(VEF.VN) - Không hoạt động tại trụ sở chính, điện thoại không có người trả lời, website không hoạt động, một số công ty chứng khoán (CTCK) gần như biến mất khỏi thị trường.
Không hoạt động tại trụ sở chính, điện thoại không có người trả lời, website không hoạt động, một số CTCK gần như biến mất khỏi thị trường. Chưa cần tới cơ quan chức năng, một làn sóng tự đào thải trong lĩnh vực này dường như đang xuất hiện.
Mất bóng
Vẫn còn biển hiệu ngoài trụ sở chính, một số người quan tâm tới tình hình sống-còn của các CTCK thật bất ngờ khi không thấy một bóng dáng nhân viên của CTCK Hà Nội (HSSC) tại tầng 3, Toà nhà Trung tâm Thương mại Opera - 60 Lý Thái Tổ - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Văn phòng khóa chặt cho dù đây vốn dĩ vẫn đang là trụ sở chính của công ty này.
Điện thoại tới hai số máy của công ty vẫn đổ chuông bình thường nhưng không có người trả lời. Website cũng không thể truy cập.
Dò hỏi hồi lâu mới biết CTCK này đã chuyển đi được khoảng tháng nay, tới Tòa nhà 141 Lê Duẩn, Hà Nội - một sự di chuyển có vẻ rất âm thầm bởi cho tới thời điểm này chưa thấy thông tin về việc chuyển địa điểm của HSSC.
Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều biết Chứng khoán Hà Nội và một số CTCK khác đã ngừng giao dịch từ lâu khi đóng hầu hết các nghiệp vụ (bao gồm cả môi giới) và chuyển khách hàng cho đơn vị khác.
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, sau khi HSSC quyết định dừng nghiệp vụ môi giới (kể từ 9/12/2011), đa số khách hàng đã tới tất khoản tài khoản tại công ty. Những khách hàng không đến tất toán được chuyển tài khoản sáng CTCK Thiên Việt.
Sở GDCK Hà Nội cũng đã ngừng hoạt động giao dịch của HSSC theo đề nghị của công ty này để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên trên cả thị trường niêm yết và thị trường UPCoM kể từ ngày 17/02/2012.
Mặc dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, cho tới thời điểm này họ vẫn còn cảm thấy khá sốc khi mà một thời đã gửi cả trăm triệu, thậm chí vài tỉ tại các CTCK đang dần dần mất bóng trên thị trường.
Tự đào thải
Không chỉ HSSC, TTCK trong thời gian vừa qua đã chứng kiến sự khó khăn kiệt quệ của rất nhiều CTCK.
Gần đây và điển hình nhất là trường hợp Công ty Chứng khoán SME với việc liên tiếp bị đình chỉ hoạt động giao dịch, đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ và mới nhất là bị thu hồi giấy chứng nhận hoạt động lưu ký và ngừng hoạt động giao dịch tại HOSE kể từ 10/2/2012 (để hoàn tất thủ tục chấm dứt tư cách thành viên) sau khi liên tục vi phạm các quy định và mất khả năng thanh toán.
SME cũng đã thông qua việc tạm dừng nghiệp vụ môi giới và đóng cửa chi nhánh TP.HCM.
Cũng trong khoảng thời gian này, HOSE thông báo ngừng hoạt động giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Đông Dương (DDS) để hoàn tất các thủ tục chấm dứt tư cách thành viên.
Trước đó, một số CTCK khác như Gia Anh và Trường Sơn cũng đã xin rút nghiệp vụ môi giới.
Hiện tượng đóng cửa hàng loạt các chi nhánh, phòng giao dịch, sa thải nhân viên và chuyển trụ sở từ nơi hoành trang sang khu vực không trung tâm và nhỏ gọn hơn thì phổ biến, xảy ra đối với cả CTCK lớn và nhỏ và trong thời gian rất dài vừa qua.
Trong một thông báo phát đi trước Tết, Công ty Chứng khoán Mê Kông đã thông báo chuyển trụ sở chính từ Quận 1, TP.HCM ra đóng tại chi nhánh tại Ngô Quyền, Hà Nội. Với quyết định này, Mê Kông đóng cửa cùng lúc 2 chi nhánh, một tại TP.HCM, một tại Hà Nội và một phòng giao dịch.
Trên thực tế, sự suy sụp của một bộ phận không nhỏ các CTCK đã được dự báo từ trước.
Trước hết, nó xuất phát từ việc cho ra đời quá nhiều CTCK (hơn 100) trong một thị trường được đánh giá là khá nhỏ bé, chưa có nhiều hàng hóa và dịch vụ chất lượng.
Trong thời kỳ sôi động, các CTCK đã được khai sinh như nấm sau mưa. Một khoản tiền lớn đã được đưa ra để mua sắm thiết bị, phần mềm, thuê mặt bằng, nhân viên lương cao... Khi đó, nhiều công ty dù có rất ít khách hàng nhưng vẫn có thể tồn tại nhờ vào việc kinh doanh chứng khoán với giá cổ phiếu tăng lên từng ngày.
Nhưng tới thời kỳ thị trường đi xuống kéo dài và thậm tệ như trong vài năm qua thì thua lỗ gần như là đương nhiên bởi khoản thu chưa bù đắp được chi, trong khi còn gánh một khoản lỗ do tự doanh, do cho vay cầm cố, margin...
Liên tiếp trong nhiều quý và năm tài chính vừa qua, các CTCK đưa ra những bản báo cáo tài chính gây thất vọng rất lớn. Một điểm thường thấy trong báo cáo của các doanh nghiệp này gần đây là các khoản lỗ lên tới vài chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ, tùy theo mức độ lớn nhỏ của công ty.
Riêng đối với trường hợp HSSC, dù số vốn góp vào ban đầu không nhiều với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng nhưng tỷ lệ thua lỗ cũng khá cao.
Số liệu mới nhất chưa có, nhưng đến cuối năm 2010, HSSC thông báo vốn chủ sở hữu chỉ còn 15,7 tỷ đồng! Với việc lỗ liên tiếp 3 năm 2008-2009-2010 thì tổng lỗ lũy kế của công ty đã lên tới 34,4 tỷ đồng.
Một số trường hợp khác có lẽ còn tồi tệ hơn.
Thứ hai, trong suốt một thời gian dài vừa qua, nhiều CTCK đã không tạo được niềm tin trong con mắt của các nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, các CTCK đã làm mưa làm gió, chi phối thị trường trong một thời gian dài bằng những thủ đoạn như đội lái, đánh lên đánh xuống, hợp tác đầu tư... Chính những cái này đang quay lại làm hại các CTCK. Việc gieo gió ắt gặp bão.
Trên thực tế, việc đánh lên, đánh xuống... tại các CTCK chỉ là tin truyền tai bởi hầu hết các trường hợp làm giá đều không được phát hiện. Vi phạm của các CTCK thường được phát hiện có chăng chỉ là những hành vi như vi phạm công thông tin và gần đây là hiện tượng nhập nhèm tiền gửi khách hàng.
Hơn nữa, khoản phạt cho các hành vi này dường như cũng chưa có khả năng răn đe.
Khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu vào CTCK và rút tiền ra cũng là lúc các thành viên của thị trường không còn hoặc còn ít đất sống. Hiện tượng tự đào thải, theo đó giúp làm giảm bớt những CTCK yếu kém, có thể sớm xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trước góp vốn vào đây có thể phải rút ra.