TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, November 13, 2010

Tướng đan rế phản xạ rất nhanh....

Câu chuyện đời của một vị tướng
Anh hùng Võ Trọng Việt. Ảnh: T.N.
Nếu gặp anh ở ngoài đời, có lẽ không ai biết đó là một anh hùng, một vị tướng tài danh và thành đạt. Anh có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt khắc khổ, thâm trầm, giọng nói sắc ấm và mạnh mẽ. Với anh, bản lĩnh của một vị tướng anh hùng ẩn chứa sau đôi vai gầy guộc, trong cái xù xì quăn queo của mái tóc khô xác vì sương gió.

Nếu gặp anh ở ngoài đời, có lẽ không ai biết đó là một anh hùng, một vị tướng tài danh và thành đạt. Anh có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt khắc khổ, thâm trầm, giọng nói sắc ấm và mạnh mẽ. Với anh, bản lĩnh của một vị tướng anh hùng ẩn chứa sau đôi vai gầy guộc, trong cái xù xì quăn queo của mái tóc khô xác vì sương gió.
Một ngày tháng tám, Hà Nội không mưa. Tháng tám ở Hà Nội là chớm thu. Chớm những cơn gió đầu mùa hanh hao lạ. Tôi ngồi với Thiếu tướng - Anh hùng LLVTND Võ Trọng Việt - vị Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong căn phòng làm việc của ông ở số 4 Đinh Công Tráng.
Ngoài kia là mùa thu bời bời gió. Những cây xà cừ cổ thụ xoãi tay nghiêng mình trong xào xạc lá rụng. Mùa thu ở Hà Nội bắt đầu thi vị đến vậy. Khác hẳn với Hà Tĩnh quê tôi, mùa thu là bắt đầu của mùa mưa bão. Bao nhiêu sự giận dữ của đất trời suốt một năm đều dồn chứa và hắt đổ vào mùa thu.
Khiến cho mùa thu tháng tám ở quê tôi đi kèm với cái rét, cái đói, cái nhọc nhằn tang thương của mùa bão lũ. Hôm nay Hà Nội đẹp quá. Mùa thu nơi đây như không hề hay biết ở dải đất miền Trung, nơi có mảnh đất nghèo chịu thương chịu khó Hà Tĩnh, quê của Thiếu tướng Võ Trọng Việt, cũng là nơi chôn rau cắt rốn của tôi, đang oằn mình trong cơn bão số 2 với những nỗi đau thương tang tóc.
Chúng tôi ngồi trò chuyện, lòng ngậm ngùi thương quê trong một ngày quê mình bão lũ, gió mưa đến thế. Hôm đó, Thiếu tướng Võ Trọng Việt đã kể cho tôi nghe câu chuyện đời mình.
Làm cha từ năm 13 tuổi
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở cửa sông làng Trung Hoà, Đức Khoa, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Võ Trọng Việt là anh cả của 6 đứa em. Gia cảnh đông con, cơ hàn, lại thêm người cha quanh năm đau ốm triền miên, gánh nặng cơm áo đổ lên vai người mẹ tần tảo. Võ Trọng Việt lớn lên trong bùn đất.
Mười ba tuổi đã là trụ cột gia đình thay cha ra sông đào đãi tôm, cá, chạy đồng chạy chợ giúp mẹ nuôi các em và người cha ốm đau. Từ nhỏ, ước mơ của anh là sau này sẽ trở thành thầy giáo. Lệnh Tổng động viên năm 1975 đã làm một bước ngoặt lớn lao biến thầy giáo tương lai trong một thanh niên 17 tuổi đầy ước mơ và hoài bão trở thành một người lính để sau này trở thành một vị tướng anh hùng.
Mười bảy tuổi đi chiến trường vào Tiểu đoàn 22 của Khu Tư anh hùng, bám trụ ở Đồn 94 đóng quân tại các xã giáo dân toàn tòng ở Nghệ Tĩnh. Người lính trẻ xông xáo và năng nổ ngày cầm súng, cầm cuốc, cầm cày cùng với bà con dân làng tăng gia sản xuất, tối đến lại thắp đèn đến từng nhà động viên bà con học chữ xoá mù, và cũng để thỏa nỗi khát khao làm thầy.
Một năm sau nhập ngũ, anh đã được đi học đối tượng Đảng và được kết nạp Đảng năm 19 tuổi. Ở nhà cùng với mẹ, 13 tuổi anh đã thay cha làm trụ cột kinh tế cho gia đình, nuôi 6 em ăn học. Vào đơn vị, anh lại tiếp tục làm cha của một đứa trẻ có hoàn cảnh đau lòng.
Đồn Võ Trọng Việt đóng quân gần nhà một cặp vợ chồng. Do kinh tế khó khăn, hai vợ chồng đánh chửi nhau thường xuyên và đòi ly hôn. Đứa con duy nhất của họ mới 2 tuổi không ai chịu nuôi. Cám cảnh đứa trẻ bị bỏ rơi tội tình, chàng thanh niên 18 tuổi Võ Trọng Việt đã đưa em bé về đơn vị nuôi và sống cùng.
Hai năm trời người cha 18 tuổi đã chăm nom, thức đêm hôm, thay luôn cả vai trò người mẹ để chăm một đứa bé. Những lúc ốm đau, tè dầm, sốt nóng, và vô vàn cơ cực khác, anh đều vượt qua bởi lòng xót thương trắc ẩn của một người thanh niên có cuộc sống khổ cực từ bé.
Chính tình thương vô điều kiện của anh đã giúp cho hai vợ chồng kia tỉnh trí lại, quay trở về hàn gắn với nhau và đưa con về. Sau đó, anh được cấp trên tín nhiệm cử đi học Sĩ quan Công an vũ trang.
Không một ai biết rằng đằng sau sự xông xáo năng nổ của người sĩ quan trẻ tuổi là gánh nặng gia đình chất oằn đôi vai nhỏ bé. Gia đình vốn đã nghèo nay lại lâm vào túng bấn khốn khó bởi những trận ốm liên miên của cha anh. Áp lực cứu đói cho gia đình luôn là nỗi cay cực trong anh.
Mỗi lần nghỉ hè, anh phải đan rế, đan kiềng (thứ mà ngày xưa người dân Hà Tĩnh dùng để lót nồi, và nhấc nồi). Bạc mặt vì thức trắng đêm để chẻ lạt đan, sáng tờ mờ đã quang gánh hai đầu toàn rế là rế chui lủi khắp xó xỉnh các chợ ở Hà Tĩnh. Những cái chợ Nhe, chợ Tổng, chợ Nghèn, chợ Trổ, chợ Bàu, mòn vẹt bước chân gầy guộc.
Những lần gặp mặt bạn bè học cùng, hay lỡ gặp anh em chiến sỹ cùng đơn vị đã thành một thói quen phản xạ rất nhanh, anh sụp chiếc mũ cối xuống, che mặt và bước đi thật nhanh để không ai nhận ra mình.
Ba lần suýt bị chết khi đang làm nhiệm vụ
Những năm tháng cơ hàn rồi cũng dần qua đi trong mồ hôi và nỗi cơ cực. Năm 1980, Võ Trọng Việt ra trường, chàng Thiếu uý trẻ măng được phân công về Phòng Trinh sát Quân khu V nhận nhiệm vụ đi biệt phái chống FULRO ở Đắk Lắk.
Cũng chính thời gian này, hai lần Võ Trọng Việt bị bọn FULRO bắn trượt, thoát chết trong gang tấc nhờ sự may mắn của số phận. Lần thứ nhất là một đêm đang ngủ trên nhà rông của bà con dân bản thì nửa đêm, FULRO đi càn vào bản. Chúng phục kích dưới nhà sàn và biết nhóm Bộ đội Biên phòng đang trú trong ngôi nhà của Trưởng bản nên đã bắn tỉa lên. --PageBreak--
Võ Trọng Việt cùng hai đồng đội chỉ kịp leo lên xà nhà nấp, đạn bay chiu chíu, viên đạn đi sượt qua trán Võ Trọng Việt. Lần thứ hai Võ Trọng Việt cùng với đồng đội vào rừng đi thực địa bất ngờ gặp FULRO, do chúng thấy các anh trước nên lên đạn bắn tới tấp. Võ Trọng Việt cùng đồng đội chạy nhanh vào rừng thoát chết chỉ trong gang tấc. Thế nhưng, cái chết, sự hiểm nguy hình như vẫn chưa chịu buông tha anh.
Năm 1985, hôm ấy anh vừa đi họp chuyên đề chống FULRO về, chiếc xe ôtô thời bao cấp xập xệ và rách nát chở anh cùng 20 người nữa ậm ạch leo đèo An Khê. Xe lên đỉnh đèo chưa kịp mừng thì bỗng nhiên lái xe kêu thất thanh và đau đớn: "Xe mất phanh rồi, bà con ơi, co người ôm bụng vào kẻo chấn thương sọ não".
Điều khủng khiếp nhất đã xảy ra, chiếc xe lao ầm ầm xuống vực sâu hun hút và rơi tự do xuống chân đèo An Khê. 21 người ngồi trên xe chỉ còn sống duy nhất có 5 người, sứt mẻ, què cụt, trong đó có người lính Biên phòng Võ Trọng Việt. Vụ tai nạn giao thông đẫm máu đã gieo vào anh một nỗi kinh hoàng.
Vết thương sâu ở giữa trán anh trong vụ tai nạn giao thông ấy giờ vẫn còn hằn lên gương mặt, như một kỳ tích của số phận. Thoát chết trong tai nạn thảm khốc thì Võ Trọng Việt rơi vào một đại họa lớn là mất mẹ. Vết thương chưa kịp lành, anh đã nhận được tin dữ mẹ ốm nặng.
Xin cắt phép về quê, một mình anh chăm mẹ ròng rã 3 tháng trời ở Bệnh viện Hà Tĩnh, song không giành nổi mạng sống cho người mẹ 53 tuổi đã kiệt quệ vì nuôi chồng nuôi con. Có lẽ, đây là đại họa đau đớn nhất giáng một đòn tang tóc lên gia đình anh và các em còn nhỏ dại.
Gia đình lúc này đã khánh kiệt, cả nhà không còn lấy hạt gạo. Xoay xở trong nước mắt rồi anh cũng vay được 3 yến gạo về làm đám tang cho mẹ. Đêm nhập quan, kẻ trộm lẻn vào nhà lấy mất gạo. Sau biến cố đó, anh được chuyển về công tác tại Nghệ Tĩnh gần gia đình.
Mặc dù đã đeo quân hàm Thiếu tá, song Võ Trọng Việt vẫn tranh thủ những ngày phép, ngày lễ để chạy chợ, buôn mắm cá, bán kiềng, bán rế để cải thiện đời sống cho gia đình, giúp cha nuôi các em ăn học. Lại triền miên những ngày phép cắm mặt nơi chợ búa, gặp người quen lại phải sụp mũ cối xuống lẻn đi thật nhanh trong hờn tủi.
Vị anh hùng của dân tộc Chứt
Người Chứt ở Hà Tĩnh coi anh Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt là một vị cứu tinh, một người anh hùng đã cùng đồng đội xả thân cứu giúp dân tộc Chứt khi đang đứng bên bờ vực thẳm của họa tuyệt chủng.
 Đó là những năm đầu tiên của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, trong những đợt đi tuần tra khảo sát tuyến biên giới Việt - Lào, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện có một tộc người Chứt ủ rũ, u ám và mông muội lầm lũi chui rúc nơi rừng sâu sát biên giới. Họ ăn lông ở lỗ, sống theo kiểu bầy đàn, săn bắt và hái lượm, liên tục di chuyển.
Võ Trọng Việt cùng với đồng đội đã báo cáo thẳng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ và xin nhận nhiệm vụ giúp bà con dân tộc Chứt biết định cư, làm nhà sàn ở, và biết gieo trồng lúa khoai.
Tộc người Chứt lúc đó chỉ khoảng vài chục người, sống lay lắt tuyệt vọng vì đói rét được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh gom tụ về góp tiền, góp công, thời gian, trí tuệ và mồ hôi để giúp bà con làm nhà sàn, hướng dẫn bà con cách nấu ăn, nuôi dạy trẻ con, biết khám và uống thuốc chữa bệnh khi đau ốm, và dạy chữ xoá mù, để bà con dân tộc Chứt nhận thức đúng về Đảng, Bác Hồ; về những người lính bộ đội gần gũi và yêu thương dân, tất cả vì đời sống ổn định ấm no của người dân.
Từ 20 người lay lắt, dân tộc Chứt giờ đã thoát khỏi họa tuyệt chủng và đã ổn định, phát triển sinh sôi nảy nở hơn 400 nhân khẩu. Đã có những chàng sĩ quan Biên phòng lấy cô gái dân tộc Chứt làm vợ, sinh con. Cứu người Chứt khỏi họa tuyệt chủng và ổn định phát triển là chặng đường gian nan, dám nghĩ dám làm của Võ Trọng Việt trong cương vị Chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Tĩnh.
Đã có không ít thiên phóng sự, thước phim của báo chí Trung ương phản ánh, miêu tả về cuộc sống hôm nay của bà con dân tộc Chứt. Đó chính là thành công lớn nhất trong cuộc đời của một người lính chỉ huy Biên phòng, một công việc âm thầm, lặng lẽ giúp dân giúp đời.
Tên tuổi của Anh hùng, Thiếu tướng Võ Trọng Việt đã gắn với dân tộc Chứt như một thành công xuất sắc của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh.
Lời kết
Thiếu tướng Võ Trọng Việt đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới. Năm 2005 anh được điều động ra Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với cương vị Chính ủy. Mới đây anh vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XII.
Ngày anh và tôi còn ở Hà Tĩnh, tết nào chúng tôi cũng theo chân anh mang gạo, mang muối, mang thịt lên bản làng của người Chứt để tổ chức tết cho bà con, làm cầu truyền hình, giao lưu văn nghệ với dân bản và Bộ đội Biên phòng. Giờ đây, để hẹn anh một ngày trở lại với người Chứt như xưa chợt thấy khó...
Người Chứt giờ đã có cuộc sống ấm no, còn anh giờ cũng đã rẽ sang những bước ngoặt lớn lao khác. Những lúc có dịp ngồi lại với nhau, nghe anh tâm sự chuyện đời, chuyện binh nghiệp, những đau đáu của một người dám nghĩ dám làm, dám xông thẳng vào nơi khó khăn, gian nan nhất, tôi càng cảm phục anh.
Một vị tướng, một người anh hùng nhưng giữa đời thường thật giản dị và một tâm hồn nhân hậu chan chứa tình yêu thương con người. Số phận đã không phụ anh khi ban cho anh người vợ hiền thảo và ba cô con gái như ba thiên thần đậu xuống ngôi nhà bình yên và an lành của anh
Lê Thị Thanh Bình

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty