- Mỗi độ cuối năm các cuộc họp hành lại nở rộ. Có thể nói, nhiều người Việt Nam đã dành phần lớn thời gian đời mình để… họp! Tuy chán ngấy chuyện họp giống như thể… hành xác ấy nhưng họ chẳng biết cách nào để… trốn.
Tình cờ trò chuyện với một anh bạn công chức, tôi hỏi: "Ông sợ gì nhất?". Trả lời: "Họp!".
Nhân bàn đến chuyện họp, anh bạn tôi (là trưởng một phòng chuyên môn cấp huyện) đã tỏ lòng: Tư duy hành chính ở ta lâu nay là việc gì cũng họp, không có gì quan trọng cũng họp. Bởi cá nhân không dám chịu trách nhiệm nên phải đưa ra "quyết tập thể cho an toàn"!
Mà chẳng cứ đi làm nhà nước mới phải họp nhiều, còn nhỏ đi học thì họp lớp, họp tổ, họp đội… liên tục. Lớn lên một chút thì họp đoàn thanh niên, thay mặt gia đình đi họp thôn, họp hội nông dân, họp đoàn thể ở địa phương.
Anh bạn tôi thống kê sơ bộ mỗi tháng anh phải tham gia hàng chục cuộc họp định kỳ trong cơ quan: họp tổ chuyên môn, họp giao ban, họp cấp ủy, chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên, giao ban ủy ban, huyện ủy… Rồi giữa năm, cuối năm là các cuộc họp bình xét thi đua, sơ-tổng kết của cơ quan mình và hàng loạt cơ quan bạn. Đó là chưa kể các cuộc họp nghị quyết, triển khai văn bản mới, các cuộc họp đột xuất của cấp huyện và ngành cấp trên triệu tập, rồi còn nhiều cuộc khác không thể kể tên.
Anh thú thật: hầu như ngày nào mình cũng phải họp, ngày cao điểm có khi phải họp đến 4-5 cuộc (đó là đã giao bớt cho cấp phó đi dự thay).
Đi họp chủ yếu là ngồi một chỗ, khá mỏi mệt, lại phải ăn uống nhậu nhẹt. Có lẽ nỗi khổ về mấy cái bệnh xương khớp, béo phì, dạ dày… cũng do ngồi họp nhiều, ăn nhậu nhiều mà ra! "Tui cũng chả phải là người hay bia rượu nhưng đã đi hội nghị thì phải dùng cơm, nâng ly… Vì quan hệ công việc không thể từ chối được! Cái lệ nó thế. Bia rượu đến nỗi mình cũng ngán mình chứ nói gì đến vợ con!" – anh bạn bộc bạch.
Họp hành chiếm thời gian đến nỗi anh chẳng còn bao nhiêu thời gian để lo điều hành chuyên môn. Đôi khi có vài việc nhà mà cũng hẹn nay hẹn mai, nói gì đến việc xem thông tin, đọc sách để nâng cao kiến thức hay thư giãn.
Rồi anh "trút bầu" thêm: "Hồi mới đi làm cũng… ham họp thật, thấy "ý kiến ý cọ, cãi qua cãi lại, đề nghị đề nghiếc, phê bình phê biếc…" cũng oai oai. Nhưng rồi "mài đũng quần" họp hành nhiều quá riết rồi sợ, thấy người ngượm, đầu óc như ngày càng mụ mị…". Anh tiếp: "Có mấy cha mình quen rất mê họp, mê đến nghiện ngập, họp suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm mà chẳng thấy than thở gì cả, tài thật!? Nhiều cha còn "luyện được chiêu" ngủ mở mắt ngay trong cuộc họp, thế nhưng "giấu đầu lòi đuôi" vì... ngáy ầm ĩ!
Một cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện đã thống kê cho tôi thấy tần suất họp của anh còn… chóng mặt hơn nhiều! Cũng không thể thiếu các cuộc họp tương tự như anh bạn trưởng phòng nói trên nhưng vì gánh vai lãnh đạo huyện, ông còn kiêm hàng chục chức danh của các hội đồng này, ban quản lý kia. Nên nói như ông là "họp không kịp thở".
Bản thân tôi chỉ là một công chức hành chính cấp tỉnh, không có chức tước gì mà còn "oải" với khoảng… hai chục cuộc họp mỗi tháng (họp chuyên môn, họp chi bộ, đoàn thể, họp khu phố, kiểm điểm công chức, kiểm điểm đảng viên...). Có những cuộc họp "gay cấn" (do mâu thuẫn nội bộ, do mượn diễn đàn để... cãi lộn!) còn kéo dài từ ngày này sang ngày khác, đến quá 12 giờ đêm, khiến ai cũng ngáp liên tục, khiến nhiều bà mẹ trẻ bị... căng sữa!
Một anh bạn công chức vừa nghỉ việc nhà nước chuyển sang làm tư nhân, nói với tôi: "Trong nhiều lý do mình "ra ngoài" có việc quá mỏi mệt vì họp hành. Đa phần các cuộc họp đều chẳng giải quyết được gì ngoài chuyện cãi vã, đấu đá hoặc nói chuyện tầm phào. Vậy mà mình đi trễ hoặc quên, vắng một cuộc nào là bị kiểm thảo, trừ điểm thi đua… đến phát ớn! Nói thật, sống ở tỉnh mà dám bỏ việc nhà nước, vợ chồng mình suy tính dữ lắm nhưng không thể cứ tà tà ngày tám tiếng… họp với ngáp vặt. Rồi cuộc sống, sự nghiệp của mình đi về đâu…?".
Hoàng Yến
No comments:
Post a Comment