TT - Bên cạnh những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, xây
dựng pháp luật, các đại biểu Quốc hội được hỏi đều cho biết họ còn quan
tâm đến những vấn đề gây bức xúc trong cử tri, vì chỉ khi giải quyết ổn
thỏa những vấn đề này mới làm an lòng dân.
* Ông DANH ÚT (đại biểu Kiên Giang):
Người nghèo lo giá cả tăng cao
Bức xúc nhất của tôi là vấn đề quản lý giá, Chính phủ
cứ nói quyết tâm hoài mà quản lý chưa được, nhất là các mặt hàng thuộc
diện bình ổn giá quan trọng như: thuốc chữa bệnh, sữa, phân bón, thuốc
trừ sâu... Người nông dân, người nghèo họ thấp thỏm, bức xúc lắm, tôi đi
tiếp xúc cử tri ở đâu người ta cũng bày tỏ sự lo lắng, bức xúc.
Ông Danh Út - Ảnh: L.KIÊN
|
Trong bốn năm qua, giá tăng mấy chục phần trăm, chưa
nói đến dân nghèo, tôi là cán bộ còn thấy khó khăn, thấy rất lo, lương
không thể sống nổi trong điều kiện tăng giá thế này. Bây giờ người ta cứ
lấy vàng làm chuẩn cho giá cả. Trước đây đưa vợ 20.000 đồng đi chợ mua
thức ăn, giờ chừng ấy tiền đi mua được cái gì? Người nghèo giờ đi khám
bệnh rất ớn, kể cả có bảo hiểm y tế, vì bảo hiểm y tế chỉ được cấp những
thuốc trong danh mục, còn lại phải mua ở ngoài rất mắc.
Như vậy vai trò của cơ quan quản lý ở đâu? Phải làm thế
nào để bảo vệ được quyền lợi cho người nghèo, chứ cứ quản lý kiểu chạy
theo doanh nghiệp thế này thì các doanh nghiệp cứ làm giá, thậm chí họ
đối phó. Vừa qua những người kinh doanh sữa đối phó liên tục, thậm chí
khi Bộ Tài chính ra nghị định, chỉ còn vài chục ngày là có hiệu lực
nhưng họ đã chạy thời gian để lên giá bằng được, đây là chuyện không thể
chấp nhận.
Quốc hội quyết chỉ số tăng giá 7%, vậy mà các quan chức
Chính phủ cứ phát biểu rằng đảm bảo mức 8% là hợp lý. Tôi nghĩ các vị
ấy nên cẩn trọng khi phát biểu vì chỉ tiêu Quốc hội giao là chỉ tiêu
pháp lệnh, không thể coi thường được.
* Ông VŨ QUANG HẢI (đại biểu Hưng Yên):
Chờ đợi người nhận trách nhiệm về vụ Vinashin
Sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về Vinashin, tôi
đã gửi chất vấn tới tổng Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ hỏi
rằng tại sao có tới 11 lần thanh tra, kiểm toán vào mà tình hình
Vinashin vẫn như thế? Do năng lực thanh tra, kiểm toán yếu hay có tiêu
cực gì ở đây?
Kỳ này Chính phủ có báo cáo riêng gửi Quốc hội về
Vinashin, tôi chờ đợi một bản báo cáo đầy đủ và trung thực nhất về tình
hình Vinashin, nguyên nhân của sự đổ bể, hậu quả đến mức nào và nhất là
ai phải chịu trách nhiệm chính về vụ việc này. Cần phải làm rõ trách
nhiệm quản lý và trách nhiệm chính trị của Chính phủ, các bộ ngành liên
quan, không thể kết luận chung chung được, phải có cá nhân nhận trách
nhiệm chính về việc này.
Ông Vũ Quang Hải - Ảnh: Đ.NAM
|
* Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Đồng Nai):
Đề nghị làm rõ vấn đề bôxit
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trả lời báo chí là sẵn
sàng đáp ứng các thông tin về tình hình biển Đông cho đại biểu Quốc hội.
Tôi nghĩ việc công khai các thông tin như vậy là trách nhiệm của Chính
phủ, đó cũng là cách tốt nhất để mọi người dân chia sẻ với Chính phủ về
vấn đề này, đặc biệt trong lúc cử tri đang rất quan tâm. Về dự án Luật
về biển, Chính phủ cứ nói chuẩn bị chưa xong. Tại sao chuẩn bị bao nhiêu
kỳ họp rồi mà vẫn chưa xong? Chính phủ phải đáp ứng yêu cầu của Quốc
hội chứ sao lại bảo Quốc hội phải chờ Chính phủ.
Ngay chuyện bôxit cũng vậy, người dân còn băn khoăn thì
Nhà nước phải gỡ, một là để cho có thông tin đầy đủ, hai là nghe ý kiến
của dân để lọc ra những điều có ích. Tôi vừa viết một lá thư cho Chủ
tịch Quốc hội đề nghị làm rõ vấn đề bôxit. Trong thư tôi có nhắc tới
kiến nghị của ông Nguyễn Trung và nói rằng đó là những ý kiến của công
dân rất có trách nhiệm. Dân lo lắng điều gì thì Chính phủ, Quốc hội phải
làm rõ, vì an lòng dân là quan trọng.
Ông Dương Trung Quốc - Ảnh: L.KIÊN
|
LÊ KIÊN thực hiện
No comments:
Post a Comment