TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, January 29, 2011

Nhà báo Lê Hoàng Hùng qua đời


29/01/2011 16:11:51

 - Đầu giờ chiều 29/1 (26 tháng Chạp), nhà báo Lê Hoàng Hùng – phóng viên thường trú báo Người Lao Động tại Long An đã qua đời tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.

TIN LIÊN QUAN

Nhà báo Nguyễn Văn Trạch - Phó Tổng biên tập Báo Người Lao Động đã xác nhận thông tin trên. Ông Trạch cho biết, hiện việc tổ chức tang lễ của nhà báo Lê Hoàng Hùng đang được cơ quan chủ quản của anh phối hợp với gia đình, Bệnh viện Chợ Rẫy bàn bạc, phối hợp thực hiện.

Cách đây 2 ngày, chiều 27/1, khi vào thăm anh tại khoa Hồi sức cấp cứu – BV Chợ Rẫy, anh Hùng vẫn mở mắt nhưng không thể tự thở được mà phải đặt máy nội khí quản giúp thở, theo dõi độ bão hòa Oxi trong máu… Anh không thể nói chuyện được, tự ăn được mà phải dùng tới ống truyền, nhưng số lượng cũng rất ít. Xung quanh anh là rất nhiều các loại máy móc tối tân, hiện đại để giúp hỗ trợ cho quá trình chăm sóc, điều trị cho anh.

BS Trương Dương Tiến – khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nói rằng các vết thương bỏng của anh Hùng sâu và khá nặng. Do ảnh hưởng từ các vết bỏng này, anh đang gặp phải vấn đề rất lớn về hô hấp và tim mạch.

 

Nhà báo Hoàng Hùng tại khoa Hồi sức cấp cứu hôm 27/1. Ảnh: Bùi Hương
Nhà báo Hoàng Hùng tại khoa Hồi sức cấp cứu hôm 27/1. Ảnh: Bùi Hương


Sau gần 10 ngày điều trị tại BV Chợ Rẫy, dù được các BS giỏi về chuyên môn tại đây tận tình cứu chữa, nhưng sức khỏe của anh Hùng diễn biến ngày một xấu đi và qua đời vào chiều 29/1/2010.

Nhà báo Lê Hoàng Hùng 51 tuổi, đã có 30 năm cầm bút. Anh cũng có rất nhiều tác phẩm thuộc thể loại điều tra XH được các đồng nghiệp, bạn đọc đánh giá cao.

Như Bee đã thông tin, rạng sáng 19/1, nhà báo Lê Hoàng Hùng đang ngủ trong phòng tại tầng hai của nhà riêng ở khu dân cư Đại Dương, phường 6 – TP Tân An, tỉnh Long An đã bị kẻ lạ mặt lẻn vào đổ cồn, đốt cháy. 

Các BS khoa Bỏng – tạo hình BV Chợ Rẫy nhận  định, anh Hùng phải bị đốt bằng xăng hay dầu, chứ không thể tẩm bằng cồn, vì anh bị bỏng tới 50%, độ sâu tới hơn 20%.

Ngày 19/1, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Long An đã quyết định khởi tố vụ án, truy tìm sát thủ đã ra tay sát hại anh Hùng. Những người thân của anh Hùng, trong đó vợ và con gái của anh Hùng đã được mời lên thẩm vấn 3 lần để làm rõ những chi tiết có liên quan.

Lãnh đạo Công an tỉnh Long An khẳng định hiện đã khoanh vùng được thủ phạm của vụ án, và sẽ đưa thủ phạm ra ánh sáng trong thời gian sớm nhất.

Bùi Hương
 


Việt Nam đưa hạt giống lên vũ trụ

Theo đây là một bản tin được cho là tin vui của giới khoa học Việt Nam, đó là Việt Nam vừa đưa thành công một số loại hạt giống hoa lên vũ trụ nhân dịp đầu năm mới.

Hoạt động này nằm trong chương trình Hạt giống tương lai Châu Á KIBO SSAF 2010 – 2011 do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Viện sinh học Tây Nguyên và Cơ quan hàng không Vũ trụ Nhật Bản thực hiện.
Những hạt giống hoa này là loại ngắn ngày, được lựa chọn kỹ càng và sau đó được gửi sang Nhật Bản để xử lý trước khi đưa lên vũ trụ. 
Theo thông tin của Viện Công nghệ Vũ trụ, thì hạt giống được đưa lên vũ trụ trong thời gian 2 tháng, chịu tác động của môi trường như tia bức xạ, nhiệt độ, trạng thái không trọng lượng cũng như các điều kiện khác. Sau đó, những hạt giống này được đưa trở về Trái đất để nghiên cứu về đột biến gen, độ nảy mầm.


YES !!! Trung Quốc sẽ xây dựng đường sắt cao tốc qua Việt Nam


Trung Quốc đang đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á của mình. Ảnh: FT
SGTT.VN - Thời gian gần đây, báo chí trong nước lẫn nước ngoài đồng loạt đưa tin: Trung Quốc đang triển khai xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Á của mình, trong đó sẽ có hai tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua địa phận Việt Nam.
Điều này khiến nhiều người hồ nghi, phải chăng hai tuyến này sẽ do Trung Quốc xây dựng “giúp” Việt Nam?
Ngày 27.1, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một lãnh đạo cục Đường sắt Việt Nam (bộ Giao thông vận tải) cho biết, đúng là có chuyện sẽ khởi công hai tuyến đường sắt nói trên, nhưng không phải do Trung Quốc bỏ tiền làm cho ta mà tự phía Việt Nam phải bỏ tiền ra xây dựng. Đó là hai tuyến từ TP.HCM – Lộc Ninh và tuyến Vũng Áng – Mụ Giạ (Hà Tĩnh).
“Đây là hai tuyến đã được đưa vào quy hoạch phát triển giao thông đường sắt Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Hai tuyến này cũng trùng với hướng tuyến đường sắt xuyên Á (do Trung Quốc vạch tuyến) mà các nước ASEAN đã ký kết tham gia với Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyến chạy qua địa phận nước nào thì sẽ do nước đó tự bỏ tiền xây dựng”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Sơ đồ trên báo Bangkok Post về mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối Trung Quốc với ASEAN. Đường màu xanh là hệ thống đường sắt hiện hữu, màu đỏ là đang xây hoặc sẽ xây. Ảnh: BP
Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến TP.HCM – Lộc Ninh dài 128,49km, được xây dựng theo khổ 1m với 12 ga, điểm đầu là ga Dĩ An (Bình Dương) và điểm cuối là ga biên giới Hoa Lư (Bình Phước). Tổng mức đầu tư dự kiến 438 triệu USD. Hiện tuyến này đã được cục Đường sắt phối hợp với tổng công ty xuất nhập khẩu thiết bị cơ giới Trung Quốc và tổng công ty xây dựng Đường sắt Trung Quốc hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tuyến thứ hai là tuyến Tân Ấp – Vũng Áng – Mụ Giạ nối với Lào có chiều dài 119km, khổ 1m. Trên tuyến cũng có 12 ga, tổng mức đầu tư khoảng trên 4.500 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cục Đường sắt Việt Nam khẳng định, đến nay cả hai dự án này chưa có quyết định đầu tư nên chưa biết khi nào sẽ triển khai và hoàn thành.
Cũng liên quan đến tuyến đường sắt xuyên Á, được biết, Chính phủ Việt Nam cũng đang giúp Chính phủ Lào nghiên cứu lập dự án xây dựng tuyến đường sắt Thà Khẹt (Lào) đến Mụ Giạ (Việt Nam) sau đó kết nối với đường sắt quốc gia từ Tân Ấp – Vũng Áng.
Một vấn đề khác được dư luận quan tâm nữa là, cả hai tuyến này đều được xây dựng với khổ 1m theo tiêu chuẩn của đường sắt Trung Quốc, với vận tốc tàu lưu thông khoảng 100 – 120km/h, như vậy có được gọi là đường sắt cao tốc? Vẫn theo lãnh đạo nói trên, tốc độ tuỳ định nghĩa từng nước, có nước tốc độ 100km/h cũng gọi cao tốc. “Cái đó không hoàn toàn mang tính quốc tế, mà mỗi quốc gia có khái niệm khác nhau. Nhưng như ở Việt Nam mình thì phải 300km/h mới gọi là đường sắt cao tốc”, vị này cho hay.
Trung Đức
Tin bài liên quan:

Bỏ chục triệu đồng thuê người xông đất đầu năm


28/01/2011 14:42:40

Xông nhà là một nét truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp năm mới với hy vọng mang về tài lộc, niềm vui, sức khỏe cho gia chủ cũng như những người thân trong gia đình. Với ý nghĩa tâm linh quan trọng ấy, người xông nhà thường được gia chủ lựa chọn kỹ càng. Ngoài việc hợp tuổi tác, mệnh, người xông nhà phải có ngoại hình ưa nhìn, tính cách phóng khoáng, cởi mở.
 

Ảnh minh họa: IE
Ảnh minh họa: IE

Thường gia chủ sẽ chọn một trong số những người thân quen của mình làm người xông đất. Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn được người vừa ý, nhất là với các công ty. Nắm bắt được nhu cầu này, vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp Tết đến, dịch vụ xông nhà, xông đất lại khá xôm tụ, từ thế giới thực đến thế giới ảo.

Giá thuê tiền triệu

"Tôi hỏi thuê dịch vụ xông đất đầu năm, nhưng họ đòi tới 7,5 triệu đồng cho 30 phút ghé thăm, thật đắt 'khói ngùn ngụt'," chị Vân Anh, phố Kim Mã, chia sẻ.

Cũng như chị Vân Anh, chị Lê, ở Hoàng Mai, Hà Nội được sếp giao nhiệm vụ tìm người xông đất đầu năm cho cơ quan. Nhờ một người bạn, chị biết Công ty Cổ phần Điện hoa Hà Linh, ở Thanh Xuân, Hà Nội, có tổ chức dịch vụ này. "Nhưng khi đặt vấn đề, họ nói muốn tổ chức trọn gói thì giá phải lên đến cả chục triệu đồng nên sếp tôi chuyển phương án sang tìm ngay trong cơ quan một người nào đó… mát vía nhất đảm đương nhiệm vụ này," chị Lê cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Mai, Công ty Cổ phần Điện hoa Hà Linh, mức giá thuê xông đất dịp Tết Nguyên đán trên là có thật. Giá dịch vụ này của công ty dao động từ 2,5 triệu đến cả chục triệu đồng, tùy yêu cầu khách hàng về số "tiết mục."

Cụ thể, nếu chỉ cần một người trong vai ông Lộc đến xông đất, giá là 2,5 triệu đồng. Nếu đủ cả ba ông Phúc, Lộc, Thọ, giá 5 – 6 triệu đồng. Chủ nhà muốn thêm màn múa lân hoặc múa rồng, chi phí sẽ được cộng thêm từ 5 đến 7 triệu đồng.

Bà Mai cũng cho biết, chi phí trên không bao gồm quà Tết. Để biểu tượng cho việc mang may mắn đến, người của c ông ty chỉ tặng một quả gấc chín đỏ, có bắn pháo giấy và lì xì phong bì giá 10.000 đồng.

Lý giải cho việc giá cả đắt đỏ này, bà Mai cho biết công ty phải chi phí nhiều tiền thuê người, tiền may mặc trang phục các ông Phúc, Lộc, Thọ. "Mặc khác, người ta đi làm ngày Tết, tính công cũng phải cao hơn ngày thường," bà Mai nói thêm.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mai, trong số 19 khách hàng đặt lịch, thời gian xông đất chủ yếu ra ngoài Tết, trong khoảng từ mùng 4 đến 15 tháng Giêng. Lượng khách có nhu cầu xông đất ngày mồng Một Tết rất ít. Đối tượng khách hàng chủ yếu là các công ty.

Nhiều chiêu tiếp thị

Không chỉ các công ty với dịch vụ đa dạng, nhiều nam thanh niên cũng coi đây là một cơ hội làm thêm của mình. So với Công ty Cổ phần Điện hoa Hà Linh, giá cả khi thuê thẳng với cá nhân cũng mềm hơn, dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Các bạn trẻ này chọn phương thức tiếp thị qua mạng với nhiều chiêu phong phú.

Mặc dù chỉ rao trên trang web vatgia.com với lời quảng cáo ngắn gọn: "Em tuổi Dậu, hợp với năm Mèo, sinh tháng 10 thuộc cung Thiên Bình, là biểu tượng của bình an và cân bằng trong cuộc sống" nhưng Phong, cậu sinh viên người Hà Nội cho biết cậu đã nhận được rất nhiều "đơn đặt hàng."

Cậu phân trần: "Em không dám nhận nhiều, sợ không 'chạy sô' kịp, mất uy tín, lại xui xẻo, giông cả năm cho gia chủ, mình cũng xui theo. Nhà nào em cũng phải hỏi cặn kẽ về địa điểm, chọn nơi gần gần nhau và lên lịch trình rất chi tiết để đảm bảo đúng hẹn." Để đảm bảo "chất lượng," cậu chỉ nhận ở hai địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Khách của Phong chủ yếu là những gia chủ tuổi Sửu, Tỵ, Thìn, hợp với tuổi Dậu (1993) của cậu. Phong chia sẻ: "Em chỉ lấy 200.000 đồng/lần, coi như lộc. Đi xông đất, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa là đi chơi Tết. Đầu năm, mang may mắn cho mọi người cũng là mang may mắn cho mình."

Kinh nghiệm hơn hẳn Phong, trên trang web rongbay.com, một thanh niên tên Thời đã quảng cáo thông tin về bản thân rất chi tiết về chiều cao, cân nặng, năm sinh, tuổi, mệnh, trình độ, nơi công tác, nhằm tạo niềm tin cho gia chủ. Theo đó, cậu cao 1,78 m, nặng 78 kg, sinh năm 1984, mệnh Hải Trung Kim (kho báu dưới biển), đã tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại văn phòng của một bộ, đã có chứng chỉ võ công an nhân dân, hồng đai pecatsilat, đai nâu đệ nhị đẳng karatedo...

Cậu cũng tận dụng luôn cái tên của mình để đánh vào tâm lý cầu may của chủ nhà: "Các gia chủ đầu năm gặp 'Thời', lại gặp kho báu dưới biển thì chắc chắn sẽ làm ăn tấn tới, phát đạt, vạn sự như ý, thành công trong mọi lĩnh vực mới, tấn tới trong công việc cũ."

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Tết Tân Mão sẽ gõ cửa mọi nhà. Theo bà Mai, dịch vụ xông đất sẽ nhộn nhịp cho đến tận đầu Giêng vì nhiều người đến thời điểm này vẫn chưa chú ý đến việc chọn ai là người đầu tiên bước chân vào nhà mình trong năm mới.

(Theo Phạm Mai/Vietnam+)


Hà Nội: Công an phường trộm súng đem bán

Hà Nội: Công an phường trộm súng đem bán

28/01/2011 20:34:15

Ngày 27 và 28/1, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ án hy hữu- nguyên cán bộ công an trộm súng của đơn vị tuồn ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.

Sự việc bắt đầu từ ngày 23/7/2009, khi Công an TP Hà Nội nhận được tin báo của Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ bị mất một số vũ khí gồm 11 khẩu súng ngắn, 78 viên đạn các loại và 5 bình xịt hơi cay.
 
Ba tháng sau đó, đầu mối vụ việc được sáng tỏ khi công an phát hiện đối tượng Nguyễn Hoài Nam (SN 1971, trú tại ngõ 93, phố Lê Thanh Nghị, quận Hai Bà Trưng, HN) tàng trữ một khẩu súng ngắn loại K54 và 6 viên đạn.
 
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
 
Từ đầu mối này, cơ quan điều tra lần ra nghi phạm chính là Lê Mạnh Thắng (SN 1986) nguyên thiếu úy, cán bộ trực ban của công an phường Phú Thượng. Nhẽ ra với trọng trách của mình, Thắng phải có trách nhiệm cùng đồng đội bảo vệ số vũ khí cho đơn vị, nhưng chính anh ta đã nảy sinh ý định xấu. Thắng đã tìm mua mũi khoan sắt, phá khóa tủ rồi lấy đi 11 khẩu súng và 78 viên đạn, 5 bình xịt hơi cay.
 
Có "hàng" trong tay, Thắng gọi cho Đỗ Hữu Tâm (SN 1986, khi đó là cán bộ công an phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) mang số vũ khí trên đi cất giấu để chờ cơ hội tiêu thụ.
 
Khi gặp mối, Thắng và Tâm bán cho Phạm Hòa Vinh 10 khẩu súng với giá 88 triệu đồng, còn 1 khẩu K59 Tâm giữ lại, mang theo người nhưng sau đó đã làm mất. Số vũ khí còn lại, Phạm Hòa Vinh đã bán lại cho nhiều đối tượng khác nhau.
 
Vụ việc bị phanh phui, Lê Mạnh Thắng và Đỗ Hữu Tâm đã bị tước danh hiệu công an nhân dân. Liên quan đến vụ án này, một số cán bộ công an có liên quan cũng đã bị kỷ luật.
 
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lê Mạnh Thắng 9 năm tù giam, bị cáo Đỗ Hữu Tâm nhận 8 năm tù giam. Các bị cáo khác nhận các mức án thấp nhất là 18 tháng tù treo; cao nhất là 7 năm tù giam.
 
(Theo Vietnamnet)

Việt Nam nợ nước ngoài 29 tỷ đô la


Bộ Tài Chánh ra thông tư cho biết số nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên đến 29 tỷ đô la

So với trữ kim hiện nay của Việt Nam là 14 tỷ đô la, số nợ này được giới chức tài chánh quốc tế đánh giá là đang tiến dần tới chỗ nguy hiểm, tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại thì cho rằng số nợ này là phù hợp với nhu cầu và chiến lược cũng như các định hướng về nợ của Việt Nam
Với số nợ hiện tại, cho tới năm 2016 với điều kiện không vay thêm đồng nào từ nước ngoài thì mỗi năm Việt Nam phải trả 1 tỷ 700 triệu đô la nợ gốc cộng với khoản lãi là 250 triệu đô la.
Hiện nay nhiều tập đoàn nhà nước vẫn đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với số vốn huy động rất lớn. Tuy nhiên việc bị đánh giá sụt hạng tín nhiệm và vụ đổ vỡ của Vinashin đã khiến quốc tế nói không với nhiều đơn vay của các tập đoàn nhà nước trong vài tháng qua.
Theo số liệu của Bộ Tài Chính thì Việt nam vay của Hiệp hội phát triển quốc tế số tiền là 6 tỷ 100 triệu đô la, Ngân hàng phát triển châu Á 3 tỷ 800 triệu, nợ Nhật Bản 8 tỷ 400 triệu. Tổng cộng nợ các quốc gia khác gộp lại làm chính phủ nợ 25 tỷ. Phần còn lại là chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp quốc doanh vay.


Friday, January 28, 2011

Giáp Tết, VietNamNet lại bị hacker tấn công tê liệt


27/01/2011 20:44:46

Từ sáng 27/1, Báo điện tử VietNamNet lại tiếp tục bị hacker tấn công, khiến độc giả không thể truy cập từ địa chỉ www.vietnamnet.vn.

TIN LIÊN QUAN

Giao diện của VietNamNet lúc 14h20 ngày 27/1. (Ảnh: Vietnam+)
Giao diện của VietNamNet lúc 14h20 ngày 27/1. (Ảnh: Vietnam+)

Thông tin này đã được ông Bùi Bình Minh, Trợ lý Tổng Biên tập VietNamNet xác nhận với phóng viên Vietnam+ vào đầu giờ chiều ngày 27/1.

Trong đợt tấn công này, hacker vẫn sử dụng phương thức từ chối dịch vụ. Đến 14 giờ 20, độc giả vẫn không thể truy cập để đọc tin tức từ tờ báo điện tử này.

Theo ông Minh, vào lúc đỉnh điểm, có 1,5 triệu lượt truy cập vào địa chỉ của VietNamNet. Đây là con số lớn hơn nhiều so với đợt tấn công "kỷ lục" ngày 18/1.

Hiện tại, VietNamNet đang nhờ Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC (CMC InfoSec) dựng "tường" để lọc, ngăn những truy vấn do mạng máy tính ma điều khiển vào máy chủ VietNamNet.

Ngoài ra, VietNamNet đã đặt thêm máy chủ tại Viettel cũng như các đối tác cung cấp băng thông để phân tải cho hệ thống.

Bên cạnh đó, báo điện tử này cũng liên lạc để mượn một thiết bị chống tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) chuyên dụng của hãng CITRIX từ Công ty MTech để phân tải và chặn những cuộc tấn công của hacker.

"Trong khi cơ quan chức năng đang tìm thủ phạm, thì chúng tôi chỉ còn cách sống chung với lũ, tìm cách chia tải, hạn chế tối đa việc hacker tấn công mà thôi," ông Minh nói.

Tính từ tháng 11/2010 đến nay, VietNamNet luôn ở trong tình trạng chập chờn vì bị hacker tấn công. Và trong khi thủ phạm còn chưa tìm ra, có lẽ VietNamNet sẽ đón cái Tết Tân Mão trong tình trạng sẵn sàng… chống đỡ.

(Theo Vietnam+)


Nhà máy bê tông gây ô nhiễm


 
27/01/2011 23:35 
Xe chở bê tông xả bụi ra đường - Ảnh: Trương Thuận 

Ngày 27.1, nhiều người dân bức xúc phản ánh với Thanh Niên về tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng tại khu vực ấp 1, xã Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM.

Người dân cho biết thủ phạm chính là Công ty TNHH bê tông Á Châu (Asia) do thường xuyên xả bột bê tông tươi trực tiếp xuống các rạch, ao hồ gần nhà dân. Ngoài ra, cạnh nhà máy bê tông còn có một xưởng nấu muối, để tiết kiệm chi phí, xưởng này dùng giẻ rách để đốt, xả khói đen gây ô nhiễm.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, phản ánh của người dân là chính xác. Không chỉ vậy, Công ty bê tông Asia còn đặt nhà máy lộ thiên giữa bãi đất trống trên đường vào nghĩa trang Đa Phước, cộng với hàng trăm lượt xe chở bê tông ra vào mỗi ngày xả bụi bẩn mù mịt ra môi trường.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 27.1, ông Nguyễn Văn Tươi, Phó chủ tịch UBND H.Bình Chánh xác nhận việc Công ty bê tông Asia xả bùn gây ô nhiễm nguồn nước. UBND H.Bình Chánh đã lập biên bản xử phạt hành chính hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu sớm khắc phục các vi phạm. UBND H.Bình Chánh cũng đã giao Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND xã Đa Phước theo dõi việc khắc phục ô nhiễm của Công ty bê tông Asia.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Tươi, do vị trí Nhà máy bê tông Asia có thể nằm trong khu vực vành đai cây xanh cách ly của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên sắp tới UBND huyện sẽ rà soát lại, nếu đúng nằm trong khu vực cách ly thì sẽ tiến hành di dời nhà máy bê tông theo quy hoạch của Khu liên hợp.

Một số người dân tại đây thắc mắc rằng nếu đây là khu vực cách ly của Khu liên hợp thì tại sao lại cho phép đặt nhà máy bê tông ở đây, vì nhà máy cũng chỉ mới xây dựng chừng 2 năm nay, tức sau khi có quy hoạch Khu liên hợp.

Đình Mười


Cảnh sát, dân phòng đầu trần đi xe máy


Thứ năm, 27/1/2011, 15:33 GMT+7


Thường xuyên xử phạt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nhưng không ít cảnh sát, dân phòng ở Hà Nội lại đầu trần phóng xe máy.

