TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, November 17, 2009

Thống đốc Ngân hàng: 'Nợ quốc gia hiện rất lớn'

Chỉ 2 đại biểu chất vấn về những căng thẳng trên thị trường ngoại tệ hiện nay, song Thống đốc Nguyễn Văn Giàu phải dành nhiều thời gian để lý giải tại sao giải quyết bài toán tỷ giá lại khó khăn đến vậy.
> Tỷ giá đôla chạm mốc 19.000 đồng / Hàng nhập khẩu tăng theo tỷ giá / Nhập khẩu vàng, giá đôla sẽ hạ

Trong số 13 đại biểu nêu câu hỏi trực tiếp với người đứng đầu ngành ngân hàng tại phiên chất vấn Quốc hội sáng nay, chỉ 2 đại biểu đề cập tới câu chuyện tỷ giá hối đoái. Riêng đại biểu Phạm Thị Loan, chủ một tập đoàn kinh tế tư nhân, phải chất vấn hai lần về vấn đề này vì chưa thấy thỏa mãn với phần giải trình bằng văn bản của Thống đốc. Theo bà Loan, thị trường ngoại tệ hiện rất căng thẳng, người có ngoại tệ thì găm giữ, không muốn bán, ngân hàng đồng tình với người có ngoại tệ nâng giá bán thực tế cao hơn niêm yết vài trăm đồng, doanh nghiệp muốn mua phải chấp nhận giá cao và phần chênh lệch đó không được thể hiện trong hóa đơn chứng từ hợp lệ.

"Đề nghị Ngân hàng Nhà nước giải thích tại sao có chuyện găm giữ, không muốn bán đôla cho ngân hàng? Phải chăng tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố không phản ánh đúng cung cầu thị trường mà dựa trên sự tự định giá cứng nhắc, duy ý chí? Ngân hàng Nhà nước dường như đang giải quyết căng thẳng này bằng biện pháp hành chính? Vậy có chính sách ngắn hạn và dài hạn nào để ổn định tỷ giá?", bà Loan đặt ra hàng loạt câu hỏi, như nói lên nỗi thống khổ của doanh nghiệp phải vật lộn mua đôla những ngày này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước không đi thẳng vào các câu hỏi của đại biểu, mà đưa ra những khó khăn trong công tác quản lý ngoại hối hiện nay. Theo ông, mặc dù ưu tiên cho mục tiêu xuất khẩu, coi đây là nguồn cung cấp ngoại tệ chủ yếu cho đất nước, nhưng hơn hai mươi năm nay Việt Nam luôn trong thế nhập siêu. Đáng chú ý, trong năm 2007 Việt Nam nhập siêu tới 12,4 tỷ USD, đến 2008 là 18 tỷ và 10 tháng đầu năm đã nhập siêu 8,9 tỷ USD. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, cả 4 nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng cho đất nước cùng lúc đều suy giảm. Ngoài xuất khẩu, các kênh như kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài và du lịch đều giảm mạnh so với các năm trước. Vì thế, nguồn cung ngoại tệ, vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Trong khi đó, để duy trì phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ, tỷ giá vì thế cũng chịu áp lực lớn hơn.

"Bây giờ hỏi có giải pháp nào không, tôi xin trả lời nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, tín dụng không tăng, chính sách tài khóa cũng thắt chặt khiến nhập khẩu không tăng. Nhưng làm thế sẽ không đảm bảo tăng trưởng. Đây là bài toán lớn", Thống đốc trầm tư giãi bày điểm khó của ngành ngân hàng khi vừa phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa phải lo ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề ổn định tỷ giá.

Một số ý kiến đề nghị để giải quyết căng thẳng hiện nay trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước nên phá giá đồng nội tệ, để tỷ giá phản ánh chân thực cung cầu hơn. Tuy nhiên, Thống đốc Giàu cho rằng điều này không thể thực hiện mà một phần nguyên nhân là nợ nước ngoài của quốc gia hiện rất lớn, không còn nhỏ như những năm trước. Riêng phần doanh nghiệp trong nước nợ bằng ngoại tệ hiện cũng lên đến 17 tỷ USD, nếu phá giá sẽ khiến gánh nặng nợ nần thêm chồng chất.

"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương. Tôi và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bàn với nhau hằng tuần, các đồng chí thứ trưởng thậm chí trao đổi hằng ngày để bàn biện pháp tháo gỡ, giải quyết dần dần khó khăn, chứ khó có thể giải quyết tức thời", ông Giàu nói.

Thấy Thống đốc chưa trả lời trực tiếp vào câu hỏi của mình, đại biểu Phạm Thị Loan tiếp tục đăng ký chất vấn. Bà một lần nữa yêu cầu Thống đốc giải thích tại sao có chuyện găm giữ ngoại tệ và Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp giải quyết, chẳng hạn có nguồn cung ứng để giải tỏa căng thẳng trên thị trường. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết đang xin chủ trương của Chính phủ về nguồn ngoại tệ bổ sung, tuy nhiên ông vẫn bỏ ngỏ vế thứ nhất của câu hỏi rằng tại sao các tổ chức có ngoại tệ vẫn găm giữ, không chịu bán cho ngân hàng.

Đại biểu Phạm Thị Loan cũng đưa ra những chất vấn khá gai góc về vấn đề ổn định tiền tệ. Trong năm 2007, tín dụng tăng trưởng nóng lên tới hơn 50% trong khi mục tiêu đề ra chỉ bằng một nửa như vậy. Đến cuối 2007 đầu 2008, chính sách tiền tệ bị thắt chặt đột ngột, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.

"Cú sốc tiền tệ khiến nhiều doanh nghiệp chết lâm sàng hoặc thoi thóp chờ thời. Nay tín dụng cũng tăng trưởng cao, dự đoán cả năm phải ở mức 40%. Vậy mục tiêu ngành ngân hàng đặt ra là 30% sẽ không đạt được. Vấn đề lo ngại ở đây không chỉ là con số bao nhiêu phần trăm, mà là chúng ta không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng. Và Ngân hàng Nhà nước đang giải quyết bằng biện pháp hành chính. Liệu có giải pháp nào hữu hiệu hơn vừa tránh ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh vừa không tạo tăng trưởng tín dụng nóng? Liệu có xảy ra cú sốc tiền tệ nữa hay không?", bà Loan lo ngại.

Vẫn giữ cách trả lời gián tiếp, Thống đốc Giàu lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng của năm 2007 là tổng phương tiện thanh toán tăng đột biến, thặng dư hơn 10 tỷ USD khiến Ngân hàng Nhà nước phải hóa giải qua việc phát hành giấy tờ có giá để mua lại. Tình hình năm 2009 không giống như vậy mà theo Thống đốc, toàn bộ cân đối vốn cho nền kinh tế đều do các tổ chức tín dụng tự huy động, chứ không phải do tăng cung tiền từ Ngân hàng Trung ương. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn đang chậm dần, trong nửa đầu năm bình quân mỗi tháng là 3%, nay chỉ còn hơn 1% vì thế tăng trưởng tín dụng cũng chậm dần đi.

"Tăng trưởng tín dụng năm nay có khả năng lên đến 40%. Doanh nghiệp sợ 2007-2008 đã bị cú thắt chặt tiền tệ đột ngột, hạn chế mức vay khiến doanh nghiệp không có vốn sản xuất kinh doanh. Tôi muốn hỏi Thống đốc sắp tới có xảy ra chuyện tương tự hay không?", đại biểu Loan không chịu bỏ lỡ cơ hội buộc Thống đốc phải trả lời dứt khoát nhằm làm sáng tỏ mối lo của doanh nghiệp.

Đến lúc này, người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ mới tuyên bố: "Trong các tháng tới, chúng ta chưa thắt chặt mà nới lỏng chính sách tiền tệ một cách thận trọng". Ông phân trần, chủ trương đó thực hiện trong bối cảnh diễn biến kinh tế ổn định. Nhưng khi có dấu hiệu biến động lạm phát, biện pháp đầu tiên mà Ngân hàng Trung ương phải làm là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (lượng tiền bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải gửi ở Ngân hàng Nhà nước sau khi huy động từ dân cư, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống), tiếp đó là tăng lãi suất.

"Đó là công thức kinh điển. Đề nghị đại biểu theo dõi, khi tình hình ổn định, thì chính sách ổn định", ông Giàu nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề tỷ giá, gần 10 chất vấn dành của các đại biểu sáng nay xoáy vào hiệu quả của các chương trình kích thích, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là phần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ nông nghiệp nông thôn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng hỗ trợ lãi suất là giải pháp kích thích kinh tế tối ưu phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tác động tích cực, đạt được mục tiêu là giúp nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn, giảm giá thành sản phẩm, duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn không đồng tình với nhận định này. Dẫn ra số liệu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được gói kích cầu, ông Sơn cho rằng không thể kết luận gói kích cầu đã có hiệu quả và đưa doanh nghiệp ra khỏi khó khăn. Hơn nữa tới tháng 4 các doanh nghiệp mới tiếp cận vốn, trong khi giữa năm tín hiệu phục hồi đã có. "Vì thế chính sách hỗ trợ không phải là nguyên nhân đưa nền kinh tế và doanh nghiệp ra khỏi khủng hoảng. Chính chính sách nới lỏng tiền tệ trong điều kiện vay thông thường mới tạo dấu hiệu lớn hơn", ông Sơn nói.

Trong các biện pháp kích cầu qua lãi suất, Chính phủ cũng chủ trương hỗ trợ nông dân, nông nghiệp và nông thôn vượt qua khó khăn kinh tế (quy định tại Quyết định 497). Tuy nhiên, đại biểu Danh Út đại diện cử tri Kiên Giang cho rằng việc triển khai cho vay trong nông dân ở nông thôn có quá nhiều khó khăn vì quá nhiều thủ tục và điều kiện. Nông dân muốn vay vốn phải đáp ứng 8 điều kiện khắt khe, trong đó có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phải mua máy móc hàng hóa, vật liệu trong nước, mua hàng phải có hóa đơn giá trị gia tăng... "Quyết định 497 nông dân với không tới. Điều kiện ngặt nghèo mà lượng vốn cho vay quá nhỏ. Ví dụ mỗi ha được vay 7 triệu để mua phân bón, trong khi thực tế bà con cần 15 triệu đồng. Nếu không vay vốn ngân hàng, họ đi ra cửa hàng mua 10-15 triệu đồng, thì 3 tháng sau mới cần trả hết. Vay làm nhà chỉ được 50 triệu...".

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất không thực hiện đại trà mà chỉ chọn lựa một số đối tượng, đặc biệt là sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp thu hút nhiều lao động. Đến nay có 102.000 doanh nghiệp tiếp cận vốn vay này. "Theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cuối năm 2007 có 326.000 doanh nghiệp, nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn để tiếp cận ngân hàng, một bộ phận không đủ điều kiện vay vốn và hỗ trợ. Đưa ra con số 20% không phù hợp lắm vì ta không hỗ trợ tất cả các đối tượng", ông Giàu nói thêm.

Trong phần giải trình bằng văn bản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận việc triển khai gói kích cầu thứ nhất cũng bộc lộ một số nhược điểm, trong đó có việc cho vay với bà con nông dân. Hơn nữa, chính sách ưu đãi cũng tạo sức ép tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tăng lãi suất, tăng tỷ giá, có thể phát sinh hiện tượng lợi dụng cơ chế. Nếu hỗ trợ kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, sự hỗ trợ tạo tính cạnh tranh không cao.

Do chính sách kích thích kinh tế là chủ trương lớn của Chính phủ, với sự tham gia triển khai của nhiều bộ ngành, nên trong phiên chất vấn sáng nay, Quốc hội mời thêm Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Nông nghiệp Nông thôn Cao Đức Phát tham gia giải đáp. Dày dạn kinh nghiệm đăng đàn, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã gánh đỡ những phần mà nhân vật chính của buổi chất vấn sáng nay - Thống đốc Nguyễn Văn Giàu - chưa giải đáp hết. Ông Phúc đưa ra những số liệu và dẫn chứng thực tế cho thấy thắt chặt tiền tệ cuối 2007-2008 là việc không thể không làm và nó đã góp phần kiềm chế lạm phát, mục tiêu quan trọng hàng đầu vào thời điểm đó.

Kích thích kinh tế, theo Bộ trưởng Phúc cũng là chủ trương đúng đắn và mang lại hiệu quả, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý của năm 2009. Tuy nhiên, ông cho rằng, quá trình triển khai cũng bộ lộ một số điểm, đặc biệt là cho vay nông nghiệp nông thôn. Các bộ ngành đã kiến nghị Chính phủ ra nghị quyết chấn chỉnh lại, tạo điều kiện thủ tục thông thoáng hơn, cho vay với hạn mức lớn hơn và thời gian kéo dài hơn. Ngân hàng Nhà nước sẽ có hẳn nghị định về tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn để các chính sách hỗ trợ với khu vực này ổn định hơn.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, nữ đại biểu Lê Thị Nga đặt câu hỏi về sự mất giá của tiền đồng và hiệu quả của việc phát hành tiền kim loại. Đồng tiền xu đầu tiên được phát hành lưu thông vào năm 2003, khi ấy thống đốc đương nhiệm đã giải trình một cách thuyết phục trước Quốc hội, Chính phủ về hiệu quả sử dụng, độ bền đẹp và tính tiện dụng của đồng tiền này. Thống đốc đương nhiệm cũng hứa sẽ phát triển hệ thống các phương tiện thanh toán bằng tiền xu. "Thế nhưng, đến nay hiệu quả sử dụng và độ bền đẹp của nó như thế nào thì tất cả mọi người đều rõ", bà Nga vừa nói vừa trưng ra trước Quốc hội đồng tiền xu đã xỉn màu. Trên quan điểm thống đốc kế nhiệm cũng phải có trách nhiệm để đảm bảo sự lưu hành một đồng tiền sao cho hiệu quả, tránh lãng phí, bà Nga đề nghị Thống đốc Giàu nêu ý kiến về vấn đề này.

"Đề án sản xuất tiền kim loại, tôi cũng cho rằng không đạt hiệu quả", Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tuyên bố, sau khi nhắc lại với Quốc hội rằng việc phát hành tiền kim loại là theo phương án mà vị thống đốc tiền nhiệm trình và được Chính phủ phê duyệt. Ông cho biết thêm, ngay khi về điều hành Ngân hàng Nhà nước, đã nghiên cứu kỹ và yêu cầu ngừng phát hành mới tiền xu, thu hồi những đồng tiền không đảm bảo lưu hành.

Chất vấn Thống đốc đương nhiệm về sự mất giá của đồng tiền Việt Nam thời gian qua, đại biểu Lê Thị Nga còn dẫn chiếu quy định pháp luật cho thấy ổn định giá trị đồng tiền là trách nhiệm của thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Giàu thừa nhận, hằng năm đồng tiền Việt Nam đều mất giá, song đảm bảo ổn định đồng tiền không chỉ là mục tiêu theo đuổi của ngành ngân hàng mà còn cần xem xét tới các yếu tố khác, đặc biệt là cơ cấu và hiệu quả nền kinh tế. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm ngoái tới nay, đồng tiền Việt Nam đã mất giá 5,18% so với đôla Mỹ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI. Ngành ngân hàng trực tiếp nhận 22 chất vấn của 22 đại biểu và 3 ý kiến do Thủ tướng ủy quyền trả lời, tập trung vào 3 vấn đề: Triển khai gói kích cầu thứ nhất; Tỷ giá và thị trường ngoại hối và Điều hành lãi suất ngân hàng trong bối cảnh vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh vừa phòng ngừa nguy cơ lạm phát quay trở lại. Do có nhiều ý kiến chất vấn, nên chiều nay Thống đốc Giàu sẽ tiếp tục giải trình trong khoảng nửa tiếng, với gần 10 câu hỏi xoay quanh vấn đề lãi suất cơ bản, giá vàng và dự trữ ngoại hối.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty