Phạm Huyền
(VNR500) - Không ít chủ đầu tư Việt Nam giờ đây đang khốn khổ vì chạy theo những sự cố thiết bị của nhà thầu Trung Quốc, chạy theo lời hứa về tiến độ sửa chữa cũng như, toát mồ hôi khi thỉnh thoảng lại nhận được “yêu sách” tăng giá tiền vật liệu.
Choáng vì những sự cố triền miên
Để nói về chất lượng thực hư ra sao của các nhà thầu Trung Quốc, có lẽ, chẳng còn so sánh nào chuẩn xác hơn là chuyện chiếc xe máy.
Giãi bày với VNR500, chính TGĐ Công ty CP nhiệt điện Hải Phòng, ông Trần Hữu Nam đã tâm sự rằng: “Tôi cũng từng đi xe máy Trung Quốc rồi, nay hỏng cái này, mai hỏng cái kia, nay thay đồ này, mai lại thay đồ kia thì mới chạy được. Nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm thì tình hình vận hành... cũng như thế đấy”.
Công trường nhiệt điện Hải Phòng 1 |
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 (2x300MW) do tổ hợp nhà thầu thực hiện bao gồm Tập đoàn điện khí Đông Phương – Trung Quốc (DEC) lo thiết bị phụ trợ và thi công, còn Tập đoàn Marubeni - Nhật Bản lo thiết bị chính là tua bin máy phát. Gói EPC này trị giá hơn 500 triệu USD.
Không thể “cả nể và dĩ hoà vi quí”, một thói quen thường thấy ở các chủ đầu tư Việt Nam , việc hỏng hóc triền miên của tổ máy 1 đã khiến vị TGĐ này như “tức nước vỡ bờ”.
Từ lúc hoà lưới đồng bộ hôm 15/6/2009, đến nay là 14 tháng, nhưng thời gian tổ máy 1 hoạt động được chỉ khoảng chừng 2 tháng. Công suất mà tổ máy 1 đã phát được chỉ có … 280 triệu kWh. Vào thời điểm thiếu điện đỉnh điểm vừa qua, tổ máy này cũng chỉ đóng góp được 130 triệu kWh, một con số còn cách xa so với 300MW công suất thiết kế.
Điểm lại quá trình hoạt động, ông Nam khó mà nhớ hết đã có biết bao nhiêu sự cố xảy ra ở tổ máy 1, cứ lặp đi lặp lại một vòng luẩn quẩn là “chạy dăm ngày, lại hỏng”. Đáng tiếc nhất là, đúng lúc cả nước thiếu điện căng thẳng thì tổ máy này lại đắp chiếu cả 3 tháng liền.
“Đa số hỏng hóc đều liên quan thiết bị phụ của nhà máy như máy nghiền, hệ thống đốt than, cẩu, quạt khói, quạt gió… Vấn đề nằm ở chỗ, mức độ sự cố không phải là quá nặng, nhưng thời gian khắc phục sự cố của DEC quá lâu. Mỗi khi hỏng, họ lại ngồi tính toán đánh giá nguyên nhân, lựa chọn phương án sửa, nói chung là rất chậm. Đây là dây chuyền đồng bộ nên khi 1 thiết bị phụ hỏng thì cả dây chuyền cũng tê liệt luôn”, ông Nam cho biết.
"Chưa hết, cách làm việc, năng lực quản lý của nhà thầu Trung Quốc này rất kém. Chúng tôi thực sự rất mệt mỏi”, ông Nam bày tỏ.
Ông ngán ngẩm bảo: “Đơn cử như chuyện, chuyên gia, cán bộ, kỹ sư của họ không biết tiếng Anh. Khi chúng tôi ra công trường làm việc với họ, phải có người phiên dịch, rất mất thời gian. Rồi chuyện làm hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ dự án để nghiệm thu, thủ tục xuất nhập khẩu, họ làm rất chậm và thiếu khoa học, cực kỳ lộn xộn”.
Ông Nam bức xúc: “Chưa hết, nhà thầu DEC nay bảo xin tăng thêm 20 triệu USD để bù giá vật liệu xây dựng tăng, mai lại bảo tăng thêm 40 triệu USD và có lúc thì đề nghị tới tăng tới tận 100 triệu USD. Đây là gói thầu EPC, là chìa khoá trao tay. Khi họ ký hợp đồng với ta, họ phải lường hết mọi rủi ro rồi chứ”.
Đến nay, so với tiến độ trong Qui hoạch điện 6, nhiệt điện Hải Phòng 1 đã chậm hơn 20 tháng.
Dây dưa, làm việc cầm chừng
Nếu như chuyện sự cố triền miên ở nhiệt điện Hải Phòng 1 là ví dụ điển hình cho chất lượng thiết bị Trung Quốc thì câu chuyện làm ăn dây dưa của nhà thầu Trung Quốc ở dự án giai đoạn 2 mở rộng gang thép Thái Nguyên là điển hình cho “môn võ phổ biến của đối tác nước này: Bỏ giá rẻ, làm cầm chừng để… xin tăng giá theo kiểu bù trượt giá!
TISCO đã chủ động loại nhà thầu Trung Quốc khi làm dự án cán thép |
Dự án này do Công ty Gang thép Thái Nguyên- TISCO làm chủ đầu tư, ký EPC trị giá 161 triệu USD với Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hiệu lực từ ngày 3/9/2007.
TISCO cho hay, sau 17 tháng, khi 57% quĩ thời gian thực hiện hợp đồng đã đi qua, chúng tôi điểm lại thì thấy, MCC mới chỉ thực hiện được khối lượng công việc rất ít ỏi, như lập xong thiết kế cơ sở, hoàn thành thiết kế chi tiết 1 trên tổng số 7 hạng mục, chuyển được 1 lô thiết bị đầu tiên, và chỉ có … 20 công nhân đến làm lán trại. Đã thế, bộ máy điều hành dự án ít khi có mặt ở Việt Nam mà chỉ có nhân viên.. trực văn phòng, không có thẩm quyền gì để giải quyết công việc tại dự án.
Mọi tiến độ các hạng mục mà MCC làm đều bị trượt, trong khi, MCC lại luôn gây sức ép, yêu cầu TISCO phải tăng giá hợp đồng, đòi hỏi nhiều điều kiện có lợi như… bố trí ăn nghỉ miễn phí tại nhà khách TISCO, cung cấp thép cho dự án, cung cấp phòng làm việc, điện nước phục vụ thi công, cho mượn kho bãi hiện trường. Mặc dù TISCO đã đáp ứng mọi đòi hỏi đó nhưng MCC vẫn… không tích cực triển khai dự án.
Ông Ngô Sỹ Hán, Phó TGĐ TISCO chia sẻ với VNR500: “Tháng 2/2009 là đỉnh điểm căng thẳng giữa chúng tôi với MCC. Căng tới mức, chúng tôi phải gửi hàng chục văn bản “gào thét” khắp nơi, kêu cứu Bộ Công Thương rồi nhờ cả đại sứ quán Trung Quốc can thiệp”.
Trước sự quyết liệt gay gắt này của TISCO và sau khi Bộ xắn tay vào chỉ đạo, hợp đồng EPC được điều chỉnh lại theo hướng, MCC vẫn làm tổng thầu EPC nhưng sẽ chỉ làm phần E- thiết bị, phần P- kỹ thuật thiết kế, còn phần C- xây lắp do một nhà thầu Việt Nam đảm nhiệm coi như thầu phụ, nhằm tăng cường giám sát.
Đến nay, MCC đã cải thiện phần nào thái độ làm vịêc nhưng, hậu quả là dự án bị chậm 1 năm, 3 tháng, ông Hán nói.
Cắt nghĩa về kiểu cách làm việc của MCC, ông Hán rất thẳng thắn: “MCC không phải là kém năng lực đâu.Vì công nghệ lò cao 500.000 tấn phôi/năm là loại lò cao nhỏ so với công nghệ gang thép của Trung Quốc, do đó, họ thừa sức làm. Nhưng vì khi ký EPC với ta, tính thời giá từ năm 2005, cộng thêm yếu tố khủng hoảng kinh tế, giá vật liệu tăng nên họ vin vào cớ đó để thi công chậm, cầm chừng và xin tăng giá”.
Ông Hàn cho rằng: “Đây là võ của nhà thầu Trung Quốc mà nhiều chủ đầu tư Việt Nam đã gặp”.
Chính vì thế, dự án cán thép 500.000 tấn ở Thái Trung của Tisco, ông Hán đã chỉ đạo không cho nhà thầu Trung Quốc tham gia mà đấu thầu và ký hợp đồng với nhà thầu Ý.
“Vì nếu để họ “nhảy vào dự án này” là bất lợi cho mình. Họ làm giá rẻ, trình độ cũng sẽ làng nhàng trong khi, cán thép là khâu quyết định đầu ra sản phẩm can mình”, ông Hán đánh giá.
Phạt hợp đồng: chờ được vạ thì má đã sưng
Theo tìm hiểu của VNR500, hai câu chuyện trên đã và đang trở nên phổ biến trên khắp các công trường Việt Nam, nơi mà nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu hàng trăm triệu USD nhưng làm không đến nơi đến chốn.
Trong đó, có cả dự án khổng lồ như Boxit Lâm Đồng!
Đợt căng thẳng nguồn điện vừa qua, 4 công trình trọng điểm nguồn điện phía Bắc là Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Sơn Động, Cẩm Phả do Trung Quốc làm liên tục hỏng hóc, gần như đứng ngoài việc hỗ trợ nguồn điện cho cả nước khi hụt nguồn thủy điện. Trong báo cáo gần đầy về ngành năng lượng tháng 7/2010, Bộ Công Thương mới chỉ có một dòng ngắn gọn đánh giá là “do chất lượng thiết bị kém”.
Trong khi đó, phạt được nhà thầu Trung Quốc rất gian nan. Ví dụ, theo điều khoản trong hợp đồng EPC dự án nhiệt điện Hải Phòng 1, chậm 5 tháng là phạt 10% giá trị gói thầu.
Nhưng căn bệnh “chậm tiến độ” đó lại cũng có đan xen lỗi của phía chủ đầu tư Việt Nam như chậm bàn giao mặt bằng, chậm ứng vốn. Để bóc tách lỗi và phạt, mất nhiều thời gian mà chưa chắc đã phạt được hết khung hợp đồng.
Dự án nhiệt điện Phả Lại 2 trước đây cũng chậm hơn 20 tháng, TKV vất vả đàm phán và cũng chỉ phạt được nhà thầu vài triệu USD.
Ông Trần Hữu Nam vẫn quả quyết: “Khi nào bàn giao chính thức nhiệt điện Hải Phòng, nhà thầu Trung Quốc sẽ không thoát khỏi chuyện phạt hợp đồng!”
Tuy nhiên, với bất cứ ngành công nghiệp nào, đặc biệt là điện thì việc các đối tác Trung Quốc làm kém đã gây hệ lụy thiệt hại xã hội là rất lớn mà khó có thể đong đếm được.
Tiếc rằng, Bộ Công Thương cũng chưa một lần rà soát chất lượng thi công từ nhà thầu Trung Quốc tại 90% công trình nhiệt điện hay các công trình khai khoáng, luyện kim khác. Và thậm chí, như DEC, làm rất kém công trình nhiệt điện Hải Phòng nhưng mới đây, tháng 3/2010, vẫn trúng thầu nhiệt điện Duyên Hải 1 tới 1,4 tỷ USD. Và trên thực tế, nhiệt điện Hải Phòng là công trình điện đầu tiên của DEC ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment