- Tôi nghĩ rằng đồng thuận không chỉ là đồng ý kiến, quan trọng hơn và đúng hơn phải hiểu là đồng mục đích - TS Lê Kiên Thành bày tỏ quan điểm.
>> Loạt bài Đóng góp ý kiến cho Đại hội Đảng XI
Nhiều nguyên lý công bằng không đúng
|
TS Lê Kiên Thành: Dường như chúng ta vẫn sợ ý kiến trái chiều của nhân dân. Ảnh: Thanh Nga |
Thưa ông, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI sẽ được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các đảng bộ cơ sở và nhân dân. Là một đảng viên quan tâm đến sự kiện này, điều ông mong muốn ở các văn kiện là gì?
Cho dù chỉ là một đảng viên bình thường, không nói được điều gì to tát nhưng tôi nghĩ mỗi lần ĐH Đảng là một thời điểm tổng kết những gì đã làm được trong những nhiệm kỳ qua, đặt ra hướng mới cho tình hình phát triển của đất nước trong khoảng thời gian tới.
Trong các văn kiện sắp tới này, tôi mong muốn ít nhất có gì đó mang tính chất cộng sản, chỉ ra một mục tiêu thể hiện được ý chí của người cộng sản.
Như vậy mới rõ được là nước ta khác với các nước khác, còn nếu đọc một văn kiện mà cũng chỉ từng đấy chỉ tiêu thì không rõ nét.
Trong không khí mà mọi người nói nhiều đến Đổi mới, dường như câu nói của tôi có vẻ là bảo thủ. Nhưng tôi không nghĩ như vậy.
Chúng ta có thể đặt một mục tiêu mặc dù đất nước còn nghèo nhưng đảm bảo chắc chắn rằng những trẻ em đến độ tuổi đi học ở khắp mọi nơi được đến trường học.
Có làm được chuyện đó hay không? Tôi tin chắc rằng với ý chí của người cộng sản thì có thể làm được.
Điểm thứ hai mà tôi muốn nói ở đây, đó là chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng, thế nhưng có rất nhiều nguyên lý công bằng không đúng.
Một tổng giám đốc công ty của nhà nước lương một tháng có thể đến cả trăm triệu đồng, trong khi một đại tá trong quân đội lương chừng 7 triệu đồng/tháng.
Tôi không phê phán người lĩnh lương một trăm triệu đồng, bởi họ không nghĩ ra được cơ chế đó. Mà cơ chế đó là do chính chúng ta "đẻ" ra và chấp thuận.
Tổng giám đốc chịu trách nhiệm kinh doanh và quản lý tài sản của một công ty, người đại tá đang gìn giữ một hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta đang duy trì một sự công bằng nào đây?
Chúng ta nói nhiều đến việc chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân nhưng dường như nhiều khi còn chung chung, trừu tượng.
Chỉ sợ khi không đủ lý lẽ
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 12, Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Người dân cũng đang mong chờ một không khí nói thẳng, nói thật, trung thực với chính mình, dám đối diện với những vấn đề còn tồn đọng và bức xúc của cuộc sống, kể cả các vấn đề lâu nay vốn được cho là nhạy cảm. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ rằng "nhạy cảm" ở đây, nếu quả thực là những vấn đề nhạy cảm thật, có nghĩa là cuộc sống đòi hỏi thật, chẳng làm sao mà né tránh được, bởi đó là bức bách của cuộc sống thật.
|
"Trước đây, văn kiện của Đảng thường đi trước thực tế". Ảnh: Thanh Nga |
Chúng ta dường như vẫn sợ những ý kiến trái chiều của nhân dân. Nhưng ta phải suy nghĩ lại, có phải thời điểm ban đầu khi Đảng bắt đầu hoạt động chúng ta chỉ có một nhóm người.
Còn bây giờ chúng ta có đầy đủ tất cả những cơ hội mà hơn nữa còn cả sau lưng thành tựu của Đảng Cộng sản. Chúng ta đánh đuổi được Pháp, đánh đuổi được Mỹ… thống nhất được đất nước. Thế chúng ta còn sợ gì?
Hồi xưa, chúng ta đi tuyên truyền mới chỉ là truyền đơn, mới chỉ nói vào tai người ta thôi, nhưng chính sự hy sinh của những người làm cách mạng đã làm cho quần chúng hiểu được chính nghĩa của mình.
Chẳng lẽ bây giờ chúng ta lại sợ một vài người nói trái chiều? Chúng ta chỉ sợ khi không đủ tự tin, không có đủ lý lẽ để thuyết phục.
Chúng ta vẫn luôn coi trọng việc tạo ra được sự đồng thuận nhưng theo tôi, đồng thuận không chỉ là đồng ý kiến. Quan trọng hơn và đúng hơn là đồng mục đích.
Có thể có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, nhưng vẫn chung một mục đích lớn, đó là sự đồng thuận chứ không phải khác ý kiến nhau là không đồng thuận.
Độ chênh giữa văn kiện với thực tế
Là một đảng viên đang điều hành doanh nghiệp, ông có cảm nhận gì về những tác động từ các văn kiện khi đi vào đời sống, cụ thể hơn là hoạt động kinh doanh của mình?
Tôi nghĩ là có ảnh hưởng rất lớn. Ví dụ như tôi là đảng viên làm kinh tế tư nhân nhưng phải sau 10 năm chúng ta mới chấp nhận điều đó.
Đó là ảnh hưởng từ các văn kiện của Đại hội Đảng, từ thời điểm manh nha cách đây 10 năm cho đến Đại hội X vừa rồi mới công nhận lại chuyện đó một cách khó khăn chứ không phải dễ dàng.
Tôi cho rằng đây là độ chênh nó rất lớn, chưa thể hiện được sự lãnh đạo nhạy bén của Đảng.
Nó khác với trước đây, khi những văn kiện của Đảng thường đi trước thực tế và quần chúng phải cố gắng phấn đấu theo hướng đó.
Còn bây giờ, có rất nhiều điều mình lại hợp thức hóa thực tế, hợp thức hóa những điều làm trong cuộc sống đã tồn tại rất lâu rồi.
Nhưng nói đến sự lãnh đạo là nói đến sự đòi hỏi cao hơn. Tức là phải hướng đến điều mà thực tế sẽ phải đi theo. Tất nhiên cũng sẽ có những điều chỉnh trong thực tế nhưng không thể trì hoãn lâu như thế.
Tôi nghĩ người lãnh đạo của đất nước nào cũng cần phải có trình độ xuất chúng, có đạo đức và phong cách tiêu biểu. Những người lãnh đạo cộng sản chắc chắn phải có đức hy sinh và lòng yêu nước vô tận.
Chúng ta đã có những con người đó nên chúng ta đã từng làm nên những điều kỳ diệu.