Tác giả: Tuần Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 14/07/2011 06:00 GMT+7
Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người
lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả
nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một
thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo
vệ môi trường, nhóm nhân sĩ kiến nghị.
Ngày 13/7/2011, 20 nhân sĩ, trí thức đã gửi bản kiến nghị đến Quốc hội
và Bộ Chính trị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện
nay.
Bản kiến nghị gồm có 3 phần: phần 1 phân tích sâu về những sự kiện xảy
ra gần đây trong quan hệ Việt - Trung, phần 2 nói về thực trạng còn
nhiều bất cập trong nước và phần cuối cùng nêu 5 điểm kiến nghị với
lãnh đạo Đảng và Quốc hội.
Trong danh sách ký tên đính kèm bản kiến nghị, có nhiều tên tuổi như
ông Hồ Uy Liêm (Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội khoa học
Việt Nam (VUSTA)), Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ( nguyên Đại sứ VN
tại Trung Quốc), nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, Trần Đức Nguyên
(nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng), GS Hoàng Tụy, GS
Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng
Bộ Khoa học và công nghệ), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Linh mục
Huỳnh Công Minh, ông Lê Hiếu Đằng, Gs Tương Lai, Luật sư Trần Quốc
Thuận, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, nhà
văn Nguyên Ngọc, Ts Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Châu Phan, Nguyễn
Đình An.
"Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ đang bị uy hiếp"
Trước tình hình Biển Đông nóng lên, nhóm nhân sĩ cho rằng, "Độc lập,
tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm
nghiêm trọng".
"Từ khát vọng trở thành siêu cường, với vai trò là "công xưởng thế
giới" và chủ nợ lớn nhất của thế giới, dưới chiêu bài "trỗi dậy hòa
bình", Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức,
nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu
lục...Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang nghiêm
trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành
động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông.
Trung Quốc tự ý vạch ra cái gọi là "đường chữ U 9 đoạn", thường được
gọi là "đường lưỡi bò", chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần
tuyên bố trước thế giới toàn bộ vùng "lưỡi bò" này thuộc chủ quyền
không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt
động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định yêu sách trái luật quốc
tế này.
Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải quân, chuẩn
bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân sự
ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với
những hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, năm 1974 Trung Quốc đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm
1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta;
từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm
vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý ra lệnh cấm đánh bắt
cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá
trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng mà
các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt
Nam, liên tục cho các tàu hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng
của nước mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện
nhiều hành động phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking
II của ta đang hoạt động trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt
Nam; đó là những bước leo thang nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động
uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước ta.
Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế trong bối
cảnh quốc tế hiện nay khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc coi là chướng
ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu
cường...", bản kiến nghị viết.
Từ phân tích trên, nhóm nhân sĩ cho rằng "xem xét cục diện quan hệ hai
nước, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước
quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ".
Kiến nghị dẫn chứng: Nhập siêu của ta từ Trung Quốc mấy năm qua tăng
rất nhanh (năm 2010 gấp 2,8 lần năm 2006) và từ năm 2009 xấp xỉ bằng
nhập siêu của nước ta với toàn thế giới. Hiện nay, nước ta phải nhập
khẩu từ Trung Quốc khoảng 80-90% nguyên vật liệu cho công nghiệp gia
công của ta, một khối lượng khá lớn xăng dầu, điện, nguyên liệu và
thiết bị cho những ngành kinh tế khác; khoảng 1/5 kim ngạch nhập khẩu
từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, chưa kể một khối lượng tương đương
như thế vào nước ta theo đường nhập lậu. Đặc biệt nghiêm trọng là
trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng như các
nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác
ti-tan... được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay
các nhà thầu Trung Quốc với nhiều hệ quả khôn lường.
Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng vơ vét
nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi
trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng
giáp biên giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của
nền kinh tế trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm
chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới
hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn
hai con sông lớn chảy qua nước ta.
Cũng không thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung
quanh ta. Nếu Trung Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông,
Việt Nam coi như bị bịt đường đi ra thế giới bên ngoài.
Trong khi đó tình hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn...
Theo các nhân sĩ trên, do "vị trí địa lý nước ta không thể chuyển dịch
đi nơi khác, nên toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo
được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước:
Là nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc đầy tham vọng đang trên đường
trở thành siêu cường, Việt Nam phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền quốc gia, trở thành một đối tác được Trung Quốc tôn trọng, tạo
ra một mối quan hệ song phương thật sự vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác
và phát triển.
Mặt trận gìn giữ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển đảo, vùng trời
của nước ta trong Biển Đông đang rất nóng do các bước leo thang lấn
chiếm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc... Tuy nhiên, mặt trận
nguy hiểm nhất đối với nước ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh
hưởng để thực hiện, đó là: thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh
tế, chính trị, văn hóa của nước ta...
Sự xuất hiện một Trung Quốc đang cố trở thành siêu cường với nhiều mưu
đồ và hành động trái luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, gây nhiều tác
động xáo trộn thế giới, tạo ra một cục diện mới đối với nước ta trong
quan hệ quốc tế: Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, có lẽ ngoại trừ
Trung Quốc, đều mong muốn có một Việt Nam độc lập tự chủ, giàu mạnh,
phát triển, có khả năng góp phần xứng đáng vào gìn giữ hòa bình và ổn
định trong khu vực, thúc đẩy những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự
bình yên và phồn vinh của tất các các nước hữu quan trong khu vực và
trên thế giới"
Các nhân sĩ này cho rằng: "cục diện thế giới mới này là cơ hội lớn, mở
ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc phát triển và
bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng đáng
trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát
hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân
thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những
giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự
do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường
Kiến nghị 5 điểm
Từ những phân tích trên, các nhân sĩ "khẩn thiết kiến nghị với Quốc
hội và Bộ Chính trị"
1. Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực
trạng quan hệ Việt - Trung; nêu rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp
quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo
ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của nước ta; khẳng định
thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ quan hệ hữu
nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ
độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình ... Chúng
ta luôn phân biệt những mưu đồ và hành động phi đạo lý và trái luật
pháp quốc tế của một bộ phận giới lãnh đạo Trung quốc, khác với tình
cảm và thái độ thân thiện của đông đảo nhân dân Trung quốc đối với
nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất
cả các nước, đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước
Đông Nam Á và các nước lớn, cùng với các nước có liên quan giải quyết
hoà bình các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh
mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên
sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh
thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất nước. Cải cách sâu sắc, toàn
diện về giáo dục và kinh tế ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết, là
kế sâu rễ bền gốc để nâng cao dân trí, dân tâm, dân sinh làm cơ sở cho
quá trình tự cường dân tộc và nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ và xây
dựng đất nước.
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân
đã được Hiến pháp quy định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng
lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tận dụng
được cơ hội mới, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức mới của tình
hình khu vực và thế giới hiện nay.
4. Kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước
và ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị
xã hội, hãy cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc
với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng
nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, để từ nay
tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau đứng chung trên
một trận tuyến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau dốc
lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy
nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước
hiện nay, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân
tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm
năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi
mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình
trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền
vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình,
tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.
No comments:
Post a Comment