|
ĐB Đỗ Kim Tuyến - ảnh: Ngọc Thắng |
Thảo luận tại tổ về dự án luật Xử phạm vi phạm hành chính (VPHC) chiều qua, nhiều ĐB tán đồng mức phạt phải đủ mạnh để có sức răn đe, tránh tình trạng "vui vẻ xin nộp phạt" như hiện nay.
Phạt gấp đôi vẫn còn... ít
Đại biểu Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đưa ra rất nhiều thông tin đáng chú ý xung quanh bất cập khi mức xử phạt VPHC hiện không đủ sức răn đe. Ông Nghị dẫn chứng: "Ngay như việc vi phạm về quảng cáo cho đêm nhạc Chế Linh tại TP.Hà Nội vừa qua, mức xử phạt cao nhất chỉ 15 triệu đồng, tính ra chỉ bằng số tiền ban tổ chức bán 15 tấm vé".
Ông Nghị cho hay, Hà Nội lâu nay xử lý vi phạm về xây dựng cao nhất chỉ 50 triệu đồng. "Nếu những ngôi nhà ở Q.Hồ Tây thời gian trước đây xây quá mức cho phép tới 8 tầng mà chỉ xử phạt 50 triệu đồng thì họ vui vẻ nộp phạt, có khi còn cảm ơn người xử lý. Thế nên chúng tôi lúc đó mới kiên quyết không áp dụng cách phạt này mà yêu cầu phải cắt ngọn những ngôi nhà xây dựng quá tầng so với cấp phép. Nghĩa là không chỉ phạt tiền mà phải yêu cầu khôi phục hiện trạng", ông Nghị nói.
Theo ông Nghị, mức từ 50.000 đồng đến 2 tỉ đồng và cho phép các TP lớn phạt nặng hơn (tuy nhiên không quá hai lần so với quy định) vẫn cần phải cao hơn nữa hoặc phải có chế tài riêng đối với những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ, đua xe trái phép thì phải tịch thu xe chứ không chỉ phạt tiền.
Nhiều ĐB cũng đồng tình với việc nên có mức xử phạt cao hơn ở các TP lớn trong 3 lĩnh vực giao thông, môi trường, trật tự đô thị, nếu chỉ tăng 2 lần như dự luật thì không đủ răn đe. Một số loại khác nên giao thẩm quyền cho HĐND TP.Hà Nội và TP.HCM quy định mức phạt cao hơn so với các địa phương khác.
ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, nếu quy định cụ thể mức tiền phạt như vậy thì sẽ dễ xảy ra tình trạng luật vừa ra đời đã lỗi thời vì trượt giá.
Cùng nhận định trên, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, luật không nên định mức xử phạt cứng mà giao Chính phủ linh hoạt áp dụng trong khung tối đa - tối thiểu, vì một hành vi vi phạm hiện nay có mức phạt 2 triệu đồng nhưng 5 năm nữa tiền mất giá thì giá trị tiền phạt chỉ còn 200.000 đồng, không đủ sức răn đe vi phạm.
"Lọt" gái mại dâm và trẻ vị thành niên
|
Ngay như việc vi phạm về quảng cáo cho đêm nhạc Chế Linh tại TP Hà Nội vừa qua, mức xử phạt cao nhất chỉ 15 triệu đồng, tính ra chỉ bằng số tiền ban tổ chức bán 15 tấm vé Đại biểu Phạm Quang Nghị |
|
Một trong những quy định khiến nhiều ĐB không đồng tình là việc loại bỏ khỏi dự luật quy định gái mại dâm phải vào cơ sở khám chữa bệnh và đưa trẻ em từ 12-14 tuổi vào cơ sở giáo dưỡng.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Đỗ Kim Tuyến đề nghị giữ lại quy định trên, vì theo ông, hiện đối tượng gái mại dâm hoạt động lén lút rất nhiều, nếu bỏ quy định đưa vào cơ sở khám chữa bệnh để kiểm soát thì rất khó thực hiện được cuộc đấu tranh chống mại dâm. Tương tự, hiện cả nước có khoảng 10% trẻ phải đưa vào cơ sở giáo dưỡng trong độ tuổi từ 12-14, nếu bỏ đối tượng này ra khỏi quy định là không phù hợp tình hình thực tế.
ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng nói: Hiện nay nhiều gia đình có con em hư hỏng ở độ tuổi này đến xin với chính quyền địa phương cho con em họ vào cơ sở giáo dưỡng vì họ không giáo dục được, đó là nhu cầu của thực tế cần đưa vào luật.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đề nghị, phải đẩy nhanh việc đưa mọi VPHC ra xét xử công khai, minh bạch tại tòa án. "Đó là xu hướng tất yếu của một xã hội văn minh. Hiện nay, nhiều vụ xử lý VPHC rất mệt mỏi và kéo dài hàng chục năm mà không giải quyết xong", ông Thạch nói. Tuy nhiên, ĐB Đỗ Kim Tuyến thì cho hay: đưa ra tòa là xu hướng tất yếu nhưng nếu trước mắt, khi luật có hiệu lực thì bộ máy tòa án hiện nay cũng không tiếp quản nổi vì thiếu mọi điều kiện cần thiết. "Đơn giản như việc chuyển thi hành án tử hình từ bắn súng sang tiêm thuốc độc mà đến nay vẫn chưa thực hiện được vì còn phải có thời gian chuẩn bị", ĐB Tuyến cho biết thêm.
Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh
No comments:
Post a Comment