TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, November 15, 2009

Chuyện kỳ lạ cười ra nước mắt

TT - Câu chuyện "Bị mất việc vì có trình độ... đại học" (Tuổi Trẻ 10-11) của cô Trần Thị Diệu Hương đã nhận được 544 phản hồi từ bạn đọc chỉ trong ngày hôm qua. Hầu hết bạn đọc bày tỏ sự bất bình trước cách cư xử của Sở Nội vụ Quảng Bình. "Buồn cười", "thật không hiểu nổi", "bi hài"... là những cụm từ được bạn đọc dùng khá nhiều khi bình luận về câu chuyện oái oăm của cô Hương.

Chúng tôi trích đăng một số ý kiến dưới đây.

Chị Trần Thị Diệu Hương nghẹn ngào kể lại chuyện mất việc oái oăm của mình - Ảnh: L.Giang

Sốc và buồn cười

 * Tôi thật sự sốc khi đọc bài báo trên! Tôi cũng là một công chức nhà nước ở tỉnh nên tôi biết chính sách, chủ trương của Nhà nước ta rất chuộng nhân tài. Vì vậy, những việc làm của Sở Nội vụ Quảng Bình là đi ngược lại đường lối, chính sách, chủ trương của Nhà nước.

Việc làm đó, theo tôi, chỉ thể hiện tính quan liêu cục bộ của một vài cá nhân, quan chức! Nếu cứ để người có học bị từ chối thì làm sao Quảng Bình phát triển được, trong khi đây là một tỉnh nghèo.

Tran Minh (tranminh05@...)

* Đọc bài báo trên, tôi vô cùng bất bình về cách tuyển chọn, sử dụng nhân tài của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình. Sau này, cho dù cô Hương có được xử thắng kiện, được bồi thường vật chất, tinh thần đi nữa thì liệu cô có còn tự tin, nhiệt tình công tác cho cơ quan nhà nước không? Tôi nghĩ phải làm rõ chuyện cô Hương bị mất việc để xử lý nghiêm những tiêu cực trong tuyển dụng công chức nếu có và để người có năng lực có cơ hội đóng góp cho quê nhà.

Ha Thuan

* Hiện nay nhiều tỉnh thành đang "trải thảm đỏ" để mời gọi những công dân của tỉnh được đào tạo bài bản về tỉnh nhà công tác, góp sức xây dựng quê hương. Vậy mà Sở Nội vụ Quảng Bình lại đi từ chối chị Hương, một người có bằng đại học chính quy, để tuyển người có trình độ thấp hơn. Quảng Bình không phải là một tỉnh giàu có, cần thu hút nhân lực để xây dựng tỉnh phát triển. Nếu lao động có trình độ muốn về tỉnh nhà công tác mà sở nội vụ từ chối như trường hợp của chị Hương thì làm sao phát triển tỉnh nhà được.

Từ câu chuyện của chị Hương, tôi nghĩ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần dành thời gian theo dõi cấp dưới thực hiện chủ trương của tỉnh để thật sự thu hút được nhân tài về cho tỉnh.

Sơn Tùng (sontung84@...)

Mất niềm tin vào công tác tuyển dụng

Tin bài liên quan:
>> "Xua đuổi nhân tài", chuyện cười ra nước mắt
>> Hắt hủi nhân tài
>> Giám đốc Sở Nội vụ "xin rút kinh nghiệm" vụ "hắt hủi nhân tài"

* Câu chuyện của cô Trần Thị Diệu Hương ở Quảng Bình là câu chuyện kỳ lạ cười ra nước mắt. Câu chuyện kỳ lạ này cho thấy cung cách làm việc quan liêu, tắc trách của Sở Nội vụ Quảng Bình. Bởi theo luật sư Lê Minh Tâm (Đồng Hới, Quảng Bình): "Vụ việc của cô Hương sẽ không có gì to tát nếu như sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan nhà nước ở tỉnh có cách giải quyết thấu tình đạt lý hơn, chẳng hạn hoàn toàn có thể bố trí cho cô Hương một việc làm, không phải chỗ này thì chỗ khác. Bởi cô ấy trẻ, có trình độ, có năng lực cống hiến cho quê hương".

Tại các phiên tòa, đại diện Sở Y tế Quảng Bình cũng đều cho rằng việc tuyển dụng cô Hương là phù hợp với công việc và chức danh cần tuyển.

Chính vì thế, người dân chúng tôi nghi ngờ và mất niềm tin vào sự công tâm trong tuyển dụng nhân sự của Sở Nội vụ Quảng Bình.

Phạm Được (Đà Nẵng)

* Cần người có bằng cao đẳng, lại có người mang bằng đại học đến xin làm việc, đáng lẽ phải mừng thì Sở Nội vụ Quảng Bình lại "chê", chuyện nghe thật buồn cười. Tuy nhiên, trong vấn đề này, tôi nghĩ không đơn giản chỉ là chuyện bằng cấp. Sau bốn tháng nhận cô Hương vào làm việc, Sở Nội vụ nại lý do cần người có bằng cao đẳng chứ không phải bằng đại học để "hất" cô Hương ra ngoài. Phải chăng ở vị trí cô Hương đang có một mối "dây mơ rễ má" nào muốn nhảy vào? Bởi khi tuyển dụng nhân sự, không ai lại không muốn nhận được người tài giỏi cả...

PHAN HÙNG TIẾN (phanhungtri.phan@...)

Chấm dứt hợp đồng lao động không có căn cứ pháp luật

Theo tôi, xét về góc độ pháp lý, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bố Trạch đã nhầm lẫn về việc áp dụng pháp luật khi sử dụng các quy định của pháp lệnh cán bộ công chức để áp đặt vào trường hợp của chị Trần Thị Diệu Hương. Chị Hương đã giao kết hợp đồng lao động với Trung tâm Y tế dự phòng nên phải có sự điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật lao động.

Như vậy, việc Trung tâm Y tế dự phòng ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với chị Trần Thị Diệu Hương là không có căn cứ pháp luật. Theo quy định tại điều 41 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng và bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương, phụ cấp lương trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương. Tính đến thời điểm này, chị Hương đã mất việc làm gần ba năm.

Như vậy nếu căn cứ vào quy định trên, chị Hương phải được bồi thường gần ba năm tiền lương và phụ cấp lương tương ứng cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương, đồng thời Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bố Trạch phải nhận chị Hương trở lại làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM)

Tôi như thấy mình trong câu chuyện của chị Hương

Tôi tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành thông tin thư viện, Trường đại học Văn hóa TP.HCM. Năm 2007, khi biết địa phương có tuyển dụng nhân viên thư viện cho nhà văn hóa (NVH) với điều kiện tốt nghiệp trung cấp cùng ngành tuyển dụng (thư viện) trở lên, tôi mạnh dạn nộp hồ sơ.

Chị quản lý nhân sự của NVH (người trực tiếp xem xét hồ sơ và phỏng vấn tôi) nói rất hài lòng với hồ sơ của tôi và bảo tôi về làm kế hoạch bổ sung sách cho thư viện của NVH. Sau khi tôi nộp bản kế hoạch, chị quản lý nhân sự nói sẽ tuyển dụng tôi vào làm ở thư viện và hẹn tôi đầu tuần sau lên nhận việc.

Sang tuần, tôi bắt đầu đi làm. Khi ấy NVH đang tổ chức hội thao nên tôi vẫn chưa được ký hợp đồng thử việc hay giấy tiếp nhận của cơ quan mà chỉ được một chị ở phòng nhân sự đưa đến giới thiệu với chị quản lý thư viện. Mấy ngày sau, bản kế hoạch bổ sung sách cho thư viện của tôi được duyệt và chúng tôi tiến hành bổ sung sách phục vụ bạn đọc.

Thế nhưng sau khi đi làm được một tuần, tôi được chị H. (phòng nhân sự) gọi lên gặp có việc. Khi tôi lên, chị H. đưa cho tôi tờ thông báo rằng từ ngày mai tôi không đi làm nữa. Khi tôi hỏi lý do, chị H. nói thư viện đang bổ sung sách và cần sửa sang lại phòng làm việc nên tôi không phải đi làm. Chị H. bảo tôi cứ về nhà, khi nào thư viện sửa xong sẽ gọi tôi đi làm lại. Tôi biết lý do mà chị H. đưa ra không hợp lý, nhưng tôi về nhà và vẫn hi vọng sẽ được gọi đi làm lại trong thời gian sớm nhất. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy gọi đi làm, tôi đến gặp chị H. và chị ấy bảo hiện thư viện đã có người mới vào làm nên trả lại hồ sơ của tôi.

Tôi rất buồn nhưng biết làm sao được! Khi tôi lên thư viện mới biết người thay thế tôi là cô bạn học cũ thời phổ thông. Nói chuyện tôi mới biết cô ấy tốt nghiệp hệ trung cấp văn thư (trái với thông tin tuyển dụng NVH đưa ra trước đó). Ngoài ra, cô ấy còn nói bố của cô ấy phải mất tiền... nhờ người xin vào mới được. Nghe vậy, tôi mới biết lý do người ta đưa ra chỉ là cái cớ để buộc tôi nghỉ việc.

Tôi nghĩ chuyện của tôi là một thực trạng phổ biến ở nhiều địa phương hiện nay. 

Đinh Thị Hải Yến (haiyen_tcdl@...)

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty