(11/24/2011) Nhân Mùa Tạ Ơn Trên Đất Mỹ (2011), Xin Được Cám Ơn Các Anh: Người Thương Phế Binh/VNCH Mường Giang Kính tặng tất cả TPB/VNCH Những ngày tháng Tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sàigòn. Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo. "Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi Tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn? Cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi" Bốn câu thơ cổ trong bài "Lương Châu Từ" của Vương Hàn (687-726) đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghỉ tới chuyện trở về? Và giọt mưa nào đây vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vữa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu. Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, mà giốc cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình. Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ "da ngựa bọc thây", tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín. Trưa 30-4-1975 Sàigòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sàigòn... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình. Ai chẳng một lần về với đất? khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc... và ngay tại Sàigòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC nhổ đem đi bán. Họ ở lại làm vật hy sinh cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người từ dân tới lính, bình yên di tản ra nước ngoài, để tiếp tục sinh con đẻ cháu, ăn học thành tài và thành người ngoại cuộc.. Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh và gia đình của họ, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ. Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời? "ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu là cầu đem người sang sông, hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường..." Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận. Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận: "Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc Trong vết thương người bạn nín rên Người chết mấy ngày không lấy xác Thây sình mặt nát, lạch mương tanh..." (Tô Thuỳ Yên) Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần giết đuổi giặc Tống, Mông, Minh, Thanh.. tận ải Chí Lăng, trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành xử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, già trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghị Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẻ sĩ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học. "Tôi không là tôi nữa, Từ khi được xuất ngũ Có quạ đen đậu trên đầu Có bao nhiêu đợi chờ đau khổ. ..." Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu: Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ. "Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà, thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về..." "Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ..." (Phạm Duy). Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tàn xuân héo, lần mò trở về làng xưa, với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc. Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống? Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường. Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nữa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền. Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi, thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình. 19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. 30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sàigòn. Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về? Có ai cầm được nước mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo. Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi sáu năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẩm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại. - Xin hãy thương lấy họ, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã. - Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại. - Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân. - Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối. - Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn, đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần. Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa: "Xin vì chàng xếp bào cởi giáp Xin vì chàng giũ lớp phong sương Vì chàng tay chuốc chén vàng Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng Liên ẩm, đối ẩm, đòi phen Cùng chàng lại kết, mối duyên đến già..." (Chinh Phụ Ngâm) Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập tức từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH? "Dấu binh lửa nước non như cũ, Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương" (Chinh Phụ Ngâm) Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ. Nghiêng mình, cúi đầu cảm tạ những vị ân nhân, đã và đang hết lòng cưu mang, giúp đỡ tận tình "Thương Phế Binh, gia đình kể cả cô nhị quả phụ VNCH", hiện đang sống kiếp trầm luân rách đói, trong địa ngục VN. Xóm Cồn Ha Uy Di Tháng 11-2011 - Mường Giang https://sites.google.com/site/tochucnguoivietyeunguoiviet/ |
TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG |
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn
Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure
Search This Blog
Friday, November 25, 2011
Nhân Mùa Tạ Ơn Trên Đất Mỹ (2011), Xin Được Cám Ơn Các Anh: Người Thương Phế Binh/VNCH
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment