- Trong công văn hỏa tốc trả lời ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết chiều qua (11/11) về đề xuất lập Ủy ban điều tra trách nhiệm vụ Vinashin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ: Sau khi cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH thống nhất chưa cần thiết trình Quốc hội thành lập ủy ban này.
Công văn viết: "Căn cứ điều 27 Luật tổ chức Quốc hội; căn cứ điều 7, điều 12 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; căn cứ vào điều 26 quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đang được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét, trong đó có việc cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra".
Vì lý do trên, nên "cân nhắc nhiều mặt", UBTVQH đã chính thức "bác" đề xuất của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết.
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết phát biểu về phòng chống tham nhũng ngày 4/11. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trao đổi với VietNamNet tối qua, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nói: "UBTVQH đã nghiêm túc xem xét đề nghị của tôi và đã trả lời sau 9 ngày nhận kiến nghị, vậy là nhanh so với thời hạn 30 ngày".
Ngày 1/11, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, sau khi phân tích thua lỗ ở Vinashin, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết đã đề xuất: "Căn cứ Hiến pháp và Luật tổ chức QH, tôi trân trọng đề nghị UBTVQH tổ chức để QH biểu quyết thành lập ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của ủy ban lâm thời, tôi đề nghị QH tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra".
Ngày 2/11, ông chính thức gửi kiến nghị lên UBTVQH.
Cũng chiều 2/11, kết thúc thảo luận 2 ngày về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nói: Các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau về việc lập hay không lập Ủy ban lâm thời để điều tra vụ Vinashin. Phải xem xét kỹ các quy định của pháp luật, bảo đảm đúng quy trình.
Theo ông Kiên, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra. Cơ quan an ninh đang thụ lý vụ án này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang làm theo chức năng.
Ngày 6/11, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, khi đánh giá về Vinashin, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ có liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và đề xuất việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân một cách công khai, minh bạch, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thời hạn hoàn thành trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa X (tháng 12 tới).
Ngày 10/11, trao đổi với báo giới tại hành lang QH, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, vừa hoàn tất cuộc thanh tra toàn diện Vinashin và chuẩn bị báo cáo Thủ tướng để ra kết luận cuối cùng.
"Theo quy định, đến ngày 15/11 phải kết thúc thanh tra nhưng hôm qua (9/11) đoàn thanh tra đã hoàn tất. Thanh tra Chính phủ đã làm rõ sai phạm của Vinashin cụ thể hơn so với kết luận chung của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ví dụ Ủy ban Kiểm tra kết luận lỗ lớn, nợ lớn... Chúng tôi làm rõ lỗ và nợ tới mức nào".
Đánh giá những diễn biến trên, ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nói, mặc dù trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải, Thanh tra Chính phủ đều giải trình cụ thể trách nhiệm từng bộ, ngành song "các giải trình đó chỉ cho thấy họ là cơ quan tham mưu, góp ý chứ không có quyền với tập đoàn, mà phải là Thường trực Chính phủ".
Theo ông Thuyết, kiểm điểm quan trọng nhất vẫn phải là làm rõ được trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ liên quan.
Ông Thuyết cũng đã gửi chất vấn bằng văn bản lên Thủ tướng với nội dung đề nghị Thủ tướng cho biết trách nhiệm của Thủ tướng trong sai phạm diễn ra ở Vinashin.
Phiên chất vấn của QH dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, bắt đầu từ sáng 22/11 tới.
Theo thông lệ, ở các kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người đăng đàn trả lời cuối cùng.
-
Lê Nhung
No comments:
Post a Comment