Giá mua bán không hấp dẫn bằng ngân hàng, khách lại ít, trong khi vừa kinh doanh vừa phải lo đề phòng cơ quan chức năng, nhiều chủ cửa hàng thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội đang tỏ ra chán nản với nghề từng hái ra tiền này. |
Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do gần như tê liệt hoàn toàn trong những ngày gần đây, khi lãi suất huy động đôla tại các ngân hàng chỉ còn 3%. Ảnh: Tuệ Minh |
Tại Hà Trung hay chợ đôla rong bên hồ Hoàn Kiếm, tình hình cũng tương tự. Người bán nước tại ngã rẽ Đinh Lễ- Đinh Tiên Hoàng cho hay hơn một tuần nay vắng khách, "cò" đôla cũng "thất nghiệp", di tản đi đâu hết. Nếu khách muốn mua, phải hẹn qua điện thoại từ trước.
Anh Hòa, chủ một tiệm vàng trên phố Hàng Bạc lý giải giới buôn bán đôla tự do trở nên kém hào hứng vì những ngày gần đây, giá ở chợ "đen" gần như cân bằng với ngân hàng. Cửa hàng mua vào ít lãi, người bán bán cho cửa hàng cũng chẳng được lời nhiều.
Anh phân tích chợ tự do thu hút khách, một phần do mua bán dễ dàng, nhưng cũng một phần vì được giá hơn so với nhà băng. Nhưng hiện tại, mua bán khó khăn hơn do Nhà nước siết chặt quản lý, mà nếu mua bán, cũng chỉ bằng hoặc cao hơn ngân hàng vỏn vẹn vài đồng mỗi đôla.
Nhiều người kinh doanh ngoại tệ tại khu phố này cũng than thở, mỗi USD bán ra cho khách, chủ cửa hàng cũng chỉ ăn lãi 50-60 đồng. Còn giao dịch đôla giữa các cửa hàng với nhau chỉ chênh lệch khoảng 10 đồng mỗi USD. Nếu so với trước kia thì con số này có khi chỉ bằng một nửa, một phần ba, mà không may gặp đợt truy quét của cơ quan chức năng thì có nguy cơ mất sạch. Lãi ít, không mấy người hào hứng kinh doanh.
Trưa 19/4, giá đôla tại một cửa hàng trên phố Hàng Bạc là 20.950 đồng một USD (mua vào) và 21.000 - 21.100 đồng một USD (bán ra). Trong khi đó, chủ một cửa hàng trên phố phố Hà Trung cho hay, giá bán ra chỉ là 20.960 đồng một USD và hầu như các điểm thu đổi ngoại tệ tại đây đều không thiết tha với việc mua vào. Tại một số địa điểm thu đổi ngoại tệ khác, giá mua vào - bán ra lần lượt ở mức 20.870 đồng và 20.970 đồng.
So với tỷ giá tại một số nhà băng ở ngưỡng 20.910-20.930 đồng một USD mua vào và 20.935-20.940 đồng bán ra, thì giá trên thị trường chợ đen chênh lệch không đáng là bao.
Hiện tại, tỷ giá đôla tại thị trường tự do và ngân hàng đã có sự hòa nhịp. Ảnh minh họa: Tuệ Minh |
Sự ế ẩm và ngưng trệ giao dịch của các điểm thu đổi ngoại tệ khiến khách mua cũng được ưu ái hơn trước.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất giấy thường xuyên mua USD tại chợ "đen" cho hay, việc mua giờ dễ hơn trước rất nhiều vì nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tự do đang chỉ có nhu cầu bán thay cho mua. Anh cho hay, trưa nay 19/4, mua 10.000 USD tự do giá chỉ 20.950 đồng một USD, chỉ đắt hơn ngân hàng khoảng 50 đồng.
Tuy nhiên, anh này cũng bày tỏ trong thời gian tới, nếu các ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp và người dân mà vẫn với tỷ giá như hiện tại, thì chắc chắn chợ "đen" sẽ "sập tiệm". Vì hiện tại, lý do người có nhu cầu tìm mua đôla bên ngoài là vì khó mua ở nhà băng. "Nếu giải quyết được khúc mắc là thủ tục và hạn mức để mua được đôla trong ngân hàng, thì chắc chắn chợ 'đen' sẽ sập", anh này nói.
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, phản ứng của người dân trước việc nhà nước quy lãi suất huy động USD về 3% một năm đang thể hiện rất rõ. Xu hướng gửi tiết kiệm tiền đồng thay cho USD, đổi USD sang VND đang khiến cho nguồn cung ngoại tệ tại nhiều ngân hàng bớt đi căng thẳng.
Theo ông Thọ, trước kia, tỷ giá trên thị trường tự do luôn cao hơn ngân hàng nên người muốn bán đôla có xu hướng ra ngoài bán cho "được giá". Nếu mua, người có nhu cầu cũng hay mua ở ngoài vì tính tiện lợi, nhanh gọn, không giới hạn, không thủ tục. Tuy nhiên, mặt trái chính là hiện tượng đầu cơ, găm giữ đôla khiến cho nguồn ngoại tệ tại các ngân hàng đều khá căng thẳng.
Nhưng hiện nay, sau khi Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, thì xu hướng tích trữ, găm giữ đồng bạc xanh của người dân gần như nhạt nhòa đi. Thay vào đó là sự tin tưởng đem đôla bán cho ngân hàng. Khi nhận thấy bán cho ngân hàng cũng được lợi tương đương bán cho chợ "đen", thì rõ ràng nguồn cung ngân hàng sẽ bớt đi căng thẳng và việc lập lại trật tự một tỷ giá là có thể làm được, ông nói.
Tuệ Minh
No comments:
Post a Comment