TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, February 26, 2010

Rủi ro lạm phát rất đáng lo!

Tác giả: GS.TS Trần Ngọc Thơ
Bài đã được xuất bản.: 4 giờ trước


Dự báo lạm phát Việt Nam năm 2010 không đơn thuần nằm ở chính sách tiền tệ và những yếu tố khách quan.

LTS: Gần đây đang có các ý kiến nhiều chiều quanh dự báo lạm phát của năm 2010. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của một số chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách quanh vấn đề này. Sau đây là quan điểm riêng của GS. TS Trần Ngọc Thơ.

Lạm phát Việt Nam có nguồn gốc từ chiến lược tăng trưởng chạy theo số lượng bắt đầu từ những năm 2000 đến 2008. Đỉnh điểm đến vào năm 2008 với lạm phát 28%. Nói đến dự báo lạm phát năm 2010, phải đặt nó trong mối nhân quả giai đoạn 2000-2008 mới thấy hết những rủi ro khôn lường.

Rất may cho Việt Nam là những sai lầm trong chiến lược tăng trưởng méo mó và do đó dẫn đến lạm phát phi mã của thập niên đã tạm thời được che đậy bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sang năm 2010, khi kinh tế toàn cầu phục hồi rõ hơn, lạm phát có "quán tính" từ thập niên trước sẽ chuyển dần sang những năm sau đó - trừ phi ta có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong thể chế.

Nhiều chuyên gia nói rằng các biện pháp chống lạm phát thì đã có đầy trong các kho sách giáo khoa thế giới, chỉ cần có quyết tâm thì ta sẽ kiểm soát được lạm phát? E rằng nhận định này có thể không đúng ở nước ta.

Khác với hầu hết các nước, lạm phát có thể được NHTW đánh đổi bằng mục tiêu tăng trưởng. Nhưng đối với Việt Nam, ngay cả khi chính phủ cũng nhượng bộ phần nào với mục tiêu không đạt được tăng trưởng bằng mọi giá - để kiềm chế lạm phát - thì vẫn còn đó nhiều khả năng để lạm phát có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Trước hết, nói thẳng ra là những hậu quả của các chiến lược tăng trưởng giai đoạn 2000-2008. Chính phủ phải xử lý thế nào với hàng loạt công trình dở dang ngổn ngang ở các tỉnh, thành, bộ ngành, các DNNN và tập đoàn kinh tế? Nếu không tiếp tục bơm tiền để hoàn thành, liệu có ảnh hưởng gì đến uy tín của lãnh đạo các đơn vị này khi mà mùa đánh giá và đề bạt cán bộ năm nay sẽ ở mức cao trào? Đây là hệ quả mà những thời kỳ trước cũng chính phủ hiện nay đang phải gánh chịu và tìm cách khắc phục.
Ảnh minh họa: saga.com

Sức ép thể chế có thể sẽ đánh bại những nỗ lực của NHNN trong kiểm soát lạm phát. Anh đã lỡ hứa xây cây cầu, trạm xá... rồi, nay lại sắp tới mùa thi đua hoàn thành vượt mức và thi đua hoàn thành trước thời hạn. Thôi thì, không ngân sách bơm vốn ra thì cũng bằng cách nào đó ngân hàng thương mại nhà nước cũng hỗ trợ.

Mà đó cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ về cái gọi là "đặc thù" riêng có của Việt Nam. Cộng tất cả những đặc thù đó lại, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam khó hơn nhiều so với mọi người tưởng.

Đó là chưa kể những tác động mặt trái và độ trễ của gói kích cầu năm 2009 sẽ phát huy tác dụng và ngấm vào năm 2010. Rõ nhất là tỷ giá đã tăng liên tục trong nhiều tháng qua và vẫn còn có thể tăng tiếp nữa. Tôi tin chắc rằng biến số tỷ giá tăng mạnh này đã không nằm trong tính toán của các nhà hoạch định chính sách. Không khó để nhìn ra rằng đồng Việt Nam hiện vẫn còn định giá khá cao so với mức cân bằng (của tỷ giá thực) và khả năng tăng tỷ giá trong thời gian tới hầu như là điều khó tránh khỏi, bất chấp những tuyên bố "ổn định" chắc như đinh đóng cột của các nhà làm chính sách.

Xem lại bài phát biểu "Hai kịch bản tăng trưởng và lạm phát năm 2010" của Thống đốc NHNN tại hội thảo "Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm" vào thời điểm gần cuối năm 2009, ta thấy Thống đốc có nêu ra rất nhiều các biến số tác động đến lạm phát và tăng trưởng như hệ số ICOR, tổng phương tiện thanh toán, giá dầu... nhưng tuyệt nhiên không thấy tác động của yếu tố tỷ giá đối với CPI (tỷ giá tăng làm cho giá nhập khẩu tăng và do đó kéo theo mặt bằng giá trong nước tăng lên). Nếu để ý, ta thấy vào thời điểm này, vị lãnh đạo ngành ngân hàng vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm không tăng mạnh tỷ giá vì e ngại tác động đến việc trả nợ nước ngoài.

Trong hai kịch bản này, thì lạm phát nằm trong khoảng thấp nhất và cao nhất là 7,5% - 10%. Nếu ta tạm thời dựa vào mô hình tính toán của một trong những cơ quan quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và vẫn chưa có yếu tố tác động của tăng mạnh tỷ giá thì lạm phát đã đáng lo ngại lắm rồi.

Và ắt hẳn mô hình dự báo lạm phát của NHNN đã chưa tính hết tới những phản ứng thái quá của các tập đoàn nhà nước từ hiệu ứng tăng giá xăng, giá điện... khá khó hiểu và có thể là ngoài tầm kiểm soát của những nhà làm chính sách khi dự báo về lạm phát 2010.

Nói tóm lại, dự báo lạm phát Việt Nam năm 2010 không đơn thuần nằm ở chính sách tiền tệ và những yếu tố khách quan (như giá dầu thế giới...) mà còn nằm ở (1) tàn dư của những năm tăng trưởng và kích cầu trước đây, (2) thể chế, (3) sự mất giá liên tục và không thể tránh khỏi của tỷ giá đô la/Việt Nam đồng và (4) phản ứng của các DNNN và tập đoàn kinh tế có vì lợi ích chung?

Rõ ràng với nguy cơ đang được cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ Việt Nam phải tính ngay và có giải pháp đi trước một bước để giải quyết vấn đề hệ trọng này.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty