Thanh Quang, phóng viên RFA
2010-06-10
Sau khi cảnh đàn áp thương vong có liên quan vấn đề cưỡng chiếm đất đai diễn ra ở Nghi Sơn, Thanh Hóa gần đây, thì không khí khủng bố tiếp tục bao trùm người dân địa phương ấy, nhất là thân nhân của các nạn nhân.“Làm không phải thì đánh”
Kể từ ngày 25 tháng 5 vừa rồi tới nay, khi người dân Nghi Sơn, Thanh Hóa trải qua cảnh công an đánh đập cả phụ nữ, trẻ em, người bị tật nguyền, nhất là bắn chết hai nạn nhân và làm bị thương nhiều người khác, thì cho đến nay, các gia đình nạn nhân vẫn trong tình trạng tay trắng. Ông Lê Xuân Long, cha của một trong 2 nạn nhân tử vong này là cháu Lê Xuân Dũng, cho biết chính quyền chưa giải quyết gì cả và đề nghị phía có thẩm quyền giải quyết.Ông “yêu cầu chính quyền giải quyết, tức là người có tội phải đền tội thôi, chúng tôi là người dân biết thế nào nên nhờ đến pháp luật. Từ lúc đưa cháu về đấy thì chính quyền nói rằng đang chờ điều tra mà giải quyết.”
Và ông Long cũng không quên khẳng định: “Công an thì nhận trách nhiệm là bắn cháu Lê Xuân Dũng chết”.
Người mẹ đau khổ của Lê Xuân Dũng chỉ biết nghẹn ngào than thở: “Tôi là mẹ. Tôi mất con. Tôi rất thương con tôi. Con tôi còn bé, chưa bao giờ ra khỏi đường, chưa biết ai cả. Tôi khóc, la, thì công an bảo là con chị bị ngất thôi chớ không phải nó bắn con chị đâu. Tôi chạy về nhà tìm chồng, và cùng chồng tôi là Lê Xuân Long ra đến nơi thì cảnh vô cùng đau đớn tới cho gia đình tôi, tôi không thể nói, không ngờ được.”
Trong khi đó ông chủ tịch xã Lê Trọng Hồng đi lên, với rất là đông công an trên xe. Ông ấy có hô lên là ai làm không phải thì đánh, tao chịu trách nhiệm.
Mẹ nạn nhân Lê Xuân Dũng
Và bà nhân tiện kể lại chi tiết hơn về biến cố Nghi Sơn: “Tóm tắt là trưa ngày 25 tháng 6, cháu Dũng con tôi theo dân chúng ra ngoài đấy. Tôi có đi xe ra tìm con về. Ra đấy tôi thấy công an đông hơn dân. Dân ít hơn công an. Cháu Dũng thấy tôi, nói mẹ ơi đứng lại xem một tí. Khi ấy có chuyện là cháu Dũng con tôi mất một cái đồng hồ. Nó đi lục tìm đồng hồ.
Trong khi đó ông chủ tịch xã Lê Trọng Hồng đi lên, với rất là đông công an trên xe. Ông ấy có hô lên là ai làm không phải thì đánh, tao chịu trách nhiệm. Sau đó công an đánh đập, bắt dân, đánh cả đàn bà, trẻ con và đánh cả người thương tật. Họ bắt 7 chú thanh niên lên xe. Khi con tôi đang tìm đồng hồ thì có một thằng công an đá cháu Dũng té xỉu.
Lúc đó có cô Thanh đi bán nước – bán nước uống chứ không phải cầu vinh mà bán nước VN đâu – bảo tại sao chúng mày đánh trẻ con, thì thím Thanh bị chúng nó bắn một viên đạn xiên tay thím và vào bụng cháu Dũng.
Anh Nam mới hỏi tại sao chúng mày bắn trẻ con. Thì nó giơ súng bắn luôn vào đầu anh Nam và anh bị chết.”
Bịt miệng người dân
Được biết không khí hăm dọa hiện đang bao trùm địa phương này khiến người dân – nhất là những người bị đánh đập trong vụ này – không dám hé môi. Khi chúng tôi liên lạc, một trong 7 thanh niên bị bắt đi như chị Lê Xuân Long vừa kể, và bị đánh đập nặng, chỉ trả lời thoáng qua: “Tôi bây giờ đang ở dưới Viện, đang cấp cứu nên giờ này không thể nói chuyện được. Bây giờ có gì anh thông cảm nhé. Lúc khác nhé.”
Một trong những người tìm hiểu và tiếp xúc với gia đình các nạn nhân, với nhân chứng và dân chúng địa phương trong vụ Nghi Sơn là Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Vừa qua, MS Nguyễn Trung Tôn có tới dự đám tang của nạn nhân Lê Hữu Nam, mang theo quà biếu cho gia đình, và tới thăm gia đình anh Lê Xuân Long, cha của nạn nhân Lê Xuân Dũng.
Theo MS Nguyễn Trung Tôn thì thân nhân của nạn nhân ngăn cản chị Lê Hữu Nam tiếp chuyện với ông, vì phía gia đình nạn nhân đã phải thỏa thuận với giới cầm quyền là không cung cấp thông tin liên hệ. Mục sư Nguyễn Trung Tôn cho biết trong “vụ Nghi Sơn này, CA làm rất gắt gao, đến từng gia đình đối tượng yêu cầu không cung cấp thông tin ra ngoài, không được kể chuyện này với bất kỳ ai”
Hai đám tang của anh Lê Hữu Nam và cháu Lê Xuân Dũng đã diễn ra trong sự cách biệt, với sự cố ý của giới cầm quyền, như MS Nguyễn Trung Tôn nhận xét rằng “giới cầm quyền đưa xác anh Nam vào phòng lạnh và giữ ở đấy là cố tình tách 2 đám tang ra để tránh phản ứng mạnh mẽ của dân chúng.
Ngay cả gia đình cũng không được tới gặp xác anh Nam cho tới khi gia đình phải ký thỏa thuận “bí mật” với công an là không trung thực về cái chết của nạn nhân.”
Công an thì nhận trách nhiệm là bắn cháu Lê Xuân Dũng chết.
Ô. Lê Xuân Long
Theo thỏa thuận “mật” ấy thì anh Nam, sau khi bị bắn vào đầu, mãi tới 5 ngày sau mới chết mặc dù dân chúng chứng kiến kể lại với MS Nguyễn Trung Tôn rằng nạn nhân bị bắn chết ngay tại chỗ. Theo MS Tôn tìm hiểu thì “dân kể lại với tôi là sau khi bị bắn, anh Nam chỉ còn kịp ngáp mấy ngáp, thì bị CA khiêng ném lên xe cảnh sát giao thông, không băng-ca, không sơ cứu, không có gì cả. Xe chạy từ xã Tĩnh Hải lên Thanh Hóa xa 70 cây số, trên đường gồ ghề.”
Chúng tôi liên lạc với phía công an địa phương để tìm hiểu thêm về biến cố Nghi Sơn như sau:
Thanh Quang: Thưa, đây có phải là CA huyện Tĩnh gia không?
Công An: Anh là ai đấy?
Thanh Quang: Chúng tôi là Thanh Quang của đài ACTD bên Mỹ. Chúng tôi xin...
Công An: Chút gọi lại sau.
Thanh Quang: Chúng tôi được biết trong trường hợp Nghi Sơn, công an bắn chết Lê Hữu Nam và Lê Xuân Dũng, và bắn bị thương người khác nữa. Thì lý do nào mà công an hành động như vậy, thưa ông?
Công An: Cái đấy thì không trả lời được nhá. Ông muốn gì thì tới đây gặp trực tiếp.
Vụ Nghi Sơn này, CA làm rất gắt gao, đến từng gia đình đối tượng yêu cầu không cung cấp thông tin ra ngoài, không được kể chuyện này với bất kỳ ai.
Mục sư Nguyễn Trung Tôn
(Cúp điện thọai)
Chúng tôi được biết biến cố Nghi Sơn phát xuất từ nỗi bức xúc của người dân địa phương về vấn đề tiền đền bù cho đất đai bị cưỡng chế nhưng họ không nhận được; rồi tiền khói bụi gây ô nhiễm, tiền giới cầm quyền hứa cấp cho dân bị mất đất trong 12 tháng để tìm việc làm khác cũng cùng chung số phận “hứa suông”, nên người dân kiên quyết không giao đất, mở đường cho rắc rối xảy ra.
MS Nguyễn Trung Tôn giải thích thêm: “Tháng 10 này nhà nước phải bàn giao mặt bằng cho phía dự án mà người dân phản ứng như vậy thì họ không giao được đất. Tóm lại, một đàng, phía cầm quyền phải bàn giao mặt bằng vào tháng 10. Một đàng, phía nông dân phải được thanh toán tiền để kiếm sống. 2 bên đều quyết tâm. Phía cầm quyền có lực lượng, nên họ “chiến thắng”.
Biến cố Nghi Sơn thể hiện tình trạng nan giải tiếp diễn xem chừng như triền miên trong sự bế tắc, liên quan việc nhà nước cưỡng chế đất đai của người dân ở khắp nơi trong nước.
No comments:
Post a Comment