- Nước lũ ngập tận nóc nhà, cuốn đi hầu hết đồ đạc, tài sản... Hầu hết các hộ dân đều che lều bạt, sống tạm bợ và bất lực ngồi nhìn lúa cùng tài sản chìm trong dòng nước mênh mông trắng xóa...Sau khi sự cố một đoạn đê dài hơn 30m trên kênh 10 thuộc xã Vĩnh Châu - thị xã Châu Đốc, An Giang bị nước lũ đánh sập vào khoảng 8h30 ngày hôm qua (14/10), hiện nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ diện tích 250ha lúa vụ 3 của vùng này. Ngoài ra, vì đây là đoạn kênh nằm trong vùng đê khép kín phục vụ chương trình sản xuất lúa vụ 3 của tỉnh, nên hiện còn trên 2.200ha lúa đang từ 30 – 40 ngày tuổi cũng mấp mé chìm trong nước.
Theo nhiều người dân sinh sống tại khu vực này và mục sở thị của PV, hiện nay dòng nước lũ đã ngập trắng xóa ruộng lúa. Mực nước mà nhiều người ở đây dùng thước gỗ đo được, hầu hết các nơi đều đã vượt trên 1-1,2m. Trong khi hầu hết diện tích lúa trong vùng thiệt hại chỉ được trên 40 ngày tuổi, ngọn chưa vượt được 80cm.
"Tôi làm vụ 3 năm nay là lần đầu tiên, vì có đê bao khép kín và chương trình vận động của ngành nông nghiệp. Tưởng đã ăn chắc khi lúa được hơn 40 ngày tuổi, nhưng không ngờ chiếc kobe múc tới, múc lui gia cố đê bao mấy chục lần mà chẳng ăn thua gì với lũ!" – lão nông Võ Văn Liệt (ngụ TX.Tân Châu) tâm sự.
|
Lão nông Võ Văn Liệt trong căn lều tạm bợ |
|
Ông Liệt lặn xuống nước lũ cao gần 1,2m để nhổ lúa |
Ông Liệt là người thuê được 3,7ha đất ở xã Vĩnh Châu, với giá mỗi công là 1 triệu đồng/vụ, tổng chi phí sản xuất vụ 3 của gia đình ông đến thời điểm này là trên 70 triệu đồng. Giờ coi như mất trắng.
"Bây giờ nước lũ đã làm ngập nhà, ngập lúa của tôi hết rồi. Đã nghèo còn gặp cái eo. Thiệt giờ tôi không biết làm sao nữa!".
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của lão nông này cũng như hàng ngàn người dân khác trong vùng chính là nước lũ ngập quá nhanh, gần như không hộ nào kịp trở tay, phòng chống.
"Gia đình tôi giờ thậm chí không còn chỗ ở, đành che liều tạm trên bờ đê chờ nước rút. Hy vọng Nhà nước có sự hỗ trợ kịp thời cho gia đình tôi cũng như các hộ dân nghèo trong vùng sớm vượt qua cơn khốn khó này!" – ông Liệt buồn bã nói.
Không chỉ riêng gia đình ông Liệt, đời sống nhiều hộ dân sinh sống tại tiểu vùng đê bao vỡ này đang bị đảo lộn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo PCLB, hiện trong tuyến đê bao này có trên 500 hộ dân đang sinh sống và hiện hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Hầu hết nhà cửa đã bị ngập sâu, nhiều hộ nước lũ ngập tận nóc nhà, cuốn đi hầu hết đồ đạc, tài sản... Vật lộn hàng giờ trong nước, các gia đình phải vận chuyển trâu bò, gia cầm và vật dụng thiết yếu còn lại lên tuyến đê bao vùng cao hơn (chủ yếu là khu vực ven kênh Tha La cách đó gần 3km). Hầu hết các hộ dân đều che lều bạt, sống tạm bợ và bất lực ngồi nhìn lúa và tài sản của mình chìm trong dòng nước mênh mông trắng xóa... Rất may cho đến lúc này không có thiệt hại nào về người.
|
Các chiến sĩ gấp rút cứu đê bao xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc |
Ông Trần Văn Trơ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu (TX.Châu Đốc) cho biết, tính đến chiều hôm nay (15/10), Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh An Giang và địa phương đã huy động trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ Công an, quân sự, ĐVTN và nhân dân địa phương tham gia cứu đê bao.
"Đến thời điểm này tuyến đê bao bị đánh sập đã cơ bản ngăn "vá" xong và hiện ước tính chúng tôi đã ngăn được trên 97% lượng nước lũ tràn vào. Ngay sau khi đóng cọc tràm và đổ bao cát xong, trong chiều tối nay chúng tôi sẽ huy động trên 10 máy bơm điện và máy bơm dầu để nhanh chóng rút nước ra, chống úng kịp thời cho bà con nông dân an tâm…" – ông Trơ khẳng định.
Ngay sau sự cố vỡ đê, Ban chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh và chính quyền đoàn thể thị xã Châu Đốc đã tích cực triển khai các phương án đắp đê, ngăn lũ. Một lực lượng lớn cán bộ chiến sĩ cũng liên tục tuần tra trong tất cả các các tiểu vùng khác, để tránh nguy cơ xấu ảnh hưởng tổng diện tích 2.250ha lúa vụ 3 của địa phương. Tại mỗi tiểu vùng, xung quanh các tuyến đê đều thành lập 4 trạm cứu hộ, cứu nạn để tuần tra theo để kịp thời phát hiện những nơi xung yếu và gia cố, đắp đất kịp thời tránh xảy ra trường hợp vỡ để lập lại khi triều cường lên cao…
"Nếu không có gì thay đổi thì trong 2 ngày tới nước lũ vùng này sẽ được cơ bản bơm rút ra để người dân tiếp tục canh tác" – ông Trần Hồng Vân – Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Liệt: "Lúa đã trên 40 ngày tuổi ( tức ở giai đoạn làm đồng – trổ bông ) mà nước lũ ngập vào 1 hoặc 2 ngày thì khó có khả năng cứu kịp, lúa đang trổ nên sẽ bị hư cổ bông liền".
Một số hình ảnh tại điểm đê vỡ thuộc xã Vĩnh Châu - thị xã Châu Đốc, An Giang:
|
Tuyến đê bao bị đánh sập đã cơ bản được "vá" xong |
|
Các gia súc, gia cầm và vật dụng gia đình đều chuyển lên đê bao. |
|
Nhà bà con bị ngập |
|
Che liều tạm trên tuyến đê ở khu vực ven kênh Tha La |
|
Ngôi nhà bị ngập nước lũ của ông Võ Văn Liệt |
|
Tranh thủ đánh bắt thủy sản |
|
Toàn cảnh cánh đồng 250ha lúa vụ 3 của xã Vĩnh Châu – thị xã Châu Đốc đang bị nhấn chìm trong biển nước |
|
Một chiếc Kobe cứu hộ cũng đang chìm trong nước, hiện chưa trục vớt lên được (nơi có cây cọc ) |
An An – Bửu Minh
No comments:
Post a Comment