TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, August 11, 2009

Tại sao công nhân giết giám đốc?


Friday, August 07, 2009





Ngô Nhân Dụng



Tuần trước có một tin từ Trung Quốc đáng kinh ngạc: Hàng ngàn công nhân đã biểu tình chiếm một xí nghiệp rồi giết chết viên giám đốc. Trên thế giới xưa nay đã xẩy ra những vụ công nhân bạo động và chiếm cơ xưởng, và gần đây vẫn có. Nhưng tại sao phải giết người?

Ðây là một vấn đề đáng quan tâm. Vì Việt Nam và Trung Quốc giống nhau. Cả hai chế độ cùng theo chủ nghĩa Marx và tổ chức theo lối Lenin. Cả hai cùng cải tổ kinh tế theo lối tư bản nhưng không chịu từ bỏ quyền cai trị độc đoán.

Vào ngày 24 Tháng Bẩy, 2009, hàng ngàn công nhân công ty Sắt Thép Tonghua (Thông Hóa Cương Thiết Tập Ðoàn) tại thành phố Cát Lâm (Jilin), phía Ðông Bắc Trung Quốc đã biểu tình phản đối việc tư nhân hóa toàn thể công ty này. Theo Trung Quốc Nhật Báo, một tờ báo của đảng Cộng Sản, thì có 3,000 công nhân tham dự; cho nên chúng ta có thể đoán là con số thực phải lên tới hàng chục ngàn người, vì công ty này có tới 30,000 công nhân.

Lý do các công nhân biểu tình là vì chương trình của đảng Cộng Sản muốn tiếp tục tư nhân hóa công ty. Năm 2005, nhà nước Cộng Sản đã bán 36% cổ phần công ty Thông Hóa cho một tập đoàn tư nhân Jianlong, Kiến Long Cương Thiết Công Ty. Sau vài năm, Kiến Long đã rút ra khi thấy giá sắt, thép xuống thấp. Nay chính quyền Bắc Kinh dự trù sẽ bán hết công ty Thông Hóa và mời Kiến Long trở lại. Ðại diện của Kiến Long là Chen Guojun, Trần Quốc Quân đã tới làm giám đốc công ty Thông Hóa trong thời gian thu xếp việc tư hữu hóa 100%.

Theo các công nhân nói thì Trần Quốc Quân đã báo trước là khi công ty trở thành tư hữu hoàn toàn, trong ba ngày ông ta sẽ sa thải 25,000 người, chỉ còn giữ lại 5,000 công nhân mà thôi!

Ðó là nguyên nhân gây nên bạo động. Và bạo động đến cùng cực, khi hàng đám công nhân đánh hội đồng ông Trần Quốc Quân, và họ còn ngăn cản không cho xe cứu thương vào, không cho cảnh sát tới can thiệp. Ông Quân, ngoài 40 tuổi, đã bị giết chết trong cơn hỗn loạn. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Cát Lâm ra lệnh ngưng ngay việc tư nhân hóa.

Việc công nhân biểu tình chiếm cơ xưởng không phải là chuyện mới, đã xẩy ra khắp thế giới. Nhưng hành hung những người đại diện chủ nhân, và bạo động tới độ giết người, thì là một hành động cực đoan.

Ngay trong nước Mỹ, cuối năm 2008 đã xẩy ra một vụ 250 công nhân làm cho hãng Republic Windows chiếm đóng xí nghiệp ở thành phố Chicago. Chủ nhân công ty làm khung cửa sổ này đóng cửa vì làm ăn thua lỗ, nhưng khi công nhân đòi trả tiền lương cho những ngày nghỉ Hè chưa nghỉ và tiền đền bù thôi việc thì chủ nhân không trả. Republic lấy cớ ngân hàng Bank of America đã phong tỏa ngân khoản cho nên không có tiền trả lương. Ðại diện nghiệp đoàn đặt câu hỏi: Nhà ngân hàng mới được chính phủ giúp 25 tỷ đô la, còn các công nhân này có ai giúp họ hay không? Vì thế công nhân đã chiếm đóng cơ xưởng trong hai ngày. Nhưng họ hành động trong hòa bình và trật tự. Trong hai ngày đó, các công nhân vẫn làm những công việc quét dọn tuyết và giữ gìn vệ sinh trong văn phòng và cơ xưởng. Dư luận cả vùng Chicago và nhiều nơi trong nước Mỹ ủng hộ các công nhân.

Ở Châu Mỹ La Tinh hiện tượng công nhân tranh đấu bạo động còn diễn ra nhiều hơn, vì người ta không tin tưởng vào hệ thống thi hành luật lệ. Họ không tin vào cảnh sát, không tin vào các quan tòa, và cũng không tin vào sự công bằng của những đạo luật lao động. Ðúng ngày công nhân Republic Windows chiếm xưởng, các công nhân một nhà in ở Buenos Aires, Argentina cũng chiếm đóng nhà in. Trong năm 2008 còn rất nhiều vụ tương tự xẩy ra ở tại Argentina: một công ty làm bánh, một xưởng dệt may, một công ty đóng thịt hộp, vân vân.

Nổi tiếng nhất là vụ công nhân một hãng chocolat chiếm xưởng vào đầu năm 2009, vì hãng Charley này đã từng được đưa lên phim ảnh. Khi gia đình chủ nhân quyết định đóng cửa cơ xưởng sau khi ngưng trả lương cho công nhân nhiều tháng trời, 66 công nhân còn lại đã chiếm luôn nhà máy. Sau 30 ngày tự họ mở cửa ra làm việc dưới hình thức một hợp tác xã, sau khi vay được 5,000 đô la của một tổ chức tài chánh từ thiện. Trong một hoàn cảnh khó khăn vì không thể vay nợ ngân hàng và nhà máy điện cúp đường dây vì hãng chưa trả tiền điện, hợp tác xã các công nhân vẫn sản xuất được chocolat đem bán; nhờ thế trả được nợ và phát cho mỗi công nhân tiền lương trị giá một ngàn đô la.

Có lẽ người Việt biết nhiều về những vụ tranh đấu của lao động ở Pháp nhiều hơn là ở Argentina hay Trung Quốc. Ðầu năm 2009, công nhân các hãng Sony (Nhật), Carterpillar và 3M (Mỹ) ở Pháp khi nghe tin bị sa thải đã bắt cóc các giám đốc để đòi trả lương thôi việc. Vào Tháng Tư, một công ty Pháp loan tin sẽ đóng cửa nhà máy ở Bellgarde-sur-Valserine, 60 công nhân đã bắt cóc đại diện trong ban giám đốc đến báo tin.

Trong thời gian trên, các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy hơn một nửa dân chúng Pháp ủng hộ những hành động không theo đúng pháp luật của các công nhân. Vụ chiếm nhà máy được cả thế giới theo dõi là vụ 50 công nhân cơ xưởng hãng Michelin ở Montceau-les-Mines đã khóa cửa giữ 4 đại diện chủ nhân trong văn phòng, kể cả ông giám đốc.

Lý do vì công nhân phản đối hãng là một việc nhỏ: chủ nhân đã trừng phạt một công nhân trẻ vì lý do anh ta dùng một cái máy mà anh chưa hề được huấn luyện sử dụng. Sau một ngày công nhân trả tự do cho họ sau khi có thỏa hiệp. Công nhân Michelin đã nổi giận vì hãng đã sa thải 1,000 người vì kinh tế suy thoái, cho nên tại Montceau-les-Mines đã có cảnh đập phá, nhưng không đánh đập ai. Trong cùng thời gian đó, công nhân các hãng sản xuất đồ chế tạo xe hơi ở Pháp cũng dọa làm nổ một nhà máy nếu các công ty xe hơi Renault SA và PSA Peugeot-Citroen không bồi thường cho họ vì cắt bớt công việc.

Có thể nói là các phong trào công nhân tranh đấu, dù tranh đấu trong vòng pháp luật tại các nước tự do dân chủ, cũng thường đi đôi với bạo động. Trong những năm 1936-37, công nhân General Motors và các hãng xe hơi ở Mỹ hay dùng thủ đoạn chiếm đóng cơ xưởng, nhờ thế họ gây nên áp lực thành lập nghiệp đoàn công nhân xe hơi. Nhưng sau đó, người lao động Mỹ ít khi phải dùng đến lối tranh đấu này, vì hầu hết các tranh chấp có thể được đưa ra trước tòa án giải quyết.

Nhưng việc giết người xẩy ra ở tỉnh Cát Lâm, trong công ty Sắt Thép Thông Hóa là một biến cố đặc biệt khiến chúng ta phải tự hỏi tại sao xẩy ra tình trạng đó. Không thể nói là việc sát nhân xẩy ra vì người Trung Hoa khác với người Argentina hay người Pháp. Có thể nói ngược lại, người Á Châu thường tranh đấu hòa hoãn hơn dân La Tinh hay công nhân Mỹ.

Khi nhìn rõ vào vụ công nhân Thông Hóa giết người thì chúng ta thấy lý do chính là nạn tham nhũng đầy rẫy trong chương trình tư nhân hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Khi bán tài sản quốc gia cho cho tư nhân, các cán bộ trung ương và địa phương đã chọn bán giá rẻ cho những người đã hối lộ cho họ. Thay vì công bố cho công chúng biết và tổ chức đấu giá khi bán, mọi việc thương lượng giá bán thường diễn ra trong phòng kín, giữa những quan chức ăn hối lộ và các chủ nhân mới. Các công nhân được chia phần trong việc tư nhân hóa cũng không có tiếng nói nào trong tất cả quá trình mua bán.

Ở Việt Nam thì sao? Thầy trò chắc cũng không khác nhau bao nhiêu.

Năm nay giá sắt thép đang lên, cho nên việc Kiến Long mua được Thông Hóa đúng lúc này hứa hẹn sẽ sinh lợi rất nhiều. Chưa hết, chính phủ Bắc Kinh đã thiết lập một chương trình kích thích kinh tế tốn 586 tỷ đô la Mỹ, mà một lãnh vực sẽ được phát rất nhiều tiền là xây dựng cơ sở hạ tầng. Với những món tiền khổng lồ cho việc xây dựng như thế, các công ty sắt thép chắc chắn sẽ kiếm lời to! Nhiều công ty quốc doanh nhận được tiền “kích thích” đã chẳng dùng vào việc nào mà lại đem mua nhà hoặc mua cổ phần trong thị trường chứng khoán! Việc phân phối những món tiền kích thích nằm trong tay chính quyền địa phương cả!

Công nhân Thông Hóa cũng nổi giận vì bất công xã hội. Giám Ðốc Trần Quốc Quân được trả lương 3 triệu “nguyên” (yuan) trong năm ngoái (tương đương với 450,000 đô la) trong lúc các công nhân sắt thép chỉ được trả 200 nguyên một tháng. Coi các quan chức tư lãnh nhiều lương như vậy thì đoán được công ty sẽ chia bao nhiêu cho các quan chức đảng và nhà nước Cộng Sản.

Nhưng nỗi giận dữ của giới lao động cũng không đến nỗi sinh ra bạo động và sát nhân nếu người dân có những cơ hội lên tiếng một cách công khai và hợp pháp. Không có báo chí tự do, không được phép hội họp tự do, tất cả mọi tiếng nói khác ý kiến với đảng Cộng Sản đều bị bịt lại. Ðặc biệt là giới lao động không được quyền lập nghiệp đoàn, chỉ có một tổng công đoàn của đảng Cộng Sản chiếm độc quyền. Ở Trung Quốc và ở Việt Nam, công nhân không có những cơ hội lên tiếng, mà toàn thể dân chúng cũng chịu cùng hoàn cảnh. Mỗi năm ở Trung Quốc có hàng trăm ngàn cuộc biểu tình phản đối nhà nước. Nếu có báo chí tự do thì đã không xẩy ra như vậy. Vì khi người dân được lên tiếng thì guồng máy chính quyền sẽ phải đáp ứng trước khi những bất mãn tích tụ biến thành cơn phẫn nộ.

Các đảng Cộng Sản vẫn tự xưng họ là đạo quân tiền phong của giới lao động. Từ khi Lenin cướp được chính quyền ở Nga, chính quyền nước Nga vẫn dùng chiêu bài “vô sản quốc tế” để huấn luyện các cán bộ tung ra khắp thế giới, phục vụ công việc bành trướng của Ðệ Tam Quốc Tế. Ðể thực hiện chính sách đó, Cộng Sản Ðệ Tam không những chủ trương tiêu diệt các đồng chí nào không hoàn toàn thần phục họ, mà còn phá các phong trào thành lập công đoàn. Ở Việt Nam, những chiến sĩ của giới lao động và chống Pháp như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm đã bị cán bộ Ðệ Tam giết vì họ đã hoạt động thành công hơn trong giới công nhân và thu hút được các nghiệp đoàn nhiều hơn nhóm Ðệ Tam.

Ngày nay chính giới công nhân là lực lượng sẽ bắt buộc các đảng Cộng Sản phải thay đổi. Cộng Sản không thể biến hình thành những nhà tư bản đỏ để bóc lột công nhân còn tàn nhẫn hơn những tay tư bản Âu Mỹ trong thế kỷ trước. Công nhân xe hơi ở Mỹ đã dành được quyền lập công đoàn từ 1930 nhưng công nhân ở Việt Nam hay Trung Quốc đến giờ vẫn không có quyền đó! Ai sẽ tranh đấu cho họ? Nếu không có cách nào khác thì sẽ sinh bạo động.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty