Thế chấp sổ đỏ để vay tín dụng đen, ít nhất 2 gia đình tại Hà Nội đang có nguy cơ mất nhà. Nguyên nhân là trùm tín dụng đen đem sổ đỏ vay ngân hàng đang bị truy nã, nhà băng quyết định bán đấu giá tài sản của họ. |
Tháng 5/2010, công an thu giữ hàng trăm đồng xèng (100 USD mỗi đồng) tại nhà riêng Hà Thùy Linh, người đem sổ đỏ của các nạn nhân thế chấp ngân hàng. Ảnh: An ninh thủ đô. |
Ngày 1/11/2011, một cán bộ chi nhánh Navibank tên Minh thông báo với vợ chồng ông Lợi - bà Oanh rằng nhà băng này đã hoàn tất thủ tục bán đấu giá căn nhà. "Chúng tôi chưa từng chuyển nhượng hay thế chấp nhà cửa cho ngân hàng để vay tiền, mà chỉ đưa sổ đỏ cho Linh. Giờ Linh bị bắt, vụ việc chưa biết ra sao mà nhà đã thông báo sẽ đem ra bán đấu giá, chúng tôi sắp mất nhà mà không biết kêu ai", bà Oanh bức xúc.
Sau đó, ngày 19/11/2011, Navibank gửi tiếp một thông báo với nội dung gia đình ông Lợi - bà Oanh "đang cư trú trên tài sản không thuộc quyền sở hữu" và phải di chuyển người và tài sản ra khỏi căn nhà chậm nhất vào 24/11 để nhà băng tiến hành bán đấu giá.
Trong đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng, cặp vợ chồng này cho biết, chính chị Minh, nhân viên Navibank cũng thừa nhận ngân hàng sai. "Các cán bộ đã bị kỷ luật rồi" và chị "chỉ là người đi giải quyết hậu quả". "Chúng tôi đã đề nghị ngân hàng cung cấp các giấy tờ liên quan làm cơ sở ngân hàng bán nhà, nhưng họ không cung cấp", bà Oanh cho biết. Đến trưa 25/11, bà Nguyễn Thị Oanh cho biết, chưa có nhân viên hay cán bộ Navibank đến để bán đấu giá căn nhà như trong thông báo.
Tương tự, ông Bùi Đình Hồng- bà Nguyễn Thị Khơi (số 02, tập thể Cục Quân y, tổ 19, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng nhận được thông báo của Navibank về việc bán đấu giá nhà trên diện tích đất 46,9m2 ở ngõ 726, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tháng 4/2009, ông Hồng - bà Khơi cho bà Nguyễn Thị Tốt mượn số đỏ để vay Hà Thùy Linh 1,5 tỷ đồng. Ngay sau đó, Linh sử dụng sổ đỏ này sang tên Hà Thùy Linh (vào ngày 7/4/2009) để vay Navibank 1,8 tỷ đồng.
Tháng 7/2010, Navibank khởi kiện Linh ra Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng để giải quyết khoản nợ. Tòa án đã triệu tập bị đơn là gia đình ông Hồng - bà Khơi - bà Tốt để giải trình đồng thời đình chỉ việc giải quyết vụ án vì người liên quan là Hà Thùy Linh đã bỏ trốn.
Nhưng vào ngày 1/11/2011, nhân viên ngân hàng đến nhà bà Khơi thông báo đã hoàn tất thủ thục bán đấu giá nhà mà chưa có phán quyết của tòa án hoặc thẩm định tài sản thế chấp.
Trong khi đó, theo quy trình, ngân hàng bắt buộc phải thẩm định tài sản thế chấp, trước khi quyết định giải ngân. Theo khẳng định của chủ các ngôi nhà nói trên, trong suốt thời gian vay tiền của Hà Thùy Linh, họ chưa thấy nhân viên ngân hàng đến làm việc hay kiểm tra nhà đất.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Hữu Thành, Giám đốc Navibank chi nhánh Hà Nội cho biết ngân hàng đã tiến hành thủ tục phát mãi đúng quy định, với hồ sơ đứng tên Hà Thùy Linh. Việc không cung cấp giấy tờ và hồ sơ khi các gia đình ông Lợi- bà Oanh, ông Hồng- bà Khơi yêu cầu, là vì ngân hàng không có trách nhiệm phải cung cấp cho họ. "Chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra, nếu được yêu cầu. Và đương nhiên phải có đầy đủ giấy tờ, chúng tôi mới tiến hành bán đấu giá tài sản", ông Thành cho biết.
Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Công ty luật Song Thanh (Hà Nội) phân tích, việc ngân hàng bỏ qua khâu thẩm định tài sản thế chấp trong quá trình làm hợp đồng tín dụng là sai nguyên tắc. Chính điều này khiến cho ngân hàng không biết chủ sở hữu cũng như người sử dụng mảnh đất nói trên chính xác là ai vì chỉ làm việc với Hà Thùy Linh trên giấy. Ngoài ra, theo Luật đất đai, trong trường hợp tài sản có tranh chấp (hiện nay là giữa Hà Thùy Linh với các gia đình nói trên), tòa án là cơ quan đứng ra giải quyết.
Theo luật sư Bình, việc ngân hàng không cung cấp giấy tờ liên quan cho các gia đình là sai luật vì họ là chủ sử dụng thực tế trên diện tích nhà đất nhiều năm nay và đang giữ bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên họ. Muốn yêu cầu họ trả tài sản, Navibank phải đưa ra cơ sở để chứng minh việc làm của ngân hàng là đúng.
"Cần cơ quan có thẩm quyền giải quyết để làm rõ trắng đen. Ngân hàng không thể đuổi người dân ra khỏi nhà ở hợp pháp của họ khi chưa có phán quyết của cơ quan pháp luật", luật sư này khẳng định.
Tuệ Minh