TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, August 22, 2009

Công bộc của dân hay cha mẹ dân?

24/05/2008 07:43 (GMT + 7)
Một cụ già từ nông thôn ra Hà Nội bán mấy con gà ở một khu chợ tạm lấy chút tiền tiêu, bị trật tự phường hạch sách, tịch thu cả gà lẫn cân... Một anh thanh niên đến phường làm giấy khai sinh cho con bị cán bộ phường trả lời bằng giọng trịnh thượng, lạnh lùng... Người dân cảm nhận thế nào về những cán bộ cấp xã, phường, đại diện cho cơ quan công quyền gần họ nhất?


>> "Dự Luật Công vụ còn quá nhiều mỹ từ"
>> Chủ tịch nước: "Thủ tục hành chính - tôi cũng bị hành"
>> Bổ nhiệm cán bộ: "Con voi vẫn chui lọt lỗ kim"
>> Đưa một công chức yếu kém khỏi hệ thống không đơn giản
>> Lương tâm công chức bị bỏ quên

Gặp gỡ Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhân dịp ông đi tiếp xúc cử tri hai quận Cầu Giấy và Ba Đình cuối năm 2007, ông Trần Trọng Trung, một cử tri cao tuổi phường Liễu Giai kể một chuyện mà ông nói là "đau lòng": Ở khu chợ tạm gần nhà ông, có những cụ già từ nông thôn ra Hà Nội bán hàng, kiếm chút lãi lời để lo cuộc sống. Hàng hóa chỉ là mớ rau, con gà của nhà nuôi, trồng được. Thế nhưng, anh trật tự viên của phường nay hạch sách, mai tịch thu, với lý do những người nông dân chân lấm tay bùn ấy làm mất trật tự, vệ sinh.

"Còn nhiều hành xử của cán bộ cơ sở khiến người dân bất bình". Ảnh minh hoạ


"Anh thanh niên trẻ trịch thượng, bác nông dân nghèo quỵ luỵ van xin: Các anh lấy gà thì lấy, cho tôi xin lại cái cân thôi ", ông Trung kể.

Ông Trung đặt vấn đề: “Thành phố tổng kết, báo cáo giữ vững ổn định an ninh trật tự, nhưng lòng dân như thế nào liệu có tổng kết được không? Nếu đại diện chính quyền đối xử với dân như thế thì khó được lòng dân lắmLòng dân cần được hiểu theo nghĩa sâu của nó”.

"Là Đại biểu Quốc hội mà khi đến phường, quận làm thủ tục hành chính tôi cũng bị hành. Thử hỏi dân thường thì không biết còn bị cư xử thế nào?" - ĐBQH Phạm Thị Loan nói với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại phiên thảo luận ở tổ về mở rộng Hà Nội ngày 14/5/2008.

Nằm cách không xa hồ Hoàn Kiếm, UBND một phường dường như lúc nào cũng quá tải với số dân lên đến hơn 2 vạn người. Phải chăng vì thế cô cán bộ tư pháp duy nhất của phường thường xuyên bị căng thẳng. Và nạn nhân của sự căng thẳng đó, không ai khác lại chính là những người dân - khách hàng - chẳng may có việc đến "nhờ cậy" cô.

"Tôi có sinh con thứ 3 đâu mà biết viết thế nào! Anh về mà xem pháp lệnh của Nhà nước, tôi không giải thích cho anh được". Tay quẳng hồ sơ, cô trả lời thật cao giọng một ông bố đi làm giấy khai sinh cho thứ 3 khi anh này rụt rè hỏi cô cách viết đơn.

Cho dù sinh con thứ 3 là vi phạm pháp lệnh dân số, nhưng sao cô không bỏ chút thời gian hướng dẫn cho công dân phải viết gì trong đơn?

Cũng tại phường này, ngoài hành lang, hàng chục cụ già chen chúc xếp hàng dưới nắng chờ lấy lương hưu, trong khi phòng hội trường ngay bên cạnh, mát rượi, bỏ trống để chuẩn bị cho một cuộc họp.

Một cụ bảo: "Chúng tôi ngồi đây nhỡ có người ngất ra đấy thì sao? Hơn nữa, cán bộ chỉ vài người, sao không dùng phòng bé để họp?”

Một cụ khác tiếp lời: “Mà cán bộ cũng nên họp ít thôi. Cán bộ để phục vụ dân kia mà".

Hai câu chuyện nhỏ ở ngay thủ đô cho thấy, còn rất nhiều cách hành xử của cán bộ cơ sở khiến người dân bất bình. Ai cũng có thể thuộc lòng câu "Cán bộ là công bộc của dân", nhưng liệu số cán bộ, công chức phường, xã áp dụng nó khi làm việc hàng ngày có chiếm đa số?

Và khi được tuyển vào cơ quan công quyền, họ có được sát hạch qua vòng thi vấn đáp để bộc lộ thái độ ứng xử thích hợp cho công tác chính quyền?

Ngay trong đề án thi tuyển công chức xã, phường, thị trấn mà Hà Nội xây dựng, cũng mới chỉ thấy những môn thi thông thường: chuyên môn, ngoại ngữ, tin học. Hình thức thi cũng hết sức truyền thống là viết trên giấy. Vấn đáp vẫn là chuyện trong tương lai, trong khi thực tế, chỉ cần qua hai, ba câu hỏi - đáp, người ta đã có thể biết ngay đây có phải là một cán bộ tôn trọng dân hay không, có lễ phép, có bình tĩnh, nhã nhặn... Chỉ bằng một tình huống giả định, giám khảo có thể đánh giá gần như lập tức và chính xác thí sinh dự tuyển, liệu đó có phải là một cán bộ tận tụy với dân không.

Trên thực tế, nếu nơi nào được lãnh đạo cấp trên quan tâm, coi trọng công tác cán bộ thì ở nơi ấy, thái độ tiếp dân của cán bộ lập tức được cải thiện rõ rệt và người được hưởng lợi chính là người dân.

"Bộ phận tiếp dân là "xương sống", là bộ mặt của mỗi phường. Chúng tôi lựa chọn kỹ cán bộ tiếp dân, ngoài trình độ chuyên môn, phải là người tận tâm, nhẹ nhàng, nền nã, kiên nhẫn, có năng khiếu giao tiếp. Làm theo đúng quy trình, tôi nghĩ là không khó, nhưng nhiều khi phải linh hoạt", ông Bùi Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tiết lộ với một đoàn kiểm tra công vụ của thành phố "bí quyết" khiến cho nhiều người dân đến phường hài lòng.

"Chúng ta nói xây dựng xã hội của dân, do dân và vì dân, nhưng thực tế, cán bộ còn đứng trên dân, tự coi mình là cha mẹ của dân", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận từng thừa nhận. Có lẽ, trong quá trình tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, cũng nên loại dần khỏi đội ngũ những vị "cha mẹ dân" ấy.

  • Vân Anh

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty