Hôm 30.3, tại hội nghị về vấn đề tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ tổ chức tại TP.HCM, báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết từ năm 2006 tới nay có 7.045 ngư dân của 1.186 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Tuy nhiên, tàu cá Việt Nam bị nước ngoài xử nặng trong khi "tàu lạ" đánh bắt trái phép trên biển Việt Nam chỉ bị xua đuổi.
Phải qua quá trình đấu tranh, tàu cá của ông Nguyễn Tấn Lự ở Bình Sơn, Quảng Ngãi và 13 ngư dân mới được phía Trung Quốc thả vô điều kiện hồi tháng 8.2009. Ảnh: Minh Đức |
Riêng Quảng Ngãi, từ năm 2006 tới nay, có 47 tàu cá bị bắt giữ. Mặc dù không bằng Kiên Giang với 58 tàu, Cà Mau 56 tàu bị bắt, nhưng khu vực biển mà ngư dân Quảng Ngãi đang hoạt động hiện lại "nóng" nhất.
"Tàu lạ" chỉ bị đẩy đuổi
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi cho hay tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi hoạt động khắp ngư trường cả nước, ra đến Hoàng Sa, Trường Sa. Việc Trung Quốc có ý đồ khẳng định chủ quyền của họ trên lãnh hải Việt Nam là Hoàng Sa rồi tăng cường bắt giữ tàu cá của ngư dân kể cả khi họ vào Hoàng Sa trú bão là điều phi lý. Chỉ riêng năm 2009, Trung Quốc đã bắt giữ 433 ngư dân/33 tàu, trong đó bốn tàu và 38 ngư dân bị giam giữ tại đảo Phú Lâm; sáu tàu và 32 ngư dân bị nộp phạt từ 50.000 đến 70.000 nhân dân tệ/1 phương tiện để được thả về. Số còn lại phía Trung Quốc tịch thu toàn bộ tài sản, phương tiện, hải sản, nhiên liệu, ngư lưới cụ, máy bộ đàm, định vị rồi đuổi ra khỏi khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi có hai tàu cá bị tàu lạ đâm, một tàu bị phía Trung Quốc khống chế, lục soát, tịch thu tài sản nước uống khi đang khai thác trên vùng biển Hoàng Sa.
Ngược lại, theo đại diện cục Cảnh sát biển, việc hiện nay không xử phạt tàu đánh bắt cá của Trung Quốc khi vi phạm vùng biển Việt Nam mà chỉ quay phim, lập biên bản và phải phóng thích ngay trong vòng 1 – 2 giờ tạo một tiền lệ xấu cho việc tàu Trung Quốc vào biển Việt Nam ngày càng nhiều. Ông Trần Ngọc Thới, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị đối với tàu lạ xâm nhập lãnh hải Việt Nam để khai thác hải sản trái phép, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh. Bởi hiện nay, ở nhiều vùng biển nước ta, khi "tàu lạ" xâm nhập, lực lượng biên phòng chỉ dừng ở biện pháp xua đuổi mặc dù theo quy định pháp luật, có đủ cơ sở để bắt giữ, xử phạt giống như các nước áp dụng quyết liệt với ngư dân Việt Nam.
Hỗ trợ vật chất cho ngư dân bị bắt oan
Ông Trương Ngọc Nhi đề nghị, đối với tàu ngư dân bị bắt oan trên vùng biển Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tháng lương tối thiểu/người/tháng bị giam giữ; phát 15kg gạo/người/tháng cho thân nhân được người bị bắt nuôi dưỡng trực tiếp; khen thưởng cho ngư dân bị thương, bệnh hoặc tử vong trong thời gian giam giữ; hỗ trợ tối thiểu bằng 50% giá trị đóng tàu mới đối với chủ tàu bị nước ngoài bắt giữ, đâm chìm khi đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, hội Nghề cá hoặc các tổ chức xã hội khác cần lên tiếng bảo vệ và giúp dỡ ngư dân khi bị bắt. Theo đó, xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ ngư dân bị bắt, vì đa số đều là người có hoàn cảnh quá khó khăn, thiệt thòi. Việc thành lập tổ công tác với bộ là cơ quan thường trực, tiếp nhận và xử lý thông tin, sẽ tránh tình trạng thông tin đi lòng vòng, nhiều cấp, chậm trễ trong việc bảo vệ ngư dân bị bắt.
Đối với ngư dân tại Biển Tây, các đại biểu đề nghị phải trang bị cho ngư dân kiến thức pháp luật Việt Nam và các nước về quản lý hoạt động tàu cá trên các vùng biển, ranh giới biển. Việt Nam cũng cần yêu cầu các nước tuân thủ luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ khí với ngư dân...
Theo báo cáo của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số tàu và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ xử lý tăng vọt hàng năm. Nếu như năm 2006 chỉ trên 1.000 người bị bắt thì năm 2009 số ngư dân bị bắt lên 2.472 người của 304 tàu cá. Năm 2010, từ tháng 1 tới tháng 3, số ngư dân bị bắt đã trên 200 người với 30 tàu. Trong đó, nhiều nhất là Kiên Giang (58 tàu), Quảng Ngãi (47 tàu)... Hiện số ngư dân nước ta còn bị bắt giữ ở nước ngoài khoảng 751 người.
Lê Quỳnh – Ngô Nguyên
Tán gia bại sản vì tàu cá bị Trung Quốc bắt giữ
Ngày 30.3, bà Nguyễn Thị Bưởi, vợ thuyền trưởng tàu cá QNg0362–TS Tiêu Viết Là đã phải mượn bốn sổ đỏ của người thân để thế chấp ngân hàng vay tiền nhằm "nộp chuộc" cho chồng con đang bị phía Trung Quốc bắt giữ. Bốn sổ đỏ thế chấp ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện chỉ có thể cho vay 40 triệu (10 triệu đồng/sổ đỏ), số tiền còn lại phải vay nóng bên ngoài mới đủ 180 triệu đồng để cứu tàu cá cùng các ngư dân. Theo bà Bưởi, trong vòng ba năm qua, chồng bà đi biển liên tiếp thất bại, hai lần bị phía Trung Quốc bắt giữ vô cớ ở Hoàng Sa nên giờ đây gia đình mắc nợ hơn 700 triệu đồng, đang lâm vào cảnh "tán gia bại sản".
Cùng ngày, chính quyền địa phương đã động viên, khuyên can các gia đình không được nộp "tiền chuộc" cho phía Trung Quốc, tránh tạo "tiền lệ xấu" về sau. Trước đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cũng đã lên tiếng yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay, vô điều kiện tàu cá cùng toàn bộ số ngư dân bị lực lượng tuần tra Trung Quốc giữ ngày 22.3.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment