- Sau loạt bài điều tra về thực trạng quản lý, khai thác, cấp phép khoáng sản tại Nghệ An, phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Chi (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An).
>> Kỳ 1: Tan hoang Chà Hạ
>> Kỳ 2: Yên Tịnh, bao giờ được yên tĩnh?
>> Kỳ 3: Tan hoang những "đỉnh núi triệu đô" xứ Nghệ
>> Kỳ 4: Nóng bỏng vùng chảo lửa "vàng trắng"
>> Kỳ 5: Máu đỏ, đá trắng trong cuộc chiến giành địa bàn
>> Kỳ 6: Mua... thịt chó, bán... thịt dê!
>> Kỳ 7: 6 năm cấp 287 giấy phép sai quy định
>> Kỳ 8: Người dân được lợi... con đường!
>> Kỳ 9: Cơ quan quản lý ngành cũng... "rối như canh hẹ"
>> Kỳ 10: Hải quan Nghệ An "kêu" Thanh tra Chính phủ chưa khách quan
>> Clip 1: Chà Hạ, dòng sông bị "thảm tử"
>> Clip 2: Cận cảnh "thủ phủ" đá trắng tại Nghệ An
>> Clip 3: Khai trường đá trắng đua nhau đẩy lùi rừng đầu nguồn
Theo người lãnh đạo cao nhất phụ trách lĩnh vực khoáng sản của Nghệ An, thì "UBND tỉnh Nghệ An chỉ chịu trách nhiệm liên đới trong quản lý và điều hành!".
"UBND tỉnh chỉ chịu trách nhiệm… liên đới" (?)
- Thưa ông, kết luận Thanh tra số 128 đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm trong công tác quản lý, cấp phép và khai thác khoáng sản tại Nghệ An. Trách nhiệm của UIBND tỉnh như thế nào?
Thực hiện ý kiến kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND tỉnh đã ban hành công văn 998, có 2 nhiệm vụ: Thứ nhất chỉ đạo các cấp các ngành khắc phục những sai phạm, thứ hai là kiểm điểm một số cá nhân liên quan trong vụ việc này…
Tỉnh đã làm công văn gửi Thanh tra Chính phủ xem lại trong công tác đình chỉ 54 mỏ.
Chỉ đạo các sở trực tiếp tham mưu làm rõ từng trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi các văn bản. Còn UBND tỉnh chỉ chịu trách nhiệm liên đới trong quản lý và điều hành.
Máy móc và người dân bên dòng Chà Hạ (huyện Tương Dương) vẫn đang ra sức đào xới dòng sông để tìm vàng.
- Ông có thể nói rõ những chỉ đạo cụ thể trong công tác khắc phục những sai phạm đó ?
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vấn đề sai phạm. Chúng tôi đã ban hành chỉ thị số 10, đồng thời ban hành quyết định (QĐ) 36 ngày 18/6/2010, về việc quy định tiêu chí cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, thẩm định về năng lực của các doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản.
Trong quá trình đoàn thanh tra làm thì chúng tôi đã ban hành QĐ 16 ngày 20/1/2010, phê duyệt công tác thăm dò khai thác chế biến khoáng sản và tạm dừng cấp phép.
Còn công tác khắc phục tồn tại trong cấp phép, thực tế mà nói lúc cấp phép thì không sai(?). Nhưng sau cấp phép có một số sai phạm tồn đọng như các DN chưa làm công tác ký quỹ phục hồi môi trường, hợp cho thuê đất, không báo cáo theo định kỳ… nên dẫn đến có 66 mỏ bị đình chỉ khai thác.
- Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác quản lý khoáng sản tại Nghệ An yếu từ khâu thủ tục cấp phép, thẩm định, cấp phép và quản lý thời gian sau cấp phép. UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể các ban, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm cụ thể như thế nào trong việc thực hiện vai trò quản lý ngành của mình?
Cái này chúng tôi đã tiến hành cho kiểm điểm rồi. Ví dụ như đồng chí Trưởng phòng khoáng sản Sở TN-MT bị khiển trách và điều chuyển công tác khác. Sở Xây dựng cũng có một đồng chí bị kỷ luật khiển trách và một số phòng phụ trách Sở xây dựng cùng làm kiểm điểm liên quan. Còn những người khác thì kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: "Tôi được tỉnh giao cho công tác quản lý về vấn đề này là rất nhạy cảm... Những sai phạm trong công tác quản lý khoảng sản, tôi tự nghiêm khắc rút kinh nghiệm để điều hành tốt hơn..." |
- Tình trạng cấp phép cho các DN khai thác đá trắng tại Quỳ Hợp trong những năm qua, nội dung cấp phép là khai thác VLXD nhưng trên thực tế, họ lại khai thác đá trắng. Mặt khác, Quỳ Hợp là một trong những huyện không nằm trong quy hoạch phát triển VLXD nhưng tỉnh vẫn cấp phép cho họ. UBND tỉnh giải thích như thế nào về vấn đề này? Thưa ông!
Thứ nhất ở trên Quỳ Hợp đó có 54 mỏ UBND tỉnh phối hợp cùng Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ Công thương rà soát xem loại mỏ nào là đá xây dựng, đá ốp lát, đá trắng để xem lại thẩm quyền cấp phép của Bộ hay là của tỉnh để tránh chồng chéo trong quá trình cấp phép.
Trong bản kết luận thanh tra nói là đá trắng hay đá xây dựng thì phải có cơ quan chuyên ngành kiểm tra lại…, chứ không thể nhìn thấy trắng nên gọi là đá trắng được.
- Để có được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp phải thông qua những bước nào?
Đầu tiên cần phải có là chọn nhà đầu tư có năng lực hay không, xác định đó là đá gì, thẩm quyền của ai cấp phép.
- Nhiều DN được cấp phép nhưng chưa được thẩm định năng lực khai thác, và thực tế, vì không đủ năng lực khai thác nên dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản manh mún, tùy tiện… gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên và mất an toàn lao động. Tại sao UBND tỉnh không thẩm định năng lực rước khi cấp phép?
Trước khi cấp phép cho doanh nghiệp khai thác thì UBND tỉnh giao cho Sở Công thương xác định năng lực con người, phương tiện các loại máy móc. Sở TN&MT xem xét doanh nghiệp có vi phạm về vấn đề môi trường trước đó không. Sau đó Sở Công thương kiểm định vấn đề này.
Nùi Phù Phen, xã Yên Tịnh (Tương Dương) bị vàng tặc đào khoét tan hoang
- Trong kế hoạch phát triển KT-XH của Nghệ An năm 2010, CN-XD chiếm hơn 30% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Cụ thể, ngân sách từ việc khai thác khoáng sản tại địa bàn tỉnh như thế nào? Con số đó (30%) có phản ánh đúng tiềm năng của nguồn lực khoáng sản mà Nghệ An hiện đang có?
Số liệu này phải tổng hợp lại. Cái này chắc là số liệu của năm 2010 – 2015, nhưng cũng giải quyết một số công ăn việc làm cho lao động thêm thu nhập. Doanh thu trên địa bàn thì các nhà máy xi măng vẫn đang chiếm tỉ trong cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, còn nguồn thu từ đá trắng, đá xây dựng, thiếc…chỉ là một phần.
Tất nhiên trong quá trình khai thác có sự thất thoát như không tiết kiệm tài nguyên, khai thác thổ phỉ trái phép. Mặc dầu tỉnh đã lập nhiều đoàn có cả công an đi cùng lên đẩy lùi nạn khai thác này, bàn giao lại cho huyện xã, nhưng được một thời gian ngắn đâu lại vào đó.
Mà khai thác thổ phỉ thì tai nạn lao động luôn xảy ra dẫn đến thất thoát.
Tại các địa phương nói thật các anh có khoáng sản chưa hẳn đã hạnh phúc mà vất vả lắm.
"Xử phạt thì DN nó không sợ…"
- Vậy với cương vị là Phó Chủ tịch tỉnh, người ký tất cả các quyết định cấp phép khai thác khoáng sản mà có 56 doanh nghiệp vi phạm mà kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra, ông thấy trách nhiệm của cá nhân ông như thế nào?
Như tôi đã nói, là Phó Chủ tịch được tỉnh giao cho công tác quản lý về vấn đề này là rất nhạy cảm. Tôi được giao cho "4 chống" mà: chống bạo lụt, chống cháy nổ, chống dịch bệnh, môi trường.
Khoáng sản chỉ là một lĩnh vực, nhưng dù sao những sai phạm trong công tác quản lý khoảng sản, tôi tự nghiêm khắc rút kinh nghiệm để điều hành tốt hơn. Trong công việc quản lý của mình thì tôi nhận thấy đó là điều đáng buồn.
Tài nguyên khoáng sản, môi trường bị tàn phá... Kết luận thanh tra đã chỉ rõ. Nhưng rồi chỉ có một vài cán bộ bị điều chuyển công tác, Phó chủ tịch tỉnh thì tự rút kinh nghiệm, UBND tỉnh thì có trách nhiệm liên đới...
- Nhiều người khai thác mỏ ở Tương Dương, Quỳ Hợp dư luận cho rằng có nhiều doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh "bảo kê" trong quá trình khai thác, nên đã gây ra tình trạng thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, "tự tung tự tác" trong quá trình khai khoáng không đúng quy trình. Vậy ông bình luận như thế nào về ý kiến đó?
Chuyện này có đồng chí nào bảo kê tôi thì tôi không biết. Quan điểm tôi là làm việc theo đúng pháp luật. Nếu phát hiện được đồng chí nào bảo kê thì cần xử lý nghiêm khắc hơn.
Có thể là họ nghêu ngao dọa dẫm, nhiều lúc không quen anh nhưng họ cứ nói vậy…
- Vấn đề ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Vì sao UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa xử lý nghiêm khắc tình trạng trên?
Vì công tác quản lý khai thác khoáng sản ngày càng phức tạp hơn. Trước đây từ những năm 2003 không ai quan tâm lắm nên càng về sau hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp tinh vi hơn. Sắp tới sẽ chỉ đạo tốt và làm bài bản hơn để giảm bớt sai phạm.
- Khi trả lời báo chí thì tỉnh bảo là đang ráo riết buộc doanh nghiệp làm tốt công tác hoàn thổ, khắc phục ô nhiểm môi trường. Nhưng thực tế thì tình trạng đó đang hiện hữu tại các công trường khai mỏ, môi trường càng bị ô nhiễm. Vậy tỉnh đã có chỉ đạo nào ráo riết hơn?
Trước hết, trong quá trình cấp phép doanh nghiệp khai thác thì phải ký quỹ tài nguyên môi trường. Vì trong quá trình khai thác doanh nghiệp bỏ đi nơi khác không làm thì sẽ có kinh phí đó để khắc phục hoàn thổ, khắc phục môi trường.
Việc anh nói là hoàn toàn đúng, chúng tôi thường xuyên yêu cầu Sở TN-MT báo cáo về vấn đề này.
- Có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, mà vẫn chưa tiến hành ký quỹ tài nguyên môi trường mà vẫn cấp phép là thế nào?
Đây là khuyết điểm của mình đó. Trong cấp phép có câu, khi giao rồi khi anh không ký quỹ môi trường là anh vi phạm, cho nên mới có tình trạng 66 mỏ bị đình chỉ khai thác vì chưa ký quỹ môi trường.
Việc đình chỉ là phải làm, còn việc xử phạt thì doanh nghiệp nó không sợ. Xử phạt thì ở mức 10 đến 20 triệu đồng, họ làm một đến hai ngày là lấy lại.
Nếu từ ngày kết luận của thanh tra qua 3 tháng mà doanh nghiệp không làm các thủ tục còn lại thì nhất quyết sẽ thu hồi giấy phép khai thác của các doanh nghiệp vi phạm.
- Xin cảm ơn ông!
- Quang Cường - Quốc Huy – Kiên Trung
No comments:
Post a Comment