Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra dự đoán, năm nay lượng kiều hối của kiều bào từ nước ngoài chuyển về cho gia đình ước tính lên tới khoảng 8 tỉ đôla, số lượng này cũng xấp xỉ năm ngoái.
Và trên thế giới, cộng đồng người Việt sinh sống tại Hoa kỳ đông thuộc vào hàng thứ nhất, thì những khoản tiền họ gởi về cho gia đình trong nước cũng chiếm một tỉ lệ khá lớn. Tuy nhiên, trong thời buổi khó khăn về kinh tế như ở Mỹ hiện nay, liệu việc gởi tiền về Việt Nam cho thân nhân có bị ảnh hưởng gì không. Quỳnh như tìm hiểu vấn đề này qua một số đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền ở Hoa kỳ.
Lượng kiều hối ngày một tăng
Trong nỗ lực thu hút nguồn ngoại tệ mạnh vào Việt Nam, kiều hối luôn được xác định là một nguồn lực phát triển kinh tế quan trọng, đôi khi vượt lên cả đầu tư nước ngoài. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2000 lượng tiền chuyển về Việt Nam chỉ mới đạt hơn 1 tỉ đôla, con số này cứ tiếp tục tăng. Trong vòng 5 năm trở lại, trung bình mỗi năm là 6,5 tỉ đô la, và dự kiến trong năm nay lượng kiều hối sẽ lên đến khoảng 8 tỉ đôla.
Trên thực tế, số tiền xấp xỉ 8 tỉ đô la này mới chỉ là lượng tiền chuyển về thông qua các cơ quan chính thức trung chuyển kiều hối như ngân hàng, hay các tổ chức chuyển tiền, và còn không ít người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về Việt Nam qua các con đường không chính thức khác như thông qua những người về thăm gia đình chuyển về làm quà.
Ông Trần Xuân Huy, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Saigon Thương tín (Sacombank) cho hay, trong sáu tháng đầu năm 2011, lượng kiều hồi chuyển qua Sacombank lên đến 800 triệu đô la, tăng 3% so với cùng thời gian này năm ngoái.
Tổng Giám đốc Sacombank cũng lạc quan hy vọng năm nay, ngân hàng của ông sẽ đạt doanh thu khoảng 10 tỉ đồng nhờ các dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam cho thân nhân, so với năm trước con số này chỉ ở mức từ 3 đến 4 tỉ đồng.
Tiệm vàng cũng là nơi mua bán, trao đổi ngoại tệ. AFP photo
Các ngân hàng khác như Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Á Châu ACB, ngân hàng Đông Á, … đều cho hay số lượng kiều hối chuyển qua hệ thống ngân hàng của họ tăng liên tục trong thời gian qua, và năm nay dự kiến sẽ tăng hơn so với năm 2010.
Phó Giám đốc Chi nhánh của một ngân hàng Thương mại Cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
"Trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp cởi mở hơn trong vấn đề thu hút đầu tư, thu hút lượng kiều hối ở nước ngoài về nên bây giờ lượng kiều hối chuyển về trong nước ngày một tăng, nhất là trong những đợt giáp Tết, đó là những mùa kiều hối tăng mạnh trong nước, và trong vấn đề thủ tục, thì bây giờ người nhận kiều hối nhận tiền vừa nhanh, vừa đơn giản.
Nên bây giờ kiều hối chuyển về qua con đường chính thức cao hơn nhiều. Thêm một phần nữa, trong những năm nay mặc dù đã áp dụng thuế thu nhập cá nhân, nhưng số tiền cá nhân thu nhập qua kiều hối thì không bị đánh thuế thu nhập. Đó cũng là một điểm khiến lượng kiều hối tăng nhanh."
Nguồn lực phát triển kinh tế
Thực tế cũng cho thấy kiều hối đạt được kết quả khả quan, thu hút được một lượng ngoại tệ đáng kể chuyển về Việt Nam, là do chính sách kiều hối của Nhà nước trong thời gian qua đã có phần cởi mở hơn. Đặc biệt, quy định cho phép người hưởng thụ kiều hối được nhận ngoại tệ tiền mặt, hoặc ký gửi ngoại tệ vào tài khoản tiết kiệm ngoại tệ tại ngân hàng, được rút ra cả tiền gốc và tiền lãi bằng ngoại tệ; được phép chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để chi tiêu khi được phép xuất cảnh, hoặc bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy tiền Việt Nam theo tỉ giá do ngân hàng công bố sát giá thị trường.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam cũng có khoảng trên 60.000 lao động làm việc tại các nước. Số lao động này cũng mang về cho đất nước mỗi năm khoảng 2 tỉ đôla.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm nay, đã có gần 5 triệu người Việt Nam cư ngụ tại hơn 110 quốc gia thế giới. Mặc dù sống xa Tổ quốc, nhưng đại bộ phận bà con kiều bào phát huy trí tuệ, sự cần cù của người Việt Nam, đã từng bước thành đạt trong nhiều lĩnh vực, có tích luỹ và gởi tiền về Việt Nam đầu tư hoặc giúp đỡ người thân.
Trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp cởi mở hơn trong vấn đề thu hút đầu tư, thu hút lượng kiều hối ở nước ngoài về nên bây giờ lượng kiều hối chuyển về trong nước ngày một tăng.
PGĐ một ngân hàng ở Saigon
Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động đến nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ, cộng với tình trạng thất nghiệp do doanh nghiệp bị phá sản, phần nào đã tác động đến đời sống của cộng đồng người Việt hải ngoại, nên việc chuyển tiền về cho người thân cũng bị giảm sút. Chị Quỳnh Hoa, Giám đốc Công ty Hoa Phát, với trên 30 năm hoạt động tại Tiểu bang California phục vụ bà con có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân trong nước cho biết:
"Kinh tế bây giờ cũng xuống đi, nên cũng có hơi giảm đi, khách hàng qua gởi tiền cũng chia sẻ vấn đề đó. Riêng công ty em thì thấy bà con vẫn cứ gởi tiền về nước bình thường như những năm trước, số lượng khách thì không thấy giảm đi, nhưng có điều là người ta không có gởi nhiều như hồi xưa.
Mua bán ngoại tệ đô la Mỹ. AFP photo
Ví dụ hồi xưa người ta có thể giúp cho thân nhân 300 đô la một tháng, thì bây giờ chỉ có khả năng giúp khoảng 100 hay hơn 100, rồi người ta cũng nhắn về những tin nhắn là bây giờ công việc có hơi khó, có người bị mất việc, có người có khó khăn. Nói chung số lượng khách của tụi em không giảm đi, có khi còn tăng hơn, nhưng số tiền khách hàng gởi sẽ ít đi. Thì mình thấy rằng do vấn đề kinh tế họ đi làm kiếm tiền không được và họ phải bớt đi số tiền gởi về cho thân nhân."
DC VINA, một đơn vị kinh doanh khác ở vùng Hoa thịnh đốn, Virginia có làm dịch vụ chuyển tiền cũng nói thêm:
"Người ta đâu có công ăn việc làm gì đâu mà gởi tiền về nhiều nữa, với lại cũng có nhiều công ty ở nhiều chỗ nên tiện chỗ nào thì người ta gởi chỗ đó thôi."
Các đơn vị làm dịch vụ chuyển tiền đều khẳng định, việc gởi tiền về nước hiện nay vô cùng nhanh chóng, tiện lợi, lệ phí thấp. Chủ doanh nghiệp DC VINA cho hay:
"Người nhận tiền bà con gởi về nếu ở Saigon là chỉ nội trong ngày trong đêm là nhận được thôi, tức là tối của mình ở đây là buổi trưa bên kia, người ta ăn trưa là có tiền giao rồi. Còn ở những tỉnh, nếu ở ngay trong thành phố, trung tâm thì người ta cũng lãnh tiền ngay trong ngày thôi, chỉ có ở những vùng xa xôi thì một hay hai ngày sau mới nhận được, nhưng rất nhanh vì nhân viên làm việc rất đắc lực nên cũng nhanh lắm."
Tuy nhiên, theo chị Quỳnh Hoa, lệ phí rẻ một phần cũng do vấn đề cạnh tranh thiếu lành mạnh, một số nơi không chú trọng đến chất lượng dịch vụ kiều hối. Chị nói:
"Thật sự ra, hồi xưa khó khăn hơn thì tất cả họ cũng lấy cái giá cao hơn, nhưng gần về sau này do vấn đề cạnh tranh thì lấy mức phí quá vô lý."
Nhìn chung, số lượng kiều hối tăng nhanh, tăng liên tục trong thời gian qua và được xem là một nguồn lực lớn góp phần phát triển đất nước. Nguồn tiền này cộng với các nguồn ngoại tệ khác thu được từ lao động xuất khẩu, đầu tư nứơc ngoài FDI, hay viện trợ phát triển ODA, đã góp phần cải thiện nền kinh tế trong nước, và là yếu tố góp phần giúp cho đời sống người dân mấy năm gần đây tương đối ổn định. Nhưng quan trọng hơn cả, nguồn kiều hối còn là tình cảm sâu nặng của bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đối với thân nhân và quê hương.