Di tích Nhà trăm cột hai lần mất đất
TT - Nhà trăm cột của bà Trần Thị Ngỏ (xã Long Hựu
Đông, huyện Cần Đước, Long An) được công nhận di tích cấp quốc gia năm
1997. Di tích này đã hai lần bị mất đất và chủ nhân của nó vác đơn chạy
khắp nơi khiếu nại từ xã lên tỉnh nhưng chẳng được ai giải quyết.
Nhà trăm cột với bảng công nhận di tích lịch sử văn hóa - Ảnh: N.H.
|
Nhà trăm cột được xây dựng vào khoảng năm 1901 do một
nhóm thợ miền Trung thi công trong thời gian ba năm. Sở dĩ có tên gọi
như trên là do nhà có hơn 100 cột gỗ, toàn bằng gỗ quý như cẩm lai, gõ
đỏ, mun.
Hồ sơ di tích quốc gia ghi rõ: “Đây là kiểu nhà xuyên
trính, một kiểu thức thời Nguyễn đã trở thành điển hình cho kiến trúc
dân dụng nhà ở của tầng lớp thượng lưu ở Nam bộ vào cuối thế kỷ 19 và
đầu thế kỷ 20. Nghệ thuật điêu khắc được áp dụng trong kiến trúc với
những tác phẩm chạm gỗ ở nhà trăm cột mang đậm phong cách Huế có pha lẫn
các yếu tố phương Nam thật sự là những tác phẩm vô giá thể hiện qua các
bao lam, khung trang trí “ô hộc”... Nhà trăm cột là một di sản quý đậm
tính dân tộc của kiến trúc lẫn điêu khắc”.
Đi khiếu nại, bị chỉ lòng vòng
Bà Trần Thị Ngỏ cho biết khu đất di tích quốc gia Nhà
trăm cột có hình chữ nhật, nằm biệt lập với các khu đất khác và được
hàng me bao bọc xung quanh. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Ngỏ
được cấp năm 1999 ghi rõ thửa đất thổ có nhà trăm cột là 822m2, còn đất xung quanh là 4.044m2, tổng cộng 4.866m2.
Tuy nhiên đầu năm 2010, một hộ dân giáp ranh ở phía tây khu di tích đã
đốn me, đào ao nuôi tôm lấn vào đất di tích, nên diện tích bị mất rất
nhiều.
Bà Ngỏ đã lên huyện Cần Đước khiếu nại, huyện có công
văn hướng dẫn liên hệ Phòng tài nguyên - môi trường. Gặp trưởng Phòng
tài nguyên - môi trường thì được trả lời do di tích và hộ dân giáp ranh
không có cột mốc ranh nên không đo đạc được.
Vụ việc được khiếu nại lên tỉnh. Sau khi đi kiểm tra
thực tế cùng với chính quyền địa phương, Sở Văn hóa - thể thao và du
lịch Long An đã kết luận: “Qua khảo sát thực tế, đoàn nhận thấy việc đào
ao làm cho đường ranh giới trên không thẳng và diện tích lõm vào là 2m
chiều ngang và 10m chiều dài ở cạnh phía tây của khu đất di tích Nhà
trăm cột”.
Sở đã đề nghị UBND xã Long Hựu Đông đo và xác định việc
đào đất như nêu trên có xâm phạm vào khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích
Nhà trăm cột hay không và giải quyết thỏa đáng nhằm bảo vệ di tích này.
Ngày 29-1, xã Long Hựu Đông tổ chức buổi hòa giải tranh
chấp ranh đất giữa bà Trần Thị Ngỏ và bà Nguyễn Thị Sấm (hộ giáp ranh),
nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận. Hội đồng hòa giải xã Long Hựu
Đông kết luận khu di tích lịch sử quốc gia Nhà trăm cột đã được công
nhận nhưng quyền sử dụng đất đã cấp cho cá nhân bà Trần Thị Ngỏ, cho nên
vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết.
Bà Ngỏ tiếp tục khiếu nại lên UBND huyện Cần Đước, UBND
huyện hướng dẫn bà liên hệ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện để
đăng ký đo đạc theo quy định. Bà đã làm thủ tục đăng ký đo đạc nhưng
đến nay hơn bốn tháng vẫn chưa nhận được trả lời từ các cơ quan chức
năng cấp huyện.
822m2 đất bị “biến mất”
Trước đó, khi được phong di tích, khu nhà này đã bị “biến mất” 822m2 đất. Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nêu trên thì diện tích cả nhà trăm cột và đất bao quanh là 4.866m2.
Tuy nhiên trong biên bản quy định khu vực khoanh vùng
bảo vệ di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà trăm cột do Sở Văn hóa - thể
thao và du lịch lập năm 1997 thì diện tích chỉ có... 4.044m2! Chỉ đến tháng 9-2010, khi kiểm tra lại giấy tờ để đi khiếu nại việc di tích bị xâm lấn thì bà Ngỏ mới phát hiện điều này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Văn Quang
Hùng, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường huyện Cần Đước, thừa nhận khi
đo đạc lại thì thấy phần đất khuôn viên của khu bảo vệ di tích ít hơn
diện tích đất đã đo đạc và ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Di tích cấp quốc gia là công trình được bảo vệ nghiêm
ngặt. Thế nhưng khi nhà trăm cột bị lấn đất, không ai nhiệt tình đứng ra
giải quyết vì cho rằng chủ nhân di tích là cá nhân. Ông Hùng cho rằng:
“Hai bên đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên huyện xác định giải
quyết vụ việc này thuộc thẩm quyền của TAND huyện Cần Đước”, và để bảo
vệ di tích quốc gia này, cá nhân bà Ngỏ sẽ phải tự viết đơn kiện, thu
thập chứng cứ, hồ sơ để kiện ra tòa. Như vậy, tiếng thơm có di tích cấp
quốc gia Nhà trăm cột thì tỉnh hưởng, còn việc bảo vệ di tích thì cá
nhân bà Ngỏ phải cáng đáng một mình!
Mất đất do trừ nhầm
Ông Phạm Văn Trấn, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du
lịch tỉnh Long An, cho biết trong quá trình lập biên bản quy định khu
vực khoanh vùng bảo vệ di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà trăm cột, những
người thực hiện trừ lộn hai lần diện tích 822m2 nên làm mất đi 822m2. Họ cũng phát hiện sai nhưng giấu luôn.
Hiện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã làm văn bản
trả lời cho chủ di tích là diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích cũng là
diện tích thể hiện trên giấy quyền sử dụng đất (4.866m2).
Hiện thanh tra đã xác minh và đang cùng với xã làm lại biên bản để gửi
UBND tỉnh và trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để chỉnh sửa.
|
NGỌC HẬU
No comments:
Post a Comment