- Các bức tranh trên dự án "Con đường gốm sứ" (Hà Nội) đã xuất hiện một số vết nứt, có vết ngắn vài gang tay, có vết dài hàng mét; ngoài ra còn một số mảng vỡ nhỏ. Nếu đi lướt qua thì trông không rõ, nhưng đứng lại quan sát thì thấy như "hạt sạn trong bát cơm".
Không rõ những vết nứt, vỡ này xuất hiện vì nguyên nhân gì: thi công ẩu, vật liệu dở hay có người cậy phá; tuy nhiên chúng xuất hiện trên nhiều điểm chạy dài suốt "Con đường gốm sứ".
Được biết dự án "Con đường gốm sứ" dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2, được khởi công từ năm 2008. Bức tranh gốm có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
Đồng thời tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế...
Vết nứt chạy dài trên một đoạn gốm sứ màu vàng...
....và trên một đoạn màu trắng
Nhìn nghiêng thấy vết nứt nham nhở, gồ cả ra ngoài.
Đây là những mảng vỡ nhỏ.
Một mảng vỡ khác trên nền gốm xanh.
Phía sau mảng vỡ có thể thấy rõ là xi măng gắn chưa ăn.
Có khá nhiềumảng vỡ nhỏ thế này...
...nếu phóng xe máy lướt qua thì không trông rõ, xong đứng lại thì có cảm giác như "sạn trong bát cơm".
TTO - Cầu Khe Dầu được xây dựng với số tiền 1,45 tỉ đồng từ nguồn vốn ADB của Dự án giảm nghèo khu vực Miền Trung tỉnh Quảng Bình. Dù mới đưa vào sử dụng từ tháng 8-2008 nhưng hiện nay cầu này đã bị hư hỏng nặng nề.
Cầu Khe Dầu dài 43,2m, rộng 5m bắc qua suối Khe Dầu ở km 0+44,53 thuộc tuyến đường liên huyện qua xã Xuân Hóa, huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), do Công ty TNHH xây dựng tổng hợp số 7 ở huyện Quảng Trạch thi công.
Theo người dân địa phương cho biết ngay từ thời gian đầu mới đưa vảo sử dụng mố cầu phía Đông đã bị sạt lở, cản trở sự đi lại của người dân trong vùng, đồng thời tuyến đường dây điện 0,4kv cạnh càu cũng bị ảnh hưởng vì sạt lở này.
Cầu Khe Dầu ở xã Xuân Hóa, Minh Hóa
Từ đầu tháng 3-2010, người dân địa phương lại cho biết ở phía dưới gầm cầu, đặc biệt là dầm cầu có nhiều chỗ bê tông bị bong tróc, nứt ra làm lộ cả cốt thép. Nhiều chỗ bê tông không có độ kết dính cao nên chỉ cần dùng tay bẻ vào là bê tông đã rã ra khỏi khối. Nhiều chỗ mặt bê tông bị nứt tạo ra khoảng rỗng với độ sâu 30-40cm.
Tại một vài chỗ rỗng như vậy, chúng tôi đã quan sát và thấy phía bên trong khối bê tông có những thanh tre và cót ép. Tại các điểm bê tông bị bong tróc, cốt thép lòi ra và đã han gỉ. Cứ sau mỗi trận mưa là nước từ mặt cầu lại thấm xuống gầm cầu. Ở nhiều điểm bê tông nứt gãy và bong tróc, nhà thầu thi công đã "xử lý" bằng kỹ thuật... trét lại xi măng.
Tre và cót ép trong khối bê tông dưới gầm cầu
Một chỗ bong tróc dưới gầm cầu Khe Dầu
Tuổi Trẻ Online đã tìm hiểu về sự hư hỏng khá nhanh chóng của cây cầu và được ông Đinh Văn Cơ, phó bí thư Đảng ủy, giám sát cộng đồng xã Xuân Hóa cho biết: "Trong thời gian thi công cầu, chúng tôi là người giám sát, nhưng vì công việc quá bận nên thời gian giám sát không được liên tục. Ngày thì đi, ngày phải làm việc chuyên môn cho nên quá trình giám sát không được chắc chắn. Ngày nào chúng tôi giám sát thì chất lượng làm tốt, còn những ngày chúng tôi không tham gia giám sát thì việc này chúng tôi không thể đánh giá được".
Được biết trong nhiều năm qua khi chưa có cầu Khe Dầu, tại đoạn suối này về mùa mưa lũ, nước xiết đã lấy đi sinh mạng của nhiều người dân, khi họ phải bơi vượt suối để làm mùa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với chúng tôi trước những ý kiến phản hồi của các nhà khoa học cũng như nhiều độc giả về lời cam kết "ngăn mưa, đuổi bão" mà ông đã tuyên bố.
Ngay sau khi chúng tôi đưa tin về việc nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh tuyên bố có thể "ngăn mưa" trong 7 ngày dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tòa soạn đã nhận rất nhiều phản hồi của độc giả. Mặc dù, nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau cũng đã cùng "mổ xẻ" ý tưởng của nhà nghiên cứu này, tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng nếu "tự tin" vào cam kết của mình, ông Tuấn Anh nên làm một "test" thử chứng minh với đông đảo dư luận.
Nhà nghiên cứu Lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Trao đổi với PV, Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho biết, ông sẵn sàng thực hiện "bài kiểm tra" nếu công chúng yêu cầu.
"Mấy ngày gần đây, tôi đã nhận nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, của độc giả cũng nhiều mà của báo chí cũng không ít. Tôi cũng đã xem cả những phản hồi có phần "cay độc" dành cho tôi", ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh mở đầu cuộc nói chuyện.
"Ban đầu tôi cam kết sẽ thực hiện việc ngăn mưa, bão trong 7 ngày diễn ra Đại lễ mà thời gian sẽ do Ban tổ chức ấn định với điều kiện phải có 7 tỷ 150 triệu đồng nhưng giờ tôi làm không công. Nhiều người cho rằng đây là một chiêu PR nhằm khuếch trương danh tiếng cho bản thân.
Nhưng thử nghĩ xem, tôi được cái gì nếu thành công? Người ta chỉ đánh bóng tên tuổi khi mà người ta có tài năng thật sự mà không ai biết đến. Và nếu muốn PR bản thân tôi sẽ phải đi kể cái hay của tôi, thành tích của tôi. Còn ở đây, tôi đưa ra lời cam kết với một sự kiện chưa xảy ra. Đúng, nếu nó xảy ra như tiên đoán thì tôi nổi tiếng nhưng nếu không thì sao? Danh dự và công trình 30 năm nghiên cứu của tôi ai còn tin nữa, tiếng tăm tôi từng có sẽ sụp đổ.
Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên tôi đưa ra dự đoán. Nếu độc giả nào đã từng vào Diễn đàn thảo luận của website Lý học Đông phương, ngay trên Topic Lạc Việt độn toán, tôi đã đưa ra nhiều lời tiên tri, chưa kể những lần tiên đoán công khai trên báo chí.
Tôi là người đứng đầu khi nghiên cứu và chứng minh nước Việt Nam có 5000 năm văn hiến chứ không phải 4000 năm. Một mình tôi đã phải phản biện lại tất cả các nhà khoa học Việt Nam và cộng đồng khoa học thế giới về học thuyết này.
Nhiều người cho rằng, những phán đoán của tôi trên các Topic của website Lý học Đông phương chưa được kiểm chứng, những học thuyết tôi đã đưa ra không có giá trị nhưng không ai có thể phủ nhận về tính chính xác của dự đoán trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 tôi trả lời báo chí.
Vậy, lật ngược lại, nếu dự đoán về thời tiết trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của tôi chính xác, tôi chỉ yêu cầu các nhà khoa học Việt Nam, các nhà Sử học Việt Nam, những người đã phủ nhận học thuyết lịch sử Việt Nam có 5000 năm văn hiến tôi đã đưa ra, có một tranh luận công khai và minh bạch tính chất khoa học của học thuyết này.
Còn nếu trong dịp diễn ra Đại lễ trời có mưa? Tôi xin rút lui ý kiến của mình và toàn bộ học thuyết tôi đã nghiên cứu hơn 30 năm cũng sẽ hủy hết.
