TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, July 27, 2010

Công nhân bất đắc dĩ

SGTT.VN Với nhiều người dân ở tỉnh Bình Phước bây giờ rừng là một ký ức buồn và sắp vĩnh viễn biến mất. Những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn ngày nào che nắng che mưa, che bom che đạn giờ đây đang bị "cạo trọc".

Bên những cánh rừng bị hạ xuống có những láng trại mọc lên. Bên trong đó là những "công nhân bất đắc dĩ" sống tạm để mưu sinh. Gọi "công nhân bất đắc dĩ" vì bản thân họ không phải là công nhân. Họ là người dân bản địa ở đây, nhưng vì đã hết đất canh tác, giờ phải đi làm thuê để kiếm cái ăn sống qua ngày.

Những quả đồi không bóng cây

Người ta đang biến những quả đồi vốn ngày xưa là những cánh rừng bạt ngàn thành những đại công trường. Ảnh: Từ An

Tròn 3 năm, chúng tôi trở lại tiểu khu 304 thuộc sự quản lý Lâm trường Nghĩa Trung (nay đổi tên thành Công ty cao su Sông Bé). Nếu trước kia, từ trung tâm UBND xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) vào các thôn, bản làng trong xã, chúng tôi phải lội bộ, men theo những con đường rừng rậm rạp, hoang vu hàng chục km mới đến được nhà của đồng bào dân tộc sinh sống. Còn bây giờ, một cảnh tượng "thoáng đảng" khó tin vào tầm mắt. Hàng ngàn quả đồi đã bị "cạo trọc" hết cây cối, những con đường mòn cũng được mở rộng thênh thang…

Trong suốt chặng đường dài hàng chục km, chúng tôi cố tìm một bóng cây để trú mát nhưng đành bất lực, có chăng cũng chỉ là những cây cao su chưa qua khỏi đầu người… Lác đác, bên trong các lô cao su mới trồng có những ngôi chòi lá, bên trên được cắm lá cờ tổ quốc, phía dưới là dòng chữ: "Mừng lễ khởi công khai hoang trồng mới cao su năm 2010".

Ở núi đồi hoang vu này đang có sự thay đổi đến kinh ngạc. Người ta đang biến những quả đồi vốn ngày xưa là những cánh rừng bạt ngàn thành những đại công trường. Hàng trăm phương tiện cơ giới đang ngày đêm ủi cây, khai thác gỗ, tàn sát những chỏm rừng ít ỏi còn lại.

Rừng chỉ còn trong ký ức. Ảnh: Từ An

Ông Điểu Krá, một già làng ở thôn 8, xã Nghĩa Trung bức xúc: "Ngày xưa rừng còn, bây giờ rừng hết rồi. Người ta lái xe ủi, xe xúc vào đây ngày đêm đốn phá rừng. Người dân chúng tôi xót lắm nhưng không biết làm sao, đành phải nhìn rừng mất đi hàng ngày".

Không chỉ ở xã Nghĩa Trung, nhiều xã khác của huyện Bù Đăng, huyện Đồng Phú… một cảnh tượng tương tự diễn ra. Hàng chục ngàn hecta rừng đã và đang bị đốn sạch. Những thân gỗ trăm năm tuổi bị đốn hạ ngỗn ngang trong các cánh rừng bị cho là "rừng nghèo kiệt"... Thay vào đó là những đồi cao su mới được trồng, lú nhú mọc lên.

"Số phận" mang tên "rừng nghèo kiệt"

Từ chủ trương của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su. Bắt đầu từ năm 2008, UBND tỉnh Bình Phước đã cấp phép cho nhiều doanh nghiệp tư nhân thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Từ đó, hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên của nhiều huyện khác nhau bị công khai đốn sạch.

Điều đáng nói ở đây, khi chúng tôi đề cập đến ba chữ "rừng nghèo kiệt", nhiều người dân ở xã Thống Nhất, xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) không đồng thuận. Để thêm thuyết phục, nhiều người tình nguyện bỏ nhiều ngày để dẫn chúng tôi thăm thú trên các chỏm rừng ít ỏi còn lại.

Một huyện có 211 dự án "chuyển đổi rừng"

Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, chỉ tính riêng ở huyện Bù Đăng, đã có gần 40 doanh nghiệp tư nhân được cấp phép khai thác rừng để trồng cao su. Đến tháng 6.2010, có 211 dự án thực hiện chuyển đổi rừng nghèo, đất trống sang trồng rừng cao su với diện tích trên 42.600 ha, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt 177 dự án.

Được biết, từ khi tái lập tỉnh (1997), mỗi năm có 3.000 ha rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh bị phá.

Thật xót xa, những nơi ngày xưa là cánh rừng hoang vu có tiếng chim kêu, có tiếng vượn hú giờ đã không còn. Thay vào đó, tiếng máy cưa gầm rú, tiếng cây đổ ầm ầm, tiếng xe cơ giới xập xình, tiếng người gọi nhau í ới… vang động cả góc trời.

Trong suốt hành trình, chúng tôi bắt gặp hàng trăm thân cây có đường kính hơn 1m bị đốn hạ, nằm ngỗn ngang. Cứ cách vài ba bước chân, lại có một thân cây bị đốn hạ xuống.

Theo lời người dân ở đây, "đó chỉ là những cây "tạp", không có giá trị cao mới còn lại ở đây. Còn những cây có giá trị đã bị đốn hạ và xẻ thành gỗ từ lâu rồi".

Ông Nguyễn Văn Hoàng, hạt trưởng hạt kiểm lâm đặc dụng vườn quốc gia Bù Gia Mập nói: "Với chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt trồng cao su đã làm rừng đệm bị cạn kiệt, người ta đã trồng cao su hết rồi".

Kết liễu rừng "nghèo kiệt". Ảnh: Từ An

Ông Hoàng lo lắng, sẽ khó giữ rừng được toàn vẹn khi rừng đệm bị phá sạch. "Áp lực phá rừng không chỉ đến từ lâm tặc mà còn ở người dân vào đây để phá rừng lấy đất canh tác", ông Hoàng nói.

Chạy đua với đói nghèo

Chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Bình Phước, khiến không ít người dân địa phương bị thu hồi đất canh tác, mất cái ăn từ rừng. Phút chốc, họ trở thành những "công nhân bất đắc dĩ" trên các công trường trồng cao su, "chạy đua" với cái đói, cái nghèo mỗi ngày.

Ông Điểu Krá cho biết, từ xưa đến giờ, hơn 12 hộ dân ở trong thôn đã khai phá được khoảng 30 ha đất canh tác để làm nguồn sống. Nhưng từ khi dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su được thực hiện, 30 ha đất đó đã bị công ty An Lộc (đơn vị được cấp phép chuyển đổi rừng) lấy sạch.

Một điểm "khai hoang trồng mới cao su năm 2010". Ảnh: Từ An

Đấu tranh giành lại đất canh tác, giành lại nguồn sống từ rừng, ông Điểu Krá cùng nhiều người khác đã gửi đơn "kêu cứu" đi nhiều nơi, với mong muốn giữ lại rừng, giữ lại đất canh tác cho người dân.

Theo ông Điểu Krá, riêng UBND xã Nghĩa Trung, người dân đã gửi hơn 10 đơn thư khiếu nại, yêu cầu công ty TNHH An Lộc không được xâm phạm đất canh tác, mồ mả của người dân… nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

Sau đó, ông tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Bù Đăng và UBND tỉnh Bình Phước. Đồng thời, ông cùng nhiều người khác trực tiếp xuống trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.HCM gởi đơn khiếu nại, yêu cầu công ty An Lộc không được xâm phạm mồ mả, trả lại diện tích đất canh tác bao đời…

Về việc này, cơ quan tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Phước xem xét. Ngày 20.5.2010, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản chỉ đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND huyện Bù Đăng thẩm tra, xác minh trong vòng 35 ngày. "Đến hiện tại, người dân chúng tôi vẫn không có đất canh tác, cũng không nhận bất kỳ một văn bản phúc đáp nào của tỉnh", ông Điểu Krá cho biết.

Những cánh đồi đã bị cạo trọc. Ảnh: Từ An

Theo tài liệu chúng tôi hiện có, diện tích rừng chuyển đổi sang trồng cao su ở thôn 8, thuộc tiểu khu 304 là do Công ty TNHH An Lộc khai phá, sang lấp. Tháng 6.2009, công ty An Lộc đã thu hồi 38ha đất "xâm chiếm trái phép" của 35 hộ dân ở tiểu khu 304 và hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân ở thôn 8, diện tích công ty An Lộc thu hồi lớn hơn gấp nhiều lần. Bao gồm nhà cửa, mồ mả, rẫy điều, cao su… nhưng người dân không hề nhận được bất kỳ một đồng tiền hỗ trợ nào như họ nói.

Cũng tương tự, nhiều hộ dân ở xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng), xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú), diện tích đất canh tác cũng bị các doanh nghiệp tư nhân thu hồi vì cho rằng "đất lấn chiếm trái phép".

"Trong xã bây giờ nhiều người không một mảnh đất cắm dùi. Họ phải chấp nhận đi làm công cho các công ty đã phá rẫy, phá nhà của họ. Một số người khác đành khai phá vào diện tích rừng cấm để lấy cái ăn cái mặc", một cán bộ ở xã Thống Nhất cho biết.

Công nhân bất đắc dĩ

Bên trong những láng trại là những "công nhân bất đắc dĩ". Ảnh: Từ An

Trong những ngày đi thực tế, chúng tôi đã chứng kiến hàng trăm láng trại được che chắn tạm bợ trên các quả đồi đang bị "cạo trọc" hết cây cối để trồng cao su.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những láng trại đó được những "công nhân bất đắc dĩ" lập nên để che nắng, che mưa. Gọi "công nhân bất đắc dĩ" vì bản thân họ không phải là công nhân. "Họ là người dân bản địa ở đây, nhưng vì đã hết đất canh tác, giờ phải đi làm thuê để kiếm cái ăn sống qua ngày", người dẫn đường cho chúng tôi nói.

Bên trong các láng trại rất sơ sài, nhếch nhác và có hàng trăm em nhỏ mặt mày lam lũ. Tất cả các em nhỏ ở đây không hề biết đến cái chữ, không hề biết đến trường lớp. Hai chữ "đến trường" rất xa lạ và chưa một lần được trải qua với các em nhỏ ở đây. "Đừng hỏi đến trường lớp, các em bé ở đây trông có cơm ăn hàng ngày đã hạnh phúc lắm rồi", người dẫn đường cho chúng tôi nói.

Ông Điểu Cui, sống trong láng trại cho biết, trước đây mỗi gia đình đều có cái ăn cái mặc nhưng từ khi bị các công ty tư nhân thu hồi đất canh tác, họ phải đi làm thuê, làm mướn cho các công ty này hàng ngày. "Ở trong láng trại này một tháng về một lần, ở nhà không có tiền sống", ông Điểu Cui nói.

Dường như việc mất cái ăn, cái mặc từ rừng, khiến người dân nơi đây trở thành người làm thuê, làm mướn. Hơn thế nữa, họ đang phải gồng mình "chạy đua" với sự nghèo khổ, đói khát hàng ngày.

Từ An

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty