TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Wednesday, September 9, 2009

Tiến lên… xã nghèo!

Cập nhật lúc 07:28, Thứ Tư, 09/09/2009 (GMT+7)

-...Thương thế những “hộ nghèo” chưa có ô tô, chỉ có mỗi cái xe máy chạy vè vè, cái tivi hát ti tỉ, cái nhà mái bằng đắp công đắp phượng, bôi màu xanh đỏ tím vàng toe toét, lòe loẹt. Nó là phong cách kiến trúc mang mã vạch “Hiện đại hóa nông thôn” chỉ có ở xứ ta, được các lò kiến trúc sư xóm chỉ giáo. Nó đều là sản phẩm sinh sản vô tính từ cái mẹo tiến lên… nghèo, của cậu chủ tịch mà tôi quen biết.

Mô tả ảnh.
Chỉ còn thiếu mỗi cái ôtô vẫn chạy nghèo để nhận tiễn hỗ trợ. Ảnh: NLD


Ở nước ta, phong trào thi đua mang tinh thần “tiến lên” khá sôi nổi ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương, nhiều đoàn thể, trong nhiều thập kỉ qua. Có phong trào thi đua có nội dung tốt, mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống xã hội. Nhưng cũng không ít phong trào chỉ là hình thức, theo kiểu “đánh trống ghi tên” hay “vui đâu chầu đấy”. Lúc triển khai thì rầm rộ, trống rong cờ mở, huy động cả công nông chạy “tít mù vòng quanh” lên huyện xuống xã, loa đài gọi nheo nhéo, là học lỏm mấy ông văn công về biểu diễn ở lông thôn (xin nỗi, nhà em lói ngọng), nhưng rồi phong trào lặn nghỉm, chả thấy sủi tăm. Ví như phong trào thi hoa hậu, người đẹp này nọ có thời về đến cấp tỉnh, cấp huyện, ngoành sang các ngành, đoàn thể… với những Người đẹp quê lụa, Hoa hậu Đền Hùng, Hoa hậu biển, Người đẹp thể thao, Nữ hoàng trang sức… và om xòm chuyện đo mông đo má, tí táy tí mẻ chuyện gạ tình lấy điểm. Hoặc như ở nông thôn, có lúc người ta đua nhau trồng mận, trồng chuối, trồng tỏi, trồng ớt… xuất khẩu, để rồi cả làng không biết cười hay mếu vì mùa màng ế ẩm, cơ quan mua bán thì chỉ tầm tư duy “buôn thúng bán mẹt”, mang con bỏ chợ.

Có xã lại chỉ mong có phong trào để tiện thịt mấy chú ỉn “bôi trơn”. Nhà quê chúng em cứ gọi là nôm na, lợn có tí mỡ nên đầu cứ xuôi là đuôi nó lọt. Sang hơn, là huy động phường thịt chó về biểu diễn các món khoái khẩu tại quê, rơm rạ dễ hun, vừa ngon vừa bổ, vừa rẻ, lại vừa có dịp được chén chú chén anh. Rượu nút lá chuối nức nở mùi men nếp, vui vẻ cả làng. Có tí tiền thuế bán đất, tiền chuyển đại thổ canh thành thổ cư, cho thầu lò gạch, ao cá… không mang ra mà dùng, để lâu nó mốc.

Mà thịt chó bây giờ ở quê lên đời lắm nhá. Cỗ cưới, cỗ giỗ họ có “cầy tơ bảy món” là vừa bỗ bã, vừa oách (có nơi cỗ thịt chuột mới là oách nhất). Thế nên, có thời người ta có thơ, cứ đồn là của Bút Tre, chả biết hư thực thế nào về thi đua, thế này: “Thi đua ta quyết tiến lên/Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu/Lên đầu rồi tiến đi đâu?/Tiến lên hàng đầu rồi tiến lên… trên”.

Cái giỏi của thi sĩ dân gian kia là khi tắc tị thì bỗng gỡ bí bằng chỉ một từ “trên”. Trên là giới từ chả xác định được cụ thể. Nghe sướng! Nhưng xem ra, cái sự sướng ấy nó vụng, nó không đắc địa, không độc đáo, bằng một giải pháp “tiến lên” rất bất ngờ, lại vô cùng thực tế, chỉ có ở nông thôn ta ngày nay mới “sáng tạo” thế, là tiến lên đẳng cấp… xã nghèo!

Mô tả ảnh.

Có những phong trào thi đua, những ngành nghề mang lại hiệu quả tích cực cho đời sống xã hội. Ảnh: Xomnhiepanh

Câu chuyện bi hài này đích thị tôi được chứng kiến. Là một ngày nọ, cách đây không lâu, một cậu chủ tịch xã mà tôi thân quen, tê-lê-phôn rằng:

- Xã em thành công lớn rồi anh ơi. Bác cả phải về mừng cho thằng em và tập thể quê nhà nhé. Cầy tơ cứ gọi là thả phanh. Không nhớ mời anh thì là cái mặt này không chơi được (hắn học giọng văn cụ Nam Cao).

Tôi ngỡ ngàng:

- Thành công gì mà như vớ được vàng thế?

- Bác không nhớ cái hồi em nhờ các bác là cứ viết về xã em thật nghèo, thật khó khăn là gì. Vì thế mà em chạy được thành xã nghèo. Xã nghèo thì phải được cứu trợ, được các quỹ hỗ trợ, được giảm thuế, được các dự án đầu tư, được các tổ chức quốc tế quan tâm, được ưu tiên đi xuất khẩu lao động, được vay vốn ưu đãi, được nhận nhiều nhà tình nghĩa…

- Thì ra… Sao thằng em láu cá thế?

- Bác ơi, mình có tình có nghĩa với làng, làng thế nào chả giữ em lại vài khóa nữa. Hết hai khóa chủ tịch thì chuyển sang hai khóa bí thư. Hết bí thư có khi lại xoay sang làm mặt trận. Nhiều xã thế rồi, cứ bí thư, chủ tịch xoay vòng hoán chỗ cho nhau. Xã nghèo, không buôn bán gì, không làm chủ tịch thì làm cái gì.

- Nghĩa là chú cứ áp dụng bài tiến… xuống chứ đâu phải tiến lên?

- Bác cả đừng “tiết canh” em, đừng cho thằng em phơi... mặt báo nhé. Cái thằng xã bên cạnh em cứ hí hoáy chạy cờ, chạy bằng khen ở tỉnh. Ngày xưa chạy lưới điện, dân làng nó kêu, “lòng lợn giải dài hàng chục cây số rồi, ối các ông ơi, ối làng nước ơi!”. Nhưng bác ạ, xã nó đón bằng khen thành tích mà dân đói lắm. Nên em là em cứ tiến lên… xã nghèo bác nhỉ, hì hì…!

Mô tả ảnh.
Ảnh: Xomnhiepanh

Tôi không nhịn được cười. Cười mà lòng chua chát. Cái thằng người quen của tôi kia, nó còn trẻ, nó không học cao nhưng cũng có chữ. Vậy mà nó không nghĩ cách giúp dân làm ăn, khai thông dân trí, mượn thầy thuê thợ về dạy dân trồng cây nuôi con đặc sản; không học nghề thủ công, không tích tụ đất đai để sản xuất hàng hóa, lại chỉ nhăm nhăm nghèo.

Không biết có phải đang hình thành một dạng lưu manh tân kì ở nông thôn, chuyên chạy dự án, manh mún bán đất canh tác, chạy thành xã nghèo, thành đồng bào miền núi, giống như người ở phố chạy chức chạy quyền, chạy các đại dự án hay không? Cái phong trào “chạy” xem ra đã ngấm vào máu nhiều công chức, nhiều cơ quan, tổ chức. Ngồi vỉa hè, quán nước, nhà hàng nào cũng cứ nghe thì thào, chữ tác chữ tộ chuyện tờ chuyện vé (đô la) lòng vòng những đâu, chuyện “đấu thầu” một chức nào đó mới nản!

Câu chuyện bi hài về chạy nghèo không chỉ dừng lại ở một xã mà tôi quen nọ. Cái sự “nghèo” biến tấu vào nhiều ngóc ngách đời sống xã hội nông thôn. Hồi trước Tết năm ngoái, bao hộ nghèo ở nông thôn được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng cũng thương thế những “hộ nghèo” chưa có ô tô, chỉ có mỗi cái xe máy chạy vè vè, cái tivi hát ti tỉ, cái nhà mái bằng đắp công đắp phượng nhảy nhót ở nóc ban công, bôi màu xanh đỏ tím vàng toe toét, lòe loẹt. Nó là phong cách kiến trúc mang mã vạch “Hiện đại hóa nông thôn” chỉ có ở xứ ta, được các lò kiến trúc sư xóm chỉ giáo. Nó đều là sản phẩm sinh sản vô tính từ cái mẹo tiến lên… nghèo, của cậu chủ tịch mà tôi quen biết kia.

Bởi vậy, không ít chính quyền địa phương về sau phải thu lại số tiền Tết bị ăn gian, hoặc bị bớt xén định mức của người thực nghèo. Ví dụ, mỗi khẩu nghèo được Chính phủ hỗ trợ 200 ngàn đồng thì ông xã ngắt chỉ còn 170, 150, thậm chí chỉ còn 80 ngàn, mới thảm làm sao!

Cũng may, đúng dịp xã của cậu chủ tịch kia khánh thành đình làng phục chế và liên hoan… xã nghèo thì tôi đi công tác xa. Sau lại nghe xã này cũng có mấy chục hộ có nhà xây, xe máy, thậm chí những “mẹ thẽm” có cả dây chuyền vàng hẳn hoi, được vào diện nghèo mà Chính phủ hỗ trợ mới “gấu”.

Chẳng biết câu chuyện ấy rồi thế nào. Cậu chủ tịch bây giờ có còn làm chủ tịch để tiến lên… trên nghèo nữa không? Thú thực, tôi cũng nhịn tê-lê-phôn luôn vì túi… hẻo! Bây giờ nhớ lại, có lúc cứ một mình cười tủm.

Ngày 27/8/2009

  • Trần Quang Quý

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty