- Hàng chục năm nay, người dân ở khu vực Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già mù với gánh chổi dạo vẫn rong ruổi trên từng con ngõ nhỏ.
Đó là ông Văn Tiến Thịnh, người đã có thâm niên gần 40 năm trong nghề bán chổi dạo.
Bán chổi dạo không phải vì tiền
Thường ngày ông bắt đầu công việc của mình từ mấy giờ?
9 giờ sáng.
Sao ông lại đi bán muộn vậy ạ?
Thì cũng phải để cho người ta ăn sáng xong đã chứ. Khi đã no bụng rồi thì họ mới có tâm trí để nghĩ xem cái chổi nhà mình đã mòn chưa.
|
Ông Văn Tiến Thịnh đang bán hàng cho khách. |
Vậy ông thường đi bán ở những khu vực nào?
Mắt tôi không trông thấy nên cũng chỉ đi bán ở một số phố nhất định thôi, như dọc đường Thanh Niên, phố Quán Thánh, Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ hay xung quanh khu vực chợ Châu Long.
40 năm đi bán chổi dạo, ông đã bao giờ bị lạc chưa?
Đã từ rất lâu rồi tôi không còn bị lạc nữa. Tuy không nhìn thấy gì nhưng những con đường này ngày nào tôi cũng đi qua, gần 40 năm rồi nên "nắm rõ như lòng bàn tay". Nói vậy thôi chứ thật ra cũng có lúc bị lạc, nhưng là hãn hữu lắm. Đó là những khi quá mệt nhọc khiến tư tưởng không tập trung. Bị phân tán một chút là dễ mất phương hướng.
Trên cây gậy của ông có treo một cái chuông, nó có tác dụng gì vậy?
Đó là hai người bạn thân thiết của tôi từ bao năm qua đấy. Cây gậy là người dẫn đường còn tiếng chuông thì báo hiệu cho mọi người biết mà không va vào tôi. Nó cũng còn một tác dụng nữa là giúp các khách hàng quen nhận ra tôi. Chỉ cần nghe thấy tiếng chuông là biết tôi đang tới nên đỡ phải rao bán chổi.
Bao nhiêu năm rong ruổi ngoài đường ông đã bao giờ bị xe đụng chưa?
Rất may là chưa.
Ông có mấy người con ạ?
Có ba người, một trai và hai gái.
|
Chiếc chuông - người bạn thân thiết của ông |
Sao các con của ông lại để ông phải là một công việc vất vả như vậy?
Chúng nó không đồng ý đâu, vẫn ngăn cản tôi suốt đấy nhưng tính tôi từ nhỏ đã thích làm việc, ngồi nhà thì không chịu được. Ngày xưa tôi bán chổi để kiếm tiền. Còn bây giờ tôi đi bán chổi không phải vì miếng cơm manh áo nữa mà chỉ như là đi tập thể dục thôi. Bao nhiêu năm, quen rồi mà, làm sao bỏ được.
Và họ đành chấp nhận?
Tất nhiên. Vả lại tôi không thích mình trở thành một người ăn bám. Các con tôi có thể lo chu cấp cho tôi đầy đủ nhưng tôi vấn muốn được làm việc. Kiếm được một xu cũng là làm việc. Khi mình còn lao động thì mình vẫn có vị thế với xã hội, trong gia đình lời nói cũng có trọng lượng hơn và quan trọng là cảm thấy mình vẫn là một người có ích cho đời.
Khách hàng cũng tử tế lắm
Không nhìn thấy gì, có khi nào ông bị khách hàng trả thiếu tiền hay thậm chí là bị cướp tiền không?
Không đâu, làm gì có chuyện đó. Khách hàng họ cũng tử tế lắm mà. Từ ngày đi bán chổi dạo đến giờ tôi chưa bao giờ bị khách hàng lừa tiền hay trả thiếu cả. Đôi khi họ còn trả thừa tiền, không lấy lại là đằng khác chứ ai lại nỡ đi lừa một ông già mù. Còn chuyện cướp thì lại càng không có. Với lại người mua chổi của tôi chủ yếu là khách quen nên cũng yên tâm hơn.
|
" Bây giờ tôi đi bán chổi không phải vì miếng cơm manh áo nữa mà chỉ như là đi tập thể dục thôi." |
Đi bán dạo vậy mà cũng có nhiều khách quen?
Nhiều chứ. Vì chổi của tôi làm chất lượng tốt nên được nhiều người tín nhiệm. Có đợt tôi bị ốm, nghỉ bán mất mấy tuần mà họ còn hỏi thăm và tìm đến tận nhà để mua chổi.
Tất cả những cây chổi này đều do tự tay ông làm thật sao?
Đúng vậy, tất cả đều do tôi tự tay làm lấy hết. Chỉ có nguyên liệu thì phải nhờ người mua hộ. Cứ bao giờ hết, gọi điện thì họ lại chở đến cho.
Vừa làm chổi rồi lại tự mang đi bán, liệu có quá vất vả với một người đã hơn 70 tuổi như ông không?
Tôi làm chổi đem bán đã mấy chục năm nay rồi, cứ làm riết, đi riết thì nó quen tay quen chân thôi. Chả thấy có gì là khổ cả, phải ngồi một chỗ với tôi mới là khổ.
Nhiều năm làm nghề bán chổi dạo, kỷ niệm nào để lại nhiều ấn tượng nhất với ông?
Đó là một lần bán hàng cho người nước ngoài. Ông ta muốn mua chổi nhưng lại không biết tiếng Việt, còn tôi cũng không hiểu ông ta nói gì. Bình thường thì có thể dùng tay ra hiệu, nhưng đằng này tôi cũng không nhìn thấy gì nốt nên không thể hiểu ông Tây này muốn gì, lúc đó tôi cũng chưa biết ông ta muốn mua chổi. May mà có người qua đường biết tiếng nước ngoài họ giải thích giùm nên cuối cùng vẫn bán được chổi cho ông Tây đó.
"Xuất khẩu" ra nước ngoài
Ông Văn Tiến Thịnh, tên thường gọi là Hiếu, 74 tuổi, quê ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông bị mù từ năm 20 tuổi do di chứng của bệnh sởi. Hiện ông đang ở nhà số 48 phố Nguyễn Khắc Hiếu (Hà Nội). |
Thế là chổi của ông cũng được xuất ngoại rồi đấy chứ!
Xuất ngoại thì nhiều lắm chứ đâu phải chỉ có mỗi một chiếc.
Nghĩa là sao ạ?
Tôi có người bạn, con ông ấy là Việt kiều ở Đan Mạch và Angola. Mỗi năm họ về nước một vài lần. Lần nào cũng đặt tôi làm chổi để mang sang bên đó bán.
Bán chổi của Việt Nam ở Đan Mạch và Angola. Quả là lạ thật?
Có gì đâu mà lạ. Một phần họ bán cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở đó phần còn lại bán cho những người bản xứ.
Người dân Đan Mạch và Angola cũng dùng chổi ạ?
Chắc là không. Tôi thấy bảo là bán cho các cửa hàng hoặc người dân mua về để bày ở nhà trang trí cho lạ mắt chứ họ không dùng chổi.
Ông nghĩ mình sẽ làm công việc này thêm bao nhiêu năm nữa?
Tôi đã đi bán chổi dạo được gần 40 năm rồi, và tôi sẽ vẫn làm tiếp cho đến lúc nào cái chân nó không chịu nghe theo mình nữa thì mới thôi.
Xin cảm ơn ông.
Hoàng Linh (thực hiện)
No comments:
Post a Comment