Ngày mới lập xóm, cuộc sống của họ lắc lư theo nhịp tàu. Từ khi ga Vinh tổ chức lại công việc bốc xếp, họ không được làm cửu vạn nữa nhưng vẫn lay lắt bám bãi lầy để sống qua ngày bởi không biết đi đâu về đâu.
Men theo đường tàu, đến xóm 19 phường Đông Vĩnh - TP Vinh (Nghệ An) hỏi đến xóm cửu vạn, ai cũng chỉ tay về bãi lầy cuối ngõ.
Xóm cửu vạn tá túc trong những dãy nhà thấp lè tè nằm trên mương nước cạnh nhà ga. Bất cứ ai lần đầu tiên đến đây đều ngỡ như đang lạc vào một xóm nào đó của Thanh Hóa bởi cái giọng xứ Thanh đặc trưng mà cả xóm sử dụng. Hỏi ra mới biết, phần nhiều cư dân nơi này đều từ tỉnh Thanh vào Vinh lập nghiệp.
|
Một góc xóm nghèo. Những cư dân nơi đây hầu hết từng là cửu vạn ga Vinh, nhưng giờ đi nhặt phế liệu hay xin ăn khi hết thời làm cửu vạn. Ảnh: Trường Long. |
Người có thâm niên bám trụ xóm cửu vạn nhiều nhất là cố Côi, cũng là người già nhất xóm. Sinh năm 1912, quê ở xã Hải Lĩnh, Huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, cố Côi từng có thâm niên gần chục năm đi dân công hỏa tuyến, gánh gạo trên những chiến trường Nam Lào, Điện Biên Phủ, Trường Sơn,… Có vợ con ở Đông Sơn, Thanh Hóa nhưng cố vẫn bám trụ cái xóm nghèo này để kiếm sống bởi "thói đời mà các anh, cha mẹ nuôi được mười con nhưng mười con có nuôi được cha mẹ đâu"- cố cay đắng tâm sự.
Trong căn phòng ẩm thấp, ủ dột và hôi hám, cố Côi đang chuẩn bị cho bữa ăn tối, "thực đơn" của cố là một nắm gạo và một niêu bí đỏ. Ấy thế mà năm nay 98 tuổi, cố vẫn khỏe mạnh như thường, ngày ngày còn cắp bị đi khắp các ngõ ngách của TP Vinh để kiếm ăn. "Bí quyết" sống lâu của cố là vô tư, giản dị và kham khổ trong ăn uống bởi "làm gì có tiền mà ăn cho sang, mỗi ngày đi ăn xin được dăm bảy hào bạc, ít lượng gạo nữa là tôi sống qua ngày".
|
Cố Côi đã 98 tuổi nhưng vẫn chu du khắp thành phố Vinh để kiếm ăn. Ảnh: Trường Long. |
Gần trọn đời người "chu du" khắp thành phố Vinh để kiếm sống, cố Côi là một trong những người đầu tiên lập nên xóm cửu vạn này. "Ngày ấy vùng này còn là một bãi lầy, cóc nhái, rắn rết, lau sậy chen nhau sinh sống, sau khi ga Vinh nâng cấp, chúng tôi không được tá túc trong đó nữa nên chuyển ra đây để tiện làm ăn. Từ ngày ga Vinh quản lí luôn đội quân bốc xếp thì chúng tôi mất nghề cửu vạn, xóm nhỏ ngày càng sập xệ vì không có công ăn việc làm".
Một mình tá túc trong căn lều nhỏ xíu, những ngày mưa gió, ốm đau, cố Côi từng phải húp cháo cầm hơi, trông chờ vào sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Cụ ngậm ngùi: "Cóc chết 3 năm còn quay đầu về núi, nhưng tôi một mình nơi đất khách quê người, không biết sống chết thế nào, về quê cũng khổ, ở đây cũng khổ, chắc rồi khi chết cũng nhờ bà con hàng xóm thôi".
Cũng như cố Côi, bà Lê Thị Khuyên ở Quảng Xương, Thanh Hóa vào Vinh làm nghề bốc vác lúc còn xuân xanh, năm nay 64 tuổi, chồng chết, một mình bàphải gánh gồng nuôi 4 đứa con. Ngày trước có việc còn dễ chứ bây giờ không được làm cửu vạn nữa,các con của bà Khuyên phải chia nhau, người ra chợ bán hàng thuê, người đi mò ốc về bán, riêng bà lại mở một "nhà trẻ", giữ 4 đứa trẻ con trong xóm để cha mẹ chúng đi kiếm ăn.
Số tiền 40 nghìn đồng mỗi tháng của mỗi đứa trẻ cũng giúp bà trang trải đủ tiền nhà (50 nghìn mỗi tháng) và đỡ đần một phần tiền gạo. "Các con tôi đi làm quần quật cũng chỉ đủ sống qua ngày, sợ nhất là mùa mưa bão, vừa phải lo nhà sập, vừa phải lo chạy ăn để cầm hơi, những lúc ấy, cả mấy mẹ con chỉ biết chăng lều, ăn cháo qua ngày. Không dám ngồi trong nhà vì nó có thể sụp bất cứ lúc nào".
Những gia đình của xóm cửu vạn đến từ các vùng quê nghèo của Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định… vào Vinh làm nghề bốc vác từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có người quê Nghệ An tha hương trên chính quê hương,… Người còn nhà cửa, ruộng vườn ở quê nhưng không dám về, người không còn quê hương nữa vì đi quá lâu, hộ khẩu bị cắt,…
Từ ngày mất nghề cửu vạn ở Ga Vinh, xóm nghèo sống nhờ vào nghề mò cua, bắt ốc, nhặt rác, trẻ đi đánh giày, già hành nghề ăn xin. Chuyện học hành của con trẻ cũng vì thế mà trở thành một điều xa xỉ. Cả xóm có chừng 20 đứa trẻ đang ở độ tuổi đi học làm nghề đánh giày, chỉ trừ 2 đứa con chị Nga, còn lại không có đứa nào được xóa mù. Nói như cụ Khuyên thì "đến cả giấy đi vệ sinh cũng không có, lấy đâu sách vở cho chúng nó đến trường".
Những tưởng sống ở gần nhà ga thì dễ sa vào tệ nạn xã hội, nhưng bác Phạm Đức Đàm, khối trưởng khối 19, Phường Đông Vĩnh khẳng định: "Ở đó tuyệt nhiên không có tệ nạn xã hội. Có lẽ vì nghèo quá, không có tiền mà nghiện ngập nên xóm cửu vạn hầu như không có bóng dáng của các loại tệ nạn. Hằng năm xóm phát động phong trào làm thủy lợi thì những người ở xóm nghèo này đều hưởng ứng, mỗi khi phát động phong trào cố Côi luôn là người hăng say dẫn bà con đi làm đầu tiên…".
|
Chiếc ti vi cũ nhặt từ bãi rác là phương tiện thông tin giải trí duy nhất của xóm cửu vạn. Ảnh: Trường Long. |
Không có tệ nạn xã hội nhưng điểm sáng văn hóa duy nhất của xóm nghèo là chiếc ti vi cũ của chị Nga tình cờ có được trong một lần đi nhặt phế liệu. Những ngày diễn ra World Cup, cả xóm nghèo lại rôm rả bên chiếc ti vi, bàn chuyện bóng đá. Hết bóng đá, cả xóm lại chìm trong bóng đêm cùng tiếng ếch nhái ở bãi lầy.
Đang rôm rả bên chiếc ti vi, bỗng xóm nghèo như bị đánh thức bởi những tiếng còi tàu hú từ phương xa. Như thói quen nghề nghiệp, ánh mắt của cụ Khuyên, chị Nga bỗng ánh lên hi vọng nhưng rồi lại tắt ngấm ngay. Những đứa trẻ cũng không thèm giật mình bởi tiếng còi tàu như trước nữa, tiếng còn tàu càng gần càng day dứt. Dõi theo những đoàn tàu về ga, bà Khuyên thở dài "bao giờ cho đến ngày xưa!!!...".
Trường Long