TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, January 2, 2011

Dũng Bô Xít hay Dũng Vinashin?

 | 


Người ta đang phân vân không biết nên gọi tên ông Nguyễn Tấn Dũng là Dũng Bô Xít, hay Dũng Vinashin. Xét về hậu quả tai hại thì hành động cho người ngoại quốc đào mỏ bô xít ở nước ta sẽ gây ảnh hưởng lâu dài hơn. Nó sẽ làm hư hại nhiều tài nguyên trên rừng núi; phá hủy môi trường sống từ cao nguyên xuống dưới đồng bằng; lại có thể nguy hiểm cho cả nền an ninh quốc gia. Còn vụ Vinashin cuối cùng cũng chỉ tốn cho công quỹ 5 đến 10 tỷ đô la (trước hết phải trả số nợ là 4 tỷ 400 triệu), không thể so sánh được với những thiệt hại mà việc cho người Tàu khai thác bô xít có thể gây ra. So sánh như vậy thì nên gọi tên ông thủ tướng hiện giờ là Dũng Bô Xít.

Nhưng việc đem công nhân Trung Hoa vào cao nguyên Trung phần khai thác mỏ và đi khắp nước khai thác rừng là chính sách của cả Bộ Chính Trị đảng Cộng sản chứ không riêng gì ông Dũng. Ghi danh Dũng Bô Xít vào lịch sử thì không công bằng. Chính các ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Minh Triết đều nhấn mạnh việc cho những người "vừa là đồng chí vừa là anh em" vào đào mỏ bô xít và khai thác rừng, biển, là một "chủ trương lớn" của đảng Cộng Sản.

Còn câu chuyện hãng "đóng tàu thủy" Vinashin nằm trong sự nghiệp riêng của ông Nguyễn Tấn Dũng. Công ty này tên khai sinh là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Những chữ "tập đoàn kinh tế" vốn chỉ thông dụng ở Trung Quốc, thời Phan Văn Khải làm thủ tướng chỉ thành lập các tổng công ty. Tập đoàn Vinashin được Nguyễn Tấn Dũng lập ra cùng với những "tập đoàn kinh tế" khác ra đời khi gom các tổng công ty lại, chắc để chứng tỏ ông Dũng nghĩ chuyện lớn hơn ông Khải.

Nhưng riêng hiện tượng lỗ lã của Vinashin không đủ để ghi vào sử sách như một thành tích kinh tế của ông Nguyễn Tấn Dũng. Nếu Vinashin chỉ làm mất mấy tỷ bạc thì, so với những thất thoát vì tham nhũng, phí phạm vì quản lý bất lực, vân vân, mấy tỷ bạc đó cũng là nhỏ, chưa đáng một phần trăm. Ðiều đáng lo bây giờ là hậu quả của vụ Vinashin đối với công việc làm ăn của các công ty khác và các ngân hàng thương mại Việt Nam trong các năm sắp tới. Nó sẽ ảnh hưởng tới cả tiến trình phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế của nước Việt Nam.

Hậu quả đó như thế nào, chúng ta đã thấy ngay từ tuần trước. Ngày 20 tháng 12 năm 2010, công ty Vinashin tới kỳ hạn phải đóng món tiền trả góp đầu tiên cho một món nợ lớn 600 triệu đô la Mỹ, nhưng không có tiền trả, xin khất nợ 3 ngày để xoay xở. Ba ngày sau, tức là Thứ Năm tuần trước, vẫn không có đủ 60 triệu, lại xin hoãn, lần này xin triển hạn một năm. Ðây là một món nợ do Credit Suisse thu xếp với nhiều ngân hàng quốc tế từ năm 2007; theo hợp đồng thì ngày 20 tháng 12 năm nay bắt đầu phải trả góp tiền vốn, mỗi sáu tháng 60 triệu, 5 năm thì trả hết. Nhưng Vinashin đã không có tiền, ngay trong kỳ hạn đầu tiên này.

Ngay lập tức, lấy lý do hệ thống ngân hàng Việt Nam đang suy yếu, công ty thẩm lượng tín dụng Standard & Poor's đã công bố hạ thấp điểm tín dụng của nước Việt Nam một bậc, từ BB xuống thành BB trừ, đúng vào ngày trước lễ Giáng Sinh 2010. Nghĩa là từ nay trở đi, chính quyền Việt Nam đi vay tiền nước ngoài sẽ phải trả lãi suất cao hơn. Theo tiêu chuẩn tín dụng thế giới thì những trái phiếu (giấy nợ) được đánh giá BB trừ đều gọi là "junk bonds," trái phiếu dành cho những người "đánh cá may rủi." Họ chấp nhận nếu gặp hên thì ăn lời cao, chẳng may thì con quịt nợ! Với loại giấy nợ này, người đi vay phải trả lãi suất cao hơn bình thường rất nhiều. Nếu quý vị đi vay một tỷ Mỹ kim, chỉ cần lãi suất tăng thêm 1% thì mỗi năm quý vị cũng phải trả thêm 10 triệu Mỹ kim! Khi các trái phiếu của nhà nước Việt Nam bị đánh giá xuống thấp thì tất cả các công ty do nhà nước làm chủ cũng bị đánh lây, trong đó có các ngân hàng thương mại của Việt Nam, hiện nay đại đa số vẫn nằm trong tay các cán bộ được đảng Cộng Sản tín nhiệm.

Tại sao Vinashin làm hại đến cả các ngân hàng? Vì tình trạng thua lỗ xảy ra quá nặng nề, và quá nhanh chóng (chỉ dăm năm sau khi chính quyền Nguyễn Tấn Dũng vay 750 triệu đô la cho Vinashin tiêu, 3 năm sau món nợ 600 triệu); cả thế giới tài chánh và kinh doanh phải đặt câu hỏi về cách làm ăn của người Việt Nam. Standard & Poor's là công ty thứ ba hạ thấp điểm Việt Nam. Thế giới có 3 công ty thẩm lượng tín dụng lớn. Trước đó hai công ty khác là Moody's and Fitch đã ra tay rồi, Moody's mới hạ thấp điểm tín nhiệm của chính quyền Việt Nam xuống một bậc vào ngày 15 tháng 12. Trong bản thông báo tin hạ điểm vừa rồi, Standard & Poor's giải thích lý do là vì vụ Vinashin. Họ viết: Sự nguy ngập của Vinashin làm nổi rõ lên cho mọi người thấy tính chất thiếu minh bạch, công khai (lack of transparency), tính yếu kém về quy định trách nhiệm, và khả năng quản lý rất thấp ở Việt Nam.

Hậu quả đã lan rộng. Hôm Thứ Hai tuần trước, Standard & Poor's đã hạ thấp điểm tín dụng của một công ty Việt Nam là Tập đoàn Than và Khoáng Sản (Vietnam National Coal-Mineral Industries Group), còn gọi là Vinacomin. Trước đó, ngày 15 tháng 12 là Moody's cũng đã đánh giá Vinacomin xuống thấp rồi. Cả hai vụ đánh giá xuống đó khiến cho công ty Vinacomin phải ngưng, không đi vay 500 triệu đô la trên thị trường quốc tế nữa; khi phải đứng trước viễn ảnh trả lãi suất quá cao vì điểm tín dụng xuống thấp. Khi một công ty đi vay với lãi suất cao hơn lợi suất mình tạo ra được, thì tất nhiên phải lỗ vốn, thà không đi vay còn hơn! Nhưng khi một công ty có dự án phát triển công việc làm ăn với hy vọng sinh lợi thì mới tính chuyện đi vay tiền. Nếu họ bỗng dưng ngưng lại không đi vay nữa, thì cả dự án sẽ bị gác, có thể bị vứt bỏ. Công ty đó bị thiệt hại vì bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh. Các công nhân bị thiệt hại vì thiếu việc làm, nhiều người có thể mất việc. Những thiệt hại mà các công nhân của Vinacomin phải gánh do đâu gây ra? Thưa trước hết là vì đám bộ hạ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã biến Vinashin thành nơi vay tiền, xài tiền thả cửa, không cần biết ai sẽ lo trả nợ.

Các công ty Moody's và Standard & Poor's đều dựa vào viễn tượng Tập đoàn Vinashin không trả được nợ mà đánh giá Tập đoàn Vinacomin. Từ đầu tháng 12, Standard & Poor's đã báo trước cho các nhà đầu tư thân chủ của họ rằng Vinashin sẽ "không trả được nợ" (default) trong vòng 30 ngày. Trong báo cáo gửi giới đầu tư, công ty này đã trích dẫn nhận xét của các chuyên viên Ngân Hàng Thế Giới, họ nói rằng công ty Vinashin "đã làm những báo cáo tài chánh giả mạo;" đồng thời "đã đầu tư tiền bạc vào những khu vực ngoài phạm vi hoạt động chính của mình;" và nói thẳng: Sắp sửa vỡ nợ.

Dũng Bauxite hay Dũng Vinashin?

Khi Vinashin xin các chủ nợ cho khất một năm sau mới trả 60 triệu đô la đầu tiên, tất nhiên sẽ phải thương lượng các điều kiện. Trong cuộc thương lượng này thế nào các ngân hàng chủ nợ cũng đòi tăng lãi suất. Rất giản dị, người đi vay càng chứng tỏ có nhiều rủi ro không trả được nợ thì phải trả lãi suất cao hơn cho chủ nợ để bù cho mối lo bị quịt.

Người ta sẽ hỏi tại sao các chủ nợ khó tính như thế? Tại sao mới hôm trước hôm sau đã bắt, không những Vinashin mà cả các doanh nghiệp Việt Nam khác, khi đi vay là phải trả lãi suất cao hơn? Bởi vì khi các con nợ bị đánh giá xuống thấp thì chính các chủ nợ họ cũng đã mất tiền ngay rồi.

Trước hết là vì những trái phiếu mà họ cầm trong tay khi cho chính quyền Việt Nam vay bỗng mất giá trị trên thị trường, khi điểm tín dụng của Việt Nam xuống thấp. Trong tháng 11 năm 2010, những trái phiếu cho Việt Nam vay bằng đô la Mỹ đã mất giá 2.4% chỉ trong 30 ngày. Tháng 12 đã mất giá 5.7%. Ðây là lần mất giá cao nhất kể từ lần tháng 11 năm 2009, tụt giá 4.9%. Trong thị trường tài chánh các ngân hàng thường không giữ các giấy nợ trong tủ, chờ đến kỳ hạn thì đòi nợ. Họ luôn luôn mua qua bán lại các trái phiếu để thay đổi, giảm bớt mức rủi ro phải chịu. Khi các tờ giấy nợ xuống giá, ngân hàng cho vay mất tiền nếu cần bán. Cho nên, con nợ càng nhiều rủi ro thì càng phải trả lãi suất cao hơn.

Ngoài ra, không một ngân hàng lớn nào đem tiền cho vay mà không mua bảo hiểm. Mua Bảo hiểm Nợ (Default Swaps) cũng như bảo hiểm khi mua nhà, là trả một số tiền nhỏ mỗi năm để nếu con nợ quịt (vì vỡ nợ hay sạt nghiệp) thì có hãng bảo hiểm bồi hoàn tất cả số tiền cho vay chưa được trả. Các ngân hàng chủ nợ của chính quyền và các công ty Việt Nam đã phải trả giá bảo hiểm đắt hơn khi có tin công ty Vinashin sắp vỡ nợ. Trước đó, tiền mua bảo hiểm cho trái phiếu của Việt Nam vốn đã đắt rồi, ngày 17 tháng 12 giá là 287 điểm, trên thị trường Singapore. Nghĩa là muốn bảo hiểm cho một số trái phiếu trị giá 10 triệu trên giấy tờ thì phải trả 287 ngàn đô la. Trước ngày 20 tháng 12, giá bảo hiểm đã tăng lên 295 điểm. Sau khi công ty Vinashin xin khất nợ lần đầu, giá bảo hiểm tăng vọt lên 305 điểm; tức là chủ nhân 10 triệu đồng tiền nợ của Việt Nam phải trả bảo hiểm mất 305 ngàn một năm! Nếu quý vị đóng vai chủ nợ, chắc cũng phải đòi tăng lãi suất!

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam, dù đã nói đổi mới, đổi mới, nói đổi mới mãi nhưng vẫn không tôn trọng các quy tắc của thị trường tài chánh. Lý do vì đảng Cộng sản vẫn Stheo các chính sách mà Hồ Chí Minh học từ Stalin: Coi lãnh vực quốc doanh là căn bản kinh tế quốc gia.

Cộng đồng thế giới qua vụ Vinashin đã trông thấy rõ những mối nguy của kinh tế Việt Nam: Cán cân thương mại thâm thủng hàng chục tỷ Mỹ kim một năm và sang năm sẽ tiếp tục thâm thủng nhiều hơn; tỷ lệ lạm phát quá cao (gần 12% theo con số chính thức); và các doanh nghiệp nhà nuớc bất lực.

Ngân Hàng Phát Triển Á Châu coi vụ Vinashin sụp đổ là một "thất bại hệ thống" trong việc giám sát các doanh nghiệp nhà nuớc. Tất cả mọi người quan sát đều thấy nhu cầu cần xóa bỏ hệ thống kinh tế quốc doanh.

Ðại sứ Mỹ ở Việt Nam Michael Michalak nói chuyện với các nhà đầu tư quốc tế đã nhận xét: "Tình trạng không ai được trông thấy bản kê khai tài chánh của các doanh nghiệp nhà nuớc khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Còn những Vinashin nào nữa?" Ðại Sứ Anh Anthony Stokes mới nhậm chức thì nói phải coi như chắc chắn còn những vụ Vinashin khác; câu hỏi phải đặt ra là chính quyền Việt Nam có chỉ rõ đó là những công ty nào để cộng đồng kinh doanh quốc tế có thể giúp họ cải thiện hay không.

Giáo Sư Jonathan Pincus, thuộc Harvard Kennedy School đang ở Sài Gòn thấy: "Chính quyền Việt Nam này họ không tính đường xa, không thấy hậu quả của những vụ như Vinashin này trên mức độ tín nhiệm của giới tài chánh vào nước Việt Nam."

Công ty Moody's đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu vay nợ của Việt Nam trong những thập niên sắp tới. Một nước đang bắt đầu phát triển cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu, sân bay, bến cảng, không thể thiếu và không thể chậm được. Muốn vậy, phải vay nợ trên thị trường quốc tế. Vì vụ Vinashin, tất cả những món nợ mà chính quyền Việt Nam bắt buộc sẽ phải vay cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở sẽ khó vay hơn, và khi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn. Vì lý do đó, nhà nước Cộng Sản sẽ phải chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hậu quả là cả nền kinh tế sẽ chạy chậm lại, trong khi nhà nước tiếp tục lo trả nợ cho công ty Vinashin.

Sau khi đọc những lời phân tích trên đây, có lẽ nhiều người Việt Nam cũng đồng ý vụ Vinashin sẽ có ảnh hưởng lâu dài và lan rộng trên tất cả các ngân hàng và xí nghiệp Việt Nam trong tương lai. Hậu quả kinh tế không phải chỉ có mươi tỷ Mỹ kim đâu. Như vậy thì cái tên Vinashin phải gắn liền với tên Nguyễn Tấn Dũng.

Nguồn: Nguoi-Viet.com


No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty