TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG |
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure
Search This Blog
Saturday, January 14, 2012
Friday, January 13, 2012
Sông Đà Đất Vàng nợ nhân viên 10 tháng lương
Không thu hồi được nợ, dự án triển khai đình đốn, Công ty cổ phần Sông Đà Đất Vàng nợ lương nhân viên từ tháng 3 tới nay vẫn chưa thanh toán hết, khả năng thưởng Tết Nhâm Thìn rất thấp.
> Doanh nghiệp trả lương bằng bánh, bột ngọt
> Chủ doanh nghiệp phải cầm nhà để lo thưởng Tết
> Thưởng Tết bằng bột ngọt, dầu ăn
Theo phản ánh của người lao động, từ tháng 3 đến tháng 9, công ty chỉ tạm ứng lương chứ không thanh toán hết 100%. Song từ tháng 9 tới nay, công ty ngừng luôn phần tạm ứng. "Tết sắp đến nhưng tiền lương trong năm còn chưa nhận đủ, chưa dám nói tới thưởng, thậm chí công ty còn yêu cầu nhân viên hoàn trả lại tiền thưởng Tết năm ngoái", một nhân viên cho biết.
Ngoài ra, hơn một năm nay, công ty không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cán bộ công nhân viên không có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh.
Sản phẩm không bán được, công nợ chưa thu hồi, khách hàng đòi thanh lý hợp đồng do dự án chậm tiến độ..., Công ty cổ phần Sông Đà Đất Vàng không đủ tiền trả lương cho nhân viên. Ảnh: T.L. |
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cũng thừa nhận mỗi tháng tạm ứng cho nhân viên chừng 30-50% tổng thu nhập. "Công nợ hàng chục tỷ đồng chưa đòi được, trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản bị đình đốn do kinh tế khó khăn, nên tài chính thiếu hụt", ông giải thích. 6 tháng qua, công ty giảm biên chế một nửa, hiện còn chưa tới 20 nhân viên làm việc.
Theo ông, tổng số tiền lương công ty còn nợ nhân viên dưới 1 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp vài trăm triệu đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đang xoay sở bằng mọi nguồn có thể. Ngoài việc hối thúc con nợ, công ty còn huy động vốn từ chính cổ đông, cán bộ công nhân viên... để đủ khả năng thanh toán phần lương còn nợ cho người lao động trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 9. Riêng tiền lương những tháng cuối năm, công ty khất sang năm sau.
Về thưởng Tết, ông dự kiến bồi dưỡng cho nhân viên khoảng vài trăm nghìn đồng. Công ty nghỉ Tết từ đầu tuần tới, do thời điểm này cũng không có việc để làm.
Năm nay, Công ty cổ phần Sông Đà Đất Vàng chỉ hoàn thành 3% kế hoạch đề ra, do khó khăn phải đối mặt còn hơn cả dự báo đưa ra ban đầu. Tập đoàn Sông Đà sở hữu 5% cổ phần doanh nghiệp này, Công ty cổ phần Sông Đà 10 sở hữu 10%, bản thân ông Chủ tịch Nguyễn Văn Thuyết nắm 7% cổ phần.
Bạch Hường
'Tôi sẵn sàng đối chất về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng'
Ngay sau khi UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) khẳng định quyết định thu hồi đất của ông Vươn đúng luật, ngày 13/1 GS Đặng Hùng Võ cho biết sẵn sàng đối chất với địa phương để làm rõ sai phạm.
> 'Quyết định thu hồi đất ở Hải Phòng là trái luật'/ 'Phá nhà ngoài khu cưỡng chế vì kẻ gây án từng ẩn nấp'
Chiều 12/1, một tuần sau vụ nổ súng bắn trọng thương 6 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế đầm tôm ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền tái khẳng định việc giao và thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đúng quy định, chiểu theo Luật đất đai năm 1987. Theo ông Hiền thời điểm giao đất cho người dân (4/10/1993) là trước ngày Luật đất đai 1993 có hiệu lực (15/10/1993).
Dù các phóng viên liên tiếp đề nghị UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng lý giải tại sao giao đất bổ sung cho người dân năm 1997, thời hạn vẫn chỉ là 14 năm, tính từ năm 1993, nhưng các lãnh đạo huyện và thành phố có mặt tại buổi họp không ai lên tiếng.
Sau vụ cưỡng chế, nhà ông Đoàn Văn Vươn đã bị phá sập. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sáng 13/1, trao đổi với VnExpress.net, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, Luật đất đai năm 1993 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước vào thời điểm đó. Luật này quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này.
Vì vậy, theo ông Võ, nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định. Còn việc giao đất năm 1997 và đến năm 2007 quyết định thu hồi là sai. "Huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng không trả lời về việc này có nghĩa là họ đã sai", ông Võ nhấn mạnh.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là hành vi thu hồi do hết hạn nhưng lại không căn cứ vào khoản 10, điều 38 Luật đất đai. Bởi khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi thì người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
"Chắc chắn là UBND Hải Phòng và Bộ Tài nguyên Môi trường phải đưa ra ý kiến. Nhiệm vụ của Bộ là quản lý nhà nước về đất đai nên chuyện tày đình thế này thì Bộ đương nhiên phải vào cuộc chứ không thể đứng ngoài", GS Đặng Hùng Võ nói thêm.
Trước việc UBND huyện Tiên Lãng luôn khẳng định việc giao và thu hồi đất là đúng, GS Đặng Hùng Võ cho biết: "Tôi sẵn sàng đối chất với huyện Tiên Lãng. Chuyện này quá đơn giản, nhưng trước hết UBND Hải Phòng phải có ý kiến đã. UBND huyện Tiên Lãng đã sai về thời hạn thì sẽ kéo theo những cái sai khác".
Hiện Bộ Tài nguyên Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng báo cáo ngay về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
Trước đó, ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được toại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trả lời Pháp luật TP HCM, ông Phạm Văn Tỉnh, Phó chánh thanh tra Tổng cục quản lý đất đai cho biết, chính quyền thu hồi đất mà không bồi thường, hỗ trợ cho ông Vươn là chưa hợp lý. Theo luật, đất được giao mà thu hồi trước thời hạn thì người sử dụng đất được bồi thường đối với đất và tài sản trên đất trên cơ sở tính giá trị còn lại. Nếu thu hồi đất này đúng thời hạn thì không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ với công trình trên đất như nhà trông coi nơi nuôi trồng thủy sản, cống dẫn nước, bờ bao… Theo ông Tỉnh, cần giao lại đất cho hộ gia đình ông Vươn và đảm bảo đúng theo hạn mức do pháp luật quy định. Số diện tích còn lại, địa phương cho gia đình ông Vươn thuê hết hoặc chỉ cho thuê một phần. Nếu chỉ cho thuê một phần thì phần còn lại địa phương thu hồi rồi có thể đưa ra đấu thầu. Phần đưa ra đấu thầu, gia đình ông Vươn cũng được tham gia đấu thầu bình đẳng như những hộ dân khác trong khu vực. |
Tiến Dũng
Trung tá công an làm chết người bị phạt 4 năm tù
Ngày 13/1, sau gần một năm gây ra cái chết cho ông Tùng, nguyên trung tá công an phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị tòa án đưa ra xét xử về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.
> Trung tá công an bị tố đánh dân gãy cổ
> Khởi tố vụ trung tá công an bị tố đánh dân gãy cổ
Theo cơ quan công tố, ngày 28/2/2011, Ban chỉ huy công an phường Thịnh Liệt đã phân công ông Nguyễn Văn Ninh (54 tuổi, cán bộ cảnh sát trật tự công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cùng tổ dân phòng tự quản tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm trật tự giao thông đường bộ tại vành đai đối diện cổng phụ bến xe phía Nam.
Khoảng 10h30 cùng ngày, trong khi làm nhiệm vụ, ông Ninh phát hiện ông Trịnh Xuân Tùng (54 tuổi, ở Hai Bà Trưng) không đội mũ bảo hiểm ngồi sau xe máy do ông Phạm Quanh Hùng (lái xe ôm) điều khiển. Thấy vi phạm, ông Ninh đã dùng còi và gậy hướng dẫn giao thông ra hiệu lệnh yêu cầu ông Hùng dừng xe và thông báo lỗi vi phạm, yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, lập biên bản về việc điều khiển xe máy chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, xử phạt 150 nghìn đồng.
Ông Nguyễn Văn Ninh tại tòa. Ảnh: N.Anh |
Tuy nhiên ông Hùng không ký biên bản mà để lại giấy đăng ký rồi chở ông Tùng bỏ đi uống rượu. Đến khoảng 15h cùng ngày, ông Hùng chở ông Tùng và một người bạn khác quay lại xin nộp tiền phạt 100 nghìn đồng, hủy biên bản và mức phạt buổi sáng, nhưng ông Ninh không đồng ý. Mấy người này đã lăng mạ rồi tiếp tục bỏ đi.
Một lát sau ông Tùng quay lại, hai bên lời qua tiếng lại. Ông Tùng túm cổ áo ông Ninh, tay phải tát vào mặt. Lúc này ông Ninh gạt ra, gỡ tay ông Tùng và hô to: "Thằng này nó đánh tôi, anh em đâu bắt giữ nó lại". Ông Tùng xoay người bỏ chạy, nhưng bị ông Ninh túm tóc giật lại…
Nghe tiếng hô, một số người lao đến bẻ quặt tay phải ông Tùng. Ninh túm tóc ghì đầu khiến ông Tùng ngã nghiêng mặt xuống đất, sau đó lấy khóa số 8 còng tay ông ngồi dựa vào gốc cây bàng. Hậu quả ông Tùng bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, sau đó đã tử vong.
Sau một ngày xét xử, chiều 13/1, HĐXX đã tuyên phạt ông Ninh 4 năm tù giam.
Nam Anh
Thursday, January 12, 2012
Đdúng hay sai từ việc giao và thu hồi đdất ở Tiên Lãng
Đúng hay sai từ việc giao và thu hồi đất ở Tiên Lãng
SGTT.VN - Có thể thấy những khuất tất trong quá trình giao đất và thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là nguyên nhân dẫn đến việc ông Vươn và người nhà chống người thi hành công vụ, khi cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất hôm 5.1.2012. Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường nói:
Khu đất bị giải tỏa của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: báo Đất Việt |
Việc chống lại quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất vừa qua tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng là rất đáng tiếc. Theo tôi, sự việc này có liên quan tới quyết định giao đất, thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cho cá nhân theo quy định của luật Đất đai 1993.
Theo quyết định "giao đất bãi bồi ven biển để nuôi trồng thủy sản" của UBND huyện Tiên Lãng thì căn cứ pháp lý là điều 48 và điều 79 của luật Đất đai 1993. Điều 48 quy định "Việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp theo các quy định sau đây: (1) Đúng quy hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; (2) Bảo vệ đất, làm tăng sự bồi tụ đất ven biển; (3) Bảo vệ hệ sinh thái và môi trường; (4) Không gây trở ngại cho việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển". Điều 79 quy định "Người sử dụng đất có những nghĩa vụ sau đây: (1) Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới và các yêu cầu khác đã được quy định khi giao đất; (2) Thực hiện các biện pháp để bảo vệ và làm tăng khả năng sinh lợi của đất; (3) Tuân theo những quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh; (4) Nộp thuế sử dụng đất; thuế chuyển quyền sử dụng đất; lệ phí địa chính theo quy định của pháp luật; (5) Nộp tiền sử dụng đất khi được giao đất theo quy định của pháp luật; (6) Đền bù cho người có đất bị thu hồi để giao cho mình; (7) Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi".
Sự thực đây không phải là những căn cứ pháp lý của việc giao đất mà là quy định về nghĩa vụ của người sử dụng đất được giao.
Những căn cứ pháp lý quan trọng đối với việc giao đất trong trường hợp này phải là:
Thứ nhất, điều 50 của luật Đất đai 1993. Theo đó, "việc quản lý, sử dụng đất mới bồi ven biển do Chính phủ quy định".
Thứ hai, quyết định số 773-TTg ngày 21.12.1994 về Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng. Trong đó, điều 13 quy định "Diện tích đất giao cho mỗi hộ sản xuất đến vùng dự án được phân bổ theo điều kiện cụ thể của từng vùng. Hạn mức chung như sau: Từ 1 – 3 hécta đối với dự án nông – lâm – ngư nghiệp; Từ 2 – 10 hécta đối với dự án lâm – nông – ngư nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản".
Thứ ba, về thời hạn sử dụng đất, phải được thực hiện theo quy định tại nghị định số 64-CP ngày 27.9.1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Trong đó, điều 4 quy định "(1) Thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thuỷ sản là 20 năm; để trồng cây lâu năm là 50 năm; (2) Thời hạn giao đất được tính như sau: Đối với đất của hộ gia đình, cá nhân được giao từ ngày 15.10.1993 trở về trước, được tính thống nhất từ ngày 15.10.1993; Đối với đất của hộ gia đình, cá nhân được giao sau ngày 15.10.1993, thì tính từ ngày giao".
Theo những căn cứ pháp lý này thì quyết định của UBND huyện Tiên Lãng đều là giao đất bãi bồi ven biển với thời hạn 14 năm và tổng diện tích tích lên tới 41ha. Như vậy thời hạn ít hơn so với quy định của Chính phủ mà diện tích lại vượt quy định của Chính phủ. Như vậy là rất sai so với quy định của pháp luật về đất đai.
Còn những căn cứ pháp lý quan trọng đối với việc ban hành quyết định thu hồi đất ngày 7.4.2009 của UBND huyện Tiên Lãng là nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25.5.2007, quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai. Trong đó, trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất thực hiện theo các quy định từ điều 49 tới điều 62. Theo quy trình này, việc thu hồi đất không dễ dàng như UBND huyện Tiên Lãng đã thực hiện.
Vụ việc ở Tiên Lãng là một hồi chuông quan trọng để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc. Giới văn nghệ đã cảnh báo về những "thảm hoạ" đất đai trong truyền ngắn "Kẻ sát nhân lương thiện" từ lâu rồi. Người xây dựng pháp luật về đất đai nông nghiệp phải "trải mình" trong thực tế nông thôn mới biết được rõ những gì mà cuộc sống thực tế đang cần tới pháp luật. |
Từ đây, có thể kết luận các quyết định của UBND huyện Tiên Lãng không căn cứ vào các quy định của pháp luật hoặc dựa vào các căn cứ không xác đáng.
Chính sách chung về giao đất, thu hồi đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối hiện nay như thế nào?
Vấn đề giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là một chính sách lớn của Nhà nước. Đây là quá trình tiếp tục của những thành quả cách mạng đã đạt được từ khẩu hiệu "người cày có ruộng" của Đảng ta. Việc giao đất hoang hoá bãi bồi ven sông, ven biển cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải tạo để sử dụng cũng là một chính sách lớn, đã mang lại nhiều kết quả tốt trong thời gian vừa qua. Một trong những nội dung quan trọng mà Quốc hội sẽ xem xét để quyết định trong luật Đất đai mới (sẽ ban hành trước cuối năm 2013) là mức thời hạn và mức hạn điền đối với đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Hay nói cách khác, việc giao đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối sẽ hết hạn sớm nhất là ngày 15.10.2013 (20 năm kể từ thời điểm 15.10.1993).
Trong khi chưa thông qua luật Đất đai mới, hiện nay phải thực hiện theo quy định của nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004 về thi hành luật Đất đai. Theo đó, người sử dụng đất đương nhiên được kéo dài thời hạn sử dụng nếu Nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất. Về cơ chế Nhà nước thu hồi đất, không hề đơn giản như nhiều cán bộ quản lý ở địa phương vẫn thường nghĩ: Nhà nước muốn thu hồi đất của ai thì thu. Việc thu hồi đất luôn phải thực hiện theo các quy định rất cụ thể nhằm hạn chế việc áp dụng tuỳ tiện quyền lực của cấp có thẩm quyền. Thu hồi để giao cho dự án gì, quy hoạch đã có chưa, trình tự, thủ tục thực hiện ra sao, phương án bồi thường, hỗ trợ như thế nào và đã lấy ý kiến của người bị thu hồi đất chưa. Đối với trường hợp người sử dụng đất đã có đóng góp công sức vào khai phá đất hoang hoá, đất bãi bồi thì việc thu hồi đất và bồi thường càng phải tính toán cẩn thận, Nhà nước không lấy không công sức của nông dân đã bỏ ra nhiều năm để cải tạo.
Trong trường hợp ở Tiên Lãng, trách nhiệm của hệ thống quản lý đất đai đến đâu và cách khắc phục sai phạm nên như thế nào?
Triển khai Lực lượng cảnh sát cơ động tại hiện trường vụ cưỡng chế. Ảnh: NLĐ |
Trách nhiệm trực tiếp là phòng Tài nguyên và môi trường, UBND huyện Tiên Lãng đã không thực thi đúng pháp luật, thậm chí không hiểu rõ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Đã có những quyết định sai mà không cập nhật pháp luật để điều chỉnh kịp thời cho đúng. Cái sai là đã gây thiệt hại về thời hạn sử dụng đất cho người được giao đất, nhưng lại làm lợi cho người sử dụng đất về hạn mức diện tích giao đất. Việc điều chỉnh lại quyết định giao đất này không khó, cần có một quyết định điều chỉnh lại thời hạn sử dụng đất là 20 năm và điều chỉnh lại hạn mức diện tích là 10ha, phần còn lại chuyển sang thuê đất. Đối với quyết định thu hồi đất, không thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm ban hành quyết định, thực hiện không đúng với các quy định về thu hồi đất, coi nhẹ việc thu hồi đất vì coi nhẹ quyền lợi của dân có liên quan tới thu hồi đất.
Trách nhiệm gián tiếp thuộc sở Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Hải Phòng đã không thực hiện tốt việc phổ biến pháp luật đất đai, kiểm tra thi hành pháp luật đất đai đối với các địa phương cấp dưới. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện ban hành từ tháng 4.2009, tới nay đã sang đầu năm 2012, chắc chắn có những vướng mắc thực tế rất nặng nề. Nếu chúng ta cùng trân trọng quyền lợi của dân thì câu chuyện đã khác, không trầm trọng như những gì đã xảy ra trên thực tế vừa qua.
Theo ông, vụ việc này cho thấy tính cấp bách của việc sửa luật Đất đai hiện nay như thế nào?
Sửa đổi pháp luật về đất đai là một việc hệ trọng vì có liên quan tới đời sống, sinh kế, chỗ ở của mỗi người dân. Đặc biệt, khẩu hiệu "người cày có ruộng" không bao giờ cũ cả. Đấy là khẩu hiệu luôn luôn mới đối với "tam nông". Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai, đấy cũng là khẩu hiệu nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong quyền tiếp cận của dân tới đất đai, đừng chỉ nghĩ thiên về Nhà nước là người đại diện.
Vấn đề sửa đổi chế độ sử dụng đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân là một vấn đề "cực kỳ" phức tạp. Nhiều luồng ý kiến đưa ra theo nhiều phương thức khác nhau nhưng đều tập trung xung quanh quan điểm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp. Việc sửa đổi luật Đất đai hiện nay đang được bàn thảo rất kỹ lưỡng, rất khẩn trương. Quốc hội đã đưa vào chương trình với tiến độ đã định là trước năm 2013. Bộ Tài nguyên và môi trường đang tích cực chuẩn bị trình Chính phủ. Chính Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng sẽ thảo luận và ra nghị quyết về việc này.
Vụ việc ở Tiên Lãng là một hồi chuông quan trọng để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc. Giới văn nghệ đã cảnh báo về những "thảm hoạ" đất đai trong truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện từ lâu rồi. Người xây dựng pháp luật về đất đai nông nghiệp phải "trải mình" trong thực tế nông thôn mới biết được rõ những gì mà cuộc sống thực tế đang cần tới pháp luật.
Nguyên Lê (thực hiện)
Hàng ngàn lao động trở về từ Libya sau gần 1 năm: Lương vẫn ở... Trung Đông
Thứ Ba, 10.1.2012 | (GMT + 7)
Kể từ chuyến bay đầu tiên đưa LĐ làm việc ở Libya về nước trước thời hạn do khủng hoảng chính trị (cuối tháng 2.2011), đến nay đã gần 1 năm. Ngoài số tiền hỗ trợ từ Nhà nước và tiền thanh lý hợp đồng với Cty XKLĐ đã đưa đi, hàng ngàn LĐ vẫn đang bị chủ nợ lương.
Người ít nhất là 2 tháng lương (tương đương 15 triệu đồng), người nhiều lên đến 40 triệu đồng - mà chưa biết khi nào được nhận lại. Đáng nói là hàng ngàn LĐ trong số này do về nước trước thời hạn nên chưa kịp thu hồi vốn để trả nợ, về nhà công việc lỡ dở nên cuộc sống đang gặp muôn vàn khó khăn.
Hàng ngàn lao động Việt Nam trở về từ Libya vẫn chưa nhận được lương cho thời gian làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Giang Huy |
Mong thoát nghèo, lại rơi vào… quá nghèo
Trong số những LĐ trở về từ Libya, anh Hoàng Văn Trung ở xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là LĐ có hoàn cảnh khá thương tâm. Xuất cảnh ngày 8.8.2009 qua Cty XKLĐ Hanoi Isalco, anh được bố trí làm việc tại TP.Ben cho Cty Lalitco (ông chủ là người Thổ Nhĩ Kỳ). Anh kể: "Tôi làm việc tại dây chuyền rửa cát đá của công trường, nhưng đến 14.12.2010 không may bị máy xúc xúc phải nên phải cắt bỏ một bên chân (tới sát đùi). Sau khi bị tai nạn, anh em cùng bác sĩ công ty đưa tôi đi bệnh viện.
Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, xương chân tôi không nát, nhưng vẫn phải cưa chân. Tâm trạng tôi lúc đó cực kỳ khủng hoảng. Nếu như ở Việt Nam, tôi có thể giữ được chân để làm việc sinh nhai sau này, vậy mà không hiểu sao họ không giữ được chân cho tôi. Họ đã giám định sức khoẻ cho tôi với kết quả mất 60% sức khoẻ và họ sẽ bồi thường tiền bảo hiểm cho tôi khoảng 30 ngàn USD, tương đương với 15 năm lương cơ bản mà chủ sử dụng phải trả. Khi bị tai nạn, tôi mới làm việc được 16 tháng và sau khi về nước (từ 1.2.2011), đến nay ngoài khoản tiền 1 triệu đồng hỗ trợ của Nhà nước tại sân bay và 3 triệu đồng hỗ trợ từ công ty (về khoản này, lúc đầu ông Nguyễn Công Đoan - Giám đốc Hanoi Isalco - nói là được 5 triệu đồng, nhưng nay chỉ đưa có 3 triệu đồng), tôi vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm, lại còn bị chủ nợ thêm 4 tháng tiền lương".
Anh Trung cho biết thêm: "Lương của tôi là trên 6 triệu đồng/tháng, số tiền chủ nợ tính ra khoảng 24 triệu đồng. Thời gian làm, tôi mới trả đủ nợ chuyến đi, nhưng khi về nước vết thương chưa lành, còn đang rỉ máu và còn phải cắt bỏ tạp chất từ vết thương đùn ra, tôi phải tự bỏ tiền túi ra điều trị tại bệnh viện ở Thái Bình. Công ty XKLĐ đưa tôi đi không hề giúp đỡ tôi. Tôi rất bức xúc và đề nghị công ty giúp đỡ, nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa "công ty sẽ làm hết sức mình để giải quyết bảo hiểm cho tôi".
Về nhà, tôi phải đi làm chân giả mất 30 triệu đồng, nên vẫn còn nợ lại 30 triệu đồng". Về các chế độ của mình, anh Trung cho hay, công ty có liên lạc và anh cũng chủ động liên lạc để hỏi thì ông Đoan - Giám đốc công ty - có nói hiện nay bên đó tình hình chưa ổn định nên chưa giải quyết được. Nhìn xuống chân mình, anh thở dài: "Trước khi đi tôi là người làm ra tiền nuôi gia đình, giờ đã không làm ra tiền còn phải nhờ vợ con hầu hạ, chăm sóc và khi trái gió trở trời, tôi lại đau đớn vô cùng. Cả gia đình trông vào tôi, tôi là lao động chính trong nhà, nhưng giờ lại là gánh nặng cho gia đình. Phần đời còn lại của tôi và gia đình tôi trông chờ vào việc được bồi thường. Gia đình tôi rất khó khăn, nhà có 3 sào ruộng, 2 con đang tuổi tới trường. Trước khi đi, gia đình tôi không phải hộ nghèo, nhưng giờ có lẽ rơi vào diện quá nghèo".
Nợ nần chồng chất
Ông Nguyễn Văn Khoa - tổ 7, thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam - là sĩ quan quân đội về hưu. Với mong muốn giúp LĐ địa phương thoát nghèo, ông đã đứng ra đảm bảo với ngân hàng và tìm hiểu, liên hệ với Cty XKLĐ Việt Thắng để đưa LĐ đi làm việc ở Libya. Ông cho biết: "Từ 2009 đến nay, tôi đã tham gia đưa 68 LĐ đi. Trong số những LĐ về nước ở huyện tôi, có 4 LĐ mới đi được 2 tháng, chưa có thu nhập, gia đình rất khó khăn, còn phải nợ ngân hàng 30 triệu đồng". Cũng theo ông Khoa, ngoài khoản tiền hỗ trợ từ Nhà nước và tiền thanh lý hợp đồng từ công ty, về phía địa phương, Hà Nam chưa hề triển khai chính sách hỗ trợ nào tới LĐ từ Libya trở về.
Những lao động huyện Kim Bảng (Hà Nam) với nỗi lo nợ nần. Ảnh: B.D |
Hoàng Văn Khoa là một trong số những LĐ đó. Gặp Khoa, dường như nỗi ám ảnh Libya vẫn còn nguyên trên nét mặt. Khoa cho biết: "Em xuất cảnh 25.12.2010, sang Libya làm thợ sắt với mức lương 280USD/tháng. Em mới làm được 2 tháng 20 ngày thì chiến sự nổ ra, chưa nhận được đồng lương nào đã phải về nước. Khi về, em nhận được 8,9 triệu đồng từ khoản thanh lý hợp đồng với công ty và sau đó được Nhà nước hỗ trợ thêm 10 triệu đồng nữa, nhưng đến nay vẫn chưa bằng 1/2 chi phí em đã chi để đi Libya (riêng tiền Khoa nộp cho Cty đã hơn 46 triệu đồng). Em là dân thuyền chài, giờ về nhà có việc gì thì làm, chỉ lo đủ ăn là tốt rồi. Em sợ XKLĐ lắm rồi, lo chưa biết khi nào mới trả được hết nợ. Tết này càng chả dám mơ sắm sửa gì cho vợ con".
Hoàn cảnh của Nguyễn Văn Lân ở xóm 2, thị trấn Quế, Kim Bảng còn buồn hơn. Lân thở dài: "Cũng vì Libya mà hiện vợ chồng em đang bất hoà, phải ly tán, hiện vợ em đã bế con về ở nhờ bên ngoại". Lân kể: "Trước khi đi, con em ốm, phải nằm trên Viện Nhi Hà Nội mất 2 tháng; bản thân em cũng ốm, phải vay nợ mất 30 triệu đồng. Sau đó, em lại vay mất hơn 2.000USD để đi làm việc ở Libya nữa. Nợ cũ chưa trả xong, nợ mới lại chồng lên. Những tưởng đi làm suôn sẻ để kiếm tiền trả nợ, nào ngờ mới sang được 2 tháng, chưa nhận được đồng lương nào đã phải về nước. Mà số tiền trên em chỉ vay được từ ngân hàng một nửa, số còn lại vay lãi cao bên ngoài nên số tiền trả lãi hằng tháng hiện nay lên đến 400 ngàn đồng/tháng. Với hoàn cảnh hiện nay, gia đình em coi như không có tết".
