11/12/2010 16:12 (TNO) "Không cần báo cáo cũng biết càng ngày lưu vực sông Đồng Nai càng ô nhiễm nếu không có giải pháp như hiện nay" - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói trong phiên họp thứ ba của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai) sáng 11.12. Hậu quả kéo dài Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, các tỉnh, thành phố thuộc Ủy ban sông Đồng Nai cần thống nhất và ngưng cấp phép cho một số loại hình kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiêm môi trường lưu vực sông. Bộ trưởng nhấn mạnh, một số loại hình kinh doanh tuy mang lại lợi ích về kinh tế nhưng giải quyết hậu quả ô nhiễm rất gian nan và kéo dài trong nhiều thế hệ sau. Bộ trưởng Nguyên cho biết, ở một số tỉnh thành có lưu vực sông Đồng Nai chảy qua có thực trạng ngành nghề gây ô nhiễm không được cấp phép ở tỉnh này nhưng khi "chạy" qua tỉnh khác liền được chào đón nồng nhiệt.
Ông Hoàng Trung Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc Môi trường - Tổng cục Môi trường đưa ra các con số rất đáng lo ngại. Theo đó, lưu lượng nước thải vào lưu vực sông Đồng Nai trên 1,8 triệu m3/ngày đêm. Chất lượng nước mặt của lưu vực sông đang ô nhiễm nặng do hoạt động của các nhà máy ở khu công nghiệp gây nên. Hiện tượng này tập trung chủ yếu ở các đoạn sông chảy qua tỉnh, thành thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và đô thị. Với trên 140 khu công nghiệp, các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực này đóng góp 70% tổng giá trị trong lĩnh vực công nghiệp và 65% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Hiện tại 62/97 khu công nghiệp (63%) đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng thực tế có nơi chưa vận hành thường xuyên hoặc không đấu nối. Lưu vực sông Đồng Nai cũng tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và điều đáng lo ngại là 65% nước thải bệnh viện hầu hết chưa được xử lý. "Những sức ép này làm chất lượng nước sông Đồng Nai liên tục bị suy giảm" - ông Tùng cảnh báo. Ông Nguyễn Hoài Đức, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng cục Môi trường cho biết, đã chủ trì kiểm tra 158 cơ sở, khu công nghiệp và phát hiện nhiều vi phạm, chủ yếu là thực hiện không đúng đánh giá tác động môi trường; không thực hiện giám sát chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Xung đột Đại diện của các tỉnh, thành có mặt trong phiên họp lần thứ ba của Ủy ban sông Đồng Nai đều thừa nhận ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông đã đến mức báo động. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ lưu vực sông còn chưa đồng bộ, chưa làm nổi bật được tính chất đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ tác động của các nhà máy thủy điện đối với môi trường của lưu vực sông.
Về thẩm quyền của Ủy ban sông Đồng Nai, có ý kiến cho rằng, Ủy ban hoạt động đã 2 năm nhưng hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn do chức năng, quyền hạn còn nhiều hạn chế. Các quyết định được thông qua dựa trên sự đồng thuận của các thành viên, không có tính ràng buộc về pháp lý, không có nguồn lực tài chính để điều phối. Việc thảo luận, thông qua các nghị quyết tại các phiên họp thiếu những đề xuất cụ thể, đặc biệt là các vấn đề bức xúc liên vùng. Tình trạng "xung đột giữa các tỉnh" và trong khu vực về vấn đề ô nhiễm cũng được đặt ra. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An phàn nàn kết quả quan trắc kênh Thầy Cai, sông Cần Giuộc giáp ranh giữa TP.HCM với Long An cho thấy chất lượng nước càng ngày càng tệ. "Bà con nông dân nuôi tôm không được. Cua, còng cũng không sống được" - ông Nguyên bức xúc. "TP.HCM là "Vedan khổng lồ" của Long An. Đề nghị TP.HCM xử lý nước thải từ đô thị thải ra". Ông Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường còn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình dùng nhiều mánh khóe để luồn lách các cơ quan kiểm tra. Ông Vinh lưu ý, ngoài các doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong nước gây ô nhiễm, thời gian gần đây nổi lên các vụ gây ô nhiễm lưu vực sông Đồng Nai do các công ty có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông...
Trần Duy |
No comments:
Post a Comment