Tôi nghĩ, thời tiết trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ là "test hiệu quả nhất. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh:"Tôi chấp nhận hết những lời thách đố kiểm chứng".
Khi câu chuyện về hai "Dị nhân" muốn bẻ bão, biến bão thành áp thấp nhiệt đới đã chìm vào một góc rất khuất trong bộ nhớ của TS Vũ Thế Khanh, thì có một Dị nhân khác lại đột ngột xuất hiện tại trụ sở của Liên hiệp Khoa học công nghệ Tin học ứng dụng UIA.
Khác với hai người đàn ông hoàn toàn vô danh trước, Dị nhân này đang theo khóa Cảm xạ học do các nhà ngoại cảm tổ chức.
Chính vì vậy, xét theo logic thông thường, Dị nhân này rất có thể đã luyện được "công phu" của một nhà ngoại cảm.
TS. Vũ Thế Khanh
Trong khi TS Khanh đang pha trà mời khách, thì dường như không dấu được vẻ sốt ruột, người khách vào đề luôn: "Báo cáo anh, tôi muốn đăng ký với Liên hiệp một đề tài khoa học lớn, có ý nghĩa rất thiết thực với người dân Thủ đô. Đó là cải tạo chất lượng nước Hồ Tây. Trước tiên, tôi đảm bảo sẽ khử hết toàn bộ mùi tanh của Hồ Tây chỉ bằng 1 con lắc và công năng đặc dị của tôi".
Đây quả là một đề tài hết sức thiết thực, TS Khanh thoáng nghĩ. Ông nhớ lại năm 2001, dư luận xã hội đã rất ồn ào về một dự án quy mô nhằm Nâng cao chất lượng nước Hồ Tây. Khi đó dự án được vẽ với quy mô hoành tráng thậm chí gây choáng váng cho những người có đầu óc thực tế: "Thay toàn bộ nước hồ Tây, biến nước hồ Tây thành nước hồ bơi", rồi: "bổ cập nước hồ Tây bằng nước sông Hồng. Sau 18 tháng, trả lại cho nước hồ Tây tiêu chuẩn của những năm 1980...".
Tuy nhiên, cái mà người dân choáng váng nhất về dự án lại là mức kinh phí dự kiến khổng lồ: Gần 32 triệu USD.
Và chỉ đến khi hàng loạt nhà khoa học vào cuộc theo hướng phản đối tơi bời thì những người vẽ dự án mới chịu dừng lại.
Nguyên tắc của một người làm khoa học cẩn trọng khiến TS Vũ Thế Khanh không thờ ơ với đề xuất độc đáo này. Nếu ông ta làm được thật, thì biết đâu không chỉ Hồ Tây được làm sạch mà hàng loạt hồ, chuôm nổi tiếng của Hà Nội sẽ được giải cứu mà chả tốn đến vài đô la chứ đừng nói đến 32 triệu USD, TS Khanh thầm nghĩ.
Cảm xạ là gì?
Cảm xạ là khả năng nhạy cảm của con người với bức xạ của vật thể. Cảm xạ (tiếng Pháp: radiesthésie; tiếng Anh: radiesthesia; xuất phát từ tiền tố radi- trong tiếng Latin có nghĩa là "phóng xạ" và từ aisthesis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "nhạy cảm") chỉ kỹ thuật thực hành tìm kiếm các dòng nước ngầm, khoáng vật hoặc các vật thể bị giấu kín hoặc chôn vùi, bằng những dụng cụ đặc biệt như đũa, con lắc v.v., không sử dụng máy móc thiết bị khoa học.
Phương pháp thực nghiệm đơn giản mà hiệu quả khi trước lại được TS Khanh áp dụng để thử khả năng của ông học sinh lớp cảm xạ.
Ông Khanh rót 1 chén nước nhỏ và vắt vào đó miếng chanh ngay trước mặt nhà cảm xạ. "Chúng ta chưa cần ra Hồ Tây vội, ngay bây giờ, trước mặt nhiều người, trân trọng kính mời ông dùng con lắc và năng lượng khử mùi chua của miếng chanh trong chén nước. Nếu ông thành công, thì với riêng tôi, ông đã là người siêu phàm rồi, chưa cần phải thực hiện thành công ở Hồ Tây có dung tích bằng mấy tỉ tỉ chén nước này."
Nhà cảm xạ học khá ngạc nhiên, nhưng ông vẫn tỏ ra bình thản: "Tôi chưa thử với một chén nước và vị chua của chanh bao giờ, nhưng chắc chắn tôi sẽ làm được".
Dị nhân nhắm chặt mắt, tập trung cao độ cầm con lắc đung đưa trên chén nước. Ông ta chỉ thực sự sụp đổ khi cuộc thử nghiệm đi đến phút thứ 50. Ông rên rỉ: "Tôi xin thề danh dự là tôi đã thành công khi khử mùi tanh của Hồ Tây. Tôi là người thường xuyên đi tập thể dục buổi sáng, vì vậy rất khó chịu khi phải ngửi mùi tanh lợm của Hồ Tây. Cá chết, rác rưởi, nước thải làm cho Hồ Tây mùi tanh của Hồ ngày càng nồng nặc. Chính tôi đã thử 2 lần và hôm sau đi tập thì thấy mùi tanh hoàn toàn biến mất."
"Tôi có thể khử được mùi tanh của Hồ Tây"
"Tôi có thể khử được mùi tanh của Hồ Tây"
TS Vũ Thế Khanh phân tích: "Thực ra mùi tanh của hồ phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm. Hôm nào cá chết nhiều thì hồ tanh hơn. Khí hậu thay đổi (trở trời) hồ cũng có thể tanh hơn. Cường độ gió cũng khiến mùi tanh được phát tán mạnh hơn. Hoặc rất có thể sau ngày ông thử nghiệm, nước hồ vẫn tanh như bình thường, nhưng hướng gió thay đổi, thổi mùi tanh đi chỗ khác, ông không ngửi thấy và đi đến lầm tưởng về năng lực của mình. Bây giờ ông về, ông thử lại trong 15 ngày, nếu ngày nào cũng không ngửi thấy mùi tanh thì điện thoại cho tôi, chúng ta nghiên cứu tiếp.". Đó cũng là lần duy nhất và cuối cùng TS Khanh gặp dị nhân này. "Đến tận hôm nay, ai đi qua Hồ Tây vẫn có thể ngửi thấy mùi tanh bốc lên khăn khẳn ở một góc hồ".
Chỉ xin một "đặc ân cuối cùng"
Một trong những thử nghiệm rất thú vị khác đã giúp TS Vũ Thế Khanh lật tẩy thực lực của một nhà ngoại cảm tự phong khác. Ông này cũng theo lớp cảm xạ học và tuyên bố dùng con lắc có thể biết rõ dưới lòng đất chỗ nào có nước, chỗ nào không, chất lượng nước ra sao. Thực tế thì ông này đã hành nghề một thời gian và cũng kiếm được kha khá.
3 cốc nước được bê ra, TS Khanh nói: "Đây là một cốc nước có pha ít muối, một cốc pha ít đường và một cốc nước tinh khiết. Ông hãy dùng phương pháp và năng lượng của mình để phân biệt 3 cốc nước này. Tôi sẽ để 3 cốc này dưới gầm bàn và đổi vị trí của chúng, nhiệm vụ của ông là tìm ra chính xác cốc nào chứa nước gì. Việc này dễ hơn ông nhìn xuyên lòng đất rất nhiều!".
Nhà cảm xạ thao tác khá nhanh rồi chỉ ra 3 loại nước. TS Khanh lắc đầu. Nhà cảm xạ nhăn mặt xin làm lại lần hai, TS Khanh vẫn lắc đầu. Ông ta cau mặt làm lại lần 3 cũng lại chỉ nhận được cái lắc đầu của người ra đề thử nghiệm.
Hồ Tây quá bẩn nên nước tanh.
Lúc này thì "nhà cảm xạ" nổi nóng thực sự: "Tại sao lần nào ông cũng lắc đầu. Tôi đoán đúng rồi ông vẫn lắc là sao?". TS Khanh chậm rãi nhả từng tiếng một: "Thưa nhà cảm xạ, cả 3 cốc nước tôi đưa cho ông đều là nước tinh khiết, chẳng pha muối pha đường gì cả. Không tin ông uống thử xem!".
"Nhà cảm xạ" đưa cả 3 cốc nước lên uống và mặt ông ta xanh như chàm đổ. Lời cuối cùng ông ta nói với TS Khanh trước khi ra về là: "Tôi xin ông một đặc ân cuối cùng: Đừng nêu tên tôi khi kể chuyện này. Ông mà nêu thì tôi không còn đất hành nghề nữa!"
Cuối cùng "thần bài cảm xạ" đã rất tẽn tò vì ông Khanh đã ngầm bố trí cả 100 lá bài úp mặt đều là bài đen. "Trong xã hội có không ít người hoang tưởng" - ông Khanh thở dài.
Thần bài tẽn tò
Riêng bộ môn Cảm xạ học, TS Khanh còn phải kiểm tra khả năng của một vài dị nhân khác nữa. Một người tuyên bố dùng con lắc có thể đoán biết vạn vật mà không cần nhìn, được TS Khanh cho đoán bài Tây. Ông ra điều kiện: Úp mặt 50 lá bài đen, 50 lá bài đỏ, nhà cảm xạ phải đoán trúng đâu là con bài đen, con bài đỏ. Nếu đoán trúng vài chục phần trăm thì coi như khả năng ngoại cảm bằng không vì người bình thường cũng làm được: Tỉ lệ lá bài đen – đỏ mặc nhiên đã là 50 – 50.
(LĐ) - Vào lúc 5h30 ngày 8.9.2010 tại bãi tắm biển Cửa Lò xuất hiện hàng loạt cá chết trôi dạt với một vệt dài trên 4km (từ Quảng trường Bình Minh đến đảo Lan Châu).
Khu vực có cá chết nhiều nhất dài 800m, rộng 1,5m từ khách sạn Công Đoàn đến nhà hàng Thúy Hiếu. Đây là hiện tượng lâu nay mới gặp. Cư dân khối 5, phường Thu Thuỷ cho biết: "Chiều ngày hôm trước ở khu vực này có 3 thuyền đi đánh cá đã ném mìn xuống biển nên mới có cá chết nhiều như thế". Nhưng theo chúng tôi nếu là do ném mìn thì phạm vi ảnh hưởng không có diện tích lớn như vậy.
Khu vực có cá chết nhiều nhất
Sau khi nhận được tin cá chết nhiều trên bãi biển, lãnh đạo thị xã Cửa Lò đã kịp thời giao cho phòng Thuỷ sản ra lấy mẫu cá chết, song chưa xác định được nguyên nhân, đề nghị các ngành chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân xử lý.
(Dân trí) - Chưa bao giờ người dân huyện Anh Sơn (Nghệ An) lại bàng hoàng, lo lắng.... vì sâu đo xuất hiện, hoành hành khắp nơi từ nhà dân, cơ quan cho đến trường học.
Đã gần một tuần qua, tại các công sở, trường học trên địa bàn huyện Anh Sơn như: UBND huyện, trường Tiểu học, trường Mầm non xã Cẩm Sơn, Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Tường Sơn... đã xuất hiện dịch sâu đo tấn công, hoành hành khắp nơi (một loại sâu ăn lá) đã làm cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây phải xáo trộn.
Tại các trường tiểu học Cẩm Sơn, Tam Sơn.... học sinh đã phải nghỉ học một số giờ để quét và thu gom sâu. Theo người dân, thì đây là lần đầu tiên dịch sâu đo xuất hiện với mật độ lên quá cao và kinh khủng.
Hiện ngành bảo vệ thực vật địa phương tỉnh Nghệ An và các ban ngành liên quan đã và đang tiến hành phun thuốc tại những khu vực xảy ra dịch sâu đo để tránh lan sang các khu vực khác.
Một số hình ảnh PV Dân trí ghi lại cảnh sâu đo tấn công trường học, cơ quan:
Quan hệ Mỹ - Việt có nguồn gốc sâu trong lịch sử hiện đại, ngay từ lúc Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới như một quốc gia có chủ quyền. Trang đầu này của tình hữu nghị giữa hai quốc gia thật đẹp, nhưng đã bị gián đoạn bởi "luồng gió" chiến tranh lạnh nổi lên khắp toàn cầu …Tới ngưỡng cửa thế kỷ 21, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ấm áp trở lại, nhờ đóng góp của những ai từng là cộng sự gần gũi của Hồ Chí Minh ở cả hai phía thời kỳ 1945. Xin cùng nhìn lại thời khắc lịch sử này qua lăng kính của ký giả Jonathan Birchall (Ho's American Pals) viết trên báo Financial Times, tháng 8, 1998.
Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp với sĩ quan Mỹ tại Tân Trào năm 1945.
Trong số những hiện vật lịch sử phong phú của những ngày đầu đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, có một chiếc điện đài vô tuyến cũ kỹ được bày trên tầng hai của bảo tàng Quân đội nằm ở góc đường Điện Biên Phủ, Hà Nội.
So với chiếc MIG – 21 nằm ở mặt tiền của bảo tàng, cũng như đống xác máy bay Mỹ bị bắn rơi nằm ở sân trong, chiếc điện đài này khó mà lôi cuốn được sự chú ý của khách tham quan. Nhưng trong nó ẩn dấu một câu chuyện huyền diệu.
Ngày nay, một chương từng bị che khuất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam đang được tái hiện một cách thận trọng. Một phần nào, nhờ vào một dự án của Hoa Kỳ nhằm ghi lại các hồi ức về một thời, khi các quân nhân Hoa Kỳ và các chiến binh Việt Nam cộng sản từng chiến đấu sát cánh bên nhau.
"Thế hệ trẻ hiện chưa được biết về những sự kiện ấy," Thiếu tướng Nguyễn Kim Hùng, nay 72 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tráng kiện. "Nhưng hôm nay, khi Việt Nam và Hoa Kỳ lại đang hướng về nhau đầy thiện chí, tôi cho rằng nên cho đồng bào biết rõ những gì đã xảy ra".
Cuối tháng 9/1997, tướng Hùng cùng một số cựu chiến binh Việt Nam đã sang New York để tái ngộ với những người bạn Mỹ từ 50 năm trước trên núi rừng Việt Bắc. Một ngày đầu năm 1945, chàng trai 18 tuổi, Nguyễn Kim Hùng đã đầu quân cho quân du kích trang bị vô cùng thô sơ của Hồ Chí Minh, lúc đó gọi là lính Việt Minh.
Dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp, vốn là một nhà giáo, quân Việt Minh bắt đầu tìm cách đánh đuổi cả quân Nhật lẫn quân Pháp đã đầu hàng phát xít ở Đông Dương, để sau đó ra tuyên bố Việt Nam độc lập, chính thức tách khỏi khối thuộc địa của Pháp ngay khi thế chiến kết thúc.
Năm 1945, các lực lượng Đồng minh đã đóng tại Côn Minh, ở miền Nam Trung Hoa, để hỗ trợ lực lượng Trung Hoa dân quốc. Chiến tranh trên chiến trường châu Âu sắp kết thúc, Hồ Chí Minh, lúc này đã mạnh lên nhiều về thế và lực, nhận thức rằng (cuộc cách mạng Việt Nam) cần được hậu thuẫn về quân sự và về chính trị. Hồ Chí Minh quay sang phía Hoa Kỳ.
Tháng 2/1945 khi du kích Việt Minh cứu được một phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, Hồ Chí Minh đã đích thân dẫn viên phi công Mỹ này trên chặng đường dài 600 km về Sở chỉ huy quân Đồng minh ở Côn Minh. Tại đây ông đã gặp Charles Fenn, một sĩ quan OSS.
Theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Fenn đã tổ chức cuộc gặp ngày 29/3 với tướng Chennault, người chỉ huy lừng danh của binh đoàn Không quân số 14 của Hoa Kỳ. Chennault chính là người từng lập ra phi đoàn Hổ Bay khét tiếng trên chiến trường Trung Hoa.
"Khi họ gặp nhau, tướng Chennault đã cảm tạ Cụ Hồ về việc cứu viên phi công Mỹ", tướng Hùng cho biết. "Chennault cũng hứa rằng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam về các trang bị như vũ khí nhẹ, thuốc men, và sẽ cử các sĩ quan Mỹ sang làm việc bên cạnh Việt Minh để đánh Nhật".
Tại cuộc gặp này, Hồ Chí Minh đã đưa ra một đề nghị kỳ lạ: ông muốn tướng Chennault ký tặng ông một tấm ảnh chân dung của mình. "Tôi được biết tướng Chennault có tặng Cụ Hồ tấm ảnh của mình, sáu khẩu súngngắn, một số thuốc men. Chennault cũng muốn biếu một số tiền", tướng Hùng nói tiếp. "Nhưng Hồ Chí Minh chỉ nhận tấm ảnh, mấy khẩu súng, và thuốc men. Người đã không nhận tiền".
Giữa tháng Tư 1945, một chiếc phi cơ của Mỹ đưa các lãnh đạo Việt Minh ra biên giới Việt Nam. Đoàn còn gồm hai quân nhân Mỹ gốc Hoa được cử đi cộng tác với Việt Minh. Đó là Mac Shin, báo vụ viên, và Frank Tan, sĩ quan phân tích tình báo.
Hai tháng sau, chàng trai 18 tuổi Nguyễn Kim Hùng được phái đi tháp tùng đoàn Hồ Chí Minh, gồm cả hai người Mỹ, trên chặng đường gian nan, mưa dầm nắng gắt suốt 20 ngày từ biên giới đến một căn cứ mới nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam, tại xã Tân Trào. Tại đây, anh đã được Mac Shin huấn luyện về báo vụ, để rồi được giao nhiệm vụ duy trì liên lạc điện báo với sở chỉ huy Mỹ ở Côn Minh.
"Trên đường hành quân về căn cứ Tân Trào, lần đầu tôi được gặp người Mỹ", tướng Hùng hồi tưởng. "Chúng tôi đã xây dựng được một quan hệ bình đẳng và thân thiết với các bạn Mỹ. Họ rất ngay thẳng, bộc trực, và chúng tôi rất quý mến họ. Mac Shin cũng thích tôi vì tôi học rất nhanh. Anh ấy tặng tôi một chiếc kèn ácmônica. Nó đã bị thất lạc trong những trận đánh liên tục sau đó, làm tôi cứ ân hận mãi".
Giữa tháng bảy, Thiếu tá Allison Thomas chỉ huy một đội, gồm sáu sĩ quan OSS làm nhiệm vụ huấn luyện, nhảy dù xuống Tân Trào. Mang bí danh là đội "Con Nai", các sĩ quan Mỹ bắt đầu huấn luyện Việt Minh sử dụng súng các bin Mỹ, súng máy, moóc chiê, và bazoka, được máy bay Mỹ bay từ Côn Minh thả dù xuống.
"Cụ Hồ yêu cầu người Mỹ phiên chế một đơn vị gồm khoảng 100 người lính, gọi là đại đội Việt Mỹ", tướng Hùng kể tiếp. "Chỉ huy đại đội là người Việt, nhưng toàn đơn vị do các sĩ quan Mỹ huấn luyện".
Bạn cố tri của tướng Hùng là ông Triệu Đức Quang, lúc đó mới 15 tuổi, đã nhập vào đại đội Việt - Mỹ. "Tôi học về cứu thương nhưng cũng được người Mỹ dạy về chiến thuật phân đội"- ông Quang nhớ lại. Triệu Đức Quang được huấn luyện về y tế bởi Paul Hoagland, một quân y sĩ của OSS.Hoagland đã làm chức trách hồi phục sức khoẻ cho Hồ Chí Minh sau khi Người nằm liệt một thời gian vì sốt cao.
15/8/1945, Nhật đầu hàng vô điều kiện sau khi Hirosima và Nagasaki bị ném bom nguyên tử, và Hồ Chí Minh phát động giai đoạn giành chính quyền. Lực lượng vũ trang còn nhỏ của ông, gồm cả đại đội Việt Mỹ, bắt đầu hành quân rời Tân Trào về Hà Nội ngay hôm 16 tháng Tám, trước tiên tiến đánh quân Nhật đang chiếm đóng Thái Nguyên.
Các sĩ quan Mỹ cùng đi để theo dõi chiến sự. "Thiếu tá Thomas viết tối hậu thư bằng tiếng Anh kêu gọi quân Nhật đầu hàng", ông Quang, một trong những người tham gia trận đánh Nhật ở Thái Nguyên, hồi tưởng lại.
Cùng lúc, Việt Minh Hà Nội dấy lên một cuộc khởi nghĩa sâu rộng. Cao tay hơn các đối thủ chính trị không cộng sản của mình, Việt Minh đã cắm được lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Nhà hát lớn cổ kính trên quảng trường trung tâm thành phố.
Nhưng ở hải ngoại, cán cân lực lượng quốc tế đã xoay chuyển theo hướng chống lại lợi ích của liên minh giữa Hồ Chí Minh và OSS. Lo sợ ảnh hưởng của Liên Xô lan ra khắp châu Âu, Washington nay thấy cần nước Pháp, hơn là Mỹ đã từng cần đến một nền độc lập cho Việt Nam, nhất là khi chính quyền mới ở Việt Nam lại do những người cộng sản lãnh đạo.
Đồng Minh (Anh do Churchill/Attlee, Mỹ do Truman, và Liên Xô do Stalin đứng đầu) họp ởPosdam (17/7 -2/8 1945) ký Hoà ước xác định rằng quân Nhật ở Đông Dương sẽ do quân Anh và quân Tàu (Tưởng) giải giáp, trước khi Đông Dương được trao trả lại cho Pháp.
Một số thành viên OSS có cảm tình rõ rệt với Hồ Chủ tịch và Việt Minh, đồng thời chia sẻ sự chán ghét của cố Tổng thống Roosevelt đối với nền thuộc địa của Pháp. Bản thân Hồ Chí Minh cũng đặt ý thức hệ cộng sản sang một bên, hiểu rõ rằng quan hệ với người Mỹ (như đại diện cho Đồng Minh) lúc này có lợi cho dân tộc Việt Nam.
"Trong những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh rõ ràng đã gây được thanh thế khi cùng với các sĩ quan OSS … tiến về Hà Nội," Robert Brigham, một sử gia Mỹ, chuyên nghiên cứu về sự dính líu về quân sự của Mỹ ở Việt Nam, phát biểu. "Hoa Kỳ lúc đó được xem như thế lực chống thuộc địa, và như những người giải phóng nhân loại khỏi ách phát xít trong mắt người dân. Việc Hồ Chí Minh chọn một sách lược như thế là sáng suốt".
Mồng 2 tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam trước quần chúng cách mạng vô cùng phấn khích trên quảng trường Ba Đình. Ông đã mở đầu bản Tuyên ngôn bằng việc trích dẫn Tuyên Ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Thiếu tá Patti, chỉ huy OSS vừa từ Côn Minh sang, đã tham dự đại lễ này.
Trong khi các sĩ quan Pháp thuộc phe Đờ Gôn (De Gaulle) bị Việt Minh gần như giam lỏng ở Hà Nội, các sĩ quan Mỹ được tự do đi lại. "Chúng tôi tới thăm các bạn Mỹ lưu trú tại khách sạn Metropole", ông Quang nhớ lại, "rồi chúng tôi dẫn các bạn Mỹ đi thăm phố phường, thật là vui".
Niềm vui ấy vụt tắt ngay vào giữa tháng Mười, khi tất cả các nhân viên quân sự Mỹ được Washington ra lệnh rời khỏi Đông Dương. Tới tháng Ba năm sau, 1946, quân Pháp vào Hà Nội để thế chân quân Tưởng vừa rút đi. Cuối năm ấy, Nguyễn Kim Hùng và Triệu Đức Quang lại xung trận vì độc lập cho Tổ quốc, trong một trận đánh dài 30 năm.
Ở Việt Nam trong suốt 50 năm qua, Hồ Chí Minh, Người mà Mac Shin coi như ông của mình, đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của toàn dân tộc. Nhưng các mô tả chính thức về Cách mạng tháng Tám vẫn dành một vị trí mơ hồ cho quan hệ của Việt Minh với OSS.
Tới một ngày tháng 9/1997, tổ chức từ thiện Hoa Kỳ "Dự án hoà hợp Mỹ - Đông Dương" (US-Indochina Reconciliation Project) đã tổ chức cho đoàn Việt Nam gồm các CCB Việt Nam từng được "Con Nai" huấn luyện sang New York hội ngộ với bạn đồng minh người Mỹ thời Cách mạng tháng Tám của họ. Các sử gia Việt Nam và Hoa Kỳ cũng được mời tới cuộc gặp mặt này, để ghi nhận các hồi ức về một thời bộ đội Việt - Mỹ.
"Tôi rất vui khi được gặp lại các bạn Mỹ", tướng Hùng chia sẻ, "Tôi nói với Mac Shin và Frankie Tan rằng, tôi luôn coi họ là thày giáo, là những người anh, những người bạn thân của mình. Rằng tình cảm của tôi với họ vẫn trong sáng như buổi đầu. Rằng những ngày từng chiến đấu bên nhau ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi.
Ông Triển nói ông đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ trước khi viết đơn tố cáo ông Vũ Văn Hiến
Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển, người ký đơn tố cáo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Vũ Văn Hiến về việc 'cố ý làm trái', 'có dấu hiệu tham nhũng' và 'trù dập' nhân viên nói với BBC ông đã viết văn bản 11 trang "rất đúng pháp luật".
Ông nói về chuyện 'cố ý làm trái' của ông Hiến trong vụ xin miễn thuế trị giá gia tăng cho các nhà thầu trong một dự án đầu tư của đài truyền hình bất chấp ý kiến của thủ tướng chính phủ và một thứ trưởng tài chính về việc các nhà thầu phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Ông cũng cáo buộc có những 'bằng chứng' về chuyện những nhân viên tố cáo ông Hiến bị 'trù dập'.
Riêng về điều mà ông gọi là 'dấu hiệu tham nhũng', ông nói văn phòng luật của ông không đủ khả năng và không có thẩm quyền điều tra nhưng có quyền đưa ra những nghi ngờ để cơ quan điều tra có thể vào cuộc và đưa ra kết luận nếu họ thấy cần thiết.
Cho đến nay ông Vũ Văn Hiến và VTV chưa lên tiếng về những cáo buộc này.
Ông nói chuyện với Nguyễn Hùng của BBC:
Tiến sĩ - Luật sư Trần Đình Triển: Với tư cách một luật sư, trong Luật Luật sư đã quy định rằng luật sư góp phần bảo vệ công lý, mà khi làm việc liên quan đến vấn đề pháp luật, liên quan đến nhân thân, uy tín của một con người và không chỉ với chính họ, mà liên quan đến người thân của họ, với bạn bè của họ, đặc biệt đối với những người có chức vụ quyền hạn thì còn liên quan đến uy tín của cả cơ quan.
Chúng tôi đã cân nhắc đầy đủ tất cả các yếu tố và trên cơ sở pháp luật.
Cái việc mà dấu hiệu cố ý làm trái rất rõ.
Vì thế văn bản phát ra, không mang tính bí mật của quốc gia, có quyền công khai trên công luận.
Do đó càng thể hiện trách nhiệm của luật sư trước ngòi bút của mình, và trước tiếng nói của mình.
Có nghĩa là khi chúng tôi nhận vụ việc này, với những hồ sơ tài liệu chúng tôi phải đánh giá một cách hết sức khách quan, căn cứ vào quy định của pháp luật và có căn cứ cái gì có căn cứ, cái gì có dấu hiệu thì chúng tôi nêu lên.
Có những cái đủ căn cứ để kết luận, còn những vấn đề gì còn có dấu hiệu thì các cơ quan có chức năng phải điều tra xác minh để làm rõ xử lý.
BBC: Ở đây có hai vấn đề căn bản, tham nhũng và trù dập cán bộ nhân viên. Luật sư có thể cho biết hiện tại có đủ cơ sở để tiếp tục xử lý không ạ?
Dấu hiệu cố ý làm trái rất rõ. Bởi vì trong hồ sơ của tôi đã có một văn bản chính về phía ông Vũ Văn Hiến chỉ đạo, đã gửi Chính phủ, Vụ Tài chính, nhưng Thủ tướng, khi đó là Thủ tướng Phan Văn Khải đã bút phê vào là không đồng ý và đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Và Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến. Chúng tôi có văn bản đó.
Thứ hai là, về phía Bộ Tài chính và Thứ trưởng Trương Chí Trung cũng ký một văn bản trả lời Đài Truyền hình là phải nộp những khoản thuế đó, của những nhập khẩu thiết bị về truyền hình năm 2000, không loại trừ là phải nộp hai văn bản đó và cùng có một biên bản cuộc họp của lãnh đạo các thành phần chủ chốt của Đài Truyền hình để xem xét lại thuế VAT đó.
Và đã đều thống nhất là những vấn đề thuế VAT mà các nhà thầu phải chịu thì các nhà thầu phải nộp còn Đài Truyền hình không can thiệp và không có miễn giảm gì thuế đó cả.
Thế thì [sau] hai văn bản đó rồi, với cương vị là người đứng đầu thì tại sao trên một ý kiến của một trưởng ban tài chính mà ông Vũ Văn Hiến lại bút phê vào và lại bí mật chỉ đạo ông [Đinh Quang] Hưng [Phó Tổng giám đốc] gửi văn bản và lại không gửi lên Thủ tướng, cũng không gửi cho Thứ trưởng phụ trách về cơ quan Thuế mà lại gửi sang cho ông [Nguyễn Công] Nghiệp, Thứ trưởng phụ trách về vốn đầu tư và ngân sách.
Ông Nghiệp cũng không kiểm tra lại toàn bộ những hồ sơ đó lại quyết định đồng ý ghi thu ghi chi khoản đó. Như vậy ở đây nhà nước mất hai lần tiền với khoản thuế đó. Việc làm đó đã đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến rồi.
BBC: Thưa luật sư, nếu như chỉ có tội cố ý làm trái với khoản tiền vài trăm tỷ đồng như vậy thì theo luật Việt Nam thì cơ sở để xử lý, liệu mức xử lý sẽ ở mức nào. Bởi vì theo như những văn bản này thì cái này có lẽ rõ nhất còn những cái khác thì tương đối còn mù mờ, đúng không?
Ở góc độ luật sư đang xử lý vụ việc thì bây giờ chúng tôi chỉ kiến nghị rằng đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Còn mức hình phạt bao lâu thì cái đó luật sư không nói được, bởi vì một người chỉ có tội, chỉ chịu mức hình phạt bao nhiêu khi có phán xử của tòa án. Đấy là hiến pháp.
Do đó, về phía tôi là luật sư chỉ đề nghị đủ căn cứ để khởi tố vụ án, theo điều luật đó thôi. Còn mức bao nhiêu thì tùy phán xử, về tính chất, mức độ trong đó xem xét kể cả nhân thân để mà quyết định một mức án cho phù hợp theo đúng quy định của pháp luật.
Chứ bây giờ mức bao nhiêu thì tôi không thể nói được và cũng không đủ thẩm quyền để nói điều đó được.
BBC: Ở đây có hai vấn đề khác mà tôi muốn hỏi, đó là vấn đề tham nhũng và vấn đề trả thù những người khiếu nại. Về mặt bằng chứng, liệu có đủ bằng chứng đủ mạnh để đưa ra cáo buộc như vậy không?
Việc tham nhũng thì trong văn bản của tôi, thì tôi đã viết một cách thận trọng và rất đúng luật, để tránh trường hợp người ta có thể bắt bẻ tôi về những câu chữ trong văn bản đó. Tôi nói rất rõ là đối với tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì đủ căn cứ.
Ý kiến của Thủ tướng, ý kiến của Bộ Tài chính, ý kiến của cuộc họp và thực tiễn ông Hiến vẫn tiếp tục làm ngược lại.
Hậu quả là gì, ngân sách nhà nước mất hai lần tiền của hơn 800 triệu. Như vậy là đủ dấu hiệu, đủ căn cứ.
Còn vấn đề tham nhũng, đó là vấn đề thuộc cơ quan chức năng. Tôi chưa có đủ căn cứ để biết doanh nghiệp không phải nộp cái đó có chia chác gì với ông Hiến hay không thì tôi không có căn cứ, chưa có bằng chứng.
Cái thứ hai, liên quan đến dự án hơn 300 tỉ nhập khẩu, nhập thiết bị không đồng bộ, rồi gọi đối tác ký các hợp đồng, sau đó phủi các đối tác đó đi rồi tìm các đối tác khác v.v. làm một dự án rất lớn như vậy đang nằm đắp chiếu trong kho. Có những cái gì về mặt tham nhũng ở đây hay không.
Về mặt luân lý, nhìn thì cảm thấy có dấu hiệu. Còn việc làm rõ cái đó thuộc về chức năng của cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật sư chúng tôi không đủ năng lực, thẩm quyền để điều tra làm rõ việc đó. Cho nên chúng tôi nêu lên dấu hiệu cần phải được làm rõ.
Vấn đề thứ ba, đó là trả thù người khiếu nại tố cáo thì có bằng chứng. Lấy ví dụ như anh Khánh, anh đến văn phòng luật sư chúng tôi thì chúng tôi phải thẩm tra lại là anh có đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thế nào, các cơ quan đó tiếp anh và trả lời anh ra sao, thực tế bị ông Hiến trù dập anh như thế nào.
Bên cạnh đó chúng tôi cũng có một số cán bộ ở Đài truyền hình, đã từng ở trong Đài truyền hình và hiện cũng có những cán bộ đang ở trong Đài truyền hình, họ cũng gào lên về việc tố cáo ông Hiến thì ông Hiến xử lý ra làm sao. Cái đó đủ tài liệu để chứng minh ông [Hiến] trù dập và xử lý đối với người tố cáo.
TT - Giữa lúc đang tan tác vì lũ lụt hoành hành từ cuối tháng 7, vốn đã nhận chìm một diện tích tương đương phân nửa diện tích của Việt Nam, nay Pakistan lại đang vỡ nợ với món nợ nước ngoài 54,3 tỉ USD. Khi thiên tai kèm theo nhân họa thì không chỉ 20 triệu nạn nhân lũ lụt, mà cả đất nước Pakistan gặp đầy khó khăn!
Cuối tuần qua, Abdul Khaliq Shah, người phát ngôn của liên minh ba đảng và tổ chức chính trị hàng đầu của Pakistan, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ xù nợ do lẽ vào lúc hàng chục triệu người dân đang khốn khổ như thế này và còn lâu mới thoát khỏi tai ương, lại phải trả hằng năm 3 tỉ USD nợ nước ngoài thì đúng là thảm họa toàn dân.
Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như Oxfam đã lên tiếng khuyến cáo các nước, tổ chức "chủ nợ" giũ nợ cho Pakistan để nước này đừng chìm sâu hơn nữa trong biển nợ ODA. Do lẽ gồng mình gánh chịu thảm họa nước đã vật vã biết bao rồi, nay thêm một cổ hai tròng thảm họa thì thật không chịu xiết!
Số nợ 450 triệu USD, mà Pakistan mới bấm bụng trả ngay trong cơn lũ lụt, đã bằng phân nửa số tiền mà cộng đồng quốc tế hứa cứu trợ, trong đó nhiều nước mới chỉ hứa chứ chưa chi. Thành ra việc cứ phải trả hằng năm 3 tỉ USD nợ nước ngoài nay trở nên bất khả!
Oxfam kêu gọi các "chủ nợ" lớn nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhật, Đức, Pháp, Mỹ: "Khi thu nhập của Chính phủ Pakistan nay phải để lo cho lũ lụt thì gánh nặng nợ nần này không thể cứ tồn tại. IMF cùng các chủ nợ khác nên giũ nợ giúp Pakistan tái thiết và chặn đứng thảm họa nghèo khó".
Cũng may là Pakistan còn có gần 4 triệu người lao động xuất`khẩu và nạn ăn chặn, bóc lột người lao động xuất khẩu ở Pakistan không đến mức ăn cướp giữa ban ngày, nên hằng năm có được 8 tỉ USD gửi về nước như là một bù đắp ngoại tệ cho Ngân hàng Trung ương Pakistan khỏi phải in "giấy lộn" thành tiền.
Hàng trăm tên gián điệp biệt kích, hàng ngàn khẩu súng, 90 tấn đạn, 14 tấn tiền giả… đã bị bắt giữ tại kế hoạch phản gián CM12. Tại lễ kỷ niệm 26 năm thắng lợi kế hoạch này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về dự.
Lễ kỷ niệm do Bộ Công an cùng UBND tỉnh Cà Mau tổ chức tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) - nơi là trung tâm chỉ huy của CM12 ngày trước.
Đây được xem là kế hoạch có một không hai của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, nhằm chống lại tổ chức do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy đứng đầu. Tổ chức này chuyển gián điệp, biệt kích, vũ khí và tiền giả vào Việt Nam với mục đích phá hoại an ninh quốc gia và lật đổ chính quyền Việt Nam.
Bia di tích thắng lợi kế hoạch CM12 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc. Ảnh: Thiên Phước.
Sau nhiều năm đấu tranh, lực lượng công an đã đón bắt 18 chuyến xâm nhập với 189 tên gián điệp biệt kích, 143 lượt tàu của địch, thu giữ 3.679 khẩu súng các loại cùng 90 tấn đạn, 1.200 kg thuốc nổ và 14 tấn tiền giả. Từ thắng lợi này, lực lượng công an đã bóc gỡ 10 tổ chức gián điệp cài lại sau chiến thắng 30/4/1975 tại Việt Nam.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những kỳ tích đạt được của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đặc biệt là sự mưu trí dũng cảm của trong chuyên án.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành tượng đài bảo vệ an ninh tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác dự báo tình hình để có cơ sở triển khai tổ chức tốt các biện pháp công tác; luôn chủ động đổi mới, sáng tạo trong đấu tranh với âm mưu thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm.
Cũng tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Cà Mau cắt băng khánh thành tượng đài bảo vệ an ninh tổ quốc tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Hòn Đá Bạc. Tượng đài cao hơn 21m, trong đó tượng đài chính cao gần 12m có tổng kinh phí đầu tư khoảng 45 tỷ đồng là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Thủ tướng ôm chầm ông, xúc động nhắc chuyện cũ: "Anh chính là ân nhân lớn của tôi. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của anh mà tôi đã vượt được sông bằng chiếc cối giã gạo trong lúc bị thương để về đến căn cứ an toàn"
Tại lễ mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do tỉnh Sóc Trăng tổ chức mới đây, lão nông Tư Kiên (Phan Trung Kiên) ở huyện Kế Sách đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Tư Kiên đã lập nhiều chiến công nhưng kỳ tích được nhiều người biết đến là chuyện ông cứu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc hai người cùng chung một trận tuyến cách nay 40 năm.
Tải thương bằng... cối giã gạo
Người lính trẻ Phan Trung Kiên từng chiến đấu kiên cường bên người đồng đội Nguyễn Tấn Dũng lúc chống càn ngày nào ở dòng sông Cái Tàu - Cà Mau nay đã 65 tuổi. Người dân Kế Sách quen gọi ông là Kiên "quản trang" hay Kiên "bảo vệ" bởi ông từng cùng vợ con sống ở một góc Nghĩa trang Liệt sĩ Kế Sách với công việc quản trang. Sau đó, ông vào làm bảo vệ Chi nhánh Điện lực Kế Sách để kiếm thêm thu nhập nuôi vợ bệnh và các con ăn học.
Lớn lên ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, năm 1962, khi mới 16 tuổi, cậu trai làng Phan Trung Kiên đã tham gia đội giao liên ấp. Một năm sau, anh gia nhập Tiểu đoàn 198 pháo binh ĐKZ 75 đóng quân ở rừng U Minh Hạ - Cà Mau.
Sau đó, anh được đơn vị cử đi học cứu thương cấp tốc trong 4 tháng, rồi học tiếp lớp quân y vào năm 1969. Lớp học giữa rừng của Trường Quân y Quân khu 9 (T3) lúc ấy có một thanh niên cao ráo tên Nguyễn Tấn Dũng đến từ Tiểu đoàn 207 ở Kiên Giang. Chiến tranh đến hồi cam go nên vừa học, cả lớp vừa chống càn để bảo vệ đội phẫu thuật với hàng chục thương binh ở trạm xá đơn sơ giữa rừng.
Tháng 9-1970, ngày nào địch cũng càn quét dữ dội khu vực Khánh Lâm, thọc sâu vào căn cứ rừng già U Minh Hạ và sang cả U Minh Thượng bên Kiên Giang với âm mưu tiêu diệt bộ đội và cơ quan đầu não cách mạng vùng này.
Đội phẫu thuật dã chiến đóng cạnh lớp đào tạo bác sĩ quân y để sẵn sàng cấp cứu bộ đội bị thương. Một sáng tinh sương sau cơn mưa dầm suốt đêm giữa rừng U Minh Hạ, các học viên vừa thức giấc cũng là lúc địch xuất hiện với cả trung đoàn bộ binh địch có máy bay trực thăng và thiết giáp yểm trợ bao vây T3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tư Kiên - hai đồng đội và là bạn học thân thiết - vui mừng gặp lại nhau
Hai học viên trẻ Nguyễn Tấn Dũng và Phan Trung Kiên quyết định ở lại chặn địch để đồng đội khẩn cấp đưa thương binh vượt sông về hậu cứ. Một người vác súng B40, người kia cầm khẩu AK khạc đạn liên hồi, diệt được trên chục tên địch rồi tiến đến một hố bom núp quan sát tình hình. Ông Tư Kiên kể: "Một đại đội địch tràn lên và bắn tới tấp về phía T3. Trước mắt địch quá đông với hỏa lực mạnh, sau lưng là đồng đội vẫn còn đưa thương binh vượt sông, tình thế chúng tôi rất hiểm nguy. Lúc ấy, Dũng nâng B40 bắn liên tiếp 2 phát làm cả rừng tràm rung lên. Địch la thất thanh và sau đó im bặt".
Ông Tư Kiên nhớ lại: "Thấy địch chết nhiều, chúng tôi cứ tưởng đã an toàn, nào ngờ lúc ấy máy bay trực thăng xuất hiện. Sau loạt súng nổ rền trời, đạn bay ào ào từ trên máy bay xuống rừng tràm, tôi thấy Dũng ôm bắp chân, máu chảy ướt đẫm ống quần. Dũng không đi được, tôi liền cõng anh lui về hướng sông Cái Tàu cách đó gần chục cây số để tìm cách quay lại căn cứ càng sớm càng tốt bởi Dũng mất máu quá nhiều và trời đã sập tối. Thấy con sông trước mắt quá lớn không thể cõng Dũng bơi qua, tôi giấu anh ở bụi tràm sát bờ rồi dặn: "Dũng ơi, mày ráng chịu đau nằm chờ tao bơi sang nhà dân tìm xuồng vượt sông. Nếu có chết, cả hai cùng chết chớ tao không bỏ mày đâu".
Đến nhà dân, Tư Kiên hết sức thất vọng vì xuồng ba lá của họ đã bị địch bắn tan nát. "Nhìn quanh quẩn, tôi thấy chiếc cối giã gạo bằng gốc cây mù u rộng hơn 1 m² bèn nảy ra một ý táo bạo. Tôi vần chiếc cối xuống sông rồi cõng Dũng đặt nằm lọt trong lòng cối và lấy lục bình phủ lên ngụy trang. Vừa kéo chiếc cối vượt qua được bờ kia sông thì bên này, hơn chục tên địch đang lần theo vết máu của Dũng. Chỉ chậm vài phút là chúng tôi đã bỏ mạng giữa rừng" – ông Tư Kiên hồi tưởng.
Sau khi về hậu cứ an toàn, chữa lành vết thương và hồi phục sức khỏe, hai người tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Gặp lại bạn xưa
Một thời gian dài sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Kiên bặt tin người bạn Nguyễn Tấn Dũng. Cách đây vài năm, có dịp gặp lại bạn bè cùng ngành y, ông mới nghe họ nhắc đến người bạn xưa giờ đã giữ cương vị cao nhất của Chính phủ.
Song, vì vất vả mưu sinh ở chốn quê nghèo, ông Tư Kiên ngại rằng nếu liên lạc sẽ làm phiền người bạn đang bận rộn với quá nhiều công việc được Đảng và Nhà nước giao phó. Ông đâu biết mỗi lần lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng và những người cùng thời với ông ở T3 ra Hà Nội công tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều hỏi thăm tin tức người bạn đã từng đưa mình bị thương vượt sông bằng cối giã gạo năm nào.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tư Kiên kể lại chuyện
hai người chống địch và vượt sông bằng cối giã gạo 40 năm trước
Thông qua một cán bộ tỉnh Hậu Giang là bạn cũ của ông Tư Kiên, Thủ tướng quyết định mời ông dự buổi cơm thân mật tại TP Cần Thơ nhân dịp dự lễ khởi công giai đoạn hai cảng Cái Cui vào tháng 7-2009.
Ông Tư Kiên cho biết: "Chiều đó, anh Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, rủ tôi về Cần Thơ gặp bạn thời chiến đấu. Tôi nói với vợ là đi đám cưới nhưng linh tính mách rằng sẽ gặp được Thủ tướng". Sau buổi cơm tối thắm đậm nghĩa tình, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời học chung ở T3 và đặc biệt là buổi chiều vượt sông bằng cối giã gạo, ông Tư Kiên chia tay Thủ tướng để về lại quê nhà với lời hẹn sẽ gặp lại nhau vào đầu Xuân Canh Dần.
Đúng hẹn, mùng 6 Tết Canh Dần, Thủ tướng cùng phu nhân và 2 con đến TP Sóc Trăng chúc Tết, thăm và trao nhà đồng đội của Quân khu 9 cho gia đình ông Tư Kiên. Trong căn nhà do đồng đội cũ của ông Tư Kiên đóng góp xây tặng hôm ấy thật ấm áp tình đồng đội. Thủ tướng ôm chầm ông Tư Kiên, xúc động: "Anh Tư ơi, anh chính là ân nhân lớn, là người đồng chí, đồng đội, người bạn học thân thiết của tôi. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của anh mà tôi đã vượt được sông Cái Tàu bằng chiếc cối giã gạo trong lúc bị thương để về đến căn cứ an toàn".
Cật lực mưu sinh
Đất nước thống nhất, Tư Kiên về Bạc Liêu lấy vợ theo lời giới thiệu của một đồng đội. Đưa vợ về Kế Sách, Tư Kiên xin chuyển ngành về bệnh viện đa khoa huyện. Làm phó giám đốc bệnh viện gần 7 năm, ông xin nghỉ vì cuộc sống gia đình quá khó khăn, vợ bị bệnh nặng trong khi các con còn nhỏ.
Về với ruộng vườn, ông Tư Kiên chỉ có mảnh đất đủ để cất căn nhà lá. Thấy nhiều người sống được bằng nghề nuôi vịt, ông gom hết tiền và mượn thêm hàng xóm đầu tư nuôi 200 con.
Tuy nhiên, đàn vịt vừa đẻ vài ngày bỗng lăn ra chết hết. Ông phải bán mảnh đất cùng căn nhà lá để trả nợ. Không đất, không nhà, ông đành dắt díu vợ và 3 con nhỏ vào Nghĩa trang Liệt sĩ Kế Sách tá túc. Xin được chân quản trang, ngày ngày ông chăm nom những nấm mồ của những người con quê hương đã ngã xuống.
Làm quản trang một thời gian vẫn không đủ sống, ông Tư Kiên lại dắt vợ con về Ba Trinh xin người quen một mảnh đất nhỏ cất nhà ở và làm thuê, làm mướn mưu sinh.
"Đứa con gái lớn học đến lớp 8 đã nghỉ để làm thuê; thằng con trai kế một buổi đi học, một buổi bán bánh mì và phụ hồ; còn con bé út lại không có tiền đi đò đến trường học... Nghèo khó quá nhưng vợ chồng tôi không đành để hai đứa nhỏ nghỉ học" - vợ ông ngậm ngùi.
Thấy vợ chồng Tư Kiên vất vả, hàng xóm đã cho thuê đất để ông trồng rau. Nhờ chí thú làm ăn, năm 1999, ông có được ít vốn mua mảnh đất nhỏ ở thị trấn Kế Sách dựng lên ngôi nhà lá nhưng vẫn tiếp tục thuê đất làm lúa, trồng rau nuôi con ăn học.
Không phụ lòng cha mẹ, con trai ông Tư Kiên học rất giỏi, thi đậu vào ngành công an và hiện đã ra trường, làm việc tại Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Sóc Trăng. Cô con gái út cũng rất chăm học, hiện công tác tại Trường Chính trị Sóc Trăng.
