TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, August 10, 2009

Những bể phân heo treo ở đầu nguồn

SGTT - Chúng tôi trở lại xã Lai Hưng (Bến Cát, Bình Dương), hơn một tuần sau vụ 230.000m3 nước thải công ty TNHH San Miguel Pure Foods Việt Nam “đầu độc” sông Thị Tính. Một người dân địa phương giải thích: “Nếu chỉ nói San Miguel “giết” sông Thị Tính thì chưa đủ vì ở đây còn nhiều “thủ phạm” khác”!

Hồ chứa nước thải chăn nuôi heo của công ty Đài Vi

Ông Trương Văn Long, ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng nhiệt tình hướng dẫn đến đoạn suối Bến Ván chảy qua trước cửa nhà ông.

Thi nhau… “giết” sông

Chỉ xuống dòng nước đục, phân heo vẫn bám vào hai bên bờ, ông ngao ngán: “Trước kia, con suối này sạch, người dân ở đây vẫn dùng nước để tắm rửa, giặt giũ, ăn uống. Thế nhưng, từ năm 2000, khi công ty Đài Việt (chăn nuôi heo) đi vào hoạt động thì con suối này bắt đầu bị ô nhiễm. Nói thật với anh, chúng tôi bắt được cá ở suối mà không dám ăn. Nhưng hoạ hoằn lắm mới có cá. Nhiều chỗ đến con lươn cũng chẳng sống nổi”.

Ông Nguyễn Xuân Tình, người cùng ấp cho biết: “Trời đang nắng mà mưa xuống thì mùi hôi thối bốc lên không chịu nổi. Chẳng ai dám lội qua suối vì… rất ngứa”. Ông Tình sốt sắng dẫn chúng tôi đi tới nơi có hồ chứa của công ty Đài Việt. Chỉ một con mương, ông Tình cho biết đó chính là nơi mà nước từ hồ chứa của công ty rỉ rả ra. Tại đây vẫn còn phân heo đọng lại, mùi hôi thối bốc lên. “Bình thường thì nước chảy rỉ rỉ như thế này, nhưng có khi họ xả khiến suối đen ngòm” – ông nói.

“Đột nhập” vào khu hồ chứa nước thải của công ty Đài Việt, chúng tôi thấy một hồ chứa đã cạn, một hồ còn chứa nước, có màu xanh, bốc lên mùi hôi của phân heo. Lần giở hồ sơ có được, biết rằng công ty TNHH nông sản Đài Việt đã có “tiền sử” xả nước thải ra suối Bến Ván. Ngày 21.1.2009, công ty này bị phạt hơn 53 triệu đồng, trong đó có lỗi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Cùng nằm trên địa bàn xã Lai Hưng, công ty cổ phần Khải Hoàn (sản xuất găng tay cao su) cũng “không chịu kém cạnh”. Ông Đinh Tấn Sỹ, nhân viên phòng Tài nguyên và môi trường huyện Bến Cát cho hay: tháng 6.2009, công ty đã bị xử phạt 22 triệu đồng vì nhiều lỗi vi phạm, trong đó cũng có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Trước đó, vào tháng 7.2008, công ty này cũng từng bị phạt vì những hành vi như trên.

Tại hai xã Lai Hưng, Lai Uyên, có khá nhiều tên suối như Bến Ván, Đồng Cò, Rau Răm… Nhưng thật buồn khi những cái tên thân thương này lại bị chính các công ty “bức tử” rồi bị người dân ghẻ lạnh. Đáng lo khi nước của các dòng suối này đều nhập vào sông Thị Tính.

Ông Vương Văn Phước, phó chủ tịch xã Lai Uyên cho biết trên địa bàn xã có nhiều công ty như công ty TNHH một thành viên giấy Vĩnh Phú; công ty TNHH dịch vụ thương mại Hiệp Thành (chế biến mủ cao su); công ty TNHH nông súc Trực Điền (chăn nuôi heo); công ty Nhật Nam (chế biến mủ cao su)… Ngoài công ty giấy Vĩnh Phú đầu năm 2009 được đưa ra khỏi danh sách những doanh nghiệp gây ô nhiễm, còn lại các công ty hoặc không có hệ thống xử lý nước thải hoặc xử lý không đạt.

Mới đây, ngày 30.7.2009, cơ quan chức năng đã phát hiện công ty Trực Điền đang xả nước thải chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Tại thời điểm kiểm tra, công ty đang thải ra suối Bến Ván với lưu lượng khoảng 250m3/ngày đêm, nước thải có mùi đen và mùi hôi. Trước đó, ngày 21.1.2009, công ty này đã bị xử phạt hành chính hơn 33 triệu đồng do chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ mười lần trở lên…Bên cạnh đó, ngày 13.10.2008, công ty Hiệp Thành cũng bị phạt 22 triệu đồng vì xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

Mối hiểm lơ lửng trên đầu

Mai Bá Hùng (ấp An Sơn, xã An Điền), một người nuôi cá lâu năm, cho biết: Trong vòng 5 – 6 năm nay, chất lượng nước bị giảm xuống theo từng năm. Điều này thể hiện ở chỗ màu nước không trong như trước mà có màu vàng vàng, đục đục. Hùng kể, ngày trước dân làng còn dùng nước sông để tắm giặt, bây giờ người dân ở đây chẳng ai “dại dột” mà làm vậy nữa. “Trước đây, khi lấy nước từ sông vào thì trong ao có tôm, tép theo vào, nhưng giờ không còn nữa. Cá rô thì “mất tích” hoàn toàn”, Hùng nói.

Ngồi buồn trong chiếu nhậu, ông Trương Văn Sự (khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát) ngao ngán lý giải cho cái nhàn nhã của ông: “Sau cái vụ San Miguel vỡ hồ thì tôi treo lưới luôn, phải đi vớt rau muống trên sông để bán kiếm tiền”. Ông Sự làm nghề đánh cá trên dòng Thị Tính dễ đến hàng chục năm. Ông bảo: Ngày trước, dòng sông nước trong xanh, đẹp đẽ, dòm xuống sông là thấy cá. Ngày trước, nếu một ngày một người có thể kiếm được 20 – 30kg cá, thì bây giờ chỉ kiếm được 4 – 5kg cá. “Tôi chẳng cầu được bồi thường, chỉ mong dòng sông được sạch sẽ trở lại để người dân được nhờ”, ông nói.

Nhiều người còn lo ngại rằng: hiện nay hai nhà máy nước Tân Hiệp và thị xã Thủ Dầu Một đang lấy nước từ sông Sài Gòn (sông Sài Gòn nhận nước từ sông Thị Tính) để cung cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu dân. Nếu không triệt để ngăn chặn những thủ phạm đầu độc sông Thị Tính, thì trong tương lai, hậu quả sẽ không chỉ là ảnh hưởng đến “miếng cơm, manh áo” của người dân sống nhờ vào sông Thị Tính!

Bài và ảnh: Gia Bảo

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty