TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, November 9, 2009

Tranh luận chuyện hồ thủy điện xả lũ

Thứ Hai, 09/11/2009, 08:05 (GMT+7)
Gặp gỡ đầu tuần:

TT - Câu chuyện thời sự về hồ thủy điện xả lũ làm ngập cả một khu vực dân cư rộng lớn ở miền Trung đang gây bức xúc trong dư luận. “Gặp gỡ đầu tuần” với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào cho rằng khi gặp bão lũ lớn, thủy điện xả lũ là đương nhiên và nếu không có hồ thủy điện, lũ còn lớn hơn.
Trong khi đó những người từng phụ trách thủy lợi nói rằng xả lũ như vậy là làm lũ “nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên, không thể xả lũ trước khi sơ tán dân rồi bảo bất khả kháng.


Ông ĐỖ HỮU HÀO (thứ trưởng Bộ Công thương) - Ảnh: C.V.K.
"Việc các thủy điện thời gian qua khi có bão lũ lớn phải xả lũ khiến hạ nguồn ngập nặng cũng là bất khả kháng"

Ông VŨ TRỌNG HỒNG (tổng thư ký Hội Thủy lợi VN) - Ảnh: X.L.
"Tỉnh khẩn cấp di dời dân rồi mới xả lũ, chứ không thể xả trước rồi nói rằng xả là hợp lý, xả vì bất khả kháng"
Thứ trưởng Bộ Công thương ĐỖ HỮU HÀO:
Xả lũ là bất khả kháng
Mưa lũ là bất khả kháng. Không ai biết chắc bão về thì mưa lũ sẽ là bao nhiêu. Nhà ở phố mưa nhiều cũng ngập nên việc các thủy điện thời gian qua khi có bão lũ lớn phải xả lũ, khiến hạ nguồn ngập nặng cũng là bất khả kháng. Về nguyên tắc, các thủy điện này đều có chức năng tích nước phát điện và xả lũ.
Dư luận mới chỉ nói đến một phía là do xả lũ gây ngập nặng nhưng thực tế nếu không có đập thủy điện giữ lại, tất cả lũ tràn về thì có thể lũ còn lớn hơn nhiều. Nếu các hồ thủy điện cứ giữ nước, không xả, đập vỡ thì có thể cuốn trôi cả thành phố chứ không chỉ ngập như vậy. Chúng ta phải nhìn nhận sự việc trên cả hai chiều.
* Thưa ông, điều dư luận quan ngại nhất là có quá nhiều thủy điện trên một dòng sông và được xây dựng vì mục tiêu kinh tế chứ không quan tâm đến chống lũ?
- Nhân dân thắc mắc là đúng nhưng chúng tôi khẳng định là các thủy điện đều có trong quy hoạch và chúng tôi quản được quy hoạch. Hiện nay, việc xây dựng các nhà máy thủy điện được thẩm định chặt, thậm chí phải qua cả Thủ tướng.
Những công trình thủy điện có công suất 50MW trở lên đều phải nằm trong quy hoạch tổng sơ đồ điện VI đã được phê duyệt và phải được Thủ tướng đồng ý mới triển khai. Thủy điện công suất 50MW trở xuống được giao cho các địa phương phê duyệt nhưng cũng phải trao đổi và có sự thống nhất của Bộ Công thương.
Một dự án thủy điện được phê duyệt ngoài khả năng phát điện còn phải đảm bảo tính khả thi, các yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho hạ lưu và các vấn đề về môi trường... Còn tại sao lại có nhiều thủy điện trên một dòng sông thì đó là cách tận dụng khả năng phát điện. Thủy điện vẫn là loại hình phát điện rẻ, hiệu quả và không gây ô nhiễm nên chúng ta ưu tiên và tận dụng để phát triển nguồn điện. Nguồn thủy điện lớn hết rồi thì giờ chúng ta phải tập trung làm thủy điện vừa và nhỏ.
* Nhưng thực tế, nhiều thủy điện xả lũ đã gây lũ nặng hơn cho hạ lưu?
- Không phải. Trong các trận lũ vừa qua, chúng tôi kiểm tra lại và thấy nếu không có các hồ thủy điện thì lũ có thể cao hơn. Các hồ thủy điện đã giảm, cắt lũ được 20-30%. Bây giờ rừng đã bị phá nhiều, mưa xuống bao nhiêu trôi xuống hết nên lũ có xu hướng mạnh lên. Các thủy điện đều có quy trình xả, quy trình đó không phải một bộ làm mà liên bộ làm. Giám đốc mà lệnh cho xả sai quy trình thì ông ta có thể bị đi tù chứ không đơn giản. Nhưng do lũ to là bất khả kháng nên khi các hồ thủy điện xả đã gây lũ.
* Việc kiểm tra vận hành của các hồ thủy điện có thường xuyên không?
- Việc kiểm tra thực hiện theo phân cấp. Thủy điện địa phương cấp phép thì địa phương kiểm tra, còn lại bộ kiểm tra. Tuy nhiên, nhà máy thủy điện cũng như các nhà máy khác, giám đốc phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Khi có vấn đề gì thì các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, nếu không trên cả nước có cả nghìn nhà máy thủy điện, kiểm tra làm sao hết được. Bình thường họ vận hành thì không phải kiểm tra.
Ngoài quy trình vận hành của một hồ thủy điện, nếu trên cùng một dòng sông có nhiều đập thủy điện thì các nhà máy thủy điện này còn phải chấp hành quy trình vận hành liên hồ chứa. Vấn đề này được giao cho Bộ Tài nguyên - môi trường. Việc xả, vận hành thủy điện theo quy trình và các quy định nghiêm túc như vậy chứ không phải các hồ muốn làm gì thì làm.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Ông VŨ TRỌNG HỒNG (tổng thư ký Hội Thủy lợi, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy lợi):
Sơ tán dân rồi mới xả lũ
Qua sự việc của hồ thủy điện A Vương và Sông Ba Hạ, tôi thấy có vấn đề trong điều hành. Bình thường khi không có lũ thì Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc không để các đập thủy điện vỡ và vẫn tích được nước sản xuất điện, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm để không xảy ra tình trạng ngập úng hoặc hạn hán dưới hạ lưu, Bộ Tài nguyên - môi trường có nhiệm vụ xây nhiều hồ tích lũ. Nhưng khi lũ về thì ba bộ này không thể đứng riêng rẽ được.
Lúc đó Thủ tướng phải “cầm cờ”, giao cho cơ quan tham mưu là Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương điều phối và nên có sự tham gia của các chuyên gia thủy lợi lâu năm. Trong trường hợp một hồ thủy điện “báo động đỏ” thì ban chỉ đạo phải biết và tỉnh khẩn cấp di dời dân rồi mới xả, chứ không thể xả trước rồi nói rằng xả là hợp lý, xả vì bất khả kháng.
Quan trọng nhất là trước mùa lũ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương phải ra quyết định về cách điều hành, xả lũ vì trên một dòng sông thường có 3-4 hồ thủy điện. Ở các vụ việc vừa rồi, tôi có thể đặt câu hỏi là trước mùa lũ anh đã làm gì. Chống lũ không phải có lũ thì mặc áo phao vào mà cái chính là trước khi mùa lũ đã phải lặn lội xem tình hình ở tất cả các nơi rồi.
Ngoài ra, tôi cho rằng một điểm rất quan trọng mà hiện nay chúng ta coi thường là việc lập bản đồ những vùng trũng, vùng ven sông của các địa phương để trước mùa lũ có tính toán, thông báo cho người dân biết nguy cơ ngập thì mới có biện pháp phòng tránh kịp thời.
K.HƯNG ghi

GS.TSKH PHẠM HỒNG GIANG (chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN, nguyên thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn):

Ông Phạm Hồng Giang - Ảnh: Đ.B.
Lũ “nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên
Nếu quản lý hồ không theo quy trình, duy trì mức nước hồ quá cao trong mùa mưa, không kịp thời xả nước trước, nhất là khi đã có dự báo mưa lũ, rồi phải xả nước hồ cùng với thời điểm lũ tự nhiên đang về thì đúng là lũ “nhân tạo” đã chồng lên lũ tự nhiên.
Trước đây, mọi quy hoạch và công tác quản lý nguồn nước do Bộ Thủy lợi phụ trách. Lúc đó, hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Sau đó, phần thủy điện được tách ra và phát triển rất mạnh trong thời gian qua do nhu cầu về năng lượng tăng nhanh. Khi tham gia xem xét các dự án thủy điện vừa và lớn, Bộ Thủy lợi, sau này là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đều yêu cầu các hồ chứa phải có nhiệm vụ chống lũ.
Tuy nhiên, khi vận hành thì không rõ việc đó được thực hiện thế nào. Hiện chỉ riêng hồ Hòa Bình có quy trình vận hành được Chính phủ phê duyệt và nhiệm vụ chống lũ của hồ được chỉ đạo tương đối chặt chẽ. An toàn của đập Hòa Bình cũng được hội đồng liên ngành theo dõi, đánh giá hằng năm. An toàn của các đập khác thì chủ đầu tư tự lo.
Chưa thể nói mô hình điều hành hồ Hòa Bình đã hoàn toàn tốt, song những kinh nghiệm tại đó nên được tham khảo cho các nơi khác. Theo tôi, nên có cơ chế quản lý chung, có một “tổng chỉ huy” chứ không thể như hiện nay, chỉ lo lợi ích của chủ đầu tư, lợi ích của ngành mình, của địa phương mình. Hiện nay, việc quản lý nguồn nước phân tán quá. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lo tưới tiêu, Bộ Công thương lo phát điện, Bộ Tài nguyên - môi trường lo tác động môi trường... Vì thế, rất cần sự phối hợp và điều hành chung.
Ở những nơi có điều kiện, người ta xây dựng nhiều đập “bậc thang” trên sông nhằm tận thu nguồn thủy năng. Tại đó, việc xả lũ từ hồ trên đương nhiên có ảnh hưởng lớn đến hồ dưới. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy chế nào về quản lý các hệ thống thủy điện bậc thang. Những trận lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng vừa qua ở miền Trung đang đặt ra nhiều vấn đề rất cấp bách, trong đó có vấn đề quản lý hồ chứa an toàn và tham gia tích cực vào việc giảm nhẹ lũ.
Đức Bình ghi
Ông BÙI CÁCH TUYẾN (tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường):
355 nhà máy thủy điện ở miền Trung, Tây nguyên

Ông Bùi Cách Tuyến - Ảnh: X.L.
Thống kê ban đầu của chúng tôi cho thấy số lượng thủy điện vừa và nhỏ do địa phương phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường ở một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên lên tới 355 cái, trong đó Gia Lai là 113, Lâm Đồng 55, Kontum 22, Đắc Nông 64 và Đắc Lắc 101.
Chính vì vậy, đối với bất kỳ báo cáo đánh giá tác động môi trường nào, vấn đề hậu kiểm, giám sát thực hiện theo đúng báo cáo là rất quan trọng. Tôi nghĩ, đây là vấn đề quan trọng số một mà các địa phương phải thường xuyên theo dõi và giám sát các chủ đầu tư vì từ hậu kiểm, thanh kiểm tra có thể phát hiện những vấn đề mà trước đây chưa tính toán được để kịp thời có những đề xuất lên các đơn vị chuyên ngành cao hơn như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - môi trường để được tư vấn hoặc cùng hợp lực giải quyết.
Xuân Long ghi

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty