TT - Trên hành trình của đoàn tàu xuyên Bắc - Nam có
một xóm nghề rất đặc biệt của những phụ nữ chuyên bám lấy nóc tàu để mưu
sinh.
12g, nắng như đổ lửa, họ vẫn cố bám nóc tàu tiếp tục cuộc mưu sinh - Ảnh: Hữu Khá |
Không chịu nổi cái nắng, chị em ngồi co cụm bám víu vào nhau - Ảnh: Hữu Khá
|
4g sáng. Khi hai con nhỏ còn say giấc, chị Lan ở xóm
Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã thức dậy
hấp nóng ít bánh lọc lá, tay vội vo lon gạo bắc lên bếp để hai con nhỏ
dậy có cái bỏ dạ rồi đến trường. Tôi thắc mắc sao không cho tụi nhỏ vài
ngàn đồng ăn sáng, chị bảo: “So với mì thì nấu cơm ăn vẫn hơn...”. Có đi
hết một chuyến tàu mưu sinh với người phụ nữ này mới biết vì sao chị
lại so tính, tiết kiệm “cơm rẻ hơn mì”.
Bám đường tàu kiếm sống
Gió biển thổi vào chân đèo lạnh cóng. Mấy căn nhà nơi
xóm biển Kim Liên sáng đèn. Bên trong, những phụ nữ tất tả xếp lại mớ
hàng để kịp chuyến tàu. Vài bóng người lặng lẽ vội bước ra từ xóm nghèo
lên cung đường ray chờ đợi.
5g sáng. Ga Kim Liên đông nghịt người. Những khuôn mặt
ngơ ngác, thiếu ngủ, tay xách tay ôm túi hàng chờ tàu. Những món hàng họ
mang theo trên mỗi chuyến tàu cũng nghèo nàn, giản đơn như chính cuộc
đời họ. Từ lược chải tóc đến con chim cảnh bằng đá, ít bánh lọc, vài tệp
mực khô đặc sản vùng biển Nam Ô.
Bà Chung, lớn tuổi nhất trong nhóm, nói: “Xóm nhảy tàu
này hình thành cách đây cả mấy chục năm. Nhưng mấy năm nay nhiều người
thấy ở đây dễ làm ăn nên kéo đến đông lắm. Đa số là lao động nghèo đang
thất nghiệp, những nông dân vừa nhường đất cho dự án xây khu công nghiệp
đổ về đây kiếm kế sinh nhai. Đời nhảy tàu dễ có cái ăn nhưng có lúc
cũng phải đổ máu. Đối với họ chuyện bị té ngã, thậm chí gãy chân là quá
đỗi bình thường”.
Chị Lan buồn bã: “Mỗi ngày may lắm thì bán được 1-2 tệp
mực khô, lời được 20.000-30.000 đồng. Có hôm xui xẻo không ai mua thì
về không”. Chị Lan bảo do đã lớn tuổi lại không có nghề mới ra bám đường
ray chứ biết nhảy tàu là không được phép và rất nguy hiểm. Ngồi trên
nóc tàu cả ngày nhiều hôm không kiếm được đồng tiền lẻ dính túi. “Năm
trước tui xin làm giúp việc cho một nhà dưới phố. Họ bảo phải cam kết
làm vài tháng mới cho về một lần. Thương tụi nhỏ ở nhà không ai chăm lo,
học hành nên tui xin nghỉ quay về”.
Nghe tiếng còi tàu hụ. Đoàn quân tay xách nách mang vội
vã chạy ra đứng sát bên đường ray chờ tàu vào. Tàu chưa dừng hẳn nhưng
một nhóm phụ nữ đã nhanh chân bám chặt vào lan can nhảy lên toa tàu,
nhanh nhảu chui qua ô cửa sổ trên tàu len lỏi đến từng toa mời hành
khách mua hàng làm quà tặng người thân, gia đình. Tiếng rao vang hòa
cùng tiếng tàu chạy xình xịch. Phút chốc còi tàu lại hụ liên hồi làm ầm
ầm một góc. Bán được vài món hàng, để thoát khỏi sự kiểm soát của nhân
viên bảo vệ tàu, họ leo lên nóc tàu để đi tiếp đến ga mới.
