SGTT.VN - Ngày 3.3.2011, ban quản lý khu lưu trú Tân Thuận, TP.HCM dán thông báo rằng do phải sửa chữa nên khu lưu trú tạm thời đóng cửa và yêu cầu các công ty thuê phòng cho công nhân ở cũng như toàn thể công nhân đang ở khẩn trương tìm nơi ở mới. Khu lưu trú Tân Thuận do công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) làm chủ đầu tư và hiện có hơn 1.000 công nhân đang ở.
Khu lưu trú Tân Thuận sắp đóng cửa khiến hơn 1.000 công nhân lo sốt vó. Ảnh: |
Thông báo cho biết, hệ thống thoát nước, điện bị hư hỏng nặng, tường, laphông, sàn các phòng, nhà vệ sinh của nhà lưu trú xuống cấp trầm trọng. Do vậy, từ tháng 4.2011 sẽ cải tạo khu nhà B của nữ và đầu tháng 5.2011 sẽ cải tạo khu nhà B của nam. Theo như thông báo thì hết tháng 3, nữ công nhân và hết tháng 4, nam công nhân sẽ phải dời khỏi khu lưu trú.
Khó tìm chỗ trọ mới
Trọng Nghĩa, công nhân công ty FAPV, cho biết, trước đó khoảng một tháng, ban quản lý yêu cầu công nhân nộp giấy xác nhận của công ty và hợp đồng lao động, hạn chót là ngày 28.2. Ngay sau đó thì lại có thông báo trên, mọi người đều không hiểu gì cả.
Theo một số công nhân nữ phản ánh thì thông báo dán ngày 3.3, mà cuối tháng 3 đã phải chuyển thì gấp quá, trong lúc tìm được nhà trọ ở gần khu chế xuất Tân Thuận không phải dễ, chưa kể giá phòng đang tăng cao.
Thu Hương, một công nhân đang ở trong khu lưu trú, cho biết trước đây cô thuê nhà trọ ở bên ngoài nhưng sau đó chủ nhà lấy lại, cô cùng mấy người bạn ở chung phải đi tìm nhà, nhưng tìm cả tháng không được nên đã đăng ký vào ở trong khu lưu trú. Hương nói, hàng ngày phải đi làm, rồi tăng ca nên chỉ có thể đi kiếm nhà trọ vào ngày chủ nhật. Mà từ nay đến lúc phải chuyển chỉ còn vài chủ nhật, trong khi khu vực này đã hết nhà trọ, sang các quận khác thì đạp xe đi làm xa quá.
Có mặt tại khu lưu trú Tân Thuận vào tối 6.3, chúng tôi chứng kiến chuyện thời sự của công nhân ở đây là chuyện đi tìm nhà trọ. Câu đầu tiên họ hỏi khi gặp nhau là "đã tìm được nhà chưa" và phần lớn câu trả lời đều giống nhau là một cái lắc đầu.
Có được quay về?
Công nhân cho biết, trong thông báo, ban quản lý không nói gì đến việc quay lại sau khi sửa chữa khu lưu trú. "Chúng tôi có được ưu tiên ở lại hay không?", một người đặt câu hỏi trong điều kiện công nhân vào đây ở không ký hợp đồng thuê phòng với công ty mà chỉ đăng ký, nộp giấy xác nhận của công ty và hợp đồng lao động.
Những người ở đây cho rằng, khu lưu trú đã xuống cấp, cần phải sửa chữa, nhưng không nên bắt cả ngàn công nhân ra ngoài thuê nhà một lúc như vậy. Trong khi đó, khu nhà C đã xây xong, ban quản lý hoàn toàn có thể chuyển công nhân nữ sang đó ở, chờ khu B sửa chữa xong thì về lại rồi chuyển nam qua để sửa chữa khu A.
Muốn nghe phản hồi từ chủ đầu tư nhưng cả ngày 6.3, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Đức Trọng, giám đốc ban quản lý ký túc xá Tân Thuận thuộc công ty cổ phần Nam Sài Gòn, nhưng ông Trọng không bắt máy.
Theo ông Trương Lâm Danh, phó chủ tịch liên đoàn Lao động thành phố, sau khi nhận được thông tin trên, liên đoàn đã chỉ đạo công đoàn khu chế xuất tìm phương án hỗ trợ công nhân cũng như xem xét nếu có thể thì lùi thời hạn sửa chữa thêm một thời gian nữa để công nhân có đủ thời gian tìm chỗ trọ mới.
Theo thông tin từ một cán bộ công đoàn khu chế xuất Tân Thuận thì công đoàn sẽ có đề xuất với chủ đầu tư lùi thời hạn sửa chữa đến tháng 6, đồng thời thông báo rõ ràng hơn để công nhân không hoang mang. Ngày 7.3, công đoàn khu chế xuất Tân Thuận sẽ làm việc với Hepza về vấn đề này.
bài và ảnh: Hà Dịu
Quận Thủ Đức: hơn 400 chủ nhà trọ cam kết không tăng giá phòng
Công đoàn phường Linh Trung quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, sau hai ngày phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động, đã có 72 hộ kinh doanh nhà trọ trên địa bàn phường với 1.078 phòng cho thuê cam kết không tăng giá phòng trong năm 2011, hỗ trợ 2.636 công nhân ổn định cuộc sống. Chương trình này được UBND quận Thủ Đức bắt đầu triển khai đồng loạt từ ngày 3.3, và tính đến nay đã có 440 hộ kinh doanh phòng trọ tương đương khoảng 4.700 phòng trên địa bàn đăng ký cam kết không tăng giá nhà trọ trong năm 2011.
No comments:
Post a Comment