Một số nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam than phiền về 'văn hóa đấu đá' tại đài
Văn phòng Luật sư Vì dân hôm 4/9 đã có văn bản gửi Bộ Chính trị và các cơ quan nhà nước tố cáo ông Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam có 'dấu hiệu tham nhũng' và tư thù.
Công văn dài 11 trang cũng được gửi tới Ban bí thư Trung ương, Quốc hội, Thủ tướng, Bộ trưởng Công An, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và một số cơ quan khác.
Văn phòng Luật sư Vì dân (LSVD) nói họ đã nhận tư vấn pháp luật miễn phí cho ông Trần Quốc Khánh, một nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam và viết trong trang hai của văn bản:
"Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến về "tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"...; cần phải làm rõ những dấu hiệu tham nhũng và làm trái nguyên tắc về công tác tổ chức của Đảng và Nhà nước".
LSVD cáo buộc ông Hiến "cố ý làm trái pháp luật trong các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tại Đài truyền hình Việt Nam gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng và có dấu hiệu tham nhũng".
Văn bản dẫn ra một số dự án trong đó có dự án đầu tư xây dựng Trung tâm sản xuất chương trình Truyền hình Việt Nam mà họ cáo buộc:
"Dự án đã quá thời hạn hoàn thành mà trang thiết bị nhập khẩu kỹ thuật lạc hậu, thiếu đồng bộ đang "đắp chiếu"... làm thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng; dự án đang đứng bên bờ vực của sự phá sản toàn bộ, thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đã đang và sẽ xẩy ra.
"Trách nhiệm và hậu quả ông Vũ Văn Hiến phải chịu".
'Vi phạm pháp luật'
LSVD cũng tố cáo ông Vũ Văn Hiến "vi phạm pháp luật và những nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ, thi đua khen thưởng".
Văn phòng luật sư này nói nhiều nhân viên Đài truyền hình đã "bị trù dập, chịu nhiều khổ đau, thiệt hại trăm bề,..." khi tố cáo ông Hiến.
Ông Hiến cũng bị cáo buộc lợi dụng sự vắng mặt của một số "thành phần chủ chốt" của Đài truyền hình để tổ chức họp và có biên bản trình chính phủ đề nghị tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho chính ông.
Ngoài ra LSVD cũng nhắc tới chuyện bà Kiều Trinh, con gái ông Vũ Văn Hiến tiếp tục lên sóng truyền hình và giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao - Du lịch của Ban Thời sự VTV1 mặc dù khi còn đi học ở Thụy Điển "đã ăn cắp một số váy và hàng hóa... trị giá 400 đô la Mỹ; đã bị cảnh sát bắt giữ thẩm vấn sáu giờ".
Vụ tố cáo ông Vũ Văn Hiến xảy ra chỉ một tuần sau khi truyền thông Việt Nam đưa tin về việc ông Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình xin Thủ tướng Chính phủ cho rời khỏi đài.
Người ta cho rằng một trong những lý do khiến ông Tuấn quyết định ra đi là chuyện ông không được ủng hộ để lên thay ông Hiến, người được cho là sẽ về hưu trong thời gian tới đây.
Một cựu nhân viên Đài truyền hình cũng nói với BBC "văn hóa đấu đá, nịnh bợ" lan tràn trong đài và nó có thể ảnh hưởng tới chất lượng chương trình và tới cả thế hệ người xem truyền hình.
Đài BBC chưa liên hệ được với ông Vũ Văn Hiến để có phản hồi về các cáo buộc mới nhất đối với ông.
Theo các nhà phân tích, tâm lý bài Hoa không phải là một cái gì mới lạ ở Mông Cổ. Nó đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, nhưng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông Frank Bille, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Cambridge về thái độ Mông Cổ đối với Trung Quốc, thì tâm lý chống Trung Quốc tại Mông Cổ ít ra đã có từ thời kỳ Xô viết.
Trong thời gian gần đây, những vụ bạo hành nhắm vào người Trung Quốc tại Mông Cổ gia tăng, gây lo ngại cho cả trong nước lẫn ngoài nước. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ảnh hưởng kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc tại Mông Cổ, kèm theo sự hiện diện ngày càng đông của người Hoa. Điều này đã kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong một thành phần dân chúng địa phương.
Từ đầu năm đến nay, theo nguồn tin của cảnh sát Mông Cổ, đã có hai người Trung Quốc bị sát hại riêng tại thủ đô Ulan Bator. Đây là bề nổi của một chiều hướng đáng ngại trong xã hội Mông Cổ : đó là tâm lý bài Hoa ngày càng được các thành phần cực hữu ở nước này kích động. Theo hãng tin Pháp AFP, hiện nay, tại Mông Cổ, có ít nhất ba nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan được phép hoạt động, trong đó có nhóm Dayar Mongol (Thuần Mông Cổ) đã không che giấu đối tượng tấn công của họ chính là người Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của AFP, một thành viên của nhóm này thản nhiên tự nhận là họ đã huấn luyện được "50 chiến binh mà nhiệm vụ là đánh đuổi người Trung Quốc cư ngụ tại Mông Cổ và một số người Mông Cổ có cha là người Trung Quốc". Không những thế, nhóm Dayar Mongol còn nhắm vào các phụ nữ Mông Cổ có quan hệ tình ái với người Trung Quốc, cạo trọc đầu những người này, thậm chí xâm dấu hiệu trên trán họ.
Ngay cả Hoa Kỳ cũng phải lên tiếng trước tệ nạn bài Hoa gia tăng. Trên trang Web của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo du khách về "số lượng ngày càng tăng của các cuộc tấn công bài ngoại" ở Mông Cổ kể từ mùa xuân năm 2010. Washington lo ngại rằng người Mỹ gốc Á bị các thành phần cực hữu Mông Cổ tưởng lầm là người Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, tâm lý bài Hoa không phải là một cái gì mới lạ ở Mông Cổ. Nó đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, nhưng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông Frank Bille, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Cambridge về thái độ Mông Cổ đối với Trung Quốc, thì tâm lý chống Trung Quốc tại Mông Cổ ít ra đã có từ thời kỳ Xô viết. Trả lời AFP, ông cho rằng đó là "một hậu quả trực tiếp của thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Người Nga thường nêu bật mối 'đe dọa từ Trung Quốc' để bảo đảm lòng trung thành của Mông Cổ đối với Liên Xô".
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc vươn lên về mặt kinh tế, thì tâm lý kỳ thị này đã trỗi dậy tại Mông Cổ do việc Bắc Kinh càng lúc càng tăng cường sự hiện diện của họ trong lãnh vực kinh tế. Theo ghi nhận của AFP, các trữ lượng đồng, vàng, bạc hay uranium rất quan trọng tại Mông Cổ đã lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Trung Quốc.
Với các hợp đồng khai thác quan trọng được ký kết giữa Ulan Bator và Bắc Kinh, số người Trung Quốc tràn vào Mông Cổ ngày càng tăng. Hiện nay, số lượng chính xác người Trung Quốc ghé thăm hoặc đang sinh sống ở Mông Cổ rất khó xác định vì người Trung Quốc không cần phải xin visa khi vào Mông Cổ. Tuy nhiên điều chắc chắn ghi nhận được là lưu lượng người Trung Quốc vào Mông Cổ rất quan trọng.
Số người Hoa đông đảo và ảnh hưởng kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc tại Mông Cổ, đặc biệt là trong hai ngành khai thác quặng mỏ và xây dựng đã khơi dậy ở người dân Mông Cổ một mối lo bắt nguồn từ lịch sử. Họ chưa quên các tham vọng của Trung Quốc từ thời triều đại Mãn Châu đã thống trị Mông Cổ trong suốt hai thế kỷ.
Theo ông Graeme Hancock, một chuyên gia về công nghiệp mỏ tại Ngân hàng Thế giới, thì Xin Trích : "Hiển nhiên là người Mông Cổ không muốn đất nước họ trở thành một khu ngoại ô kinh tế của Bắc Kinh". Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia này nói thêm xin trích : "Dân Mông Cổ cũng muốn được quyền tự quyết định, chứ không phải lệ thuộc vào thẩm quyền của nước ngoài".