Tờ The New York Times ngày 10 tháng 6 vừa qua mới đăng bài "Leo thang
trong tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông"
(Dispute Between Vietnam and China Escalates Over Competing Claims in
South China Sea). Stephen Michael Wines, tác giả của bài báo này, là
một phóng viên kỳ cựu của NYT và hiện nay là trưởng đại diện của tờ
báo này ở Beijing.
Là một phóng viên kỳ cựu, và là người Mỹ, Michael Wines viết về tranh
chấp ở Biển Đông như thế nào?
Đầu tiên, ông ta viết các vụ đụng độ giữa các tàu thăm dò của Việt Nam
với các tàu hải giám và tàu đánh cá Trung Quốc (có tàu hải giám bảo
vệ) nằm trong vùng giao nhau giữa hai vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam và Trung Quốc. Điều này là một sai lầm nghiêm trọng về thông tin.
Sau đó, vào ngày 11 tháng 6, tờ NYT đã sửa lại nội dung của bài này và
đăng lời đính chính. Nội dung mới cho rằng cuộc cãi vã giữa Việt Nam
và Trung Quốc nằm ở chỗ: Việt Nam nói rằng các vụ đụng độ nằm trong
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Còn phía
Trung Quốc thì lại nói rằng các vụ đụng độ này nằm ngoài vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam theo luật quốc tế.
Trên thực tế thì Trung Quốc không hề có tuyên bố chính thức nào liên
quan đến "vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam" trong vụ này. Lý do là
phía Trung Quốc không có bất cứ cơ sở lập luận nào dựa trên UNCLOS để
biện minh cho hành vi của họ. Chính vì thế mà các tuyên bố của Trung
Quốc trong vụ việc này thường chung chung.
Thí dụ như người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hong Lei sau sự
kiện tàu Viking II chỉ nói lập lờ rằng "qua việc thực hiện các hoạt
động thăm dò dầu khí ở vùng biển quanh Wanan Bank (bãi Vạn An) của
Quần đảo Trường Sa và bằng việc xua đuổi tàu đánh cá Trung Quốc, Việt
Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và các quyền liên quan đến biển
của Trung Quốc."
Nếu ngay cả phía Trung Quốc cũng không trắng trợn đến nỗi phịa ra câu
chuyện trong hay ngoài vùng đặc quyền kinh tế để tạo ra cái vẻ là các
vụ đụng độ này là "tại anh tại ả, tại cả hai bên" thì tại sao Michael
Wines lại viết như thể là cả Việt Nam và Trung Quốc đều có lập trường
pháp lý trong vụ này? Đây là một câu hỏi khó trả lời.
Có thể Michael Wines, sinh năm 1951, đã trở thành một ông già lú lẫn
và cẩu thả trong tác nghiệp. Ông ta viết mà không thực sự nắm được
mình viết cái gì. Thế nhưng NYT là một tờ báo có uy tín toàn cầu rất
lớn, và dù Michael Wines có lú lẫn thì NYT cũng không lú lẫn tới mức
sử dụng một người lú lẫn làm trưởng đại diện ở Trung Quốc.
Thế thì vấn đề còn lại có lẽ là Michael Wines đã bị ảnh hưởng quá nặng
bởi hệ thống tuyên truyền ở Trung Quốc tới mức ông ta trở thành một
phóng viên viết theo những gì hệ thống ấy muốn viết. Hoặc là ông ta bị
mua chuộc.
Điều này là bằng chứng của một sự thật khá đau xót cho Việt Nam nói
riêng và nhóm các nước trong ASEAN nói chung trong cuộc tranh chấp với
Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là chúng ta đi sau Trung Quốc quá xa trong
việc tạo ảnh hưởng lên các cơ quan truyền thông quốc tế.
The New York Times đã vậy, còn các hãng truyền thông khác sẽ như thế
nào? Hiện nay đã vậy, nếu Trung Quốc ráo riết hơn nữa trong công tác
tuyên truyền thì sẽ thế nào?
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan
điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment