"Cháu Ngô Đình Phát mới 11 tuổi, không phải là bị can trong vụ án hình sự, nên theo quy định công an không có quyền hỏi cung cháu, càng không được đánh", luật sư Nguyễn Văn Phước, Trưởng văn phòng Luật sư Huế, khẳng định. |
Sau khi rời cơ quan công an, bé Phát phải điều trị ở Bệnh viện Giao thông vận tải Huế. Ảnh: Văn Nguyễn. |
- Khi công an làm việc với cháu bé cần sự chứng kiến của ai?
- Trường hợp này cán bộ điều tra chỉ được lấy lời khai của cháu Phát và phải có sự chứng kiến của người giám hộ cho bé.
Điều 101 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho cơ quan điều tra bằng văn bản. Công an phường Thủy Xuân chỉ có thể lập biên bản ghi lời khai ban đầu của cháu bé.
- Gia đình tố cáo, sau cuộc hỏi cung của công an, bé Phát về nhà trong tình trạng người tím bầm người và phải nhập viện. Quan điểm của luật sư về việc này như thế nào?
- Hành vi đánh đập cháu Phát trong trường hợp này dù vì bất kỳ nguyên nhân gì (như cháu không khai hoặc khai quanh co, khai không đúng) cũng không thể chấp nhận được. Hành vi này đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của cháu Phát đã được pháp luật bảo vệ, gây bất bình trong dư luận nhân dân.
Theo quy định tại điều 71 Hiến pháp năm 1992; điều 6, 7 Bộ luật tố tụng hình sự, công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.
Trường hợp công an phường đánh cháu Phát mới 11 tuổi, gây thương tích phải nhập viện để điều trị là vi phạm pháp luật.
Cháu Phát với những vết bầm tím trên cơ thể. Ảnh: Văn Nguyễn. |
- Trường hợp công an phường được xác định có lỗi trong việc đánh bé Phát thì sẽ bị xử lý thế nào?
- Điều 604, 605 Bộ luật dân sự 2005 quy định rằng người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.
Đối với việc xử lý vi phạm của người thực hiện hành vi đánh cháu Phát thì tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của của hành vi có thể bị xử lý kỷ luật; xử lý hành chính về hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác hoặc bị xử lý hình sự đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ theo điều 107, Bộ luật hình sự 1999 nếu tỷ lệ thương tật của cháu bé từ 31% trở lên.
Chiều 21/6, cháu Ngô Đình Phát đã được Bệnh viện Giao thông Vận tải Huế cho xuất viện. Theo ông Ngô Đình Chung, bố cháu Phát, cháu đã có thể đi lại được, tuy nhiên các vết thương ở đùi và mông vẫn còn tím, nhiều lúc đau nhức, tâm lý e dè ngại tiếp xúc với người lạ. Ông Chung cho biết thêm chiều 21/6, Công an phường Thủy Xuân đã tới Bệnh viện thăm hỏi sức khỏe cháu Phát và mong muốn gia đình bỏ qua sự việc. Phía gia đình công an Trần Nguyễn Hồng Quang, người bị cho là đã đánh cháu Phát, cũng đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình 2 triệu đồng. Trước đó ngày 15/6, cháu Ngô Đình Phát sang nhà cô ruột chơi và ăn cắp 3,1 triệu đồng. Phát đã lấy tiền đi mua điện thoại di động, số còn lại cất đi. Sau khi được phát hiện, cô ruột đã chở Phát đến công an phường Thủy Xuân nhờ can thiệp với cửa hàng bán điện thoại để lấy lại tiền. Tuy nhiên, sau khi rời công an phường, Phát bị chấn thương phần mềm, sưng tấy, thâm tím ở vùng mông, hai bên đùi, vành tai trái. Ngay sau đó thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang đã bị đình chỉ công tác. |
Văn Nguyễn thực hiện
No comments:
Post a Comment