Trân Văn, phóng viên RFA
2010-05-14
Dựa trên "Câu chuyện Sô viết" – Trân Văn tường thuật tiếp câu chuyện về sự liên kết giữa chính quyền cộng sản tại Liên Xô với chính quyền phát xít ở Đức...
Quan hệ Liên Xô - Đức
Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, gần 30 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng và việc Liên Xô tham chiến, vẫn được xem là một thành tố quan trọng để ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
Tuy nhiên, có đúng là Liên Xô đã cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, tạo điều kiện cho các dân tộc đang bị áp bức, thống trị giành đôc lập, tự do như chính Liên Xô và các chính quyền cộng sản, trong đó có Việt Nam vẫn tuyên truyền?
Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng dựa trên quan điểm sinh học sai lầm và chủ nghĩa cộng sản được dựa trên quan điểm xã hội sai lầm.Bà Françoise Thom
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào đầu tháng 9 năm 1939, khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Song gần hai năm sau, vào tháng 6 năm 1941, lúc phát xít Đức tấn công Liên Xô, Liên Xô mới bắt đầu tham gia cuộc chiến chống tham vọng thống trị thế giới của phe phát xít.
Trước đó thì sao? Dựa trên các tài liệu lưu trữ, giới sử gia cho biết, cuối thập niên 1930, Molotov – Ngoại trưởng Liên Xô - đại diện cho Stalin và Ribbentrop – Ngoại trưởng Đức - đại diện cho Hitler đã từng ký kết một thỏa thuận phân chia châu Âu.
Ông Vladimir Karpov - Cựu Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, hai lần được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, xác nhận: Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chính Stalin là người đề xuất thỏa thuận bí mật ấy.
Chúng tôi đã phủ nhận nó, bởi vì nó mang đầy tính gây hấn, Đảng Cộng sản không thể nào ký những thỏa thuận như thế. Vì vậy, chúng tôi đã phủ nhận nghị định bí mật này đến phút chót!
Giống như ông Vladimir Karpov, nhiều đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã chỉ trích nhận định vừa kể, cho tới khi văn bản ghi nhận thỏa thuận này được moi ra từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô để mọi người cùng mục kích.
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, tháng 9 năm 1939, hai tuần sau khi phát xít Đức tấn công Ba Lan từ phía Tây, đến lượt Hồng quân Liên Xô tấn công Ba Lan từ phía Đông. Sau cuộc tấn công ấy, Hồng quân Liên Xô đã bắt 22.000 người được xem là ưu tú nhất của Ba Lan, giải họ về Katyn rồi thủ tiêu.
Mãi đến gần đây, chính quyền liên bang Nga mới thừa nhận sự thật này. Hôm 10 tháng 4 vừa qua, lại có thêm một thảm kịch khác xảy ra với Ba Lan sau thảm kịch Katyn: Chuyên cơ chở ông Lech Kaczynski, Tổng thống Ba Lan và 95 người Ba Lan ưu tú khác đã rớt tại Smolensk, khi họ cùng đến Katyn dự lễ tưởng niệm 22.000 công dân Ba Lan bị chính quyền cộng sản Liên Xô thủ tiêu năm 1940.
Bí mật chưa nhiều người biết
Trong năm 1939, Liên Xô còn tấn công Phần Lan nhưng đã thất bại thảm hại cả về quân sự lẫn chính trị. Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) đã khai trừ Liên Xô khỏi cộng đồng quốc tế vì "gây hấn và xâm lược".
Các tài liệu lưu trữ còn cho thấy, Liên Xô đã để phát xít Đức sử dụng cảng Murmansk làm bàn đạp, tấn công Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Nauy,... Người ta đã tìm thấy một lá thư do Stalin viết, gửi Ribbentrop – Ngoại trưởng Đức, khẳng định: Tình hữu nghị giữa Liên Xô và Đức được đảm bảo bằng máu!
Liên Xô còn cung cấp dầu, quặng sắt, vật liệu xây dựng, lúa mì,... cho phát xít Đức xâm chiếm châu Âu. Đạo diễn Edvins Snore đã tìm được khá nhiều ảnh, ghi lại cảnh các viên chức, tướng lĩnh của Liên Xô và phát xít Đức gặp gỡ, chuyện trò, cùng nhau ăn uống vui vẻ.
Ý tưởng phá hủy trật tự quyền lực cũ ở châu Âu cũng là ý định của Stalin. Nhưng Hitler lại bị cho là kẻ ác.Ô. Vladimir Bukovsky
Giai đoạn này, báo chí Liên Xô có khá nhiều bài viết ca ngợi tình hữu nghị Xô – Đức. Thậm chí ông Molotov, Ngoại trưởng Liên Xô còn khẳng định với báo giới: Đấu tranh chống lại hệ tư tưởng Đức Quốc xã là một tội ác! Nhiều tin, bài trên các tờ báo Liên Xô trong giai đoạn đó vẫn còn được lưu trữ trong văn khố!
Thậm chí, Liên Xô còn huấn luyện Gestapo và SS của phát xít Đức về cách thức xây dựng trại tập trung, phương pháp tra tấn, thủ tiêu.
Tại sao chủ nghĩa cộng sản lại có thể đồng hành với chủ nghĩa phát xít? Câu hỏi này đã được những người làm bộ phim tài liệu "Câu chuyện Xô viết" nêu ra với giới sử gia.
Bà Françoise Thom, một sử gia ở Đại học Sorbonne, Pháp Quốc, giải thích: Cả hai hệ thống đều dựa trên một hệ tư tưởng với tham vọng tạo ra con người "mới".
Có nghĩa là cả hai chế độ đều không hài lòng với bản chất hiện tại của con người. Họ đấu tranh chống lại tính tự nhiên của loài người. Đấy là cội rể của chế độ toàn trị và là điều hiển nhiên trong cả hai hệ tư tưởng. Chủ nghĩa phát xít là một hệ tư tưởng dựa trên quan điểm sinh học sai lầm và chủ nghĩa cộng sản được dựa trên quan điểm xã hội sai lầm. Nhưng cả hai hệ tư tưởng đều muốn chứng minh là mình có cơ sở khoa học.
Vậy thì tại sao sau đó phát xít Đức lại trở mặt, tấn công Liên Xô và Liên Xô trở thành một thành tố quan trọng trong công cuộc ngăn chặn và tiêu diệt chủ nghĩa phát xít?
Ông Vladimir Bukovsky, một nhà văn Liên Xô, sau này trở thành một trong những người chuyên nghiên cứu về tội ác của chủ nghĩa cộng sản giải thích: Ý tưởng phá hủy trật tự quyền lực cũ ở châu Âu cũng là ý định của Stalin. Nhưng Hitler lại bị cho là kẻ ác. Ông ta sẽ phá hủy các trật tự cũ ở châu Âu. Sẽ không còn quốc hội, công đoàn, quân đội và chính phủ. Rồi sau đó, Stalin sẽ xuất hiện như một người giải phóng. Hàng triệu người mắc kẹt trong các trại tập trung đang chờ được tự do. Stalin và Hồng quân của ông ta sẽ đến như những giải phóng quân. Đây là kế hoạch của ông.
Nỗ lực phổ biến "Câu chuyện Xô viết"
Năm 2008, sau 10 năm thực hiện "The Soviet Story", đạo diễn Edvins Snore công bố bộ phim này. Nó làm nhiều người choáng váng.
(Phim tài liệu "The Soviet Story" do Đạo diễn Edvins Snore thực hiện được giới thiệu bởi Perry Street Advisors, phần phụ đềt Việt Ngữ do diễn đàn X-Cafe thực hiện)
Cuối tháng 4 vừa qua, Diễn đàn điện tử X-Cafe giới thiệu "The Soviet Story" đã được dịch và cài đặt phụ đề Việt ngữ với tên tiếng Việt là "Câu chuyện Sô viết".
"YesMan2008" – nickname của một thành viên trong Diễn đàn điện tử X-Cafe - người bỏ nửa tháng để dịch "The Soviet Story" sang Việt ngữ, giải thích với Đài Á Châu Tự do qua email, tại sao anh làm công việc này: Tôi thuộc thế hệ những người Việt Nam được sinh ra sau thời kỳ đổi mới. Chúng tôi được dạy, được học và thấm nhuần những điều tốt đẹp mà chế độ cộng sản đem lại cho loài người. Chúng tôi còn được dạy rằng, tất cả những điều không tốt đẹp về cộng sản đều là vu cáo.
Năm ngoái, sau khi xem "The Soviet Story" tôi bị sốc khi được biết những sự thật kinh hoàng mà những người cộng sản cố tìm cách che giấu. Tất cả những tài liệu, phim, ảnh trong bộ phim này không phải do "kẻ thù" tạo ra. Chúng năm trong văn khố do chính những người cộng sản Liên Xô lưu trữ. Người làm bộ phim này cũng từng là công dân Liên Xô. Các nạn nhân cũng vậy. Họ đã từng sống dưới chế độ cộng sản, rồi nghiên cứu về nó. Sự thật về chế độ cộng sản ở Liên Xô được vạch trần bởi những người trong cuộc...
Đó là lý do tôi muốn giới thiệu cho nhiều người Việt Nam xem phim này. Tôi đã dịch bộ phim. Sau đó, tôi đã nhờ bác Diên Vỹ, một thành viên lâu năm và có kinh nghiệm dịch thuật của X-Cafe hiệu đính. Phải mất hơn nửa tháng nữa để có thể ra mắt "Câu chuyện Sô viết."
Đã có bao nhiêu người xem "Câu chuyện Sô viết"? Anh Diên Vỹ, một thành viên trong Ban Quản trị Diễn đàn X-Cafe cho biết, rất khó ước lượng chính xác vì phim được đặt trên một trang web hỗ trợ tải xuống miễn phí. Tuy nhiên, theo Diên Vỹ, số người đóng góp ý kiến trên diễn đàn X-Cafe, sau khi đã xem phim rất đông. Cũng theo Diên Vỹ, "Câu chuyện Sô viết" đã được chuyển đổi định dạng và đặt trên youtube. Những người quan tâm đến "Câu chuyện Sô viết" có thể dùng bốn chữ "Câu chuyện Sô viết" làm từ khoá để tìm bộ phim này trong youtube.
Theo dòng thời sự:
- Vì sao chủ nghĩa công sản bị cáo buộc chống nhân loại? (phần 1)
- Vì sao chủ nghĩa cộng sản bị cáo buộc chống nhân loại? (phần 2)
- Tội ác của Cộng sản với nhân loại
- Cộng sản Phillipine tấn công trước bầu cử
- Đề án lịch sử quốc tế về chiến tranh lạnh (phần 1)
- Đề án lịch sử quốc tế về chiến tranh lạnh (phần 2)
- Đề án lịch sử quốc tế về chiến tranh lạnh (phần 3)
- Đề án lịch sử quốc tế về chiến tranh lạnh (Phần 4)
- Chiến tranh Việt-Pháp, bước ngoặc quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại
- Nhận định về "Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung"
- Kỷ niệm 60 năm ngày Nhật Bản ký văn kiện đầu hàng Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment