(Dân trí) - “Tôi học ở Người tinh thần vượt khó và luôn
đấu tranh với chính bản thân mình. Đối diện biết bao khó khăn nhưng tôi không
chùn bước”, Đào Thu Hương, cô gái khiếm thị đỗ tốt nghiệp Thủ khoa Trường Đại
học Sư phạm tâm sự
>> Đưa cuộc vận động học, làm theo Bác trở thành nếp sống
>> Học Bác từ việc đời thường
>> Đưa cuộc vận động học, làm theo Bác trở thành nếp sống
>> Học Bác từ việc đời thường
Bài phát biểu của Đào Thu Hương tại Hội nghị Tổng kết 4 năm cuộc vận động
và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã làm hội trường không ít lần rộ
lên những tiếng vỗ tay.
Đào Thu Hương kể, từ thuở nhỏ, qua những câu chuyện, qua những bài ca, hình
ảnh của Bác đi vào trái tim cô thân thương, gần gũi như một vị cha già nhưng
cũng cao lồng lộng. Đặc biệt, khi được mang trên vai chiếc khăn quàng đỏ, được
học 5 điều bác Hồ dạy, Hương cảm nhận lời bác dạy thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ
nhưng chứa chan biết bao tình yêu thương của Người…
Nhưng với Hương, cuộc đời em đã không có được may mắn như bạn bè cùng trang
lứa. Đôi mắt em dần bị một màn đêm buông xuống và đến năm 10 tuổi, nguồn ánh
sáng của đôi mắt đã hoàn toàn bị cướp mất, cuốn theo cả những ước mơ tuổi thơ.
“Tôi vô cùng tuyệt vọng hoang mang không biết tương lai của mình sẽ trôi về đâu
khi cửa sổ của tâm hồn đã khép kín”, Hương tâm sự.
Nhưng rồi một nguồn động lực đã nâng Hương dậy. Khi bước vào trường Nguyễn
Đình Chiểu, ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, Hương được nghe lời dạy của
Bác khi Người tới thăm trường Thương binh Hà Nội năm 1956 - “Thương binh tàn
nhưng không phế”.
Hương nhìn nhận, câu nói của Bác đã trở thành phương châm sống cho những
người khuyết tật, thôi thúc vượt qua tất cả mọi khó khăn của bản thân, mọi rào
cản xã hội để trở nên có ích cho gia đình, cộng đồng. “Với riêng tôi, câu nói đó
của bác đã giúp tôi vượt qua chính mình để tự đứng lên thay đổi cuộc đời mình”,
Hương xúc động.
Tinh thần ham học hỏi, không đầu hàng trước mọi thử thách của Bác Hồ đã
truyền cho Hương nghị lực sống để cô luôn phấn đấu giữ vững danh hiệu học sinh
dẫn đầu lớp trong suốt những năm học cấp 2 và cấp 3.
Phó
Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (phải) trao đổi cùng Đặng Thu Hương
Với mong ước giúp đỡ những người đồng cảnh, cô đã chọn con đường học ngoại
ngữ từ năm lớp 11 bởi theo cô, đây là chiếc chìa khoá mở ra cho cô kho tàng tri
thức và những tiến bộ của nhân loại trong lĩnh vực người khuyết tật của nhân
loại. Sự quyết tâm học ngoại ngữ mọi lúc mọi nơi của Bác tiếp tục truyền cho
Hương sự chuyên cần trong môn học này.
“Niềm vui lớn nhất” đến với cô là vào tháng 3/2006 khi Bộ Giáo dục - Đào
tạo quyết định cho cô vào thẳng khoa tiếng Anh trường ĐH Sư phạm vì những thành
tích đã đạt được trong học tập và hoạt động ngoại khoá.
Một năm sau đó cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh được triển khai… Với Hương, Bác là một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đồng thời
cũng là một người Việt Nam thân thương bình dị nhất và những điều Bác nói, Bác
làm, đạo đức tác phong của Bác, ai ai cũng có thể học.
Hương đã sưu tầm những mẩu chuyện về Bác để đóng góp cho phong trào kể
chuyện về Bác Hồ do Thành hội người mù Hà Nội phát động. Đặc biệt, sức lôi cuốn
của cuộc vận động trong thời sinh viên đã thúc đẩy cô không ngừng trao dồi kiến
thức và đạo đức.
“Tôi học ở Bác tinh thần tự học, học thực chất, học suốt đời, học đi đôi
với hành. Tôi học ở Người tinh thần vượt khó và luôn đấu tranh với chính bản
thân mình. Đối diện với biết bao khó khăn, nhưng tôi không chùn bước”, cô gái
trẻ tâm sự.
Trong suốt 4 năm đại học, Hương luôn là một trong những sinh viên dẫn đầu
lớp. Cô được tuyên dương là sinh viên xuất sắc của khoa sau năm thứ nhất và đỗ
tốt nghiệp thủ khoa vào tháng 6/2010, với điểm tổng kết 8,75. Trong năm học 2007
- 2008, cô vinh dự là sinh viên duy nhất của khoa được nhận học bổng của Phó Chủ
tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Hương cũng rất cảm động khi năm 2008 cô được Microsoft vinh danh là “anh
hùng thầm lặng” và giành giải 3 trong cuộc thi viết tiếng Anh về nền giáo dục
Hoa Kỳ do Trung tâm văn hoá Hoa Kỳ tổ chức.
Để nâng cao hiểu biết, kỹ năng khi hỗ trợ những người đồng cảnh, cô đã đăng
ký và được chọn là 1 trong 2 đại biểu Việt Nam tham dự khoá học người khuyết tật
bình đẳng giới và sự phát triển tại Thái Lan tháng 3 vừa rồi và là đại biểu duy
nhất của Việt Nam tham dự hội nghị những khó khăn chung của người khuyết tật trẻ
trên thế giới tại Hàn Quốc tháng 8/2010.
Tháng 8 năm nay cô cũng là 1 trong 120 thủ khoa xuất sắc của Hà Nội được
vinh danh tại tượng đài vua Lý Thái Tổ. “Gần một tuần sinh hoạt giao lưu cùng
các thủ khoa và các anh chị ở thành đoàn Hà Nội giúp cô càng vững tin về tương
lai của chính mình”, Hương tâm sự.
Hiện tại, trên cương vị là một phiên dịch viên của tổ chức phi Chính phủ,
cô gái khiếm thị này đang có những cơ hội để giúp đỡ chỉ cho không chỉ những
người đồng cảnh mà cả nhiều đối tượng khác đang phải chịu thiệt thòi trong cuộc
sống.
“Tấm gương sáng của Bác Hồ vẫn song hành cùng mỗi bước tôi đi, khích lệ tôi
luôn trao dồi chuyên môn và luôn khát vọng học lên cao hơn để mở rộng tầm nhìn,
nâng cao năng lực trong sự nghiệp vì người khuyết tật”, Hương kết lại bài phát
biểu trong tiếng vỗ tay không ngớt của cả hội trường.
Kim Tân
No comments:
Post a Comment