Chiều 26/1, một trung tá cảnh sát không đội mũ bảo hiểm đèo đồng nghiệp đi trên phố Tây Sơn.
Những hình ảnh này khiến nhiều người hoài nghi về tính kỷ cương của những người thực thi pháp luật.
Còn trên phố Vạn Bảo, dân phòng và công an lập biên bản người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
Sau đó chính người dân phòng này đi xe máy nhưng cũng không đội mũ bảo hiểm...
... đèo cảnh sát đi lòng vòng trên phố.
... rồi trở về chốt xử lý vi phạm tại ngã tư Đội Cấn - Liễu Giai.
Hình ảnh dân phòng đi xe không đội mũ bảo hiểm như thế này không phải hiếm gặp ở Hà Nội.

Nguyễn L
ê


Phá đường dây múa sexy, bán dâm cho đại gia


Thứ năm, 27/1/2011, 15:21 GMT+7

Khách muốn "tàu nhanh" với "chân dài" 9X phải trả 200 USD; xem múa sexy 45 phút thì giá chỉ một nửa.
Cựu sinh viên điều hành đường dây gái gọiGái bán dâm hưởng lương 12 triệu đồng mỗi tháng

Sáng 27/1, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết vừa khởi tố, tạm giam Phạm Thị Mùi (20 tuổi trú ở quận Đống Đa) về hành vi môi giới mại dâm.

Má mì Nguyễn Thị Mùi tại cơ quan điều tra.
"Má mì" Mùi tại cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra cho biết, tại một khách sạn trên phố Bạch Mai, cảnh sát bắt quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Trong số này có cô gái mới 16 tuổi. Khách mua dâm (một đại gia bất động sản ở Hà Nội) và thiếu nữ mới lớn khai họ được Mùi môi giới.

Tại cơ quan điều tra, "má mì" mới học hết 11 thú nhận thấy nhiều quý ông có nhu cầu "vui vẻ" nên đứng ra giới thiệu. Mùi thu mỗi lần mua dâm 200 USD (hơn 4 triệu đồng), trong số này "các đào" được trả công 2,5-3 triệu đồng.

Theo tài liệu trinh sát, Mùi môi giới mại dâm khoảng 2 tháng nay. Trong tay cô ta luôn có khoảng 10 cô gái trẻ với chiều cao khá lý tưởng được "tuyển" cẩn thận, thường xuyên có mặt ở các sàn và quán bar nổi tiếng ở Hà Nội. Để khách yên tâm "mua vui", một số cô gái mới lớn còn khai vống tuổi lên.

"Gái gọi trong đường dây này không chỉ bán thân mà còn nhận múa sexy với giá 100 USD trong 45 phút hay đi sex tour cùng với khách...", một trinh sát cho biết.

Theo cán bộ này, Mùi khá kén khách, hầu hết người "mua vui" thuộc hàng đại gia lắm tiền nhiều của. Má mì tuổi đôi mươi này cũng sẵn sàng "đi khách" nếu có yêu cầu. Sau 3 tháng theo dõi, cơ quan điều tra mới xoá sổ được đường dây mại dâm này.

Thái Thịnh


Trịnh Công Sơn: Thư tình gửi một người


26/01/2011 15:52:01

Ngày 1/4/2011, đúng mười năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi tạm để rong chơi chốn vĩnh hằng, bà Dao Ánh – người tình đầu tiên – một trong những người tình đã mãi mãi bất tử bằng những ca khúc của ông cho công bố hơn 300 bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi cho bà.

Trịnh Công Sơn đã nói tiếng yêu em bằng ngôn ngữ thật đẹp, là bản chúc thư ca ngợi tình yêu, là thân phận, là những dằn vặt triền miên về kiếp người. Người ta nói nghệ thuật là đời sống riêng biệt, hiếm hoi. Trong trường hợp này, dường như tình yêu đã làm nên những cảm xúc để từ đó ra đời những tình khúc huyền thoại để lại cho cuộc đời. Xin cảm ơn bà Dao Ánh và gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho phép Giai phẩm xuân Tân Mão Sài Gòn Tiếp Thị lần đầu tiên công bố những di bút rất riêng tư này.
 

Dao Ánh lần trở lại năm 1998. Ảnh: TLGĐ
Dao Ánh lần trở lại năm 1998. Ảnh: TLGĐ

Sau gần nửa thế kỷ, hơn ba trăm bức thư tình mới được chủ nhân của nó tiết lộ, hé mở phần sâu thẳm trong trái tim một nhạc sĩ tài hoa, gắn với một thời đoạn khai sinh những ca khúc bất hủ về tình yêu và thân phận...

25 tuổi, tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn đã chọn B'lao, một thị trấn chênh vênh giữa những tầng mây để sống như một kẻ ẩn dật, ôm theo mối tình si với người con gái xứ Huế mang tên Dao Ánh.

Bức thư đầu tiên anh gửi ngày 17/9/1964, với những lời mở đầu như một tiếng reo vui "Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh…". Nét chữ của anh hồi ấy nắn nót như những nốt nhạc: "Anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên-đàng-sương-mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích lấy nó đến bao giờ không thể. Ở đây có cái tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…".

B'lao bỗng hiển hiện thật rõ nét với hình ảnh một người đàn ông mơ mộng trầm tư ngày ngày chỉ có một niềm vui duy nhất là ra bưu cục đón nhận những bức thư. Anh viết về những ngày dài hoang vu, những buổi sáng thức dậy trong im lặng, những buổi tối trăng non… Anh gọi tên Dao Ánh không biết bao nhiêu lần trong thinh không… Anh dệt lên trong tâm tưởng một hình ảnh thật trinh nguyên, một Dao Ánh với "mái tóc thật dài, với tâm hồn lá non và tiếng cười hồn nhiên như một buổi sáng mùa xuân…". Bắt gặp đâu đó trong những cuộc hẹn hò bất thành của anh là những giận hờn, trách cứ như biết bao người đàn ông khác trong tình yêu. Nhưng trách cứ của anh sao mà dịu dàng, sao mà ngọt ngào, yêu thương.

 

Thủ bút Trịnh Công Sơn.
 

Những kỷ niệm đẹp nhất giữa hai người đã trở thành cái cớ cho những suy tư về thân phận, về chiến tranh, về tình yêu của Trịnh Công Sơn tuôn trào. Hay có lẽ cái khoảng cách vời vợi giữa một tình yêu quá mộng mị đã giúp anh soi rọi một cách trầm tĩnh nhất vào cái hố thẳm của riêng mình, để gọi tên những cảm xúc cho Phúc âm buồn, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Như cánh vạc bay, Chiều một mình qua phố… Dao Ánh còn giữ lại nguyên vẹn bản viết tay đầu tiên của Mưa hồng, Tuổi đá buồn với lời đề tặng "bản của Ánh đó". Suốt cả mùa hè năm 1965, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lơ lửng giữa sự sống và cái chết, với những cơn hôn mê trước giấc ngủ của một kẻ tuyệt vọng cùng cực. Những ca khúc phản chiến, kêu gọi hoà bình rúng động lòng người đã ra đời chính trong thời điểm này, như Ca dao mẹ, Lại gần với nhau, Người con gái Việt Nam da vàng... Những ca khúc tranh đấu quyết liệt để giành lại quyền sống, để được làm người.

 


Trịnh Công Sơn dạy tại B'lao chỉ ba năm, từ 1964 đến 1967, ba năm đều đặn với hơn ba trăm bức thư tình. Quả thật anh là người viết thư tình lãng mạn nhất của thời đại. Bức thư đầu tiên anh nói lời cảm ơn, và bức thư chia tay cuối cùng, anh cũng nói lời cảm ơn. Mỗi lá thư của anh như một đoản văn đầy chất thi ca, chứa đựng tâm trạng lo âu, dằn vặt triền miên về kiếp người, lòng tin vào những điều tốt đẹp đang dần mất đi trong cõi nhân gian. Đây thực sự là mảng văn chương ấn tượng trong cuộc đời nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, bên cạnh gia tài đồ sộ về âm nhạc của anh.

Năm 1993, Dao Ánh đã trở lại Việt Nam, và gặp lại Trịnh Công Sơn. Xin trả nợ người đã được anh viết liền một mạch vào đêm mùng ba tết năm ấy. Dưới bản nhạc anh viết tặng Dao Ánh là một tiếng thở dài đau nhói: "Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình…" Dao Ánh đã ly dị chồng ngay sau cuộc hội ngộ buồn bã này.

 

Thủ bút Trịnh Công Sơn.
Thủ bút Trịnh Công Sơn.

Những lời cuối cùng anh viết cho Dao Ánh là những ngày anh nằm trên giường bệnh. Anh không thể cầm bút được, nên phải đọc cho người bạn Sâm Thương viết giùm mình, và gửi qua email. Vẫn là những lời an ủi thật dịu dàng: "Ánh cố gắng tìm được những niềm vui nhỏ nhắn trong cuộc sống bình thường là quý giá lắm rồi. Chúc Ánh một cái tết thú vị dù chỉ một mình hay với người khác…".

Hơn bốn mươi năm đã qua, bao tao loạn, thăng trầm, chiến tranh liên miên, rồi lấy chồng, sang Mỹ... vậy mà Dao Ánh vẫn cất giữ nguyên vẹn những bức thư tình, những chiếc phong bì, kể cả từng chiếc lá dã quỳ anh ép trong thư, cả những giọt nến anh đốt lên để viết tên chị... Nhưng có một điều ít ai biết, là lúc đó Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm (nhân vật của Diễm xưa), chỉ mới… mười lăm tuổi.

 


Không ít người thắc mắc tại sao đến giờ này, Dao Ánh mới chịu công bố những bức thư tình. Chính chị đã phải trải qua những ngày dài đắn đo, nên mười năm sau ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta mới được chiêm ngưỡng nó. Trong thư gửi Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, Dao Ánh viết: "Hãy nghĩ về anh Sơn không phải chỉ để dành riêng cho một con người, một gia đình, một thành phần cụ thể nào cả… Dù cho mình có yêu thương anh Sơn thế nào đi nữa thì anh đã là một vĩ nhân rồi, và theo hướng nhìn đó anh đã là của tất cả mọi người. Dao Ánh đã tập nghĩ cho mình như thế, để có thể giao phó tập thơ này cho gia đình xuất bản, như một món quà để lại cho thế hệ đời sau và văn chương Việt Nam…".

 

 

 

Bà Dao Ánh chụp chung cùng gia đình nhạc sĩ trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Vũng Tàu năm 2008. Ảnh: Nguyệt Vy
Bà Dao Ánh chụp chung cùng gia đình nhạc sĩ trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn ở Vũng Tàu năm 2008. Ảnh: Nguyệt Vy


Nhà thơ Nguyễn Duy, người được gia đình Trịnh Công Sơn tin cậy giao phó việc biên tập và xuất bản tác phẩm Thư tình gửi một người, thổ lộ: "Đọc hết ba trăm hai mươi bức thư tình, tôi gần như choáng váng. Cảm ơn những người tình như Dao Ánh đã biết gìn giữ tình yêu của anh Sơn trong bốn mươi sáu năm qua, tức là gần nửa thế kỷ. Dao Ánh vừa là một tình yêu rất cụ thể, đồng thời là một tình yêu biểu tượng. Một tình yêu cụ thể đã chấm dứt, nhưng biểu tượng tình yêu thì bất tử với thời gian…".

    
 

B'lao, Ngày 25/Mars/1967

Bây giờ đã quá khuya, chương trình chuyên đề về tình yêu còn để lại một vị đắng rất mỏng. Mọi người cũng đã ngủ từ lâu và anh cũng phải quyết định một lần cho Ánh lẫn cho anh. Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở ra cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Cho đến phút này anh vẫn cảm thấy chỉ riêng mình anh đã sống thật hồn nhiên trong tình yêu đã qua.

"Chúng mình chấm dứt tình yêu đó ở đây"

Hãy xem mọi lầm lỗi đều ở anh cả và sau quyết định này là một lối ngỏ thênh thang trên đó Ánh hãy đi vào những phiêu lưu mới đừng ăn năn, đừng băn khoăn gì cả. Tất cả đã rõ như một khoảng trắng. Cũng đành vậy thôi.

Bà Ngô Vũ Dao Ánh lần trở lại mười năm sau. Ảnh: Nguyệt Vy
Bà Ngô Vũ Dao Ánh lần trở lại mười năm sau. Ảnh: Nguyệt Vy
Anh đã nhìn tình yêu ở một độ cao nhất của thuỷ triều. Quyết định như không thuộc về anh. Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được. Để vĩnh biệt nhau trong tình yêu đó anh chỉ muốn khuyên Ánh, trong tương lai hãy tự tin hơn và bớt suy tính.

Anh đã bất lực không cứu vãn gì được cho tình yêu của mình. Thêm một lần đánh mất và thất lạc những vàng son.

Đã viết quá dài ngoài ý muốn nhưng nói một lần mà cho tất cả về sau.

Cầu mong thật nhiều bình an cho Ánh và đời đời hạnh phúc trong những dự tính mới ở tương lai.

Thân yêu

Trịnh Công Sơn

TIN LIÊN QUAN


(Theo Sài Gòn Tiếp Thị xuân Tân Mão)


Trong mứt có thuốc


27/01/2011 10:29:43

Mứt là món ăn không thể thiếu trong ba ngày tết. Trước đây chỉ có chừng chục loại nhưng ngày nay mứt tết rất phong phú, từ các loại rau, củ như khoai lang, bí đao, gừng... đến các loại quả như đào, lê, mận, táo, dâu, kiwi...

TIN LIÊN QUAN


Mứt có lợi cho sức khỏe

Các loại chế biến thành mứt phần lớn là các vị thuốc.

1. Mứt gừng: tác dụng làm ấm tì vị, chống nôn, giải độc, chữa ho.

2. Mứt tắc: giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, chống nôn, giải độc rượu.

3. Mứt sen: an thần, giảm stress, chống suy nhược.

4. Mứt hồng: chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm.

5. Mứt khoai lang: nhuận trường, chống táo bón.

6. Mứt dừa: nhuận trường.

7. Mứt me: giải khát, kích thích tiêu hóa, nhuận trường.

8. Mứt cà chua, cà rốt: giúp sáng mắt, ngừa ung thư tuyến tiền liệt.

Đây là các thực phẩm dinh dưỡng vì chứa nhiều thành phần hoạt chất tốt cho cơ thể như đường, bột, đạm, axit hữu cơ, vitamin và khoáng tố. Đặc biệt hơn là các nhóm chất hữu cơ có tác dụng chống oxy hóa tế bào, tăng cường thải độc cho cơ thể.

 

Tuy nhiên mứt tết không ngon và không có lợi khi:

- Quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, béo phì.

- Một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi... sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian đun nấu quá lâu làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.

- Do đường nhiều nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi, vì vậy không tốt khi dùng cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ.

- Ăn nhiều mứt dễ sinh đầy bụng và làm mất cảm giác đói, do đó hạn chế sự hấp thu trong hai bữa ăn chính.

- Một số cơ sở sản xuất không hợp vệ sinh có thể gây nhiễm khuẩn, làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa.

- Quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn dễ sinh nấm mốc.

- Một số loại rau củ quả có tác dụng thanh nhiệt làm mát nhưng sau khi chế biến thành mứt sẽ có tác dụng ngược lại, gây nội nhiệt hoặc phát sinh mụn nhọt do chất ngọt quá cao.

Tốt nhất không nên ăn quá nhiều mứt. Nên ăn thêm các loại trái cây tươi trong những ngày tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu...; các loại hạt ngũ cốc hoặc hoa như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều...

(Theo DS Lê Kim Phụng)


Tiêu hủy 2 tấn mứt có chất tẩy trắng công nghiệp


27/01/2011 10:52:12

 - BS Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM chiều 26/1 cho biết, thanh tra Sở đã đình chỉ kinh doanh đối với hộ kinh doanh Trường Thọ (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) do sản phẩm mứt bí hiệu Trường Thọ có sử dụng hóa chất tẩy trắng công nghiệp.

TIN LIÊN QUAN


Kết quả xét nghiệm cho thấy, mẫu mứt của cơ sở cho thấy hàm lượng Na2SO4 lên đến 1.905,2mg/kg (đây là hóa chất không được phép có trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế). 

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã tịch thu, tiêu hủy 2,4 tấn mứt bí bán thành phẩm; buộc cơ sở thu hồi và lên phương án tiêu hủy đối với sản phẩm đã xuất bán không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng tạm đình chỉ kinh doanh đối với Hộ kinh doanh Tân Hồng Phát (phường 8, quận 11, TP.HCM) do có sử dụng hóa chất tẩy trắng công nghiệp trong sản xuất mứt. Mẫu mứt bí sản xuất ngày 9/1/2011 và mứt củ năng sản xuất ngày 22/12 của cơ sở có hàm lượng Na2SO4 .

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM  đã buộc cơ sở này thu hồi và lên phương án tiêu hủy đối với những lô mứt sản xuất không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối với những lô mứt còn lại, yêu cầu cơ sở tạm ngưng xuất bán mứt cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh.

Thanh Thủy


Sắm xe hơi đi ruộng


27/01/2011 13:25:24

Trong ánh nắng chiều vàng rực, chiếc Huyndai Sonata 2010 đen bóng chậm rãi bò trên những bờ đất gồ ghề của dây ruộng rộng 130ha, lúa vụ ba chín vàng đang thu hoạch ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang. 

Ông Đặng Văn Hiện (Tư Hiện, chủ trang trại Anh Huy) điệu nghệ xoay tay lái, đưa chiếc xe hơi đời mới len lách qua những đống đất bùn lổn nhổn do mấy chiếc máy kéo đang chở lúa từ ruộng vào kho làm rơi vương vãi, ôm ngọt những khúc cua tay áo của bờ ruộng, cười nói: "Chiếc xe này chạy êm thiệt, trị giá gần 1 tỉ đồng đó".

Hai lúa đời mới


Ông Tư Hiện nhà ở thị xã Châu Đốc, quê gốc Sài Gòn, mười năm trước đang làm công chức ở Tịnh Biên thì xin nghỉ, vô Lương An Trà mua 130ha đất trồng tràm. Chưa thu hoạch được cây tràm nào thì đám rừng sáu năm tuổi bị cháy rụi, mất trắng gần 3 tỉ đồng. Gom hết vốn liếng, cầm cố nhà cửa, chủ quyền đất, ông Hiện đầu tư gần chục tỉ đồng thuê người móc hết gốc tràm, san bằng mặt đất, xây đê bao khép kín để theo nghề trồng lúa, dù lúc đó miếng  đất của ông tới mùa khô thì nước phèn đỏ bầm, đặc quánh như trà quạu.

 

Ông Tư Hiện chạy chiếc Huyndai Sonata 2010 trị giá gần 1 tỉ đồng đi xem công nhân thu hoạch lúa vụ ba 2010.
Ông Tư Hiện chạy chiếc Huyndai Sonata 2010 trị giá gần 1 tỉ đồng đi xem công nhân thu hoạch lúa vụ ba 2010. Ảnh: SGTT

 

Đậu chiếc xe đời mới trên bờ mẫu, ông Hiện lội xuống ruộng, đi theo mấy chiếc máy gặt đập liên hợp đang chạy rào rào cắt lúa vụ ba, hào hứng nói: "Bây giờ đất vẫn còn phèn, vốn đầu tư chưa thu hồi hết , nhưng tôi đã làm được ba vụ lúa/năm, năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm. So với những vùng khác thì năng suất lúa chưa cao, nhưng đất đang thuần hóa, tương lai năng suất lúa sẽ còn tăng".

"Suy đi tính lại, tôi quyết định mua xe hơi, vừa làm phương tiện mỗi tuần chạy hơn 40 cây số về thăm vợ con ngoài Châu Đốc, vừa chạy vòng vòng trên bờ mẫu coi máy móc cày xới, bừa trục, đến mùa thu hoạch thì chạy theo giám sát máy gặt đập liên hợp cắt lúa", ông Hiện kể. "Có chiếc xe tiện lắm. Đi từ trang trại về thăm nhà không còn cảm giác bất an như khi đi xe gắn máy. Chiều cuối tuần về nhà chở vợ con đi chơi chỗ này chỗ kia, thăm thú nội ngoại bằng xe đẹp, ghi dược điểm mười sau cả tuần quần quật đầu tắt mặt tối ngoài đồng ruộng. Quan trọng hơn, từ khi tự lái xe hơi đi quan hệ giao dịch làm ăn, tôi thấy mọi người không còn xem thường như trước".

Không phải để khoe của

Ở Tri Tôn, hình ảnh mấy ông chủ trang trại sáng sáng chạy xe hơi đời mới đi uống cà phê, quan hệ giao dịch với ngân hàng, các cơ quan của huyện đã khá quen thuộc. Ông Trần Văn Mì, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, nói phong trào khởi phát hồi năm 2007, tới nay toàn huyện đã có hơn chục ông chủ trang trại có xe hơi riêng, trong đó riêng xã Lương An Trà đã có bốn người. "Toàn huyện đang có hơn 1.000 trang trại làm ăn có hiệu quả. Hôm nọ, trong một buổi họp, tôi nghe nhiều ông chủ trang trại bàn bạc sang năm 2011 sẽ mua xe hơi. Nếu các chủ trang trại của huyện đều có xe hơi, bộ mặt nông thôn Tri Tôn sẽ tươi tắn", ông Mì nói.

Ông Nguyễn Lợi Đức (Sáu Đức), chủ trang trại trồng lúa rộng hơn 100ha ở xã  Lương An Trà, là nông dân sắm xe hơi đầu tiên của huyện, chiếc Honda Accord giá hơn 170 triệu đồng. Bây giờ vẫ chạy chiếc Honda Accord, ông Sáu Đức nói, chiếc xe là phương tiện rất đắc lực của nhà nông.

"Mấy ông nông dân sắm xe hơi đi ruộng không phải để khoe của. Phần lớn chủ trang trại đều có ruộng đất xa nơi ở, ngoài làm ruộng họ còn buôn bán lúa giống, vật tư nông nghiệp, di chuyển, giao dịch làm ăn nhiều, nên chiếc xe hơi rất cần thiết. Nhưng điều quan trọng nhất là đi xe hơi an toàn cho tính mạng, bởi nói thật lòng là hiện nay chúng tôi rất ngại chạy xe gắn máy ra đường vì giao thông vùng nông thôn ngày càng hỗn loạn, tai nạn xảy ra liền liền, thấy sợ quá", ông Sáu Đức cho biết.

Nhưng cả ông Tư Hiện và ông Sáu Đức đều cho rằng nếu mọi người nghĩ hiện nay làm ruộng sắm được xe hơi là lầm to. "Trồng lúa một năm ba vụ, diện tích hơn trăm hecta nhưng không thể có lời tới mức sắm được xe hơi trong hoàn cảnh người nông dân thường xuyên lỗ lã dù trúng mùa. Tiền sắm xe là vốn liếng tích cóp từ nhiều năm vừa làm ruộng vừa kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, lúa giống và làm nhiều nghề khác. Nhưng tôi nghĩ, nếu thị trường lúa gạo ổn định, không còn cảnh được mùa, mất giá nhiều năm liền, thì chuyện những người trồng lúa quy mô lớn tích lũy được đồng lời để sắm xe hơi đi thăm ruộng là không khó", ông Sáu Đức nói.

Trong khi đó, ông Tư Hiện cho rằng, nếu đời sống nhà nông khá lên, ngày càng có nhiều nông dân tự lái xe hơi đi thăm ruộng, quan hệ giao dịch làm ăn, thì đó là một hình ảnh rất đẹp trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xứ lúa miền Tây.

(Theo Hùng Ảnh - SGTT Tết 2011 )


Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty