"Vì chúng ta chưa tăng được tần suất, chưa tăng thêm mật độ xe, hạ tầng chưa đáp ứng được, xe cá nhân rất nhiều", Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh trao đổi với VnExpress sáng 10/10. |
*Clip: Chen lấn, móc túi trên các tuyến xe buýt |
- Ông nhìn nhận thế nào về những phàn nàn của người dân rằng xe buýt bỏ bến, quá tải và tài xế thiếu lịch sự?
- Công tác quản lý, vận hành xe buýt được Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị đã có nhiều cố gắng, song người dân vẫn phàn nàn về phương tiện này. Nhiều nhất là ý kiến xe buýt nhồi nhét khách trong giờ cao điểm, chậm giờ và thái độ phục vụ của lái xe thiếu văn minh.
Những phàn nàn này đều do tác động khách quan, như vào giờ cao điểm đông người đi, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng vậy. Vì thế nếu đi vào giờ cao điểm sẽ phải chấp nhận cảnh nhồi nhét vì chúng ta chưa tăng được tần suất, chưa tăng thêm mật độ xe do hạ tầng chưa đáp ứng được, xe cá nhân rất nhiều.
Về việc xe buýt chạy chậm giờ, bức xúc này không chỉ từ phía người dân mà ngay đơn vị quản lý. Hạ tầng không kịp phát triển theo nền kinh tế, nhu cầu đi lại tăng nhanh, người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều nên xe buýt không có đường mà đi, không thể đi nhanh được và bị chậm giờ.
Thứ ba là thái độ của nhân viên trên xe thiếu văn minh. Tôi cho rằng, những người điều khiển xe buýt cũng bức xúc khi phải chen chúc trong đám đông, đường sá ùn tắc. Tuy nhiên là ngành dịch vụ thì phải có thái độ hòa nhã với hành khách. Tôi được biết, Tổng công ty vận tải Hà Nội hàng năm đã xử lý hàng trăm người vi phạm các quy định.
Xe buýt Hà Nội giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Trước đề xuất giảm phương tiện cá nhân, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có kế hoạch tăng xe buýt thế nào để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân?
- Giảm phương tiện cá nhân trên đường phải song song với tăng phương tiện công cộng, chứ không thể giảm xe cá nhân rồi mới tăng phương tiện công cộng. Sở Giao thông Vận tải sẽ có kế hoạch tăng xe, rồi tiến tới giảm xe cá nhân vào từng thời điểm, tuyến đường, chứ không phải là cấm xe cá nhân rồi mới tăng xe buýt.
Hiện Hà Nội có khoảng 1.400 xe buýt. Năm 2010, công suất vận chuyển hơn 400 triệu lượt khách.
- Sắp tới Hà Nội sẽ phân làn trên tất cả tuyến phố, với những tuyến mặt cắt nhỏ, xe buýt sẽ lưu thông thế nào?
- Chúng tôi vừa họp bàn xây dựng phương án xe buýt đi trên các tuyến phân làn, phải đảm bảo cho người dân lên xuống thuận tiện và an toàn, không được gây ùn tắc.
Theo tính toán, xe buýt càng to thì chở được càng nhiều khách. Với những tuyến có mặt cắt đường nhỏ thì phải dùng xe nhỏ. Chúng tôi đã từng bước thay xe buýt nhỏ trên các tuyến đường nhỏ để giảm ùn tắc.
- Ông đã bao nhiêu lần đi xe buýt vào giờ cao điểm?
- Tôi đã đi xe buýt 5-6 lần vào giờ cao điểm. Có lần tôi nghe phản ảnh tuyến 58 và 59 phía Đông Anh vào buổi sáng rất đông, hành khách không lên được xe. Tôi đã dậy sớm và lên xe buýt, quả thật tôi thấy người dân đi lại như vậy rất vất vả, phải đi từ 5h30-6h, song không được vì thiếu xe. Tôi đã đề xuất tăng chuyến của tuyến này.
- Bộ trưởng Giao thông Vận tải vừa có ý định vi hành xe buýt vào giờ cao điểm, ông nghĩ sao về ý định này?
- Tôi cho rằng đây là chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng để nâng cao chất lượng xe buýt. Tôi rất mong muốn Bộ trưởng sẽ có nhiều thực tế, từ đó có các quyết sách phù hợp để chúng tôi thực hiện tốt hơn.
Đoàn Loan thực hiện
No comments:
Post a Comment