TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, March 17, 2012

Nam diễn viên nổi tiếng George Clooney bị bắt khi lên tiếng đòi tự do và nhân quyền cho người dân Sudan

Thứ bảy, 17/3/2012, 10:03 GMT+7

George Clooney bị bắt

Nam diễn viên nổi tiếng đồng thời là một nhà hoạt động chính trị hôm qua đã bị bắt trong một cuộc biểu tình ở Washington DC khi lên tiếng đòi tự do và nhân quyền cho người dân Sudan.

Ảnh
George Clooney bị cảnh sát bắt giam sau cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Sudan tại Washington DC. Ảnh: AP

Theo Guardian, cuộc biểu tình, với sự tham gia của cha con Clooney, Dân biểu bang Virginia Jim Moran, đã chặn lối vào Đại sứ quán Sudan. Clooney và những người khác thậm chí đã ba lần từ chối yêu cầu giải tán từ phía cảnh sát.

Những nhân vật nổi tiếng khác cũng tham gia cuộc biểu tình này bao gồm nhà vận động nhân quyền Martin Luther King III và diễn viên Dick Gregory.

"Tôi chỉ đang cố gắng thu hút sự chú ý", Clooney nói với các phóng viên trong khi bị cảnh sát áp giải. Với hai bàn tay bị khóa chặt, ông tiếp tục nhắc tới hoàn cảnh của "những đứa trẻ vô tội" ở Sudan. "Hãy dừng việc cưỡng hiếp và bỏ đói chúng", ông nói. "Chúng tôi chỉ yêu cầu có vậy."

Trong lúc Clooney bị đưa vào xe cảnh sát, một người đứng gần đó đã hô vang: "George, cảm ơn anh!"

Clooney và vài người khác đã được cho phép tại ngoại vào cuối ngày thứ sáu. "Bạn không thể biết một điều gì cho tới khi thực sự làm điều đó. Chúng tôi hy vọng hành động này có thể giúp đỡ phần nào", Clooney phát biểu trước các phóng viên sau khi được trả tự do, không quên nói thêm rằng đây là lần đầu tiên ông bị bắt và "mong rằng cũng sẽ là lần cuối cùng".

Nam tài tử đã có mặt ở thủ đô Washington sau khi trở về từ một chuyến đi tới Sudan hai ngày trước. Hôm thứ tư, ông đã làm chứng trước Ủy ban Thượng viện Mỹ về vấn đề bạo lực ở vùng núi Nuba thuộc Nam Kordofan, một bang của Sudan, tiếp giáp với biên giới của Nam Sudan, một quốc gia mới độc lập. Khu vực này thường xuyên nằm trong tình trạng bất ổn bởi những tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Clooney nói với các nghị sĩ rằng: "Chúng tôi đã tìm thấy những trẻ em với đầy mảnh đạn trên cơ thể, thậm chí còn có một cậu bé 9 tuổi đã mất cả hai bàn tay".

Clooney đã cáo buộc Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, quan chức chính phủ Ahmad Harun và Bộ trưởng Quốc phòng Abdelrahim Mohamed Hussein vì những bất ổn tại khu vực trên.

Ảnh:
Clooney phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng hôm thứ tư. Ảnh: AP

Cũng hôm thứ tư, Clooney đã có cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama nhằm bày tỏ sự quan tâm với người dân Sudan. Trả lời phỏng vấn báo chí, Clooney cho biết ông đã rời cuộc gặp với một tâm trạng vô cùng lạc quan rằng, Tổng thống sẽ tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra tại Sudan.

Đầu tháng này, Tòa án Hình sự quốc tế đã ban lệnh bắt Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Hussein với 41 tội danh chống lại loài người và tội ác chiến tranh mà ông này đã gây ra tại khu vực Darfur. Tổng thống Al-Bashir và quan chức cấp cao Harun cũng đang phải đối mặt với cáo buộc đã gây ra tội ác chiến tranh ở Darfur.

Clooney cho hay khi mùa mưa tới, một lượng lớn người dân ở Sudan sẽ phải đối mặt với nạn đói. USAID ước tính, khoảng 250.000 người tại Nam Kordofan sẽ phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng vào cuối tháng tư nếu vấn đề bạo lực và thiếu đói vẫn chưa được giải quyết.

Quỳnh Ho

Thursday, March 15, 2012

Nở một nụ cười với dân khó thế sao? Phải cải cách sao?

Cải cách từ... nụ cười cán bộ

Từ lãnh đạo, thủ lĩnh Đoàn, các vị lão thành đến công chức trẻ Hà Nội đều đồng ý rằng hiệu quả cải cách hành chính nằm ở cán bộ, nhưng không chỉ là trình độ, năng lực của họ.

Nụ cười thường trực của công chức phường Nguyễn Du, quận Bà Trưng, Hà Nội khiến người dân đến làm thủ tục hài lòng. Ảnh: VAnh
Còn nhiều lời kêu ca

Chủ trì hội nghị nâng cao vai trò của Đoàn thanh niên tham gia cải cách hành chính (CCHC) sáng nay (15/3), phó Bí thư thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái lấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) làm căn cứ đánh giá hiệu quả CCHC của Thủ đô.

"Hà Nội năm 2010 bị tụt 10 bậc, sau đó nhờ đẩy mạnh CCHC đến năm 2011 đã lên được 6 bậc, đứng thứ 36/63 tỉnh thành", ông Soái nói. "Nhưng so với mặt bằng chung cả nước, và so với mong muốn của người dân và doanh nghiệp thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu".

"Qua một thời gian thực hiện CCHC, người dân ghi nhận sự quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền của chính quyền đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến phàn nàn, không chỉ từ nhân dân và doanh nghiệp mà còn từ chính cán bộ các cấp với nhau", ông Soái chỉ ra.

Chia sẻ nhận định này, nhiều ý kiến tại hội thảo nêu các ví dụ cho thấy ở nhiều cơ quan hành chính, đặc biệt là bộ phận một cửa, nơi trực tiếp thể hiện hiệu quả CCHC, vẫn còn vướng mắc khiến người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng.

Bản thân ông Soái đã chứng kiến "mới 4h kém 15 người dân đến công chứng giấy tờ đã bị cán bộ một cửa từ chối nhận hồ sơ vì sắp hết giờ làm việc, người dân phải quay lại hôm sau".

Hay có doanh nghiệp nói với ông Soái rằng họ không dám đầu tư vào Hà Nội vì mất thời gian làm thủ tục hành chính, "có khi 5 năm vẫn chưa đi vào sản xuất được". Cấp lãnh đạo rất tạo điều kiện, nhưng xuống đến cán bộ làm thủ tục thì vướng và bị hành từ việc nhỏ như câu chữ, dấu chấm phẩy.

"Dù đây chỉ là cá biệt nhưng cũng khiến Hà Nội mất đi nhiều cơ hội đầu tư", ông Soái nói.

Ông Mạc Quốc Anh, một chủ doanh nghiệp cũng cho biết đôi lúc gặp khó khăn khi nộp thuế do không được cán bộ cập nhật những thay đổi trong phần mềm khai thuế, không giải thích rõ ràng, thậm chí có thái độ khó chịu khi doanh nghiệp hỏi.

Bà Bùi Thị Giang, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm), cũng thấy "một số cán bộ trẻ nói năng trống không, cộc lốc với người lớn tuổi, khiến dân khó chịu. Họ chưa có nhiều kinh nghiệm tiếp dân, nhiều khi thiếu bình tĩnh, dẫn đến to tiếng, hiểu nhầm".

Nở một nụ cười với dân khó thế sao?

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu dẫn lại câu chuyện PCI 2011 để phân tích: Hà Nội ở vị trí thấp trong khi Lào Cai vươn lên đứng đầu, không thể nói trình độ cán bộ Hà Nội thua kém Lào Cai, vậy vấn đề có nằm ở trình độ?

Bí thư chi đoàn Sở Tư pháp Hà Nội thẳng thẳn chỉ ra: "Trình độ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho công chức hành chính đều có đủ, điều vẫn bị dân, doanh nghiệp kêu ca chính là ý thức, cung cách phục vụ và tinh thần trách nhiệm".

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Công Soái nói: "Những người hay đi nước ngoài đều nói về đến Việt Nam, ngay từ sân bay đã thấy thái độ của cán bộ khác hẳn các nước. Có tờ báo thậm chí kêu gọi 'giải phẫu nụ cười' cho công chức Việt Nam".

Ông Ngọ Duy Hiểu đặt câu hỏi cho các công chức trẻ: Nở một nụ cười với dân khó thế sao?

Phó Vụ trưởng Vụ CCHC Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng nêu yêu cầu cán bộ thường xuyên cập nhật TTHC, nhất là những thủ tục phức tạp về đất đai, xây dựng, kinh doanh, môi trường, việc làm... để hướng dẫn nhân dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Ông Hùng cho biết Vụ đang nghiên cứu đưa ra bộ chỉ số đo mức độ hài lòng của người dân đối với cơ chế một cửa nói riêng và công tác CCHC nói chung.

Trong khi ông Hùng đánh giá cao việc Hà Nội sớm ban hành nghị quyết của Thành uỷ về CCHC thì Phó Bí thư Nguyễn Công Soái một lần nữa nhấn mạnh: "Quyết tâm CCHC của thành phố có làm được hay không chính là từ từng cán bộ làm việc trực tiếp với dân và doanh nghiệp".

"Hà Nội cố gắng trở lại vị trí ban đầu trên bảng xếp hạng PCI, nhưng quan trọng hơn là bớt đi được những lời kêu ca phàn nàn của người dân và doanh nghiệp", ông Soái nói.

Chung Hoàng

Gần 200 cán bộ thuê người thi hộ

Thứ Năm, 15/03/2012, 07:45 (GMT+7)

TT - Công an tỉnh Đồng Nai đang phá đường dây thi thuê tại Trường ĐH Lạc Hồng (TP Biên Hòa) và phát hiện gần 200 cán bộ, quan chức đã được một "đội quân" hùng hậu thi hộ để lấy bằng TOEFL, TOEIC bổ túc hồ sơ học cao học.

Cơ quan công an nhận định một vài người có trách nhiệm ở Trường đại học Lạc Hồng đã móc nối với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức thi lấy bằng TOEFL, TOEIC. Bước đầu đã có năm người bị khởi tố.

Thủ thuật thi kèm, thi hộ

Tháng 9-2011, tại một buổi thi TOEIC ở Trường đại học Lạc Hồng, ông Lê Đức Thịnh - phó khoa ngoại ngữ - đang làm giám thị bất ngờ phát hiện một số sinh viên của khoa mình đang ngồi thi hộ. Các sinh viên này lập tức bị tạm giữ, chuyển giao cơ quan công an.

Tiếp đó, cơ quan công an đã bắt Đỗ Trần Lê Sơn (28 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP Biên Hòa) - người tổ chức đường dây thi thuê này - về hành vi "làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức". Sơn là cựu sinh viên khoa ngoại ngữ Trường đại học Lạc Hồng.

Qua lời khai của Sơn, cơ quan điều tra đã xác định trong năm 2011 có khoảng 20 sinh viên giỏi ngoại ngữ được nhóm của Sơn và một số người khác liên kết, hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức thi kèm, thi hộ cho sinh viên và cán bộ, công chức muốn lấy bằng TOEFL, TOEIC.

Để có bằng TOEFL, TOEIC, khoảng 200 cán bộ, công chức (nhiều người trong số họ nằm trong diện quy hoạch, muốn có bằng ngoại ngữ để khỏi thi đầu vào khi học cao học hoặc bổ túc hồ sơ cho việc học hành - PV) đã bỏ ra 4-7 triệu đồng/người để tham gia các kỳ thi tại Trường đại học Lạc Hồng và Trung tâm ngoại ngữ Đông Á ở TP Biên Hòa.

Khi vào phòng thi, những người này sẽ được sinh viên giỏi ngoại ngữ do nhóm của Sơn thuê "cài" vào làm bài giúp hoặc hướng dẫn cách nhận dạng tín hiệu, ám hiệu để làm bài thi trắc nghiệm. Mỗi cán bộ thi đậu, nhóm của Sơn sẽ trả công cho người đi thi thuê 1 triệu đồng.

Khi "khách hàng" đi thi, Sơn bố trí người giỏi tiếng Anh đăng ký cùng đợt thi để... kèm. Táo bạo hơn, Sơn còn tổ chức một đội hình thi thuê. Sơn đã làm giả giấy tờ liên quan đến đợt thi, kể cả lấy chứng minh nhân dân thật và tráo hình ảnh. Để trót lọt, Sơn còn móc nối với người của Trung tâm quan hệ quốc tế Trường đại học Lạc Hồng.

Trung tâm ngoại ngữ Đông Á  - nơi đã tổ chức nhiều đợt thi thuê, thi kèm TOEFL, TOEIC cho cán bộ - Ảnh: Sơn Định

"Khách hàng" là ai?

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, từ vụ án thi thuê ở Trường đại học Lạc Hồng, hiện cơ quan an ninh điều tra đang đề nghị tách thành một vụ án riêng để điều tra mở rộng, làm rõ thêm vai trò của một số người có trách nhiệm tại Trường đại học Lạc Hồng và Trung tâm ngoại ngữ Đông Á.

Cũng theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, gần 200 cán bộ, công chức thi TOEFL, TOEIC chỉ là con số mới được cập nhật ở 3/8 đợt thi mà Trung tâm ngoại ngữ Đông Á đã tổ chức trong năm 2011. Đáng chú ý, trong danh sách cán bộ được thi kèm có nhiều người đang làm việc, cán bộ quản lý ở nhiều sở ngành của tỉnh Đồng Nai. Thậm chí trong danh sách này còn có một số cán bộ, công chức đang làm việc ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan truyền thông. Đa số cán bộ này nằm trong diện quy hoạch, đề bạt và có nhiều người đang học các lớp cao học tại Đồng Nai, TP.HCM.

Ngoài ra, liên quan trong vụ án này, một mắt xích khá quan trọng trong vụ án bị bắt giữ là cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng Trần Quang Hưng (27 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP Biên Hòa). Theo đó, Sơn có nhiệm vụ tìm kiếm, giới thiệu người có nhu cầu cho Hưng làm giả bằng cấp, chứng chỉ cho họ.

Sau khi Hưng bị bắt, cơ quan công an đã thu hồi nhiều giấy tờ giả có tên của gần 100 sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Bước đầu xác định Hưng đã làm giả giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học với giá 1 triệu đồng/giấy, bằng tốt nghiệp đại học 7 triệu đồng/bằng và bảng điểm TOEIC, TOEFL có giá 10 triệu đồng/bằng cho gần 30 người.

Đã khởi tố 5 bị can

Sau khi ký lệnh khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Quang Hưng và Đỗ Trần Lê Sơn, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ba bị can có liên quan trong vụ án là Trà Phương Thanh (28 tuổi, ngụ xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa), Nguyễn Thị Thanh Tâm (28 tuổi, ngụ P.Tân Vạn, TP Biên Hòa) và Hoàng Duy Linh (29 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP Biên Hòa). Bước đầu, cơ quan điều tra xác định ba bị can này đã nhận 14,5-20,5 triệu đồng của một số sinh viên để nhờ Đỗ Trần Lê Sơn tổ chức thi hộ lấy bằng TOEIC.

SƠN ĐỊNH - MINH LUẬN

Wednesday, March 14, 2012

Thời của những 'tiến sĩ giấy'

Chúng ta quan tâm đến bằng cấp nhưng lại không chú ý đến năng lực làm việc và cống hiến. Nếu xét bằng cấp, chúng ta thừa, thậm chí "lạm phát" trong khi kỹ năng điều hành, hiệu quả quản lý và năng lực của cán bộ lại quá kém.

Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Đó là tiết lộ mới đây của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch Tỉnh bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại do thiên tai.

Điều này liên quan đến năng lực bao gồm cả đạo đức và kỹ năng của cán bộ lãnh đạo trong hệ thống. Hay nói một cách khác năng lực cán bộ không phải ở chỗ anh này thạc sĩ (Th) hoặc anh kia tiến sĩ (TS). Và như thế, những tấm bằng danh giá kia chỉ là nền tảng cơ bản cho anh phát huy năng lực bản thân và mức độ cống hiến cho xã hội chứ không phải điều kiện tiên quyết.

Chúng ta phấn đấu quá nhiều cho mục tiêu tiến sĩ? Cách đây không lâu, dư luận đã hoài nghi tính khả thi khi Hà Nội công bố "chiến lược cán bộ công chức" với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.

Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.

Chúng ta quan tâm đến bằng cấp nhưng lại không chú ý đến năng lực làm việc và cống hiến. Nếu xét bằng cấp, chúng ta thừa, thậm chí "lạm phát" trong khi kỹ năng điều hành, hiệu quả quản lý và năng lực của cán bộ lại quá kém.

Điều này được xác nhận bởi trong thời gian gần đây, cán bộ, công chức đua nhau "đi làm" thạc sĩ nhưng trình độ chuyên môn không đạt yêu cầu, công việc đem lại không xứng tầm với bằng cấp đã vinh danh.

Đó là hậu quả của lối đào tạo khoa bảng, hư danh, không thực chất. Đó cũng là bệnh thành tích, thích khoe khoang của những người không có lòng tự trọng.

Chuyện công chức đem USD đi "mua" bằng nhằm bổ sung hồ sơ tổ chức để được đề bạt chức vụ là một thực trạng đáng được báo động.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao về bằng cấp, kiểu bổ nhiệm chức vụ căn cứ vào các danh hiệu "thạc sĩ" hoặc "tiến sĩ". Có trường đại học ở Việt Nam đã liên kết với các trường đại học "quá đát" ở nước ngoài để đào tạo hàng loạt công chức có bằng cấp kém chất lượng.

Có đến 21 trường đại học hiện có mặt tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ.

Có một thời, dư luận và công chúng đã lên tiếng phản đối dữ dội về những thạc sĩ "mù" tiếng nước ngoài (cụ thể là Anh văn), khả năng đọc và nói tiếng nước ngoài quá kém cỏi và thua xa các em học sinh các trường trung học, phổ thông cơ sở.

Bởi thế, sau này, Bộ giáo dục mới ban hành quy định, học viên chỉ được bảo vệ luận văn thạc sĩ khi có đủ các điều kiện về trình độ ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, iBT 45 điểm hoặc IELTS 4.5 trở lên hoặc tương đương trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp chứng chỉ.

Đến bây giờ, chúng ta vẫn không hiểu nổi, tại sao những công chức Việt Nam lại cố tìm cách lấy cho được bằng tiến sĩ (hoặc thạc sĩ nước ngoài) một cách nhanh nhất, ít nghiên cứu nhất, dễ dàng nhất cho dù tốn hàng chục ngàn USD.

Họ có bao giờ cảm thấy hổ thẹn khi đưa tay nhận lấy tấm bằng chứng nhận về học vấn với một trình độ chưa xứng đáng, không có công trình gì giúp ích gì cho đất nước, lợi cho quốc dân.

Danh hiệu TS, Ths kiểu như vậy lại được rêu rao và vinh danh một các vô tội vạ ở các hội nghị, họ xúm xít vỗ tay tán thưởng trong ảo ảnh, trong hư danh để rồi đề bạt lên một chức vụ cao hơn nữa.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của một tờ nhật báo, GS TS Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính, nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam (Tiến sĩ quốc gia Pháp), đã thẳng thắn:

"Phải nói thực trạng trên xuất phát từ bệnh hiếu danh. Hiếu danh đều có trong mỗi con người, song đáng buồn là cơ chế của ta lại đang "khuyến khích" căn bệnh này. Một khi ông lãnh đạo quá đề cao chức danh hay học vị, thì cấp dưới của họ sẽ giơ ngay bằng nọ, bằng kia để được đề bạt, thăng tiến nhanh hơn.

Còn nếu người lãnh đạo cũng coi một anh tiến sĩ và một anh lao động bình thường đều có những năng lực và đóng góp ngang nhau trên mỗi cương vị, thì tôi nghĩ sẽ chẳng ai khoe cái danh tiến sĩ, thạc sĩ làm gì ?"

Khi được hỏi về chuyện một số quan chức đi học tiến sĩ chỉ mất có 6 tháng, có bằng tiến sĩ nhưng không biết ngoại ngữ, học thạc sĩ chỉ mất có 40 ngày, bà Sính tiếp tục: " Thế hệ bọn tôi, chưa kể học tiến sĩ mà ngay cả học thạc sĩ cũng cực kỳ vất vả và đặc biệt là rất nghiêm túc. Nhưng càng về sau này, tôi thấy nhiều người học càng ngày càng lười.

Quy hoạch cán bộ và thi tuyển công chức nên tổ chức kiểm tra và đánh giá các tiêu chí cần thiết : Chỉ số thông minh IQ (Intelligent quotient) và chỉ số cảm xúc EQ (Emotional quotient).

Việt Nam chúng ta có nhiều người tài năng thật sự nhưng chưa hề có một văn bằng thạc sĩ (hoặc tiến sĩ) để khoe với các cơ quan công quyền, vỗ ngực xưng danh với cấp dưới. Họ đã âm thầm, lặng lẽ cống hiến thật sự cho đất nước, cho dân tộc: GS Tôn Thất Tùng (bác sĩ), GS Tạ Quang Bửu (cử nhân), GS Trần Đại Nghĩa (kỹ sư),..

Trình độ công chức được đánh giá dựa trên bốn năng lực cơ bản: Năng lực tư duy; năng lực hành động (khả năng tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp); năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác; năng lực học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo, phát triển.

Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho công chức là một việc làm cấp thiết hiện nay để duy trì công việc một cách hiệu quả. Tiến sĩ là nghiên cứu, là công bố những đề tài thật sự ích nước, lợi dân, bước đào tạo đó được thực hiện trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm giáo dục cao cấp.

Cán bộ công chức ở các ban, ngành là người thực thi công việc một cách cụ thể nhằm phục vụ cho công chúng. Không thể có một quy trình tuyển dụng cán bộ làm việc rồi lại đào tạo cho họ đi học tiến sĩ về để lên lương, đề bạt, làm lãnh đạo. Chưa có nước nào làm như vậy!

Đề cập về vấn đề này, giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản) cho rằng: "Bằng tiến sĩ không phải nhằm đào tạo nhà quản lý hoặc lãnh đạo để cho phép Nhà nước cấp kinh phí đi học tại chức lấy bằng tiến sĩ, bằng tiến sĩ là bước cơ bản nhằm đào tạo đội ngũ khoa học có trình độ cao để phục vụ giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học".

Lòng tự trọng của con người đã bị đánh mất bởi những ánh hào quang dối trá của các học vị tiến sĩ "mì ăn liền" và thạc sĩ 'dỏm".

Trương Văn Khoa

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty