SGTT.VN - "Gói hỗ trợ 29.000 tỉ đồng tung ra với những giải pháp đi kèm không thực sự cứu vớt được doanh nghiệp. Không sản xuất thì không có việc làm, không việc làm thì không thu nhập, không thu nhập thì không có tiền mua sắm… Doanh nghiệp chết thì nền kinh tế cũng chết theo". TS Bùi Kiến Thành đã chia sẻ cùng Kienthuc.net.vn.
Doanh nghiệp đang giãy chết mới cần cứu
Theo đánh giá của ông thì gói giải pháp 29.000 tỉ đồng có giúp vực dậy được các doanh nghiệp?
TS Bùi Kiến Thành. |
TS Bùi Kiến Thành: Hiện doanh nghiệp đứng trước tình trạng khó khăn: Không tiếp cận được nguồn vốn vay, lãi suất quá cao, hàng hóa đắp chiếu, máy móc ngừng hoạt động, công nhân thất nghiệp... Vấn đề là phải tạo điều kiện và môi trường cho doanh nghiệp phát triển vững vàng đi lên. Lúc này, chính sách tiền tệ phải đứng hàng đầu.
Gói giải pháp là cần thiết, nhưng cách làm cụ thể thì tôi không đồng tình. Ví dụ như cho phép doanh nghiệp được giãn thời gian nộp thuế VAT từ tháng 4 - 12 mới phải nộp. Thực sự điều này không giúp được nhiều cho doanh nghiệp. Cái doanh nghiệp cần là hàng tồn kho quá nhiều, phải có giải pháp tiêu thụ.
Về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp thì sao thưa ông?
Bất hợp lý. Bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn có lãi để mà nộp thuế? Doanh nghiệp đang giãy chết là bao nhiêu? Số doanh nghiệp xin giải thể tăng gấp mấy lần năm vừa rồi. Việc giảm 30% thuế không thể giúp các doanh nghiệp đang cần giải cứu. Doanh nghiệp còn có khả năng đóng thuế là họ đã làm ăn kha khá rồi, họ đâu cần giải cứu.
Vậy làm thế nào để giải cứu doanh nghiệp?
Nhà nước phải cần giúp họ ổn định sản xuất kinh doanh để phát triển. Gói cứu trợ có thể hiểu là mình đã bị tai nạn rồi, giờ mình mới đem ra để cứu chữa. Không nên để người ta bị bệnh rồi mới cho uống thuốc. Phải có giải pháp giúp họ không bệnh, khoẻ để làm việc và đóng thuế cho nhà nước. Để người ta chết rồi mới đem tiền đến viếng thì không hiệu quả.
Cứu doanh nghiệp: Không cần một xu!
Ý ông là gói giải pháp này chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả?
Tổng thể các giải pháp ước khoảng 29.000 tỉ đồng. Nhưng nó chưa đưa ra được giải pháp căn cơ nhất. Nhưng theo tôi, Chính phủ không cần phải dùng một xu nào mà vẫn có thể cứu nền kinh tế. Ngược lại Ngân hàng nhà nước có thể thu được lợi nhuận về cho ngân sách.
Bằng cách nào thưa ông?
Ngân hàng nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3 - 4% để các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 7 - 8%. Không dựa vào vốn huy động của hệ thống ngân hàng thương mại với lãi suất 15% như hiện nay. Chính phủ không tốn đồng xu nào mà ngân hàng trung ương còn thâu tóm được 3 - 4% lãi suất từ ngân hàng thương mại.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước lấy đâu ra tiền để cho vay?
Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương để điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định bền vững, không gây ra lạm phát hay thiểu phát.
Cùng với trách nhiệm điều tiết lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển bền vững, ngân hàng trung ương có quyền phát hành giấy bạc, tiền tệ, tín dụng để đảm bảo lưu lượng tiền tệ cần thiết cho nền kinh tế phát triển. Thế nên, tiền ở trong tay ngân hàng trung ương.
Khi đó phải làm thế nào để không xảy ra lạm phát thưa ông? Hẳn là không thể thích in bao nhiêu tiền cũng được?
Một nhà máy chế biến cá tra tại Cụm công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ) đã ngưng hoạt động từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Lạm phát là khi trong nền kinh tế có quá nhiều tiền lưu thông, nhiều phương tiện thanh toán chạy theo một số lượng hàng hóa có hạn.
Tăng trưởng tín dụng của ta hiện nay không được vượt quá 17% so với năm trước. Giảm vấn đề tăng tín dụng để hãm lưu lượng tiền tệ khỏi sinh ra lạm phát. 17% trong tổng lượng tín dụng của Việt Nam hiện nay khoảng 2 triệu 2 trăm ngàn tỷ đồng thì tính ra khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng.
Trong hạn mức 400 nghìn tỷ đồng này, Ngân hàng trung ương có thể dành 200 nghìn tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay để sản xuất kinh doanh. Còn ngân hàng thương mại vẫn được quyền huy động lãi suất trong dân đến 17% để cho vay lĩnh vực tiêu dùng có thể chấp nhận mức lãi suất cao. Với hạn mức đã định, khống chế tăng trưởng tín dụng, thì không thể lạm phát được.
Nhưng làm thế nào để kiểm soát đúng đối tượng được vay?
Phải cho vay đúng mục tiêu chứ không cho vay theo đối tượng. Vay tiền phải có dự án khả thi. Ngân hàng phải giám định từng dự án một để mà cho vay đúng theo mục tiêu của chương trình. Anh nào vi phạm thì phải chịu trách nhiệm về dân sự và hình sự. Việc đó không có gì là khó cả.
Theo ông thì những người đứa ra gói giải pháp có biết điều này không?
Có lẽ phải hỏi Ngân hàng Nhà nước.
Ông có bao giờ đề đạt ý kiến này của mình?
Tôi có nói, nhưng họ cho rằng điều kiện ở Việt Nam mình khác nên chưa thể áp dụng được. Có lẽ là những người có trách nhiệm không hiểu, hoặc hiểu nhưng không dám trình bày ý kiến của mình.
Một vế của nền kinh tế bị chết
Chỉ số giá tiêu dùng quý 1 năm nay được công bố gần như không tăng, ở mức 0,05%, tức là giá cả không tăng, nhưng vì sao không ai vui?
Hàng hóa không có ai mua thì giá cả nó đâu thể tăng được. Làm sao mà vui được. Xưa thấy cái ti vi mới đẹp là mua về để chơi, bán hoặc cho đi ti vi cũ. Nhưng giờ thì không. Từ cái nồi cơm điện đến cái quạt người ta cũng hạn chế mua. Các siêu thị điện máy ế ẩm...
Dường như khó khăn đã ảnh hưởng đến từng cá nhân trong xã hội?
Đúng vậy, thay vì mua những thứ người ta thích thì người ta chỉ mua những thứ mình cần.
Từ trước đến giờ, đã khi nào xuất hiện những giai đoạn kinh tế khó khăn tương tự như hiện nay chưa thưa ông?
Có. Nhưng không nguy hiểm như bây giờ.
Vậy tình huống xấu nhất của thực trạng kinh tế này có thể là gì?
Tổng sản phẩm quốc nội sẽ thấp, kinh tế đình đốn, không có sản xuất...
Theo ông, khi nào chúng ta có thể hy vọng nhìn thấy một bức tranh kinh tế sáng sủa hơn?
Đến khi nào mà cái đà phá sản của doanh nghiệp được phanh lại, doanh nghiệp bắt đầu làm ăn được. Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa, tạo ra việc làm, việc làm tạo ra thu nhập. Kinh tế là sản xuất và tiêu dùng chứ có gì đâu. Giờ anh sản xuất bị kẹt chết thì một vế của nền kinh tế bị chết.
Xin cảm ơn ông!
Năm 2009, Chính phủ cũng đã đưa ra gói cứu trợ 20 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 4% lãi suất cho doanh nghiệp. Khi đó, lãi suất trên thị trường là 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước (lãi suất cơ bản lúc đó là 8%). Nhà nước trả 4% đó cho ngân hàng giúp doanh nghiệp. Sau 2 năm thì tăng trưởng tín dụng lên đến hơn 60%, lạm phát bùng phát. Năm 2010 ta mới hoảng hồn về lạm phát, đến 2011 mới thực hiện kiềm chế lạm phát. Gói cứu trợ này ảnh hưởng đến nền kinh tế ở chỗ không cho vay theo dự án mà cho vay theo đối tượng. Người ta vay về mà không có nghĩa vụ phải dùng đồng tiền đó vào việc gì, mà nó là vốn lưu động nên họ làm gì cũng được. Một số công ty cho vay lại với lãi suất đến 15 - 16%. Thế nên nó mới tạo ra biết bao nhiêu dự án nhà mọc lên xây mọc lên nhan nhản rồi để đó. |
Tô Hội ( Kiến Thức.Net )