Sau 2 tháng giảm tốc liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng tại 2 thành phố lớn bắt đầu tăng nhiệt trở lại trong tháng 7, Hà Nội đạt 1,32% và TP HCM 1,07%. Tác nhân gây tăng giá chính là thực phẩm và khu vực ăn uống ngoài gia đình. |
Diễn biến CPI tại Hà Nội và TP HCM từ đầu năm. Số liệu: Cục Thống kê Hà Nội, TP HCM |
Trong rổ hàng hóa tính CPI, hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất và là tác nhân chủ yếu gây tăng giá ở 2 thành phố lớn nhất nước. Tại Hà Nội, mức tăng giá của nhóm này là 2,67%, cao hơn nhiều so với mức 2,08% của tháng trước. Con số tương ứng tại TP HCM là 1,9%.
Cụ thể, riêng các mặt hàng thực phẩm tại TP HCM đã hiện đắt đỏ hơn tháng 6 là 1,92%, trong khi mức tăng ở tháng trước chỉ 0,69%. Thịt lợn, trứng ghi nhận mức tăng vượt trội so với các mặt hàng khác, 4,13%, 5,54%. Thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tươi sống lẫn chế biến, rau củ quả cũng thiết lập giá mới. Tác nhân này đẩy giá cả ăn uống ngoài gia đình lên đột biến 2,63%, cao hơn hẳn mức tăng tháng 6 (chỉ 0,92%).
Tại Hà Nội giá thực phẩm thậm chí còn tăng mạnh tới 3,74% (so với con số 2,93% của tháng 6). Mặt bằng giá tại khu vực ăn uống ngoài gia đình cũng tăng 2,73%, cao gần gấp 3 lần tháng trước.
Tuy thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng nhưng cũng trong tháng 7, giá lương thực lại có xu hướng giảm do hiện cả nước đang vào vụ thu hoạch nông sản. Mức giảm giá so với tháng 6 tại Hà Nội đạt 1,96%. Ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống, các nhóm còn lại trong giỏ hàng hóa đều tăng nhẹ 0,05 - 0,94%. Riêng viễn thông đứng giá tại Hà Nội và giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước tại TP HCM.
Cũng trong tháng 7, giá vàng tiếp tục tăng (0,69% tại Hà Nội và 0,85% tại TP HCM). Trong khi đó, giá đôla Mỹ lại có giảm, lần lượt mất 0,07% và 0,23% trị giá.
Nhật Minh - Bạch Hường
No comments:
Post a Comment