Cùng chung tâm trạng rối bời vì nợ nần từ Libya, Cao Văn Cộng ở xóm 6, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng tâm sự: "Hiện em còn bị chủ nợ 3,5 tháng lương. Hiện gia đình em khó khăn, đang đi ở nhờ, lại nuôi hai con nhỏ. Em chỉ có nguyện vọng là mong Công ty Việt Thắng đã đưa em đi, sớm làm việc với chủ để lấy lại, trả lại công sức chúng em làm vất vả bên đó, bù đắp một phần khó khăn. Hiện em đang bị bệnh (mới đi mổ thận), lại chưa có việc làm, vợ em là giáo viên hợp đồng, lương tháng có 2 triệu đồng nên cuộc sống rất khó khăn".
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như LĐ khác, Trịnh Đăng Tiến ở xóm 8 Tân Kỳ, Nghệ An đã quyết tâm tìm lối thoát mới cho mình. Tiến cho hay: "Em đi Libya qua Cty XKLĐ Gaet (Bộ Quốc phòng). Sau khi về nước, em còn bị chủ nợ 2 tháng lương (700USD). Em đã nhiều lần gọi điện lên Cty hỏi, Cty hứa là sẽ làm việc với đối tác, nhưng đến nay, sau 10 tháng về nước, em vẫn chưa nhận được tiền. Kinh tế gia đình khó khăn, món nợ vay đi Libya còn đó, nên em quyết định tìm đường đi XKLĐ để sớm có tiền trả nợ. Rất may, tháng 1 này em được xuất cảnh sang tu nghiệp tại Nhật Bản qua Cty Airseco. Hy vọng, em sẽ sớm trả được món nợ Libya".
LĐ phải chờ đến bao giờ?
Tết Nguyên đán đang cận kề, nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày và những khoản nợ khiến những cuộc sống của những gia đình có LĐ trở về từ Libya càng thêm khốn khó. "Mong muốn của chúng tôi là được công ty XKLĐ quan tâm, bố trí đi tiếp những đơn hàng tốt, thu nhập cao hơn. Các chế độ của anh em còn bị nợ lại, các công ty XKLĐ cũng nên cân nhắc, tuỳ theo điều kiện góp thêm cho anh em lo tết vì anh em chúng tôi đều rất khó khăn, con cái nhỏ, nghề nghiệp công ăn việc làm chưa ổn định" - LĐ Cao Văn Cộng bày tỏ.
Được biết, trong tháng 12.2011, một đoàn công tác gồm một số DN XKLĐ và lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đã sang làm việc với chủ sử dụng LĐ là người Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác đang nợ nhiều lương nhất của LĐVN - về việc trả tiền cho LĐVN. Theo thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng 3 Cty đưa nhiều LĐ sang Libya làm việc nhất như Sona, Việt Thắng và Vinaconex Mec, phía chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của LĐVN số tiền khoảng 2 triệu USD; trong đó riêng Cty Việt Thắng, đối tác này đang nợ lương của gần 900 LĐ với số tiền lên đến hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện Cty Việt Thắng cho biết: Hiện, phía đối tác vẫn chưa thể thực hiện việc trả lương cho LĐVN, sớm nhất cũng phải sau 8 tháng chính quyền mới ở Libya lên nắm quyền việc này mới có thể thực hiện do tài khoản của họ ở Libya cũng đang bị phong toả. Như vậy, dự kiến phải đến tháng 6.2012, họ mới có thể thanh toán được số nợ lương trên cho LĐVN.
Nhớ lại, tết năm ngoái, hàng ngàn gia đình có người thân đi làm việc ở Libya đã được đón xuân vui vẻ với khoản tiền nhận được từ người thân lao động ở Libya gửi về; còn tết này, hàng ngàn LĐ và gia đình của họ vẫn đang dài cổ mong ngóng, chưa biết lấy đâu ra tiền trả nợ, chứ chưa dám nghĩ đến sắm tết cho vợ con.
Bộ LĐTBXH Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp giải quyết. Ngày 9.1, trao đổi với PV Lao Động về tình cảnh hàng ngàn LĐ trở về từ Libya đang bị nợ lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Lê Văn Thanh cho biết: Trong tháng 12, đoàn công tác của Bộ LĐTBXH gồm lãnh đạo bộ và đại diện một số DN XKLĐ đã sang làm việc với Bộ Lao động và An sinh của Thổ Nhĩ Kỳ và một số nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đang nợ lương của LĐVN làm việc ở Libya. Các nhà thầu cho biết, hiện họ đang bị phía Libya nợ tiền nên chờ đến khi tình hình chính trị ở Libya ổn định trở lại, họ hứa sẽ tìm nguồn và tìm mọi cách trả hết lương đang còn nợ cho LĐVN. Ông Thanh khẳng định, các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ rất có thiện chí giải quyết nợ lương cho LĐVN và cam kết sẽ trả hết số tiền còn nợ LĐVN, tuy nhiên thời điểm như thế nào còn phụ thuộc vào... tình hình chính trị ở Libya. Sau chuyến công tác từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi công hàm tới Bộ Lao động và An sinh Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đôn đốc các nhà thầu sớm trả lương cho LĐVN. Về tình cảnh khốn khó của LĐVN trở về từ Libya, ông Thanh cho biết, cục sẽ chỉ đạo các DN XKLĐ tiếp tục rà soát, xem xét lại - tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể, nếu những LĐ nào thực sự khó khăn sẽ đề nghị Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước hỗ trợ kịp thời. Bảo Duy |
Bảo Duy
Góc nhìn đối lập về chủ đầm tôm bị cưỡng chế
Trong khi người dân xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng) coi ông Đoàn Văn Vươn như "người hùng" khai hoang, lấn biển thì UBND huyện lại cho rằng ông Vươn "đắp đê thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội".
> Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng
*Ảnh: Khu đầm tôm sau khi bị cưỡng chế |
Chiều 10/1, tại khu vực đầm thủy sản ngoài đê xã Vinh Quang, hàng chục người dân vẫn tập trung bàn tán về vụ cưỡng chế đối với hộ ông Đoàn Văn Vươn. Cách triền đê chừng vài trăm mét, đầm thủy sản của gia đình ông Vươn tiêu điều với dấu tích còn sót lại của căn nhà hai tầng bị san phẳng. Nhiều vật dụng lẫn trong đống đổ nát.
Ánh mắt buồn nhìn sang khu đầm của hàng xóm, chủ đầm Vũ Văn Hiền nói: "Chống người thi hành công vụ là anh Vươn sai rồi. Nhưng trước đó, phải phong cho anh Vươn là người hùng".
Là người cùng khai phá vùng đất ven sông cửa biển xã Vinh Quang từ hàng chục năm nay, ông Hiền thấm thía cảnh gia đình ông Vươn đổ mồ hôi công sức, thậm chí cả tính mạng của cô con gái 8 tuổi và một người cháu trên mảnh đất này. "Gia đình anh Vươn đã dám đương đầu với trời đất, thiên tai, làm được việc mà lực lượng thanh niên xung phong không làm được, phải bỏ đi", ông Hiền nói.
Căn nhà 2 tầng ở giữa đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị coi là hiện trường vụ án, đã bị phá. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Người dân ở xã Vinh Quang khi nói về ông Vươn đều khẳng định ông sống hòa nhã, quan tâm tới mọi người. Công trình lấn biển của khu đầm thủy sản, đi đầu là gia đình ông Vươn đã giúp hàng trăm hộ dân xã Vinh Quang không còn phải chạy đôn chạy đáo mỗi mùa mưa bão.
"Trước đây chưa có khu đồng này thì dân luôn lo vỡ đê. Mùa bão chúng tôi kinh lắm, có bão phải chạy tới mãi xã trong. Có đồng của ông Vươn chúng tôi yên tâm, bão gió chúng tôi không phải chạy", ông Doãn, người xóm chùa trên nói.
Còn với ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, dù đã 20 năm, ông vẫn không thể nào quên hình ảnh kỹ sư nông nghiệp Đoàn Văn Vươn tìm đến ông xin được khẩn hoang khu bãi ngoài đê. "Lúc nó xuống xin làm tôi khuyên là không làm được đâu, nhà nước còn không làm được nữa là. Nhưng nó không nghe, cứ quyết làm", đảng viên 82 tuổi nhớ lại.
Ông Danh kể, để thực hiện "canh bạc" với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang... Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê.
"Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công", ông bí thư già cứ nhắc đi nhắc lại.
Ông Phạm Văn Danh: "Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh nói: "Anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra, anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục ha và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội".
Ông Khánh cho rằng, dư luận tốt về ông Vươn "chỉ là của một số người". "Người ta nói thế là không đúng", ông Khánh nói chắc nịch.
Đại diện UBND huyện Tiên Lãng tái khẳng định, việc cưỡng chế đối với diện tích đầm thủy sản của hộ ông Đoàn Văn Vươn là căn cứ theo quyết định của UBND huyện. Từ năm 2007, khu đất giao cho ông Vươn đã hết hạn, UBND huyện đã 8 lần làm việc yêu cầu ông Vươn bàn giao lại nhưng hộ này nhất quyết không trả. "Ông Vươn luôn chống đối, không chấp hành", ông Khánh nói.
Trước nghi vấn việc cưỡng chế khu đầm của ông Vươn để giao cho một số người đã được "nhắm" trước, ông Khánh cho biết, đây là việc sau này, còn hiện tại cứ bàn giao cho xã quản lý. "Trách nhiệm của huyện, đúng - sai, cơ quan chức năng sẽ xem xét", Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nói.
Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng: "Anh Vươn không phải người tốt". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chánh văn phòng Khánh khẳng định, cán bộ huyện, xã là những người làm công ăn lương nhà nước, không có thù hằn với ông Vươn. "Quan điểm của huyện là khi thu hồi đất đầm này sẽ giao cho dân để tiếp tục sản xuất, không phải ngăn cấm, loại trừ ai cả. Khi thuyết phục đáng ra anh Vươn cứ trả lại đầm rồi làm đơn xin giao tiếp thì cơ quan có thẩm quyền mới quyết định việc có giao nữa hay không".
Vụ việc ở khu đầm thủy sản xã Vinh Quang đã âm ỉ nhiều năm nay. Cho rằng bị UBND huyện Tiên Lãng bội ước, các hộ dân không chấp hành. Khi thông báo cưỡng chế được phát đi, một số người dân nằm trong diện phải thu hồi đất đã thể hiện tinh thần không chấp thuận bằng những tuyên bố sẽ có phản kháng.
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.
Hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng cảnh sát bảo vệ được điều xuống Tiên Lãng tăng cường. Giám đốc, 4 phó giám đốc công an thành phố Hải Phòng trực tiếp có mặt hiện trường. Tuy nhiên, khi cảnh sát tiếp cận ngôi nhà, những người nổ súng đã biến mất.
Ngay sau đó ông Đoàn Văn Vươn (52 tuổi) bị bắt giữ. Chiều 7/1, ông Đào Văn Quý (46 tuổi), em trai ông Vươn, được công an xác định là nghi can nổ súng, đã trình diện. 7 người liên quan hiện đã bị bắt giữ, 2 người đang bị truy bắt. Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thừa nhận, đã không lường được hết tính chất phức tạp của vụ cưỡng chế.
Khi phóng viên đến gần khu vực đầm thủy sản của của ông Đoàn Văn Vươn ngày 10/1, nhiều thanh niên dáng bặm trợn, mang theo hung khí đã xông ra cản đường. Ba người khác tự xưng là công an xã án ngữ lối đi hẹp, đòi xuất trình "giấy giới thiệu của ủy ban". Phải tới khi có chỉ đạo của trưởng công an xã, những người này mới nhường đường. Trả lời về việc này, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh cho biết, việc này huyện không có chủ trương nhưng đây là biện pháp quản lý. "Báo chí muốn tác nghiệp thì phải liên hệ chính quyền địa phương. Nếu cứ đến mà tác nghiệp thì họ ngăn cấm là đúng", ông Khánh cho biết. |
Nguyễn Hưng
Khu đầm tôm sau khi bị cưỡng chế
5 ngày sau khi bị cưỡng chế, khu đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) tan hoang. Việc đi lại ở khu vực này bị cả chính quyền lẫn những người lạ mặt ngăn cấm.
5 ngày sau vụ cưỡng chế được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế của Hải Phòng tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, hàng chục người dân nơi đây vẫn chưa ngớt bàn tán. |
Vùng ven sông, cửa biển ngoài đê ở Vinh Quang vài chục năm trước nhờ công khai khẩn của con người đã trở thành những đầm thủy sản trù phú, rộng lớn. |
Tại con đường dẫn vào khu đầm vừa bị cưỡng chế của ông Đoàn Văn Vươn, người tự xưng là công an xã (đeo khẩu trang) ngăn cấm tất cả mọi người đi vào. |
Ngoài công an xã, rất nhiều thanh niên luôn dùng xe phân khối lớn, tay lăm lăm hung khí dọa dẫm, rú ga khắp khu đầm mỗi khi có người đến. |
Con đường còn hằn dấu bánh xích của máy xúc, từng được điều đến để cưỡng chế. |
Theo người dân xã Vinh Quang, sau vụ nổ súng, cưỡng chế, ngôi nhà của ông Vươn đã bị phá sập. |
Chủ đầm Vũ Văn Hiền (cạnh đầm ông Vươn): "Chống người thi hành công vụ là anh Vươn sai rồi. Nhưng trước đó, phải phong cho anh Vươn là người hùng mới xứng đáng". |
Ông Lê Văn Doãn (xóm chùa trên): "Trước đây chưa có khu đồng này thì dân luôn lo vỡ đê. Mùa bão chúng tôi kinh lắm, có bão là phải chạy tới mãi xã trong". |
Nguyễn Hưng
Mục tiêu sản xuất 60 triệu tấn than vào năm 2015
RFA 01-11-2012Việt nam ra sức nâng sản lượng than lên tới từ 55 tới 59 triệu tấn vào năm 2015 so với ước tính 49 triệu tấn trong năm nay, trong nỗ lực đáp ứng cho nhu cầu điện gia tăng nhanh chóng trong nước. Theo dự kiến thì sản lượng than sẽ tăng hơn 75 triệu tấn vào năm 2030 do việc khai thác than tại nhiều điạ điểm mới, chính phủ cho biết như vậy. Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.Được biết nhu cầu điện lực quốc nội tăng từ 7 tới 10% /1 năm khiến VN gặp khó khăn về nguồn cung cấp. |
Wednesday, January 11, 2012
Ít việc làm, lao động nhập cư về quê sớm
SGTT.VN - Dù mới rằm tháng chạp nhưng nhiều người đã quyết định chia tay Sài Gòn để về quê ăn tết, kết thúc một năm làm ăn không lấy gì làm vui. Ngày 8.1, theo ghi nhận của phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, tại bến xe Miền Đông, ga Sài Gòn, bến xe Ngã tư Ga… hàng chục ngàn lượt người đã lên các chuyến xe, chuyến tàu hướng về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Dù mới rằm tháng chạp nhưng bến xe Miền Đông đã nhộn nhịp khách về quê ăn tết. |
Trước đó, chiều 7.1 (tức 14 tháng chạp), dù thời điểm này còn tương đối sớm so với tết Nguyên đán nhưng tại bến xe Miền Đông đã có hàng ngàn người đổ dồn về đây, khiến bến xe Miền Đông nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày trước đó. Từng tốp người đeo balô, túi xách hối hả bước lên các chuyến xe đò rời TP.HCM.
Chị Nguyễn Thị Ngân, công nhân khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết, năm nay vì công ty không có tiền thưởng tết, làm ăn không thuận lợi nên công nhân cũng không phải tăng ca, làm thêm. "Vì thế, tôi xin nghỉ sớm để về quê, vừa đỡ tiền xe vừa khỏi chen lấn mua vé nếu để cận tết", chị Ngân nói.
Còn anh Nguyên, công nhân giày da tại huyện Bình Chánh, giải thích: "Năm ngoái về trễ không có xe nên năm nay tôi quyết định xin về sớm cho đỡ vất vả. Hơn nữa, công việc công ty không nhiều nên có ở lại thêm năm mười ngày cũng không kiếm thêm được tiền. Tôi tự an ủi bản thân, coi như nhờ không có việc mà mình có cơ hội về quê sớm hơn, có thời gian nhiều hơn để vui vầy cùng gia đình sau những tháng ngày xa quê". Nguyên cho biết, tiền công ty thưởng tết cho anh chỉ khoảng 2 triệu đồng, không nhiều nhưng dẫu sao cũng có cái để mua chút đỉnh quà cáp cho gia đình.
Theo ghi nhận của chúng tôi thời gian này, mỗi ngày ở bến xe Miền Đông có cả chục ngàn lượt khách đổ về đây để lên các chuyến xe rời TP.HCM. Do vậy, các quầy bán vé đi trong ngày cũng nhanh chóng hết vé. Đặc biệt, trên các chuyến xe chất lượng cao về các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… hầu hết không còn ghế trống. Nhiều hãng xe cho biết, đã huy động tối đa lượng xe nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu về quê quá đông của người dân. Tuy nhiên, theo bến xe Miền Đông, hiện nay vẫn còn rất nhiều vé của các doanh nghiệp khác uỷ thác cho bến xe Miền Đông vẫn chưa bán hết. Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông khẳng định, sẽ không có tình trạng thiếu xe cho hành khách về quê trong dịp tết này.
Tại ga Sài Gòn, sáng 8.1, hàng ngàn người cũng đổ về đây để lên tàu về quê. Tại sân ga, rất nhiều hàng hoá được đưa đến, trong đó có nhiều xe gắn máy cũng theo chủ về quê. Anh Dũng, nhân viên tổ hành lý tại ga, cho biết, phí gửi mỗi chiếc xe máy Hà Nội khoảng 1,1 triệu đồng, Quảng Ngãi 600.000 đồng, Huế 750.000 đồng. Mỗi ngày ga Sài Gòn tiếp nhận khoảng 200 lượt xe gửi đi các ga.
Theo công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, để phục vụ vận chuyển hành khách trong dịp tết, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thường xuyên hàng ngày năm đôi tàu từ Sài Gòn đi Vinh và ngược lại, một đôi tàu Nha Trang đi Hà Nội và ngược lại (trước tết), một đôi tàu Sài Gòn đi Đồng Hới và ngược lại (sau tết). Chạy thường xuyên hàng ngày bốn đôi tàu Sài Gòn đi Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết và ngược lại, chạy thêm tăng cường hàng ngày một đôi tàu Sài Gòn đi Quảng Ngãi và ngược lại. Ngoài ra, nhà ga còn tăng cường thêm 22 đôi tàu từ Sài Gòn đi Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Diêu Trì, Nha Trang và ngược lại.
bài và ảnh: Từ An
Ném lựu đạn làm một thiếu tá công an, năm người dân bị thương
SGTT.VN - Một thiếu tá công an và năm người dân bị thương sau cú ném lựu đạn xảy ra tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.
Khoảng 18 giờ 30 ngày 7.1, Trần Phước Hưng và Nguyễn Văn Thắng (đều ở thành phố Móng Cái) đến quán karaoke của ông Nguyễn Thanh Bình để hát. Hưng và Thắng nói ông Bình yêu cầu chủ nhà cung cấp "nữ tiếp viên" nhưng bị chủ nhà từ chối. Hai đối tượng đã chửi bới gia đình ông Bình và dọa sẽ đem lựu đạn đến. Nói là làm, một lúc sau Hưng và Thắng trở lại quán karaoke này, vào trong phòng khách của ông Bình ngồi, cầm lựu đạn đe dọa và tiếp tục hỏi đòi nữ tiếp viên phục vụ. Ông Bình vẫn trả lời không có...
Khi tổ công tác gồm ba chiến sĩ công an phường Hải Hòa đến và yêu cầu giao nộp lựu đạn, Hưng bất ngờ rút chốt và ném lựu đạn về phía lực lượng chức năng. Vụ nổ làm thiếu tá Nguyễn Văn Biện và năm người dân ngồi trong nhà ông Bình bị thương.
Cả hai đối tượng gây án đã bị lực lượng Công an thành phố Móng Cái bắt giữ tại chỗ. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Phước Hưng, cảnh sát thu giữ thêm 3 quả pháo (loại pháo ném cá) và bốn viên đạn súng quân dụng.
TTXVN
Cấp phép sai rồi bắt dân gọt nhà
SGTT.VN - Cuối năm 2010, UBND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bán đấu giá một số lô đất ở địa phương. Sau khi trúng đấu giá và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Phạm Thị Hoa tiến hành xin giấy phép xây dựng cho mảnh đất 123m2 của mình.
Bancông nhà bà Hoa theo giấy phép có không gian lộ giới là 1,2m. Cuối tháng 8.2011, bà Hoa tiến hành xây nhà. Sau khi hoàn tất phần đà và sàn lầu thì phát hiện cây trụ điện choán sát bên bancông và cửa chính ra vào. Gia đình bà Hoa làm đơn gửi cơ quan chức năng để di dời trụ điện.
UBND huyện Ba Tri đề ra hướng khắc phục là cắt bancông nhà bà Hoa ở ba tầng lầu với phần cắt là 0,9m. Không đồng tình với quan điểm trên, bà Hoa tiếp tục khiếu nại thì UBND huyện Ba Tri ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng. Lý do: cán bộ thi hành công vụ thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra hồ sơ xin phép không đúng quy định. "Hiện nay UBND huyện Ba Tri cấp phép xây dựng là căn cứ theo quyết định 2067 của UBND tỉnh Bến Tre. Trong khi đó, tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết cho khu vực nhà tôi. Tuy vậy, huyện vẫn buộc gia đình tôi xây theo khoảng lùi an toàn điện mà không có cơ sở pháp lý nào", đại diện gia đình bà Hoa cho biết.
Theo luật sư Trần Ngọc Quý, đoàn Luật sư TP.HCM, người dân có giấy phép xây dựng và tiến hành xây nhà theo thủ tục là ngay tình. Còn cán bộ thẩm định, kiểm tra sai làm thiệt hại cho người dân là chuyện nội bộ của UBND huyện. Người dân có quyền kiện UBND huyện ra toà án để đòi bồi thường thiệt hại.
T. Nhã
Đình công có xu hướng tăng nhanh
SGTT.VN - Bộ Lao động – thương binh và xã hội ngày 10.1 cho biết, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 4.142 cuộc đình công.
Đình công có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt từ năm 2006 đến nay số cuộc đình công tăng nhanh. Nếu như năm 2006 xảy ra 390 cuộc đình công thì đến năm 2011 tăng lên 857 cuộc.
Đình công xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 3.122 cuộc (chiếm 75,4%), trong đó tập trung nhiều ở các doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc,...
T. Phúc
Thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng?
SGTT.VN - Năm 2011 khép lại với số người đăng ký thất nghiệp tăng vọt tại hầu hết các tỉnh có thị trường lao động sôi động của nước ta. Các chuyên gia dự báo, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012.
Nghỉ sớm vì thiếu việc
Cùng thời điểm này năm trước, Nguyễn Thị An, công nhân dệt của công ty Hanosimex Hà Nội đang phải tăng ca để kịp giao những đơn hàng cuối cùng trước khi nghỉ tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay chị An đã phải nghỉ trước mấy tháng vì lý do nhà máy di dời ra ngoại thành. Chị An phàn nàn so với những năm trước, năm nay chị ít việc hơn, cộng với việc di dời nhà máy, chị quyết định nghỉ hẳn để đi tìm việc mới nhưng cũng chưa biết sẽ làm gì.
Chị An là một trong số 2.300 công nhân của công ty Hanosimex làm thủ tục xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội. Ông Vũ Trung Chính, giám đốc trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, cho biết, càng gần cuối năm, số lao động đăng ký thất nghiệp càng tăng. "Điều này rất khác thường so với các năm khác, những năm trước cuối năm bao giờ nhu cầu sử dụng cũng tăng cao và khan hiếm", ông Chính nhận định.
Kể từ tháng 10.2011 tới nay, số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Hà Nội đã tăng vọt. Trong năm 2011, Hà Nội đã có 16.100 lao động được xác định là thất nghiệp, tăng gấp gần bốn lần so với năm 2010. Theo ông Chính, lý do chính là do tình trạng đóng cửa các cơ sở sản xuất, gia công và khan hiếm đơn hàng. Gần đây nhất, đã có 844 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, văn phòng luật sư hoàn tất thủ tục giải thể hoặc phá sản tại Hà Nội.
Tại thị trường lao động lớn nhất cả nước là TP.HCM, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Trong năm 2011, thành phố đã có hơn 107.700 lao động đăng ký thất nghiệp, tăng gấp đôi so với năm trước. Theo nhận định của trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM, lý do chính là kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn. Điều đặc biệt là cả nhân viên quản lý cũng đăng ký thất nghiệp và chưa tìm được việc làm mới (chiếm khoảng 7% tổng số người đăng ký để hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Chưa lạc quan trong ngắn hạn
Ông Vũ Trung Chính nhận định, tình trạng mất việc làm, thất nghiệp có thể còn tiếp tục tiếp diễn trong năm 2012 và chưa thể lạc quan. "Có khoảng 10% người đăng ký thất nghiệp tại Hà Nội là nhân viên cấp quản lý, cho thấy thất nghiệp đã xảy ra cả với những người trình độ cao", ông Chính nói.
Trong khi đó, theo số liệu công bố của tổng cục Thống kê năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,27%, giảm 0,61% so với năm 2010. Trong đó, khu vực thành thị 3,6%, giảm 0,69% so với năm 2010; khu vực nông thôn là 1,71%, giảm 0,59% so với năm 2010.
Theo nhận định của các chuyên gia, thực tế đang diễn ra không theo hướng lạc quan như các số liệu báo cáo từ tổng cục Thống kê, và dự kiến tình trạng thất nghiệp sẽ còn tăng, ít nhất trong nửa đầu năm 2012.
Tây Giang
Cả nước có trên 1,8 vạn trẻ em lang thang
SGTT.VN - Ngày 10.1, cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cho biết, tính đến hết năm 2011, cả nước có 18.126 trẻ em lang thang và 1.053 trẻ em bị xâm hại tình dục; hiện cục đã hợp tác với các tổ chức quốc tế thí điểm hệ thống bảo vệ trẻ em tại 126/30 huyện thuộc 15 tỉnh thành phố và đạt kết quả cao.
Theo đó việc phát hiện, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chuyển biến tích cực, nhiều địa phương đã giải quyết kịp thời các vụ việc cũng như quan tâm đến các hoạt động trợ giúp trẻ em là nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi.
Cũng theo cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, mục tiêu trong năm 2012 giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 5,6% so với tổng số trẻ em; 82% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giúp đỡ, chăm sóc thường xuyên ngoài gia đình để hướng tới hoà nhập cộng đồng...
Thiện Phúc
Sunday, January 8, 2012
15 thuyền viên tàu cá bị 'tàu lạ' đâm chìm
Cứu 15 thuyền viên tàu cá bị 'tàu lạ' đâm chìm
Trên đường từ Singapore sang Trung Quốc, tàu Main Trader của Liberia đã cứu được 15 thuyền viên bị "tàu lạ" đâm chìm trên biển.
> 10 ngư dân mất tích trên biển
Chiều 8/1, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin tàu cá BTh 98379 TS cùng 15 thuyền viên bị "tàu lạ" đâm chìm ngoài khơi, Trung tâm đã phối hợp cùng tàu Main Trader mang cờ Liberia, đang hành trình từ Singapore sang Trung Quốc tìm kiếm.
8h10 sáng nay, tàu Main Trader đã cứu được toàn bộ 15 thuyền viên của tàu cá bị chìm. Dự kiến 20h cùng ngày, tàu SAR 2701 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đưa 15 thuyền viên gặp nạn này cập bến Nha Trang, bàn giao cho gia đình các nạn nhân và cơ quan chức năng.
Tàu Main Trader đã cứu được 15 thuyền viên của tàu cá BTh 98379 TS. |
Trước đó, 7/1 tàu cá của Cà Mau đang hoạt động trên biển thì bị một "tàu lạ" đâm chìm. Thuyền trưởng được một tàu đánh cá khác cứu, còn 10 thuyền viên trên tàu chưa rõ số phận.
Tiến Dũng