chuyển biến đáng kể trong ý thức chấp hành giao thông của tài xế, nhất là các tài xế hay phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách... Từ những thông số mà hộp đen cung cấp cơ quan chức năng, có thể hình dung rõ hơn nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông. "Chưa kể, khi quy định lắp hộp đen có hiệu lực, ngành công an hoàn toàn có thể sử dụng những thông tin này để "phạt nguội" các hành vi vi phạm", ông Hồng nói.

Chí Hiếu

Với cường độ 5 richter, Tp HCM sẽ có 30 - 40% nhà cửa sập.

Ứng phó nguy cơ động đất, sóng thần

>> Ý kiến khác nhau về việc mây phóng xạ lan đến Việt Nam

TP - Các chuyên gia dự báo nếu tâm chấn động đất xảy ra ở trung tâm TPHCM với cường độ 5 richter, sẽ có 30 - 40% nhà cửa sập.

Bản đồ phân vùng động đất tại TPHCM 	Ảnh: L.T
Bản đồ phân vùng động đất tại TPHCM. Ảnh: L.T .

Theo đại diện Liên đoàn Địa chất bản đồ miền Nam (LĐ ĐCBĐMN), TPHCM chịu tác động bởi nhiều đới đứt gãy nên có nhiều khả năng xảy ra động đất. Từ năm 1967 đến nay, TPHCM xảy ra nhiều trận động đất, lớn nhất là trận động đất 4,8 độ richter ở khu vực cửa biển Cần Giờ (năm 1967).

TPHCM chịu ảnh hưởng bởi các đới đứt gãy sông Vàm Cỏ Đông; sông Sài Gòn, Bình Long-Chứa Chan; DakMil-Bình Châu; Hòn Khoai-Cà Ná; Mỹ Tho-Gò Công, Cửu Long - Côn Sơn, Thuận Hải - Minh Hải… 

LĐ ĐCBĐMN mới đây hoàn thành bản đồ "Phân vùng nhỏ động đất TPHCM". Dự báo cường độ động đất xảy ra mạnh nhất ở TPHCM sẽ không vượt quá 5,5 độ richter và độ sâu tiêu chấn không vượt qua 17 km.

Dù được xác định ít có nguy cơ song mức độ thiệt hại khi xảy ra động đất là rất cao. Bởi phần lớn diện tích TPHCM nằm trên nền đất yếu, nhiều nơi có nguy cơ đất hóa lỏng nhất là khu vực ven sông thuộc khu đô thị Nam Sài Gòn. Viện Vật lý địa cầu, cảnh báo nếu tâm chấn động đất xảy ra tại trung tâm TPHCM với cường độ 5 richter, sẽ có 30-40% nhà cửa bị đổ sập.

Sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất

Năm 2008, Sở TN&MT TPHCM ban hành phương án ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần. Năm 2010, TPHCM chọn huyện Cần Giờ diễn tập ứng phó sự cố sóng thần, nước biển dâng và bão đổ bộ. TPHCM cũng chọn quận 4 (nằm gần đới đứt gãy sông Sài Gòn, bị thiệt hại nặng nhất nếu xảy ra động đất) để diễn tập ứng phó với dư chấn động đất.

Theo Sở TN&MT, TPHCM có thể xảy ra động đất gây sóng thần ở khu vực ven biển. Vì vậy, theo kịch bản, toàn bộ quận, huyện phải ứng phó, khắc phục hậu quả động đất. Riêng hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè ứng phó thêm hiểm họa sóng thần.

TPHCM đã phát hành rộng rãi Sổ tay Hướng dẫn một số biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn TPHCM, tuyên truyền kiến thức cần thiết để người dân tự bảo vệ khi có động đất.

Đối với hiểm họa sóng thần, theo Sở TNMT, cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ cho khu vực; thiết lập hệ thống cảnh báo sóng thần.

Quy hoạch và áp dụng giải pháp phòng chống sóng thần hợp lý cho các công trình trong khu vực hai huyện Cần Giờ, Nhà Bè; áp dụng giải pháp giảm tác động của sóng thần, như: tường chắn, rừng cây, giải pháp kết cấu, vật liệu, bố trí mặt bằng... Khi xuất hiện nguy cơ, địa phương tổ chức sơ tán người dân vào sâu trong đất liền cách bờ biển trên 10km.

Bộ Xây dựng đã phân vùng động đất cụ thể cho từng quận - huyện. Theo quy định, các công trình xây dựng ở TPHCM đều được thiết kế chịu động đất cấp VII. Mỗi quận - huyện có mức độ bị ảnh hưởng riêng. Việc phân vùng động đất để giúp từng quận - huyện tính toán độ kháng chấn cho từng công trình phù hợp, tránh lãng phí.

Theo Phó giám đốc Sở XD Nguyễn Văn Hiệp, sau mỗi lần xảy ra động đất, Sở đều kiểm tra một số chung cư cũ, cao ốc. Hầu hết chỉ bị rung lắc, chưa có công trình nào bị thiệt hại sau động đất.

TS Nguyễn Sinh Minh, Viện trưởng Viện KHCN và Kinh tế xây dựng Hà Nội, cảnh báo, các kết quả nghiên cứu cho thấy Hà Nội nằm trong vùng động đất trung bình đến cấp 8, nhưng nhiều người còn chủ quan, công tác tuyên truyền rất hạn chế.

Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, những toà nhà cao tầng mới xây đã được tính toán kháng chấn. Nhưng hàng trăm chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, hàng vạn nhà dân tự xây không được kiểm soát về chất lượng. Đợt rung chấn tối 24-3 được coi là sự kiểm chứng đối với văn bản chỉ đạo mới đây của UBND thành phố Hà Nội về cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất.

Tuấn Minh  


Phạm Lê Thư

Xe bơm bê tông của Việt Nam khắc phục sự cố hạt nhân ở Nhật


SGTT.VN - Ngày 25.3, Chính phủ Nhật chuyển lời cảm ơn đến công ty CP đầu tư Sông Đà - Việt Đức về việc công ty đã cho mượn một chiếc xe bơm bê tông giúp phun nước làm nguội lò phản ứng ở nhà máy Fukushima 1. Chiếc xe bơm bê tông nhãn hiệu Putzmeister đã được sử dụng để đưa nước vào lò phản ứng số 4, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Xe bơm bê tông có cần dài 58m của công ty CP đầu tư Sông Đà - Việt Đức tham gia bơm nước làm mát lò phản ứng số 4, nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Ảnh: Kyodo

Công ty Sông Đà - Việt Đức là đơn vị đã đặt mua xe bơm bê tông có cần phun dài 58m (trị giá hơn 30 tỉ đồng/chiếc) từ Đức. Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật đúng vào thời điểm vận chuyển xe qua cảng Yokohama (Nhật).

Nhận được yêu cầu giúp đỡ, công ty Sông Đà - Việt Đức đã đồng ý để Nhật sử dụng xe vào công tác xử lý sự cố tại Fukushima. Chiếc xe đã được sử dụng rất hiệu quả đúng vào thời khắc nguy cấp nhất tại các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại. Chỉ trong ngày 22.3 xe đã phun 150 tấn nước/giờ vào lò số 4.

Hai tuần sau thảm họa, thủ tướng Naoto Kan bày tỏ sự bi quan về tình trạng của nhà máy Fukushima "sẽ tệ hại hơn trong những ngày tới và vẫn đang rất trầm trọng".

Dù các công nhân, chuyên gia đã nỗ lực hết mức để khắc phục sự cố, nhà máy vẫn tiếp tục rò rỉ nồng độ cao phóng xạ ra không khí. Đại diện cục An toàn Hạt nhân Nhật tiết lộ phần lõi lò phản ứng số 3 đã bị hư hại nghiêm trọng, chức năng lưu chứa của lò bị yếu đi. Trước mắt, lực lượng quân đội Mỹ sẽ được tăng viện nhằm vận chuyển nước sạch và xe bơm bê tông để làm nguội các lò hạt nhân.

Cục An toàn Hạt nhân đã xếp vụ khủng hoảng Fukushima ở mức 5 trong thang điểm quốc tế về mức độ nghiêm trọng của các vụ khủng hoảng hạt nhân. Cơ quan này đang xem xét tới việc nâng mức xếp hạng thêm một mức.

Trước tình hình này, Chính phủ Nhật khuyến cáo dân chúng tình nguyện đi sơ tán nếu ở trong vòng bán kính 20 - 30km tính từ nhà máy Fukushima 1. Bộ Y tế Nhật đã phát hiện thấy có chất phóng xạ cesium trong mẫu lá rau cải Nhật trồng tại Tokyo. Mức phóng xạ là 890 becquerel/kg trong khi giới hạn cho phép là 500 becquerel.

Bá Nha (Reuters, Kyodo, AP

Đám tang ông Trịnh Xuân Tùng, tiếng kêu xé lòng và chuyện người đưa đám


Người chết đã chết, đã yên dưới ba tấc đất. Nhưng cái chết này hình như không để lại cho những người thừa hành công vụ mà chúng tôi đã gặp ở đây một chút suy nghĩ, một sự lay động lương tâm nào từ cái chết oan nghiệt đó.

Họ có còn lương tâm để dằn vặt nữa hay không?

Ông Trịnh Xuân Tùng, người bị viên trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đánh gãy cổ và chết trong bệnh viện, đã được chôn cất xong ngày 23/3/2011. Chúng tôi đã đến viếng và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ.

Cuối cùng, thì một con người cũng đã ra đi, nói như điếu văn trong tang lễ của ông tại nhà tang lễ Thanh Nhàn "thì sinh có hạn, tử bất kỳ", chuyện sống chết là quy luật của cuộc sống.

Đành rằng có những cái chết bất kỳ, nhưng cái chết của ông xem ra không nằm trong quy luật này. Cái chết đến với ông không do bệnh tật tự thân ông mang, không phải ở chiến trường, không phải nơi biển cả, động đất, cũng không phải là một tai nạn giao thông thường thấy ở Việt Nam… mà chính từ một nhân viên công lực mang danh "vì nhân dân".

Tôi đã định sẽ không viết gì thêm nữa về cái chết của ông. Nói nhiều mà làm gì về một nỗi đau của con người, của con cháu ông, gia đình ông… Hãy để ông được nghỉ ngơi nơi chín suối và con cháu ông được thanh thản. Vì dù sao sự việc cũng đã xảy ra, có làm gì thì ông cũng không thể sống lại.

Hôm nay, tôi lại đi đám tang của một người khác, cụ cố của một linh mục. Đám tang cũng có những tiếng khóc, những tiếc than đau đớn của con cháu… Nhưng, ở đám tang này không có những cảnh tôi đã nhìn thấy chiều qua.

Đám tang chiều qua

Chiều qua có một đám tang, một đám tang khá đặc biệt của ông Trịnh Xuân Tùng.

Tiếng kêu gào của cô Kim Tiến, con gái ông Tùng trước đám tang, dù tôi cố quên đi cũng không thể nào quên được: "Bố ơi, bố có nghe tiếng con gọi bố không? Bố ơi bố, bố chết oan lắm bố ơi…". Tiếng gọi vang xa làm cả đoàn người đứng lặng.

Sáng nay, anh bạn tôi nói: "Tôi chảy nước mắt khi nhớ lại tiếng kêu đó, nó cứ văng vẳng bên tai cả đêm qua, ngay cả trong giấc ngủ".

Và, tôi sẽ phải viết lại điều này, một tội ác mà không mổ xẻ nguồn gốc tận căn, còn được nuông chiều thì sẽ còn có nhiều nguy cơ tồn tại và phát triển.

Chúng tôi đến Nhà tang lễ bệnh viên Thanh Nhàn cùng với đoàn giáo dân Hà Nội đến viếng xác kẻ chết. Khi đến nơi, đập vào mắt chúng tôi dọc đường đi và ngoài cổng cũng như trong sân nhà tang lễ là lực lượng công an, cảnh sát chìm, nổi hết sức đông đúc.

Trước lối vào nhà tang lễ Thanh Nhàn

Những người bạn cùng đi với chúng tôi chỉ rõ cho tôi biết ai là công an, ai không phải là công an rất rành rẽ trong khi tôi cũng chẳng chú ý lắm đến điều này. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Sao anh biết ai là công an, ai không phải, họ đều mặc quần áo bình thường cả cơ mà?". Anh bạn tôi trả lời: "Chỉ nhìn qua nét mặt, tôi chỉ chính xác cho ông đến 99%". Thì ra là vậy, anh đoán rằng số công an có mặt vì đám tang này, chắc hẳn không phải là con số hàng chục.

Sau đoàn chúng tôi vào viếng là đoàn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội do một Phó Giám đốc Công an dẫn đầu.

Tôi bảo anh bạn: "Họ đến nhiều cũng tốt thôi, ít nhất họ đến để chia sẻ với gia đình, với nạn nhân, vì dù sao gây nên cái chết này cũng chính là đồng đội của họ và khi họ chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân, chắc họ sẽ phải suy nghĩ để những hành động tương tự không lặp lại".

Anh bạn tôi không nói gì, chỉ nhìn tôi cười rất mai mỉa sau câu nói của tôi.

Đoàn đại biểu giáo dân Hà Nội do linh mục Nguyễn Văn Phượng dẫn đầu kính viếng

Chúng tôi xếp hàng, vào thắp hương kính viếng hương hồn ông trước khi vĩnh biệt cõi đời, đọc mấy lời kinh cầu cho linh hồn ông dù ông không cùng tôn giáo thì ông cũng được mát mẻ hơn với sự chia sẻ của mọi người.

Di ảnh ông nhìn thẳng, trước linh cữu ông, tôi cứ nghĩ mãi về cuộc đời một con người đã vất vả với những năm tháng cống hiến cho đất nước trong quân ngũ, những năm tháng vất vả gây dựng gia đình sinh con và nuôi con ăn học, phải từ giã cõi đời khi mới tuổi 54 để lại chiếc lá vàng là mẹ già hơn 90 tuổi thiếu người nuôi dưỡng.

Những người đến dự đám tang, ngoài lực lượng công an đông đúc, số giáo dân đến từ các giáo xứ, giáo họ khá đông, khi chúng tôi viếng xong, một đoàn giáo dân khác lại tiếp tục đến viếng. Chúng tôi thấy ấm lòng hơn về tinh thần yêu thương đúng với giáo lý thương người của Chúa răn dạy.

Cách đây mấy hôm, một cán bộ an ninh sau nhiều lần điện thoại để gặp gỡ nhưng tôi bận bịu vì đi vắng, hai cán bộ đã đến nhà và khuyên tôi không đi đám tang và không viết về ông Tùng. Tôi có nói rằng: "Việc đi viếng xác kẻ chết thuộc về yêu cầu tôn giáo chúng tôi, không thể không đến khi có điều kiện. Còn viết, tôi chỉ viết sự thật mà thôi". Và đến đây, tôi lại gặp những gương mặt này.

Cũng như những đám tang khác tại nhà tang lễ mà tôi đã nhiều lần đến tham dự tại đây, chỉ có điều trong điếu văn truy điệu do một người của nhà tang lễ đọc, thì cái chết được nêu lên là do tai nạn. Đúng là với ông Tùng, đó là một tai nạn, một điều ông không lường trước, nhưng có lẽ nguồn gốc cái tai nạn này, người ta muốn bỏ qua.

Cô Kim Tiến, con gái ông Tùng sau đám tang cho tôi biết qua điện thoại rằng: "Khi tổ chức, nhà tang lễ đề nghị để họ làm ban tổ chức và đọc điếu văn cho luôn, lẽ ra gia đình cháu phải duyệt điếu văn, nhưng tang gia bối rối nên không quản lý hết được. Đến khi đọc là tai nạn, cháu đã định phản ứng, nhưng trước giờ phút tiễn biệt bố cháu, cháu muốn để bố cháu được yên".

Rồi đám tang bắt đầu đi, qua các phố Hà Nội, lượng công an dày đặc hiếm có, họ phân đường, hướng dẫn giao thông giải thoát cho đám tang hết sức tích cực và nhanh chóng làm những người đi đường ngơ ngác. Chắc hẳn chưa có đám tang nào được sự ưu tiên như đám này.

Đưa linh cữu về qua nhà ông ở 525 Trần Khát Chân, lượng người đông đúc đứng tham dự, đứng xem tràn ra vỉa hè, trên cầu vượt. Chiếc xe chầm chậm lăn và đến một đoạn ngắn thì một người (sau này tôi mới biết là công an), bảo người lái xe dừng lại.

Bố ơi, bố có nghe tiếng con không? Bố chết oan lắm

Hầu như, việc dẫn đường, di chuyển đám tang, chỉ đạo những người mặc thường phục đến đây, đều do người này điều động.

Chuyện trên đường đưa đám

Đám tang di chuyển theo đường Đại Cồ Việt – Giải phóng và nhằm thẳng hướng Thường Tín. Dọc đường, bất cứ ngã ba, ngã tư nào đều có dày đặc cảnh sát giao thông, công an các loại và dân phòng nhiều vô kể. Họ chặn đường, giữ cho đám tang đi nhanh chóng. Nhiều người dân thấy lạ đứng nhìn theo và hỏi nhau mới biết là đám tang nạn nhân của viên công an.

Khắp những đoạn đường xe tang đi qua, cảnh sát dẹp đường

Chiếc xe tang dẫn đầu, xe chở gia đình đi theo và sau đó là một đoàn xe con gồm 5 chiếc nghe nói là xe của công an, trong đó có chiếc xe nhìn mới tinh biển số 29A-000.67 mà mọi người nói với tôi là đang chở Phó Giám đốc Công an, chiếc xe này đi đến đoạn đường Giáp Bát. Bên cạnh là hàng loạt xe máy, thậm chí có nhiều xe chở nhau chẳng cần mũ bảo hiểm vẫn chạy song song. Xe chúng tôi đi sau cùng, chỉ trước một chiếc xe của cảnh sát giao thông.

Chúng tôi định tiễn chân ông một đoạn và đi về, nhưng những sự việc xảy ra sau đó đã không như tôi nghĩ buộc chúng tôi đi đến tận nơi.

Chúng tôi đang đi theo đoàn xe tang, bỗng nhiên những chiếc xe biển xanh số 33A-4789 , 31A-7592, 31C-6688 và chiếc xe biển trắng 29X-6969 chuyển vị trí.

Từ chỗ đi trước các xe đó chuyển sang đi sau và đi bên cạnh, riêng chiếc xe biển xanh mang biển số 33A-4789 đi phía trước liên tục chèn xe chúng tôi. Người bạn lái xe của chúng tôi đã hết sức bình tĩnh, nhưng dù đi nhanh, đi chậm, sang trái hay sang phải, chiếc xe biển xanh vẫn cứ lượn hình chữ chi để chặn đường, bất kể đó là đường vạch liền hay vạch đứt.

Lúc đầu chúng tôi hơi ngạc nhiên, nhưng qua mấy đoạn đường liên tục như vậy, chúng tôi hiểu rằng họ cố tình chèn chúng tôi bất chấp tai nạn và dòng người đi đường đông đúc.

Những chiếc xe biển xanh bắt đầu biểu diễn xiếc trên đường

Liên tục lượn chữ chi chặn đầu xe chúng tôi

Điều rất lạ, là những người ngồi trong những chiếc xe này là cán bộ công an hẳn hoi sao lại có những hành động như vậy trong khi đưa đám tang? Đến đây, chúng tôi hiểu rằng họ đến không phải để đưa tiễn người đã chết oan uổng vì chính đồng đội của họ.

Thậm chí, trên đường, họ là những người hoàn toàn gương mẫu trong việc vi phạm luật giao thông đường bộ. Chắc họ cho rằng mình là công an, nên bất chấp luật lệ đi đường, dù đường hẹp, vạch liền, họ vẫn cứ đè vạch không thương tiếc.

Liên tục chiếc xe biển xanh này của công an Hà Nội đè vạch liền và vi phạm luật giao thông trên quãng đường dài

Một người bạn tôi nói đùa: "May hôm nay, Trung tá Nguyễn Văn Ninh đã bị bắt, nếu không thì tay lái xe này không khéo lại bị đánh gẫy cổ lần nữa". Nhưng không phải thế, qua những đoạn đường có cảnh sát giao thông đứng dẫn đường, tất cả đều giơ tay chào rất trịnh trọng khi những chiếc xe này đi qua.

Khi không thể chèn được chúng tôi hơn nữa, đến ngã tư Văn Điển thì chiếc xe biển xanh ép hẳn xe chúng tôi vào lề đường và một cảnh sát xuất hiện ngay trước mũi xe chúng tôi, bên cạnh đó chiếc xe biển xanh 31C-6688 đã dừng lại đó từ trước, đằng sau, chiếc xe cảnh sát giao thông với còi hụ đã kịp tiến lên gần.

Nhận chỉ thị

Cảnh sát chặn đầu xe đòi giấy tờ mà không có lý do

Chúng tôi dừng xe, viên cảnh sát giao thông nói: "Đề nghị đưa giấy tờ xe". Chúng tôi hỏi: "Xe chúng tôi đang đi đám tang, không vi phạm luật lệ, lý do gì phải dừng lại?". Anh ta không trả lời được, chỉ yêu cầu đưa giấy tờ xe mà không đưa ra bất cứ lý do gì.

Một cảnh sát khác đi đến bên cạnh bảo: "Nếu các bác đi đám tang thì các bác cứ đi", lập tức viên cảnh sát giao thông này dùng cùi tay hất hất vào mạng sường người này làm anh chàng này ngơ ngác. Chúng tôi bảo: "Anh không cần phải huých anh kia làm gì. Anh vô cớ dừng xe chúng tôi mà không có lý do gì, trong khi chiếc xe biển xanh kia lượn vòng chữ chi cả chục cây số, chạy hoàn toàn vi phạm luật, anh không giữ, nghĩa là tại sao?".

Anh ta không thể giải thích được, lúc đó, chiếc xe cảnh sát giao thông đến gần, chúng tôi yêu cầu nêu rõ lý do dừng xe chúng tôi đang đi đám tang khi chúng tôi không vi phạm bất cứ lý do nào. Chừng như đã đủ thời gian cho đoàn xe tang chạy được khá xa, anh cảnh sát này bảo chúng tôi cứ đi.

Chuyện nơi nghĩa trang

Chúng tôi đến nơi, thì xe tang đã dừng lại, gia đình đã chuẩn bị đưa người xấu số vào nghĩa trang bên đường. Những chiếc xe biển xanh, biển trắng nói trên đã đỗ lại bên đường.

Chúng tôi xuống xe để vào dự đám, một người trong chúng tôi gặp thanh niên lái chiếc xe biển xanh 33A-4789 đã chặn đầu chúng tôi và lượn chữ chi giữa đường bảo: "Này cháu, xe đi đám tang, tại sao lại lượn chặn xe chúng tôi như thế? Như vậy là vi phạm luật vừa nguy hiểm. Nhỡ xảy ra va quệt thì sao". Người thanh niên này lúng túng và nói càn: "Cứ đi thế đấy, làm gì nhau, đâm được thì cứ đâm".

Tôi thấy tên thanh niên này thật hỗn láo, có phải nó ỷ vào nó là lái xe cho công an nên dám ngang nhiên thách thức và cậy thế như vậy không? Tôi hỏi: "Ai dạy cậu lái xe vi phạm luật lệ trắng trợn như thế? Cậu học lái xe ở đâu?" và đưa máy ảnh lên định ghi lại bằng chứng cụ thể.

Người thanh niên không đội mũ là lái xe biển xanh lượn chữ chi trên đường

Bất thình lình, một khuôn mặt rỗ đeo kính thò tay giật máy ảnh của tôi và nói: "Ai cho anh chụp ảnh cá nhân nó mà không xin phép?". Tôi thoáng nghĩ vậy khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại khách sạn, báo chí đưa tin và chưng ảnh ông ấy lên mặt báo, lại còn ghi: Ảnh do cơ quan công an cung cấp, chắc cơ quan công an này khi chụp ảnh đã xin phép ông Cù Huy Hà Vũ chăng? Thì ra luật của ta là thế?

Khi anh ta giật máy ảnh, một nữ giáo dân đứng bên cạnh tôi ngay lập tức đã giằng tay anh ta lại, anh ta nhảy sang bên đường tàu nhìn lại.

Tôi hỏi: "Anh là ai"? Người này trả lời: "Tôi là anh của bọn nó". Tôi nói: "Đây là người lái xe đã vi phạm pháp luật, chạy trên đường cố tình đánh võng chữ chi chặn xe chúng tôi rất dài suýt gây tai nạn, tôi ghi lại để làm bằng chứng. Anh là công an, anh ngồi trên xe đó mà để anh ta vi phạm như thế có được không?"

Thật bất ngờ, anh ta nhơn nhơn bảo rằng: "Được, được đấy anh làm được gì?".

Tất cả mọi người đứng đó từ giáo dân đến những người bà con đưa tang cũng như người qua đường đều chưng hửng trước câu trả lời mà không ai có thể ngờ từ miệng một người công an như thế. Đến nước này thì Chí Phèo cũng phải gọi bằng cụ.

Anh ta bỏ đi, còn quay lại dằn thêm một câu: "Tôi nói với anh Vinh nhé, tôi chẳng lạ gì anh đâu". Tôi cũng trả lời: "Thì tôi cũng có lạ gì anh đâu, dù anh mặc như thế tôi vẫn biết là công an, nhưng công an càng phải chấp hành luật pháp nghiêm túc". Rồi chúng tôi đi vào đám tang.

Ra khỏi đám tang, chúng tôi được nghe một người kể lại rằng tay lái xe và một số công an đứng đó kể với nhau câu chuyện vừa qua và gọi anh kia là Hải và toan tính những trò gây tai nạn khác.

Người đã giật chiếc máy ảnh tự xưng là đàn anh của người lái xe

Và anh ta là người chỉ đạo đám lâu la và người lái xe tang

Nếu những hành vi vi phạm pháp luật như thế này, thói lộng hành, cậy quyền cậy chức để chà đạp lên pháp luật và coi rẻ sinh mạng con người còn tiếp tục được nuôi dưỡng, thì chắc sẽ còn nhiều trường hợp như ông Trịnh Xuân Tùng đã gặp phải.

Chúng tôi ra về, cứ nghĩ mãi về đám tang này.

Người chết đã chết, đã yên dưới ba tấc đất. Nhưng cái chết này hình như không để lại cho những người thừa hành công vụ mà chúng tôi đã gặp ở đây một chút suy nghĩ, một sự lay động lương tâm nào từ cái chết oan nghiệt đó.

Họ có còn lương tâm để dằn vặt nữa hay không?

Hà Nội, ngày 24/3/2011.

  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

http://jbnguyenhuuvinh.wordpress.com

6
0
 
 
Rate This

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty