SGTT.VN - Nhiều chuyên gia khi nói về nguyên nhân khiến đoàn tàu sang trọng này phải ngừng hoạt động cùng cho rằng: dự báo nhu cầu hành khách của tư vấn đã quá "ảo tưởng", song đây là "bệnh" khi nhắc đến "sự cần thiết phải đầu tư" của nhiều dự án giao thông ở nước ta.
Không có khách, đoàn tàu triệu đô phải nằm ụ tại nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh: Trung Đức |
Nhiều chuyên gia khi nói về nguyên nhân khiến đoàn tàu sang trọng này phải ngừng hoạt động cùng cho rằng: dự báo nhu cầu hành khách của tư vấn đã quá "ảo tưởng", song đây là "bệnh" khi nhắc đến "sự cần thiết phải đầu tư" của nhiều dự án giao thông ở nước ta.
Tháng 6.2009, đoàn tàu khách cao cấp HaLong Express đã phải ngưng hoạt động chỉ sau hai tháng đưa vào khai thác. Hơn một năm qua, đoàn tàu hạng sang này vẫn nằm phơi nắng phơi sương trong khuôn viên nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhìn hình ảnh hoang tàn và lạnh lẽo của đoàn tàu, thật khó có thể hình dung đây từng là con tàu vào loại cao cấp nhất trên đường sắt Việt Nam hơn một năm về trước.
"Con tàu chết"
Đoàn tàu gồm sáu toa tàu nằm lạc lõng giữa một bãi cỏ dại um tùm, dây leo chằng chịt phủ kín những toa xe. Bên trong, mùi ẩm mốc bốc lên từ những hàng ghế vốn sang trọng, từng được ví như "boeing mặt đất". Quầy bar – từng là niềm tự hào của đoàn tàu giờ là nơi trú ngụ của chuột.
Một lãnh đạo của nhà máy xe lửa Gia Lâm tỏ ra tiếc rẻ: được đóng những toa tàu như thế công nhân từng rất tự hào. Không ngờ, chỉ một năm sau nó đã thành "con tàu chết".
Để đưa dự án đoàn tàu khách vào loại sang nhất trên đường sắt Việt Nam vào thời điểm đó, chủ đầu tư là công ty vận tải đường sắt Dongrim (Hàn Quốc) đã đầu tư cả triệu USD. Ngoài việc mua và vận chuyển các toa tàu Soeul Metro từ Hàn Quốc sang, công ty này còn phải thuê nhà máy xe lửa Gia Lâm hoán cải lại cho phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam với giá 300.000 USD. Vậy điều gì đã khiến đoàn tàu triệu đô này chết yểu khi vừa lăn bánh chưa đầy hai tháng?
Bệnh ảo tưởng
Ông Nguyễn Hiền Thái, người từng tham gia dự án này với tư cách phó giám đốc công ty Dongrim nhớ lại, đoàn tàu chạy được vài chuyến đầu là đông khách, nhưng chủ yếu vào dịp lễ 30.4 và 1.5.2009. Sau đó, số khách thưa dần và có những chuyến con tàu có sức chứa 300 khách này chỉ chở được ba, bốn khách. Thực tế đó buộc con tàu phải ngừng hoạt động vì thua lỗ.
Chạy 35 chuyến thì hết khách Tàu HaLong Express từng là tàu khách chất lượng cao do Công ty TNHH một thành viên Vận tải đường sắt Dongrim (Hàn Quốc) đầu tư khai thác với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 1 triệu USD. Đoàn tàu bao gồm sáu toa xe, trong đó năm toa khách, mỗi toa có 62 ghế mềm và một toa cung ứng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quầy bar. Khoảng cách giữa các ghế và chiều rộng toa xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, chạy trên đường sắt khổ đôi 1.435mm. Các toa xe đều được trang bị các tiện nghi sang trọng như máy điều hoà, hai màn hình LCD 29 inch. Tàu chạy từ 10.4 đến 1.6.2009 với 35 chuyến thì dừng hoạt động. |
Công ty xe lửa Gia Lâm, một đơn vị được thuê hoán cải đoàn tàu cho dự án, thậm chí khi nhận được đơn hàng lớn, đáng ra phải mừng nhưng cũng đã lên tiếng khuyến cáo "khách đâu ra mà các ông đóng đoàn tàu chở cả 300 khách mỗi ngày".
Nói về lý do đoàn tàu đắp chiếu, một cán bộ ngành đường sắt, từng là phó tổng giám đốc tổng công ty Đường sắt Việt Nam phân tích: mục tiêu đoàn tàu này là để đón đầu khách du lịch từ Hà Nội xuống Hạ Long. Đáng ra phải xuất phát từ Hà Nội, thế nhưng điểm đầu của nó lại tận bên Gia Lâm, thử hỏi lấy khách đâu ra? "Chắc họ tính chờ đến khi có đường sắt đô thị Ngọc Hồi – Yên Viên để kết nối, trung chuyển khách! Tiếc là tuyến đường sắt đô thị này chưa biết khi nào xây mà đoàn tàu thì đã đắp chiếu lâu rồi", ông này nói.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về nguyên nhân khiến đoàn tàu phải ngừng hoạt động, nhiều chuyên gia cùng cho rằng dự báo của nhà tư vấn đã quá ảo tưởng về nhu cầu đi lại của hành khách. Và đó cũng là "căn bệnh" khi người ta nói đến "sự cần thiết phải đầu tư" của nhiều dự án giao thông ở nước ta.
Điều đáng nói nữa, dự án tàu HaLong Express đắp chiếu nhưng vẫn chưa được yên. Bởi dù ngừng chạy, song mỗi tháng riêng chi phí gửi đoàn tàu này tại khuôn viên nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng lên đến 12 triệu đồng.
Người biết chuyện thì nói vui rằng, đó không đơn giản là hợp đồng gá gửi mà còn là "cầm cố" đoàn tàu bởi dự án này còn nợ nhà máy xe lửa tiền đóng toa xe vài tỉ đồng. Ngày 5.10, lãnh đạo nhà máy này xác nhận, đến thời điểm này, số tiền gốc lẫn lãi dự án này còn nợ lên tới 3,258 tỉ đồng nhưng chưa biết đòi ra sao!
bài và ảnh: Trung Đức
No comments:
Post a Comment