Khi tàu bắt đầu chạy lên phía đèo Hải Vân thì nhóm phụ
nữ cũng bắt đầu “chuyển mình”. Tàu lên dốc lắc lư, uốn lượn rồi chạy
chậm lại, tiếng phanh kêu rền giữa núi rừng rợn cả người. Những “bóng
hồng” như con sóc thoăn thoắt leo xuống ô cửa, chui vào toa tranh thủ
mời mọc. Trong phút chốc, họ lại lao ra leo lên nóc tàu vì thoáng thấy
bóng dáng nhân viên bảo vệ. Tàu tiếp tục lăn bánh vào hầm Hải Vân, mọi
người trên nóc vội cúi rạp người xuống tránh chạm trần. Bóng tối bao
trùm, khói từ đầu tàu thải ra mịt mù đến ngạt thở. “Đi riết thành quen,
tất cả hầm dài ngắn ra sao, thấp cao gì bọn chị đều rành cả” - một người
nói.
Tàu vừa ra khỏi hầm Hải Vân, tôi rùng mình thoáng thấy
cô gái tên Sẹo đang treo mình nơi khớp nối giữa hai toa tàu. Sẹo mới 19
tuổi nhưng đã có thâm niên sáu năm trong nghề nhảy tàu. Tay ôm chặt túi
hàng, tay thoăn thoắt nắm lấy những thanh sắt nhỏ gắn giữa khoảng nối
hai toa, Sẹo leo lên tàu.
Phía trên, nhiều người bán hàng rong thản nhiên ngồi
mặc cho nóc tàu nóng như lửa đốt và không có chỗ bám víu. Phía dưới, một
số phụ nữ đu bám vào hành lang tàu vẫn không hề tỏ ra sợ sệt. Giữa khớp
nối hai toa, nhiều người đứng ngồi mặc cho hai toa cứ đụng vào nhau ầm
ầm mỗi lần tàu phanh.
20 phút sau tàu tới ga Hải Vân giữa đỉnh đèo. Không đợi
tàu dừng hẳn, Sẹo nhảy vọt xuống đất rồi chạy tới các ô cửa toa tàu.
Tay bưng cao túi hàng quá đầu, miệng liên tục mời chào khách. Những cái
lắc đầu nhưng Sẹo vẫn kiên trì rao. Phía trước, hai phụ nữ nhỏ thó cố
nhón người lên cửa sổ mời chào khách. 10 phút sau tàu chuyển bánh, những
người bán hàng rong nhanh tay đu bám vào lan can, một số nhảy lên nóc
tàu, nhiều người nhảy lên ngồi phía trước đầu máy.
Tới gác chắn chân đèo Hải Vân bắc, tàu chạy chậm nên
nhiều người nhảy xuống, còn một số vẫn bám theo tàu ra Lăng Cô (Huế) để
tiếp tục bán. Cô gái trẻ tên Châu bảo: “Mình cứ bám theo, nếu tàu dừng
thì bán được một ít là ổn. Sợ nhất trên tàu bị nhân viên bắt nhảy
xuống”.
Xóm “nhảy tàu”
Gọi là xóm “nhảy tàu” vì phần đông người dân ở khu vực
Kim Liên này đều có người trong gia đình tham gia đội quân bán hàng rong
trên tàu. Xóm chỉ có vài trăm hộ, nhưng đàn ông thì vào rừng kiếm củi,
làm thuê cho các chủ thầu xây dựng, còn đàn bà, con trẻ phải bám theo
tàu bán hàng mưu sinh. Cứ thế, ngày qua ngày họ gắn với toa tàu, nóc tàu
như hình với bóng.
Trước đây xóm này cũng có nghề làm pháo, nhưng sau khi
lệnh cấm đốt pháo được thực thi thì tất cả người dân trong xóm rơi vào
cảnh thất nghiệp, không nghề ngỗng. Vì thế nam giới đi làm thuê, chặt
củi trên núi Hải Vân đem ra chợ bán, còn lại phần lớn nhảy tàu bán hàng
rong.
Châu, một người chuyên theo những chuyến tàu bán đá
cảnh, kể gia đình khổ quá nên cô phải nghỉ học sớm. Gia đình có bốn anh
em, bố phải đi làm ăn xa, mẹ bán quán chè nhỏ gần nhà, thu nhập không đủ
ăn nên dù biết là nguy hiểm nhưng Châu phải cố nhảy tàu để có “đồng ra
đồng vào”, đỡ phần gánh nặng cho gia đình.
Chị Phương, 45 tuổi, kể bảy năm nhảy tàu thì có hai lần
chị bị nhân viên bảo vệ tịch thu hết đồ đạc, nhiều lần nhảy tàu trượt
chân lăn vài vòng dưới đất, tay chân xây xát nhưng vẫn cố bám theo nghề.
Không làm biết lấy gì mà sống, phải cố đến khi nào đôi chân không thể
nhảy được nữa thì thôi.
Mạng sống treo...nóc tàu
Ga Lăng Cô lúc 11g, trời nắng như đổ lửa. Những phụ nữ
đen nhẻm, mồ hồi nhễ nhại đứng hóng tàu để về lại Đà Nẵng. Chiếc tàu
hàng trờ đến, họ nhanh chóng leo lên nóc. Nóc tàu nóng như rang, chị Lan
cùng nhóm phụ nữ co cụm lại. Tàu lên đỉnh đèo xình xịch tiếng động cơ,
khói bụi, họ bịt kín mặt nhăn nhó trước cái nắng rát bỏng.
Những phụ nữ có mặt trên nóc tàu hôm ấy đều bảo biết
nhảy tàu là nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một bước chân là mất mạng nhưng vì
cuộc sống quá khó khăn nên đành phải làm công việc này. Đã có không ít
người đánh đổi mạng sống bằng nghề nhảy tàu. Tại cung đường sắt, bà Chín
(tổ 2, Kim Liên) đã bỏ mạng sau gần mười năm mưu sinh.
Mọi người kể bà Chín không con cái, 50 tuổi mà vẫn ở
nhờ nhà đứa cháu gọi bằng cô. Thương cô nhưng người cháu nghèo chả giúp
được gì. Ngày ngày bà bám theo chuyến tàu để kiếm miếng cơm. Nhưng không
may hôm ấy trời đổ mưa, bà bị trượt chân rơi từ nóc tàu xuống.
Chị Lan, cháu ruột bà Chín, giờ nối nghiệp dì, nghẹn
ngào: “Đúng ba năm trước dì tui mất ở đoạn đường này. Hôm đó, dì đi bán
từ sáng sớm nhưng đến tối mịt vẫn chưa thấy về. Linh tính chuyện chẳng
lành, cả nhà tui đổ đi tìm thì thấy dì nằm vắt bên đường sắt, trên tay
vẫn còn cầm mấy ngàn tiền lẻ vừa bán được mớ hàng”.
Tạo điều kiện để đổi nghề
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ
phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), cho biết việc nhảy lên
nóc các đoàn tàu để mưu sinh của một số phụ nữ ở khu vực Kim Liên là rất
nguy hiểm. Vừa qua UBND phường đã mời tất cả những người này đến để
lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Đa số đều có hoàn cảnh rất khó
khăn. Theo thống nhất của phường, chị em nào có nguyện vọng vào buôn bán
trong chợ thì phường sẽ phân lô ở chợ để tạo điều kiện làm ăn, còn
người nào muốn vay vốn làm ăn thì phường cũng tạo mọi điều kiện tốt
nhất.
|
HỮU KHÁ
No comments:
Post a Comment