Việt Long, phóng viên RFA
2010-12-29
Công ty lượng giá tín dụng S&P's hạ thấp giá trị trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ cũng như tiền đồng của Việt Nam xuống tới mức mà giới tài chính quốc tế gọi là "junk bonds", loại trái phiếu sọt rác.
Trước đó 8 ngày, công ty Moody's cũng có động thái tương tự. Vì đâu ra nông nỗi này? Việt-Long phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế Giới, làm việc tại New York.
Công ty Standard&Poor's, thường được gọi tắt là S&P's, hôm 23 tháng 12 nêu những mối quan ngại về hệ thống ngân hàng Việt Nam dưới quyền chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và hạ thấp hạng bậc giá trị trái phiếu Nhà nước bằng ngoại tệ từ BB xuống BB-. Trái phiếu bằng nội tệ, tức tiền đồng Việt Nam, bị tụt hạng từ BB+ xuống BB.
Trước đó 8 ngày, công ty Moody's cũng đánh sụt hạng trái phiếu chính phủ của Việt Nam từ Ba3 xuống B1, với triển vọng không sáng sủa giống như sự lượng giá của S&P's.
Các tổ chức quốc tế đánh giá mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam cao hơn nhiều so với con số được Việt Nam đưa ra.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Hai công ty lượng giá này đề cập đến nguyên do là chính sách thiếu nhất quán của Ngân hàng Nhà nước và vụ Vinashin không trả được phần nợ đáo hạn.
Để quan sát sự kiện này trong bối cảnh quốc tế, xin nhắc lại rằng hôm 17 tháng 12 Moody's đánh tụt hạng công trái, tức trái phiếu chính phủ, của Ireland từ AA2 trừ xuống BAA1, còn trên hạng 'sọt rác' ba nấc. Hạng AA2 trừ trước đó là hạng cao thứ ba trong bảng xếp hạng của Moody's. Nền kinh tế Ireland và Bồ Đào Nha đã làm cả châu Âu điên đảo, họp hành liên miên để cứu gỡ.
Công trái của Bồ Đào Nha cũng bị Moody's duyệt xét lại hôm 21 tháng 12, hăm he hạ bực. Moody's kể ra những bấp bênh về lâu dài của nền kinh tế xứ này, nói rằng hạng A1 cho công trái dài hạn và Prime-1 cho công trái ngắn hạn của xứ này có thể không còn xứng với những hạng bực đó,tuy rằng khả năng trả nợ của xứ Bồ không có vấn đề gì.
Lạm phát tín dụng
Không ai muốn đem so sánh nền kinh tế của Việt Nam với hai xứ châu Âu kia, nhưng nêu ra những dữ kiện đó có thể giúp nhìn rõ mức độ khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong lĩnh vực kinh tế tài chính.
"Nguyên do rộng hơn là chuyện ngân hàng. Trong năm qua, mục tiêu Việt Nam đặt ra là đạt tốc độ tăng trưởng GDP rất cao, dùng chính sách kích cầu. Các tổ chức quốc tế đánh giá mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam cao hơn nhiều so với con số được Việt Nam đưa ra.
Vậy nên để chi tiêu, chính phủ phải vay mượn, buộc ngân hàng phải chi tiền. Theo báo cáo thì năm 2010 có thể thâm hụt 7%, năm 2009 có thể là 9%. Nhưng quốc tế đánh giá thâm hụt hơn thế nhiều vì có những chi tiêu ngoài ngân sách.
Muốn kiềm chế lạm phát, chính phủ phải cắt giảm đầu tư công và cắt giảm vay mượn nước ngoài.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Chi tiêu nhiều thì phải vay mượn, đòi hỏi ngân hàng phải in tiền. Năm nay chưa có số liệu nhưng năm 2009 tổng số ngoại tệ vay tăng 43%. Trong 4 năm nợ nước ngoài tăng từ 26 tỉ đến 37 tỉ đô la. Không riêng chính phủ mà các tập đoàn Nhà nước cũng vay mượn. 4 năm qua họ mượn từ 4 tỉ lên 9 tỉ, là những món không được Nhà nước bảo lãnh, giống như nợ của Vinashin (cũng không bảo lãnh) mà không trả được.
Vay mạnh như vậy thì phải có chính phủ đồng ý, chính phủ đòi hỏi như thế. Trên báo chí Việt Nam thì có người như Ủy ban tài chính đổ tội cho ngân hàng đã chi tín dụng, nhưng theo tôi thấy thì cơ bản do chính phủ kích cầu. Còn những đồng tiền họ mượn mà không đưa vào Việt Nam, mua hàng để đưa vào, thì cũng phải tính toàn bộ cho vốn vay của Việt Nam thì mới tính được cho tín dụng dùng cho đầu tư.
Thì năm qua, chính phủ Việt Nam tăng 40% tổng số đầu tư. Đầu tư cực kỳ phí phạm, lớn nhất thế giới, để tăng đà tăng trưởng, nhưng đà tăng trưởng càng ngày càng tụt, vì làm ăn bê tha không có chất lượng. Hiện nhiều công trình làm nửa chừng rồi không có tiền nữa.
Vấn đề chính là đầu tư nhiều thì càng ăn được nhiều, sẽ để tiền ở nước ngoài. Vấn đề lạm phát của Việt Nam là do tiền tệ ra nhiều quá. Đặc biệt là tín dụng ra nhiều, mà còn có thể nhiều hơn thế vì nằm ở phía ngoài, như tôi đã nói."
Nguyên do và khắc phục
Hỏi về nguyên do của việc lạm phát tín dụng này, và chứng cứ cụ thể để ông có thể nói là tín dụng tuôn ra nhiều hơn con số thường được biết đến, tiến sĩ Vũ Quang Việt cho biết:
"Tại sao tín dụng ra như vậy? Là do chính phủ. Tôi đã đọc những quyết định của Thủ tướng chính phủ, phó Thủ tướng chính phủ đặc trách kinh tế, ký cho Vinashin vay, đòi hỏi ngân hàng này ngân hàng kia phải cho Vinashin vay bao nhiêu tiền. Đó là những ngân hàng Nhà nước thì làm sao bảo không cho được?
Đây là vấn đề kích cầu của chính phủ, muốn chạy theo đà tăng trưởng cao bất chấp chất lượng, tình hình kinh tế như thế nào."
Vấn đề lạm phát của Việt Nam là do tiền tệ ra nhiều quá, đặc biệt là tín dụng.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Vậy trong tình trạng lưỡng nan hiện nay, lạm phát rập rình trong khi tín dụng mất giá, nợ nước ngoài không trả được, Việt Nam phải đặt ưu tiên cho vấn đề khống chế lạm phát mà không còn chú trọng đến đà tăng trưởng. Hỏi phải có giải pháp nào, chuyên viên kinh tế Vũ Quang Việt của Ngân hàng Thế Giới nêu ra một trong những giải pháp mà ông quan tâm, nhưng cũng không tỏ ý lạc quan lắm:
"Tôi nghĩ muốn kiềm chế lạm phát, chính phủ phải cắt giảm đầu tư công và cắt giảm vay mượn nước ngoài. Nhưng có thể họ nói cắt nhưng ngày mai không cắt, đành chịu. Ngân sách của chính phủ do Quốc hội quyết định đều không có giá trị gì với chính phủ hiện tại.
No comments:
Post a Comment