'Xả vòi rồng'
Bấm Báo Tiền Phong hôm 25/2 đã đăng tải chi tiết lời kể của các ngư dân sau khi họ trở về với ước tính thiệt hại lên đến gần 300 triệu đồng.Tờ này trích lời nhân chứng ngư dân nói: “Anh em tôi ra Hoàng Sa mà te tua hết như vầy đây. Nhưng mà Hoàng Sa chúng tôi vẫn cứ đi”.
Bài báo còn có đoạn: “Khi tàu tuần tra kè sát tàu cá, 6 tuần tra viên đồng loạt nhảy qua tàu. Nhanh như cắt, họ hốt chùm mũi tên trên tàu cá ném xuống biển thật nhanh vì sợ những mũi tên này trở thành vũ khí trong tay những ngư dân nghèo. Đây là mũi tên mà ngư dân sử dụng để bắn cá.”
“Trước khi nhảy qua tàu, các tuần tra viên kéo vòi rồng chữa cháy ra boong tàu và xả vào ngư dân. Ngư dân phải cuộn mình, day lưng và bám vào nhau để chống chọi vòi rồng.”
“Một tuần tra viên nhào vào ca-bin, tháo hết máy dò, Icom, định vị. Số khác lục đục xúc cá trong hầm, một tuần tra viên hốt quần áo ném xuống biển.”
“Các tuần tra viên kéo dây hơi ra sàn tàu và dùng dao băm nát, quăng xuống biển. Sau tàu còn gần 1.000 lít dầu cũng bị đổ xuống biển. Các tuần tra viên chỉ để lại một ít dầu đủ để cho tàu trở về quê.”
Tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 25/2 , cho biết “khi hành nghề tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải quân Trung Quốc rượt đuổi”.
Tin tức này đã được nhiều tờ báo chính thống trong nước đưa tin và nêu rõ là tàu Trung Quốc.
Trong khi đó, báo Thanh Niên cùng ngày lại nói chiếc tàu đã “bị tàu nước ngoài tấn công, lấy tài sản quăng hết xuống biển” sau khi trở về từ Hoàng Sa.
Tờ này chỉ dùng cụm từ “tàu chiến nước ngoài” để miêu tả vụ việc xảy ra với ngư dân tàu QNg-90281TS.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao
Mới đây, Hà Nội đã yêu cầu Bắc Kinh “dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam”.
Trong phiên họp báo thường kỳ hôm thứ Năm ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm đến nay.
Ông Nghị chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đã ‘làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình trên Biển Đông, trái với thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển’.
Trước đó, theo báo chí Trung Quốc thì chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng từ đầu năm, nước này đã có các hoạt động dồn dập tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ trưởng giao thông Trung Quốc ra Hoàng Sa thị sát tàu Hải Tuần. Cục trưởng Cục thể thao đến thăm đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa trong khi cục trưởng Cục ngư chính khu ‘Nam Hải’ loan báo nước này đang tính xây dựng căn cứ nghề cá trên đảo Phú Lâm cũng như xây cầu tàu và căn cứ cho dịch vụ nghề cá ở Trường Sa.
Viện nghiên cứu môi trường và khảo sát công trình hải dương của ‘Nam Hải’ đang thực hiện dự án đo đạc, giám sát, phân tích và đánh giá sự thay đổi của một số đảo ở Hoàng Sa.