TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, September 27, 2009

"Tủi nhục là sức mạnh"

(TuanVietNam) - Ra khỏi nhà vì không muốn tiếp nối nghề may truyền thống gia đình, nhưng giai đoạn sung mãn nhất trong cuộc đời Phạm Minh Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn New World Fashion - lại gắn bó với thời trang. Người đàn ông trung niên này vừa có sự thính nhạy trong kinh doanh của người Do Thái, vừa có chất khí khái, ngang tàng không trộn lẫn kiểu giang hồ đất cảng Hải Phòng.


Về nước làm ăn gần hai chục năm nay, tham gia khá nhiều hoạt động từ thiện nhưng Phạm Minh Nam không mặn mà với giới truyền thông. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi khởi đầu khá rời rạc và nhạt nhẽo. Chỉ đến khi rũ bỏ được sự nghi ngại thì ông mới nói tự nhiên, như thể cái van ký ức hoen gỉ lâu ngày vừa được tháo bỏ. Ông kể:

Ông Phạm Minh Nam, chủ tịch Tập đoàn may mặc và thời trang New World Fashion

Tôi thích buôn bán từ nhỏ. Sau năm 1975, khi người Hoa rục rịch về nước, họ bán tống bán tháo tài sản. Nhưng có một món hàng mà họ rất chuộng là đồng hồ đeo tay. Biết được nhu cầu này, tôi vay của mẹ tôi ít tiền để gom hàng, đối tượng chủ yếu là bộ đội phục viên, rồi bán lại cho người Hoa.

Lý do mà tôi thuyết phục được mấy anh bộ đội nhượng lại cho tôi là tôi chuẩn bị nhập ngũ. Hồi đó có đồng hồ đeo tay là ghê gớm lắm, nên ít người chịu bán nhưng mỗi “thương vụ” hoàn tất, tôi lời từ bốn đến năm lần.

Có phải vì buôn bán với người Hoa nên ông có biệt danh là Nam “Tàu”?

- Đấy là cả một câu chuyện dài. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trung học, tôi đứng trước hai sự lựa chọn. Một là thi vào đại học, hai là kế nghiệp cha tôi phát triển tiệm may gia đình vì tôi là con cả. Tuy nhiên, tôi không thích hai phương án này, phần vì tôi chỉ ham buôn bán, phần khác vì tự ái với cha tôi. Ông nội tôi vốn là địa chủ ở Hưng Yên, ông ngoại là tư bản ở Thái Bình.

Thời chiến tranh chống Pháp, cha tôi đưa cả nhà dạt về Hải Phòng và gầy dựng nên tiệm may. Sinh thời, ông thường tự hào rằng tự tay mình làm nên sự nghiệp, thế hệ chúng tôi chỉ việc đi tiếp con đường của ông. Sau khi để lại một lá thư cho cha tôi, giắt lưng hai chỉ vàng tích lũy được từ việc mua bán đồng hồ, tôi đón tàu vào Sài Gòn. Tuy nhiên, chân ướt chân ráo ra “đứng” ở chợ trời nên tôi bị lừa, cụt gần hết vốn. Nhưng cũng nhờ vậy mà mình nhanh khôn.

Khi đã nắm được những đầu mối bán sỉ, tôi chuyển sang “buôn nước bọt”. Công việc nhàn hạ nhưng thu nhập lại rất khá. Hồi đó ngăn sông cấm chợ, hàng hóa trong Nam ê hề, còn ngoài Bắc lại thiếu thốn đủ thứ, phân phối từ cây kim sợi chỉ. Thế nên, ngoài Bắc cần những hàng hóa gì thì viết thư vào, tôi sẽ gom hàng, rồi chuyển ra theo đường tàu hỏa. Nguồn gốc cái tên Nam “Tàu” từ đó mà ra.

Nhưng “công việc nhàn hạ” ấy cũng không giữ được chân ông?

- Năm 1980, tôi tới Anh. Tôi còn nhớ lúc máy bay hạ cánh xuống phi trường Heathrow, trong túi tôi còn đúng 10 đôla Hồng Kông, vừa đủ mua tách cà phê và gói thuốc lá.

Tay trắng, môi trường văn hóa thì xa lạ, ông đã xoay xở như thế nào để sống còn?

- Tôi đăng ký theo học lớp tiếng Anh miễn phí do các nữ tu dạy. Cuối tuần, các hội từ thiện đến cho chúng tôi quần áo, đầu máy khâu quay tay… Tôi bắt đầu “tái tích lũy tư bản” bằng cách dùng tiền trợ cấp từ Chính phủ Anh để mua thêm phụ kiện, ráp thành cái máy khâu hoàn chỉnh rồi bán lại cho những người có nhu cầu. Sau ba tháng, tôi được một công ty may ở Liverpool nhận vào thử việc ở xưởng sản xuất đồ bằng tay. Có lẽ vì trong lý lịch tôi khai gia đình có tiệm may nên họ tưởng tôi có kinh nghiệm về nghề may. Đây là giai đoạn khá khó khăn.

Tôi lục lại trí nhớ cách cha tôi may đồ cho khách. Nhưng vì vốn không thích ngành này, lại thêm kỹ thuật khâu ở châu Âu cũng rất khác so với Việt Nam, nên tôi khá chật vật. Sau hai năm được đào tạo và làm việc, tôi giám sát một dây chuyền trong nhà máy.

Mùa hè, lên London thăm bạn bè, tôi thấy nhiều tổ hợp nhỏ làm ăn rất tốt, phù hợp với khả năng của mình. Những chuyến đi như vậy nhen lên khao khát muốn làm một cái gì đó của riêng mình. Liverpool là thành phố cảng, sầm uất, thuận lợi cho những doanh nghiệp lớn phát triển nhưng các doanh nghiệp nhỏ thì không. Năm 1982, tôi lên London, vào làm thuê cho một xưởng chuyên làm đồ handmade (bằng tay) đồng thời thâm nhập vào cộng đồng Do Thái ở London.

Ngoài tài buôn bán, người Do Thái còn nổi tiếng vì tính cục bộ. Để “thâm nhập vào cộng đồng” này, hẳn là không dễ?

Tôi có “duyên” với người Do Thái. Năm 1983, khi tôi vay vốn ngân hàng mở xưởng, nhân viên phụ trách thẩm định tài sản là một thanh niên Do Thái. Mới đầu, anh ta còn vòng vo, kêu chúng tôi đi bệnh viện làm xét nghiệm. Khi có giấy xác nhận sức khỏe thì anh ấy mới nói thẳng ngân hàng không tin chúng tôi đủ khả năng trả nợ, rằng người Việt ở Anh chỉ mở tiệm ăn, chưa có ai vay vốn ngân hàng để kinh doanh như tôi.

Cái khó ló cái khôn, tôi “móc” với năm gia đình người Việt có máy khâu thường xuyên gia công hàng cho tôi, đề nghị họ xác nhận mười chiếc máy đó là tài sản của tôi rồi điện thoại kêu anh ấy đến từng nhà thẩm định. Mười cái máy khâu thế chấp được định giá bốn ngàn bảng, nên tôi được ngân hàng cho vay hai ngàn bảng.

Tuy nhiên, khi thuê được xưởng thì những gia đình kia không đồng ý làm cho tôi nữa. Dù không nói ra lý do nhưng tôi đoán được suy nghĩ của họ, rằng “thằng Nam cũng như mình, hà cớ gì phải làm thuê cho nó”. Đố kỵ, không thích người khác khá hơn mình là nét tính cách khá phổ biến ở nhiều người Việt. Với đồng bào thì nghi ngờ, nhưng với Tây thì họ lại rất dễ tin.

Nắm được tâm lý này, tôi “dựng” cậu người Síp chạy hàng cho tôi lên làm chủ, dẫn đến cửa từng gia đình. Không bao giờ tôi quên được vẻ mặt hoan hỉ của họ khi nghe cậu người Síp đề nghị đến làm việc tại xưởng của tôi. Sự tủi nhục, chua chát, là sức mạnh, động cơ thôi thúc tôi quyết tâm làm giàu. Trong một chừng mực nhất định, vào thời điểm ấy, sự giàu có được xem là một phẩm hạnh.

Vậy đâu là bài học lớn nhất ông học được từ người Do Thái?

- Thời gian đầu mở xưởng, tôi chủ yếu nhận gia công theo đơn hàng của người Do Thái, dần dần mới chuyển sang tự sản xuất. Điều tôi ngưỡng mộ nhất ở dân tộc này là sự chịu khó, chịu học. Thấy tôi cần cù, lại làm được việc nên dần dần họ cũng bớt cảnh giác, có thiện cảm. Thêm nữa, xuất phát điểm của tôi có một số nét tương đồng với thế hệ ông cha của họ, cùng khởi nghiệp nơi đất khách quê người từ hai bàn tay trắng…

Đơn hàng ngày càng nhiều khiến tôi mạnh dạn mở rộng xưởng, bằng cách thuê một phần diện tích trong tòa nhà của một ông già người Do Thái. Thương tôi, ông ấy cho thuê giá thấp. Đổi lại, tôi giữ chìa khóa, chịu trách nhiệm trông nom tòa nhà. Dần dần, ông ấy bán lại toàn bộ tòa nhà cho tôi.

Không đủ tiền, tôi gõ cửa ngân hàng và bị từ chối, lý do cũng na ná như lần tôi vay hai ngàn bảng để thuê xưởng. Chưa có người Việt nào vay đến 700 ngàn bảng để kinh doanh, nhất là kinh doanh thời trang - ngành công nghiệp Việt Nam chưa có tên trên bản đồ.

Biết chuyện, ông ấy tình nguyện đứng ra bảo lãnh cho tôi với ngân hàng. Mãi sau này, tôi mới hiểu ông già buồn vì các con của ông không kế tục sự nghiệp của mình. Nhờ được học hành tử tế nên sau khi tốt nghiệp, các con ông vào làm việc cho các tổ chức tài chính. Dường như ông ấy tìm lại hình ảnh thời trai trẻ của mình trong tôi.

Theo lời bà nhà, ông còn gạt được cả người Do Thái?

- Khi người Do Thái đã chiếm lĩnh được một lĩnh vực gì là rất khó có ai chen chân vào. Nhà cung cấp nguyên liệu cho tôi là một anh chàng Do Thái. Do độc quyền nguồn cung nên cậu ta thường xuyên viện lý do này khác để ép giá. Đoán cậu ấy nhập hàng của Trung Quốc nhưng tôi không thể dò ra địa điểm chính xác, tôi giăng bẫy bằng cách nói cần gấp một số lượng lớn nguyên liệu trước khi bay về Việt Nam, có quá cảnh ở Hồng Kông một ngày.

Tôi nhờ anh chàng đặt khách sạn ở Hồng Kông rồi kêu nhà phân phối của cậu ta đến nhận những mẫu tôi cần. Sợ tôi tiếp xúc với nhà cung cấp nên ban đầu cậu ấy từ chối, đề nghị tôi chờ để cậu ấy báo nhà cung cấp của mình chuyển mẫu qua London.

Tôi trả lời rằng nếu đợi đến lúc hàng tới thì tôi đã về đến Việt Nam, không kịp duyệt mẫu. Cuối cùng cậu ấy miễn cưỡng đồng ý, nhưng yêu cầu tôi gửi mẫu ở bàn lễ tân khách sạn, rồi sẽ có người đến lấy, và chuyển lại mẫu để tôi kịp duyệt trước khi về Việt Nam.

Sau khi đến khách sạn ở Hồng Kông, gửi hàng ở lễ tân, tôi chọn một góc khuất quan sát. Để tránh nhầm lẫn do khu vực lễ tân rất đông người ra người vào, tôi còn đánh dấu bên ngoài gói hàng. Đúng như dự đoán, khi thấy hai phụ nữ nhận gói hàng mình gửi đi ra cửa, tôi chặn họ lại và nói rằng còn bỏ quên một gói nữa ở trên phòng khách sạn và đề nghị họ theo tôi lên nhận nốt. Thấy mẫu của mình được bày la liệt trong phòng, họ đoán ra tôi là khách hàng của anh chàng Do Thái.

Sau vài câu thăm dò, tôi hé lộ ý định thay đổi nhà cung cấp khác vì giá cả rẻ hơn. Lập tức, họ mời tôi dùng cơm trưa và đề nghị xuất thẳng hàng cho tôi, bỏ qua kênh trung gian là anh chàng Do Thái. Sau khi đưa tôi tham quan showroom của họ, tôi phát hiện ra họ cũng chỉ là đại lý cấp một.

Anh có thấy vết sẹo lớn dưới cằm tôi không? Hồi mới mở xưởng, vốn ít, tôi đâu dám thuê nhiều người. Trong khi đám trung gian “ngồi mát ăn bát vàng” thì chúng tôi làm việc cật lực. Có những đơn hàng lớn nhưng mình vẫn nhận, chủ thợ làm thâu đêm, nhiều khi bốn, năm giờ sáng mới xong để kịp giao hàng cho khách.

Lúc đó đâu còn đủ thì giờ về nhà nghỉ ngơi, lăn ra xưởng chợp mắt một chút, chờ khách đến nhận hàng, để có tiền trả lương công nhân. Mùa đông ở xưởng rất lạnh, công việc lại lao lực nên dưới cằm tôi lên cái hạch, buộc phải phẫu thuật và để lại sẹo.

Trở lại với câu chuyện ở Hồng Kông. Bí mật theo dấu “đại lý cấp một”, tôi tìm đến được nơi sản xuất. Giá gốc chỉ bằng phân nửa giá tôi nhập qua khâu trung gian. Tôi đề nghị bao tiêu toàn bộ sản phẩm, đặt cọc trước phân nửa. Chủ cơ sở đồng ý ngay vì anh chàng Do Thái chỉ giao tiền sau khi đã nhận đủ hàng.

Xem ra, con đường kinh doanh của ông càng về sau càng suôn sẻ?

- Cũng không hẳn. Tôi cũng đã nhiều lần thất bại, thậm chí thất bại thảm hại. Giai đoạn tôi kiếm được tiền nhiều nhất, dễ nhất đã qua. Thời hoàng kim, tôi có 30 xưởng đặt rải rác ở miền Trung nước Anh. Gặp những đơn hàng quá lớn, làm không xuể, thì tôi san bớt cho một số doanh nghiệp quốc doanh ở trong nước.

Năm 1991, Liên Xô sụp đổ, tạo ra hiệu ứng domino, khiến hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vỡ. Những công nhân Đông Âu đang làm việc trong các xưởng của tôi lũ lượt hồi hương, khiến giá nhân công ở Anh đội lên, làm mình lao đao. Tuy nhiên, thất bại khiến tôi cay đắng nhất lại xảy ra ở trên chính quê hương mình.

Từ năm 1990, gặp những đơn hàng vượt quá năng lực, tôi vẫn nhận, rồi chuyển về cho một số doanh nghiệp ở trong nước gia công. Thời kỳ ngành dệt may Việt Nam còn xuất khẩu theo quota, tôi đi cùng đại diện Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) qua Bỉ.

Vì tôi là nhà sản xuất lớn, họ cấp cho tôi quota mỗi tháng là 200 ngàn đơn vị. Nhưng khi về nước thì bộ này chia bớt cho một số doanh nghiệp trong nước, phần của tôi chỉ còn 30% trong tổng số quota được cấp. Sau sự cố này, tôi quyết định đầu tư một xưởng may ở tỉnh Kampong Cham, Campuchia. Họa vô đơn chí, người quản lý xưởng đồng thời là đối tác của tôi đã thiệt mạng do máy bay rơi trên hành trình đến Campuchia. Khoản tiền mặt khá lớn tôi giao cho ông ấy để đầu tư thêm trang thiết bị cũng mất luôn. Còn xưởng may, khi tôi đến nơi, thì bị người ta xâu xé tanh bành.

Năm 1998, sau khi Chính phủ Việt Nam chấp thuận cho các nhà đầu tư được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tôi quyết định đầu tư xây dựng xưởng may đầu tiên.

Đố kỵ, không thích người khác khá hơn mình là nét tính cách khá phổ biến ở nhiều người Việt. Với đồng bào thì nghi ngờ, nhưng với Tây thì họ lại rất dễ tin. Hoài bão của tôi là sau này các con tôi sẽ đưa công ty tiếp tục phát triển, đi xa hơn tôi. Nếu có một nhãn hiệu của Việt Nam trên bản đồ thời trang quốc tế thì càng tốt.


Quê ông ở Hải Phòng, nhưng tại sao “xưởng may đầu tiên” lại đặt ở Hải Dương?

- Tôi sinh ra ở Hải Phòng, nhưng như đã đề cập, từ lúc rời gia đình, tôi chỉ làm ăn ở Sài Gòn, rồi lúc quay về thì cũng chỉ mới làm ăn với những doanh nghiệp ở Sài Gòn. Trong thâm tâm, tôi muốn đầu tư ở vùng đất phương Nam này. Tuy nhiên, làm vậy thì vô hình trung lại cạnh tranh với anh em bạn bè ở đây. Thậm chí, khi biết tôi ra Bắc, một số anh em còn khuyên tôi nên ở lại.

Khi đã quyết định ra Bắc, lúc đầu tôi cũng có ý định xây xưởng ở Hải Phòng. Tuy nhiên khi về đặt vấn đề đầu tư thì một số người có trách nhiệm tại địa phương tỏ ra khá lạnh nhạt. Có người khuyên nên đi thăm phòng ban này, cơ quan kia nhưng tôi không muốn làm chuyện đó. Đúng lúc đó thì Hải Dương đang kêu gọi đầu tư. Theo đề nghị của tôi, họ cấp đất cho tôi ở Phú Thái, ngay vùng giáp ranh với Hải Phòng.

Biết chuyện, ông chủ tịch TP. Hải Phòng lúc đó cho người tìm bằng được tôi về, có ý trách móc rằng tôi đã làm ảnh hưởng đến uy tín của thành phố đối với nhà đầu tư, rồi hứa trong vòng hai tuần sẽ sắp xếp cho tôi năm hécta. Thế nhưng, khi đi thị sát, những chỗ tôi ưng ý thì đều đã có con ông nọ, cháu bà kia xí phần. Nản, tôi đi.

Thế còn cái xưởng của ông nằm trên đường ra khu nghỉ mát Đồ Sơn thì sao?

- Đấy là chuyện sau này. Giám đốc một doanh nghiệp quốc doanh kéo tôi về, đề nghị hợp tác. Lúc đó đường ra Đồ Sơn còn xấu, hai bên đường toàn là ruộng lúa. Chị ấy nói con đường đó đã nằm trong quy hoạch. Tôi trả lời là đã cạn niềm tin với thành phố. Nếu thực sự thiện chí thì chị ấy bỏ tiền đầu tư nhà xưởng theo thiết kế tôi cung cấp, phần máy móc, thiết bị tôi lo, theo tỷ lệ 4/6. Không ngờ chị ấy cũng chịu chơi, làm thiệt. Bây giờ thì tôi đã mua lại toàn bộ cái xưởng đó.

Hai người con của ông cùng đi theo ngành thời trang. Nghe nói cả hai đều bị ông “ném” vào xưởng, làm việc và hưởng lương như công nhân. Chuyện này có không, thưa ông?

Minh họa: Hoàng Tường

- Với tôi, đó cũng là một hình thức giáo dục về giá trị lao động. Hy vọng sau này, khi thay tôi tiếp quản công ty, các con tôi sẽ cẩn trọng, có trách nhiệm hơn khi hành xử với những người cùng làm việc với mình. Thuận lợi của các con tôi là xuất phát điểm tốt, được đào tạo về thiết kế thời trang bài bản. Hoài bão của tôi là sau này các con tôi sẽ đưa công ty tiếp tục phát triển, đi xa hơn tôi. Nếu có một nhãn hiệu của Việt Nam trên bản đồ thời trang quốc tế thì càng tốt.

Ý ông là Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang?

- Trong mắt người nước ngoài, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang. Cách nay mười năm, tôi đã khuyến nghị với những người có trách nhiệm của Hiệp hội Dệt may Việt Nam rằng nên có một chiến lược cụ thể để tìm hiểu về thời trang thế giới. Có một thời gian dài, nhiều cán bộ của ta cứ đi công tác nước ngoài là diện complet màu ghi đá dù cho tuyết rơi mù trời. Ghi đá là màu dành cho mùa hè.

Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng một chuỗi cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong nước, cập nhật thường xuyên những thay đổi của thời trang quốc tế. Nói nôm na là hôm nay ở châu Âu người ta mặc gì thì người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể mặc cái đó.

Nếu những doanh nghiệp trong nước cần tư vấn, ông có sẵn lòng?

- Tôi luôn sẵn lòng. Đơn giản là vì phân khúc của tôi khác họ. Có người khi qua London, thay vì đặt thẳng vấn đề thì lại vờ đến thăm tôi, rồi kêu lính tráng xuống xưởng của tôi tham quan để copy. Nhưng vì họ xem không đến nơi đến chốn nên làm không đúng. Mà tôi có hẹp hòi gì đâu. Chỉ cần nói với tôi một tiếng, tôi sẽ mời xem đàng hoàng.

Hiện nay New World Fashion có khá nhiều nhãn hiệu như Nam of London, Yen of London… Tại sao ông không gom lại, dồn sức đầu tư cho một nhãn hiệu, như vậy sẽ tập trung hơn?

- Mỗi nhãn hiệu hướng tới một phân khúc thị trường khác nhau. Thực tế, Yen of London, nhãn hiệu của con gái tôi, đã xuất hiện trong nhiều shop và một số siêu thị tại hơn mười nước trên thế giới. Nam of London có một thời gian bán khá chạy ở thị trường Đông Âu, nhưng khi người ta đẩy ra đến chợ trời thì tôi quyết định ngưng lại.

Nghĩa là ông chấp nhận thắt lại đầu ra?

- Nhiều đồng bào mất việc làm sau khi Nga đóng cửa chợ Vòm ở Moscow là một tin không vui nhưng theo tôi, đó chỉ là sự khởi đầu. Sớm hay muộn cũng sẽ đến lượt chợ Đồng Xuân ở Berlin (Đức), chợ Sân vận động ở Ba Lan… Nếu chính quyền sở tại không đóng cửa thì những khu chợ này cũng bị các siêu thị nuốt chửng. Thí dụ, một cái quần jeans trong siêu thị ở Đức bây giờ giá chỉ còn khoảng năm euro thì những người bán hàng ở chợ trời làm sao có thể cạnh tranh nổi.

Thực tế là cánh cửa chợ trời đang khép lại. Như vậy, để hàng của mình xuất hiện tại chợ trời, tôi mất nhiều hơn được. Cụ thể là vừa không bền, vừa ảnh hưởng đến thương hiệu mà mình đã tốn công gầy dựng. Mới đây, Tesco đã ký hợp đồng phân phối hàng của tôi trong hệ thống siêu thị của họ. Tuy nhiên, nhãn hiệu vẫn là Tesco.

Chợ trời ở nước ngoài là nơi mưu sinh của khá nhiều người Việt. Theo ông, liệu còn lối thoát nào dành cho họ?

- Đây là vấn đề nhận thức. Sự thật là cái thời làm lụi đã qua từ lâu. Phải làm ăn đàng hoàng, đóng thuế đầy đủ cho chính quyền sở tại. Tôi nghĩ mọi người nên hợp sức lại, mở cửa hàng, bắt đầu từ nhỏ đến lớn. Đấy là con đường duy nhất để tồn tại. Các cộng đồng Trung Quốc, Ấn Độ hiện cũng đang đi theo hướng này…

  • Theo Thượng Tùng (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty